Tu trong tình yêu

Ai cũng nghĩ rằng, đạo Phật thường ra chủ trương cấm yêu đương, xem đây là điều gì đó rất kỳ quặc, lạ lùng. Chưa có bài Pháp nào Đức Phật cấm người Phật tử tại gia không được yêu. Thay vào đó Người còn dạy vợ chồng, những lứa đôi cách yêu thương, chung sống nhau một cách chung thủy, hòa hợp. Vì vậy yêu tử tế chính là tu.


1. Đạo Phật không cấm chuyện yêu đường

Chúng ta đều sinh ra trong cõi Dục nghĩa là nghiệp ái dục rất nặng. Do đó, Phật tử dù đã phát nguyện nương tựa Tam bảo thì vẫn là con người với những bản năng, tập khí từ lâu đời lâu kiếp. Với một người bình thường, đoạn dục quả là chuyện… rất khó.

Ái dục là yếu tố quan trọng đưa đến luân hồi sanh tử trong cõi Dục này. Cho nên đừng ngạc nhiên khi người con Phật tại gia tu thì tu mà vẫn cứ yêu, cứ ham muốn đời thường. Điều quan trọng là yêu thương nhau như thế nào? Làm sao để họ xây dựng tình yêu và tạo dựng hôn nhân hạnh phúc theo tinh thần Chánh pháp?

Để xây dựng tình yêu bền vững, Đức Phật đã dạy rằng hãy sống theo năm nguyên tắc đạo đức, đặc biệt là giới tà dâm, nghĩa là không ngoại tình, lén lút quan hệ với người thứ ba để người yêu mình đau khổ. Ngoài ra, trong kinh Bảy Loại Vợ, Đức Phật cũngđã trang bị hành trang cho những lứa đôi yêu nhau bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân bằng những nghĩa vụ và trách nhiệm cần phải có.

2. Đừng kỳ thị chuyện yêu đương của giới trẻ

Nên khi chúng ta càng kỳ thị tình yêu của giới trẻ, thì họ càng rời xa mái chùa, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ không mặn mà với các sinh hoạt Phật giáo. Cho nên thử nhìn sẽ thấy đa số chùa chỉ có những bậc cao niên lui tới, nhiều hơn là người trẻ. Bởi lẽ lớp trẻ mới bước chân vô cổng chùa đã bị nghe người lớn cấm đủ thứ, có em hoảng hồn trốn biệt, tìm những môi trường khác sinh hoạt, để được “tự do”, nhất là tự do yêu đương.

Khi tự do, ai quản lý các em? Bản tính con người khi càng cấm là càng làm cho bằng được. Có khi “ăn cơm trước kẻng”, có khi yêu nhầm người xấu, hoặc người có thành kiến với đạo Phật, thậm chí yêu cả người của tôn giáo khác. Giật mình vì một ngày nào đó chúng “mất cả chì lẫn chài”, bởi ái tình và hôn nhân đã ràng buộc người Phật tử sơ cơ, khiến họ bỏ đạo, hoặc cải đạo, hoặc lơ là với đạo. Không trách họ được, vì họ còn non nớt mà ta đã đẩy họ ra khỏi môi trường Phật giáo, họ thiếu một cộng đồng hỗ trợ, để rồi tự bơi giữa dòng đời nhộn nhạo, và bị sóng đời cuốn mất tăm.

3. Yêu tử tế chính là tu

Người tại gia chỉ giữ 5 giới, trong đó giới dâm không cấm, mà chỉ cấm “tà dâm”. Thật sự trong kinh Phật cũng có nhiều đoạn dạy Phật tử về tình yêu thương và bổn phận vợ chồng, như kinh Thiện sanh, kinh Bảy loại vợ…, chứ Phật nào có cấm hẳn chuyện yêu đương, hôn nhân. Hãy nhìn tình yêu lớp trẻ bằng con mắt tự nhiên, thiện cảm, có như thế chúng ta mới trở thành bạn của các em, và hướng dẫn các em đi vào con đường đúng đắn.

– Một ngôi chùa ở quận 8, vị thầy trụ trì trẻ ý kiến rằng: “Phật tử của mình yêu nhau càng mừng. Vì cùng hiểu đạo thì sau này sống với nhau dễ dàng hơn, khỏi ai bắt ai xa lìa chuyện tu học”.

– Hai Phật tử thuần hành ở thiền viện Thường Chiếu, trong cơ duyên phụng sự ở chùa đã gặp và lấy nhau, sinh con đẻ cái. Ăn chay hay làm từ thiện đều nhất trí cùng làm, đi làm công quả cũng nhất trí cùng đi, rồi khi con cái trưởng thành, cả hai ông bà cũng nhất trí cạo tóc lên chùa xuất gia một lượt. Ông ở chùa Tăng, bà ở chùa Ni, sớm hôm lo việc đạo. Xem ra, dù cái nghiệp thế gian ông bà vẫn phải trả, nhưng yêu như vậy cũng là một tình yêu lớn, bởi họ cùng nhìn nhau về một hướng, đó là hướng Phật, hướng về lý tưởng tu học.

Yêu không có gì là xấu, đừng quá khắc khe trong chuyện này và áp đặt nó là một giới luật hà khắc của đạo Phật. Yêu để cùng chăm sóc, giúp đỡ nhau trên đường đời. Yêu để cùng tay nắm tay nhau phụng sự cho đạo, hướng về việc thiện, để làm người bạn đồng hành trong kiếp sống này thì có gì sai và đáng chỉ trích đâu nhỉ? Đó là điều tốt đẹp hơn rất nhiều so với việc yêu luông tuồng, yêu vội, yêu mù quáng để rồi tạo nên những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội. Yêu trong đạo Phật đó là tình yêu theo Chánh pháp, tình yêu có đạo đức.

Điều cấm duy nhất là chữ “tà”. Nghĩa là yêu không chân thành, chỉ lợi dụng nhau. Hoặc yêu cùng lúc nhiều người, bắt cá hai, ba tay. Hoặc xâm phạm tiết hạnh, hoặc tặng quà cáp xa xỉ vượt quá khả năng tài chánh của sinh viên còn nhờ cơm cha áo mẹ. Hoặc rủ rê người yêu làm chuyện xấu, chuyện phi pháp, như trốn học, đánh bài, đua xe, lừa bạn, uống rượu, thuốc lắc v.v…

Yêu trong ánh sáng Chánh pháp là ngược lại với những điều đó. Yêu đúng là cùng rủ nhau đi chùa, ăn chay, học Phật, từ bỏ cái xấu, hiếu kính cha mẹ đôi bên.

Yêu còn là nỗ lực học tập cho xứng đáng lòng kỳ vọng của cha mẹ, để sau này tự lập nuôi sống bản thân và nuôi cả gia đình, phụng dưỡng song thân.

Yêu còn là nhẫn nại, kiên trì giải quyết mâu thuẫn, xích mích giữa hai cá thể lạ tính lạ nết, để ngày càng sống hòa hợp, thích nghi lẫn nhau. Chữ Ái muôn đời vốn là đòi hỏi, muốn được nhận, được cho, chiều chuộng cái bản ngã của mình.

Nhưng đã yêu trong tinh thần Chánh pháp thì phải biết cho, biết hy sinh, biết “vô ngã” một chút.

Và ta hành Bồ-tát hạnh với ai xa xôi, thử làm Bồ-tát với người yêu của mình xem sao. Có khi người yêu lỡ mắc tật xấu, ta cũng thử khuyên can, giúp đỡ cho người ấy hồi đầu.

Trong Ái còn phải có Từ bi, thì tình yêu mới bền vững. Chữ Ái thì dắt đi trong sanh tử luân hồi, nhưng có thêm Từ bi thì đưa ta về gần với Phật.

Tóm lại, người Phật tử tại gia, nhất là các bạn trẻ, trái tim còn đập rộn ràng, xin đừng bắt nó ngưng lại. Cứ trìu mến với tình yêu của chúng, và dắt tay chúng cùng đi trên đường Chánh pháp, thì đạo sẽ hòa với đời, làm đời thăng hoa, hạnh phúc. Một gia đình ấm cúng cùng tinh tấn tu học, sống trong tinh thần Chánh pháp, chẳng phải là Tịnh độ thế gian hay sao? Tạo được hạnh phúc chân chính ngay trong hiện tại, yêu tử tế chính là tu!
Bài viết: "Tu trong tình yêu"
Diệu Kim - Vườn hoa Phật giáo