Bí quyết dành cho các ông bố, bà mẹ: 15 cách nuôi dạy con thông minh

Sau đây là 15 cách để nuôi dạy con thông minh. Hãy làm cho con bạn cảm thấy thú vị, không hề cảm thấy mệt nhọc, khi bạn dạy chúng.


Có ông bố, bà mẹ nào lại không muốn con mình thông minh? Và 'thông minh', không chỉ là có chỉ số IQ cao (Intelligence Quotient). Sự thông minh là tính cách và tư duy của một người. Thông minh nghĩa là có khả năng tạo ra kết quả tích cực nhất với hành động độc lập và hợp lý. Sự thông minh có mặt ở tất cả các lãnh vực – trí tuệ, logic, ngôn ngữ học, xã hội, không gian, âm nhạc hoặc về con người. Và trong thế giới hiện đại, con người ta cũng cần phải thông minh về mặt tài chính nữa.

Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt. Mỗi đứa trẻ đều có một tiềm năng. Nếu chỉ cố gắng tập trung để nâng cao chỉ số IQ của trẻ em sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Khi bạn muốn nuôi dạy con thông minh, hãy giáo dục chúng biết chấp nhận, lòng từ bi, sáng tạo và sự ham hiểu biết. Bậc làm cha mẹ nên cố gắng giúp con mình phát triển và sử dụng tối đa những tài năng và kỹ năng tiềm ẩn của chúng. Nuôi dạy con thông minh không chỉ là truyền đạt cho con thật nhiều kiến ​​thức, mà còn là hướng dẫn con sử dụng những gì chúng có. Một đứa trẻ thông minh sẽ biết cách ứng dụng kiến ​​thức của mình đúng thời điểm và đúng cách.

Sau đây là 15 cách để nuôi dạy con thông minh. Hãy làm cho con bạn cảm thấy thú vị, không hề cảm thấy mệt nhọc, khi bạn dạy chúng.

1. Lắng nghe và trò chuyện với con trẻ.

Giao tiếp giúp trẻ phát triển tốt kỹ năng ngôn ngữ.

2. Khen ngợi con của bạn.

Điểm cần chú ý ở đây là khen ngợi đúng cách. Đừng khen các khả năng bẩm sinh mà hãy khen ngợi các nỗ lực của chúng. Ví dụ:

· Khi con bạn nhận được điểm tốt, bạn có thể nói "con đã học hành rất chăm chỉ" thay vì nói "con rất thông minh."

· Khi con học nhạc, hãy khen khi con bạn hát được các nốt nhạc thay vì khen giọng của chúng hay.

· Thay vì nói "con là một họa sĩ tuyệt vời"; hãy nói "con đã sử dụng các màu sắc thật rực rỡ."

Nếu bạn khen ngợi các khả năng bẩm sinh của con, chúng sẽ có xu hướng nghi ngờ bản thân và gặp thất bại khi phải đối mặt với những thách thức. Chúng sẽ thích những công việc dễ dàng chỉ để giữ “danh tiếng” hơn là theo đuổi các nhiệm vụ đầy thử thách để tiến bộ và lớn lên. Biểu dương nỗ lực của con sẽ mang lại cho trẻ em một cảm thức về sự kiểm soát. Và cuối cùng, chúng sẽ nỗ lực hơn để đạt thành quả cao hơn.

3. Đọc sách cho trẻ em nghe để giúp chúng hình thành thói quen đọc sách.

Việc đọc sách cho trẻ nghe trong những năm đầu đời giúp hình thành lòng khao khát kiến thức. Nó cũng giúp trẻ em phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Bạn nên xây dựng một thư viện hoặc tủ sách nho nhỏ tại nhà và để sách trong tầm tay của trẻ. Hãy thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe. Đọc những câu chuyện trước khi đi ngủ là một cách tốt để hình thành thói quen yêu thích sách của trẻ.

4. Làm cho trẻ cảm thấy được yêu mến.

· Ôm lấy con, yêu thương chúng, nói chuyện và chơi với chúng sẽ giúp trẻ em phát triển não bộ. Trẻ em lớn lên trong sự ấm áp, nuôi nấng của gia đình sẽ có sức đề kháng tốt hơn với stress và các căn bệnh do stress gây ra.

· Khi trẻ thiếu sự quan tâm, chăm sóc đầy tình thương yêu và trách nhiệm một cách đầy đủ trong những tháng đầu đời có thể tạo ra tâm lý bất an, dễ dẫn đến trầm cảm và các chứng rối loạn tinh thần cho trẻ.

· Mối quan hệ cha mẹ-con cái không tốt hoặc không ổn định có thể dẫn đến việc trẻ dễ bị rối loạn hành vi và hay bị đau ốm.

· Trẻ em lớn lên trong các gia đình lạnh lùng, thiếu sự cảm thông và vô trách nhiệm sẽ gặp khó khăn trong việc biểu hiện cảm xúc và có năng lực giao tiếp xã hội kém.

5. Luôn trả lời những câu hỏi "tại sao, làm thế nào" của con trẻ.

Trẻ em rất tò mò. Chúng đặt câu hỏi ngay cả với những điều dường như 'ngớ ngẩn'. Đừng lờ đi những câu hỏi của trẻ vì không có câu hỏi nào là không quan trọng đối với chúng, vì chúng đang học hỏi những điều mới lạ. Bạn nên trả lời câu hỏi của con một cách tốt nhất, đơn giản và dễ hiểu nhất. Và nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói với con rằng bạn sẽ nghiên cứu và trả lời sau (và bạn nhớ giữ lời).

6. Cho con thời gian chơi tự do một cách phù hợp.

Đừng đặt cho con một chương trình quá nặng. Thay vào đó, hãy cho con có các hoạt động xen kẽ (ví dụ chơi, học, đọc sách, đá banh), chuyển trọng tâm thường xuyên. Cho con tham gia vào các hoạt động, các trò chơi mang tính không bắt buộc, không có cấu trúc áp đặt và mang tính tương tác. Những điều này giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, trí tuệ, ứng xử và kỹ năng xã hội.

7. Đưa trẻ đến những nơi mới lạ và có những trải nghiệm mới.

Đi du lịch đến nhiều nơi khác nhau. Việc dẫn con đi chơi công viên, tham quan viện bảo tàng, xem kịch, ra bãi biển, vv sẽ giúp con bạn có những kiến ​​thức thực tế.

8. Hãy cho con bạn một cơ hội để thể hiện.

Con bạn có thể làm nên điều kỳ diệu. Hãy tin tưởng vào khả năng của chúng. Chúng có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Hãy để chúng thử và nếu có sai lầm, hãy để chúng tự sửa. Cho trẻ em sự tự do có thể giúp chúng có những khám phá riêng và trở nên tốt hơn nhờ những việc như thế. Nó giúp hình thành tính sáng tạo và độc đáo.

9. Cho phép con bạn có những ngày hoạt động tự do.

Nếu chúng cảm thấy chán thì cũng không có vấn đề gì. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi đó giúp cho trẻ con phát triển nội tâm và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động với nỗ lực cao hơn và hiểu biết rõ ràng hơn.

10. Thói quen ăn uống của trẻ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bộ não và trí thông minh.

Những loại thực phẩm không lành mạnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của chúng. Những thực phẩm tốt góp phần nuôi dưỡng và giúp bộ não hoạt động tốt trong suốt cả ngày; giúp thúc đẩy sự phát triển tối ưu của các tế bào não, dây thần kinh và vỏ não; do đó, tăng cường sự tập trung, trí nhớ và trí thông minh. Thói quen ăn uống sai cách sẽ làm trí nhớ trở nên chậm chạp, thiếu tập trung, lờ đờ và buồn ngủ.

11. Cho trẻ tham gia các công việc bếp núc.

Hãy để trí tưởng tượng của con bạn phát triển tự do khi chúng khám phá các hương vị mới. Việc đọc to các công thức nấu ăn giúp làm giàu thêm ngôn ngữ cho trẻ. Cho trẻ em phụ làm bếp sẽ giúp chúng có thói quen ăn uống lành mạnh, giúp trẻ cảm thấy tự hài lòng và cũng là một trong những cách tốt nhất để khuyến khích sự độc lập. Giúp bạn làm bếp cũng giúp trẻ học được một số khái niệm toán học cơ bản như hình dạng, đo lường, vv. Sự kiên nhẫn, nỗ lực trong khi chuẩn bị bữa ăn và những lời khen ngợi nhận được sau đó sẽ lưu lại ở trẻ những ký ức tốt đẹp trong thời gian rất lâu; giúp phát triển kỹ năng cảm xúc của bé.

12. Việc ngủ một đêm ngon giấc rất quan trọng đối với trẻ em.

Giấc ngủ giúp cơ thể chúng ta tái tạo năng lượng. Nó có ảnh hưởng tích cực đến cảm xúc và trí nhớ của chúng ta.

13. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất.

Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ làm cho bé mạnh khỏe mà còn thúc đẩy sự tự tin và sự tự nhận thức về bản thân của bé; giúp con bạn ngủ ngon và cũng làm giảm nguy cơ trầm cảm. Tập thể dục giúp bé nhanh nhạy hơn trong suy nghĩ, học tập, trí nhớ, khả năng tưởng tượng và óc phán đoán.

14. Cho bé làm quen với âm nhạc và các loại nhạc cụ khác nhau.

Bạn nên cho trẻ học chơi ít nhất một loại nhạc cụ. Âm nhạc thúc đẩy sự học hỏi đa giác quan, ngôn ngữ, kỹ năng sáng tạo, cảm xúc và suy nghĩ. Âm nhạc cũng là một loại dược liệu tuyệt vời xóa tan mọi tâm trạng căng thẳng. Nó thúc đẩy trí nhớ khi trẻ em học và bắt chước hát theo. Bạn có nhớ lần đầu tiên đã học bảng chữ cái như thế nào không?

15. Hãy làm gương

Trẻ em noi gương bố mẹ bằng cách bắt chước các hành vi. Vì thế bạn hãy ăn uống lành mạnh và có các hoạt động thể chất. Bạn cũng nên có thói quen đọc sách và phát triển khả năng sáng tạo. Thường xuyên nghe nhạc hoặc chơi nhạc. Đi thăm các địa danh mới và gặp gỡ những người mới quen. Đó là lúc các ông bố có thể góp phần dạy dỗ con cái trong gia đình. Trong khi bà mẹ ảnh hưởng đến thái độ của trẻ em đối với vai trò giới tính (vd: con trai phải như thế nào, con gái phải như thế nào…), người cha có thể là một hình mẫu để con gái chọn lựa nghề nghiệp sau này. Theo một nghiên cứu, con gái lớn lên trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ cùng phân công làm việc nhà; sẽ có khuynh hướng ra ngoài làm việc thay vì ở nhà nội trợ và có một nghề nghiệp có tính chất ít rập khuôn.

Tài liệu tham khảo:

1. Smith J, Prior M. Tính cách và khả năng phục hồi căng thẳng ở trẻ em tuổi đi học: một nghiên cứu trong-gia đình. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry. 1995 Tháng Hai; 34 (2): 168-79. PubMed PMID: 7896650

2. Beatson J, Taryan S. khuynh hướng trầm cảm: vai trò của sự liên kết. Aust N Z J Psychiatry. 2003 Tháng tư; 37 (2): 219-25. Ôn tập. Bản đính chính: Aust N Z J Psychiatry. 2003 Tháng Tám; 37 (4): 503. PubMed PMID: 12.656.963.

3. McEwen BS. Những năm tháng đầu đời ảnh hưởng đến hành vi và sức khỏe cả đời. Ment Retard Dev Disabil Res Rev. 2003; 9 (3): 149-54. Ôn tập. PubMed PMID: 12.953.293.

4. Repetti RL, Taylor SE, Seeman TE. Rùi ro trong gia đình: văn hóa nề nếp trong gia đình ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con cái. Psychol Bull. 2002 Mar; 128 (2): 330-66. Review. PubMed PMID: 11.931.522.

5. O'Brien LM. gián đoạn giấc ngủ ở trẻ em và thanh thiếu niên ảnh hưởng đến nhận thức thần kinh. Child Adolesc Psychiatr Clin N Am. 2009 Tháng Mười, 18 (4): 813-23. doi: 10,1016 / j.chc.2009.04.008. Review. PubMed PMID: 19.836.689.

6. Li S, L Arguelles, Giang F, Chen W, Jin X, Yan C, Tian Y, Hồng X, Qian C, Zhang J, Wang X, Shen X. Giấc ngủ, kết quả học tập, và sự can thiệp của nhà trường đối với trẻ em trong độ tuổi: đến trường, loạt nghiên cứu về giấc ngủ ở Trung Quốc. PLoS One. 2013 10 Tháng 7, 8 (7): e67928. doi: 10,1371 / journal.pone.0067928. In 2013. PubMed PMID: 23.874.468; PubMed Central PMCID: PMC3707878.

7. Etnier J, Labban JD, Piepmeier A, Davis ME, Henning DA. Ảnh hưởng của việc tập thể dục đối với trí nhớ ở trẻ em lớp 6. Pediatr Exerc Sci. 2014 Tháng Tám; 26 (3): 250-8. doi: 10,1123 / pes.2013-0141. Epub 2014 Tháng Bảy 15. PubMed PMID: 25.050.827.

8. Benz S, Sellaro R, Hommel B, Colzato LS. Âm nhạc Làm cho Thế giới tồn tại và phát triển: Tác động của đào tạo âm nhạc đối với chức năng nhận thức-A Review. Front Psychol. 2016 ngày 07 tháng 1, 6: 2023. doi: 10,3389 / fpsyg.2015.02023. eCollection 2015. Review. PubMed PMID: 26779111; PubMed Central PMCID: PMC4703819.

9. Croft A, Schmader T, Lô K, Baron AS. Sự thay đổi thứ hai phản ánh trong các thế hệ thứ hai: liệu vai trò của cha mẹ trong gia đình có ảnh hưởng đến nguyện vọng của con cái? Psychol Sci. 2014 Tháng Bảy, 25 (7): 1418-1428. doi: 10,1177 / 0956797614533968. Epub 2014 Tháng Sáu 2. PubMed PMID: 24.890.499.

Bài viết: "Bí quyết dành cho các ông bố, bà mẹ: 15 cách nuôi dạy con thông minh"
Theo The Health Site
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
Dr Anitha Anchan -
Vườn hoa Phật giáo