Cân bằng công việc gia đình và chuyện phật sự tu tập?

Việc giải thoát không phải đợi đến thời gian tu xuất gia, mà ngay từ đầu người phật tử đã có lộ diện chủng tử tĩnh tu rồi. Trường hợp các hiện tượng tạp loạn xảy ra thì cố gắng tự giác kềm chế, nhập từ bi quán, hạn chế dần những tiếp xúc ngoại cảnh, không tiếp xúc khách trần đó gọi là tĩnh tu. Người tĩnh tu hay phát tâm làm các công đức phật sự đều được tán thán công đức.


HỎI: 

Con nghe quý thầy giảng phải nên cố gắng vừa tu hành vừa làm việc bố thí cúng dường để phước huệ được song tu. Do đó, các chùa xung quanh tổ chức khóa tu, các lễ cúng cầu an cầu siêu, cúng trai tăng, tổ chức từ thiện, phóng sinh, nấu cơm chay, phát quà con đều tham gia. Con cũng niệm Phật nhưng nếu chùa có tổ chức thiền con cũng tham gia. Thật sự con rất vui khi tham gia các hoạt động này. Nếu có băng giảng thuyết pháp con cũng lắng nghe để thực hành. 

Tuy nhiên, đôi khi con cảm thấy hơi quá tải và không biết sắp xếp thời gian thế nào để có thể thực hiện được mọi điều, chu toàn chuyện gia đình. Có người tán thán và cũng có thầy tán thán những hành động việc làm của phật tử như con. Tuy nhiên, có vị cũng khuyên là không nên quá lăn xăn lộn xộn như thế chỉ là tạp tu, không chuyên tâm được. Nhưng nếu chỉ chuyên tâm thì có nghĩa là ở nhà thôi và như vậy thì con không thể làm được các việc phật sự khác. Xin Sư cho con lời khuyên là con nên thực hiện phật sự cũng như tu hành như thế nào để có hiệu quả và vẫn có cơ hội được làm các công việc phật sự và chu toàn chuyện gia đình. Con xin cảm ơn Sư!

ĐÁP: 

I. Giáo lý Phật dạy có nhiều pháp môn tu, như thiền quán, quán thân bất tịnh, quán nhân duyên, quán thọ thị khổ, quán hơi thở, quán niệm.v.v... Mỗi pháp tu tùy nhân duyên mà người tu tiếp nhận và phát nguyện tu hành cho đến ngày viên mãn. Người xuất gia hay người phật tử phát tâm tu hành phải tìm minh sư, bổn sư có căn khí và phương tiện thiện xảo chỉ dạy thật sâu sát nên tu pháp nào cho phù hợp, tu môn nào thuận duyên trên bước đường tu chứng, hay phù hợp sinh họat đời sống thực tại hằng ngày để hành giả không phải bỏ cuộc giữa chừng, sinh loạn ý loanh quanh tìm chạy, vọng tu pháp này pháp nọ trở thành người tu tạp pháp.

Trong vô lượng pháp môn tu của Phật, nay đối với chúng sinh cõi ta bà của đức Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca có hai pháp làm cho phù hợp với con người dễ tu dễ chứng và giải thoát sinh tử luân hồi, đó là pháp tu thiền quán và pháp quán niệm.

1.Thiền quán

Thiền là yên lặng, quán là quán chiếu xem xét sự việc sự vật đó hư thật, tĩnh lặng hay ồn ào để điều phục lục căn không còn bị động lọan trước những môi trường thế gian. Hành giả tu thiền quán cố gắng sinh họat thân-khẩu-ý thật chuẩn mực, tham-sân-si đình chỉ, bình đẳng thanh tịnh, thân và tâm đồng bộ tĩnh giác trước những cám dỗ của chư tướng mộng huyễn, hư vọng, những hào hoa hư ngụy, danh vọng, tiến tài vật chất thế gian. Hành giả thiền luôn có chí hướng thượng tầm cầu những thế giới tĩnh lặng cao siêu, giải thoát những động lọan thường tình thế gian và sống trong thế giới Phật. Pháp tu thiền quán thường là dành cho các bậc thượng căn, tu hành lợi căn, nghiệp dứt tình không, thường tới lui thế giới thanh tĩnh, tham chiếu các pháp như mộng như huyễn, các pháp vốn không sinh không diệt, các pháp chỉ là tên gọi giả danh.

Xưa chư tăng đệ tử đức Phật sau khi được đức Phật thọ ký cho thành thiện lai tỳ kheo, các vị liền vào trong rừng sâu núi thẳm nhập định thiền quán, mới đầu các vị dùng đề mục quán đất, quán đất nắn thành hoa sen tập trung tư tưởng cho đến khi thuần thục thân-khẩu-ý, vọng bặt các ý niệm từ thô đến tế, vượt qua các lậu hoặc, thân trong ý tịnh, tỉnh thức trong giây phút hiện tại xa rời pháp huyễn thế gian. Có khi chư vị sa môn cũng được đức Phật dạy đến các nghĩa trang lộ thiên quán chiếu thây chết, thây sình thúi, thây rã rời từng mảnh, thây vòi tữa, thây chỉ còn những khúc xương khô... Rừ đó phát sinh nhàm chán thân nam thân nữ, giải thoát vọng niệm, chỉ còn đọng lại những tâm tưởng xa lìa tham-sân-si.

Trong sách Thiền Minh Sát Tuệ của Thiền sư Achaan Naeb do Tỳ kheo Thích Thiện Minh phiên dịch thì bản chất thật của thiền quán là trí tuệ. Ðối tượng thiền quán là pháp chân đế, tu tập Tứ niệm xứ thành tựu tuệ minh sát. Ðặc tính của thiền quán là trí tuệ, cho thấy rõ trạng thái thật của vạn vật đoạn trừ vô minh, kết quả của thiền quán là có chánh kiến; hiệu quả của thiền quán là định tâm trong một đề mục tứ niệm xứ làm cho trí tuệ phát sinh.

Lợi ích của thiền quán là đoạn trừ những phiền não. Không còn phiền não, không sinh tử sẽ xuất hiện, là Niết bàn tịch tĩnh. Thế giới Niết bàn không sinh và đây là con đường hạnh phúc của Phật giáo. Trong thiền quán, chúng ta sử dụng sáu căn và không cần đến các đối tượng đặc biệt. Ðơn thuần chỉ quán sát danh pháp và sắc pháp là vô thường, khổ và vô ngã. Tu tập chỉ quán là pháp tu thiện pháp còn hạn chế trong vòng sinh diệt; tu tập thiền quán là thiện pháp nhưng nó vượt khỏi luân hồi sinh tử; các pháp tu này do đức Phật khám phá và những ai có thực chất tu hành, hành pháp hằng ngày mới thấy hiệu quả. 

Cảm giác khi thiền định đạt được là người ta đạt đến một hạnh phúc thường còn với bản ngã, tức là chánh định hiện tiền. Cảm giác khi tuệ minh sát đạt được, đó là xuyên suốt thấu đáo những lẽ vô thường, khổ và vô ngã, có thể hình dung khác là người đi trong đêm đen mà lòng vẫn sáng.

2.Quán niệm

Theo kinh nghiệm học hỏi và chuyên tu thì quán niệm tức là dùng niệm tưởng này diệt niệm tưởng khác, dùng niệm tưởng này đình chỉ niệm tưởng khác, như dùng pháp lục niệm, niệm tưởng về đức Phật, niệm Chánh pháp, niệm tỉnh thức làm cho lục căn, niệm giới, niệm thì, niệm thiện giúp thân-khẩu-ý không còn động lọan trong thế gian, mà sống trong thế giới Phật. Dùng pháp niệm (cũng tức là quán chiếu, tầm tứ) danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, niệm Bồ Tát, niệm thế giới Phật, Bồ Tát làm đề mục giữ chánh niệm, đạt đến chánh niệm thuần thục (niệm) dẫn đến chánh định (thiền). 

Pháp quán niệm là pháp dễ tu dễ chứng, dành cho chúng sinh trong cõi ta bà những bậc lợi căn độn căn, thượng căn, trung căn và hạ căn đều có thể niệm tưởng Phật, không niệm tưởng những phàm tình, từ đó những thất tình lục dục, niệm chúng sinh không dấy sinh. Hành giả tinh chuyên thì hiện tại cũng như tương lai giữ được chánh niệm sẽ thấy Phật và thành Phật.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật dạy 16 pháp quán niệm, quán niệm y báo là chỗ ở thanh tịnh, tức là thế giới Cực Lạc. Quán niệm chánh báo là quán con người thanh tịnh, tức là đức Phật, quán đề mục nước, lửa, quán đề mục chư Bồ Tát và noi theo gương hạnh các ngài. Quán đề mục cửu phẩm liên hoa để kiểm soát quá trình tu chứng đến đâu, bậc nào, chánh niệm sống trong thế giới đó. Nhà vua Tần Bà Sa La, trị vì nước Ma Kiệt Đà thời Phật trụ thế, được đức Phật truyền đạt pháp tu niệm Phật, tưởng Phật. 

Niệm Phật là niệm sự thanh tịnh, sự thanh tịnh tức là Phật, tự an lạc thu hẹp những cách biệt vọng tưởng điên đảo bằng cách nương từ lực Phật, sống trong thế giới Phật, thân và tâm hòa mình hội nhập nơi thế giới khổ đau biến thành thế giới Phật. Cho đến khi Thái tử A Xà Thế soán ngôi nhà vua và nhốt nhà vua vào ngục thất, dùng nhiều sự hành hạ dành cho nhà vua. Lúc bấy giờ nhà vua tỉnh thức tưởng Phật, niệm Phật, hướng về thế giới Phật mà cảm thọ an lạc, siêu sinh Phật quốc (Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm Tự, trang 15-35, Dịch giả Liên Du Thích Thiền Tâm, 1970)

Quán niệm là pháp Phật ban
Mười sáu pháp quán ân cần chuốt trau
Thiền tịnh Phật pháp muôn màu
Chọn một pháp thuận duyên đồng cần chuyên


II. Tạp pháp, tạp tu, tĩnh tu

1.Tạp tu

Tạp pháp hay tạp tu cũng là phức tạp, việc phức tạp xảy ra hằng ngày đến với một người, hoặc tự thân hoặc tha nhân đem đến. Tạp tu là tu quá nhiều pháp, không chịu trạch pháp nào cho phù hợp trong quá trình tu chứng. Trong hai pháp môn tu được sơ lược giới thiệu trên, chư vị phật tử phát tâm tu theo pháp môn nào cũng được, miễn là khi tiếp nhận cần phải chuyên tâm trì chí, giữ gìn chí cả cho bền vững mà tu hành một pháp duy nhất thì cũng chứng đắc như người xưa tu chứng.

 Không nên nay tu pháp này (thiền) mai tu pháp nọ (tịnh), tìm pháp linh (mật) chay theo ảo ảnh, tôn vinh người này là Phật người kia là trời, giả danh làm người xuất thế. Xem ra thì người đó tu hành tinh tấn lắm, ngày ngày thường vào chùa tụng kinh bái sám, thấy ai làm việc gì cũng hưởng ứng làm theo. 

Thêm vào một bệnh khác nữa là nay chạy theo Thầy này, mai chạy theo Thầy nọ tìm chút hư danh, hạnh nguyện này làm chưa xong thì tiếp tục làm theo hạnh nguyện khác (gọi là Bồ Tát đa hạnh) khiến cho phước trí khô cạn... Đứng về gốc độ tu chứng thì gọi chung chung người đó là tu tạp pháp. Cho nên Luận Trí Độ nói: "Hạng phàm phu còn đủ mọi sự ràng buộc, dù có lòng đại bi, nhưng vội muốn sinh trong đời ác để cứu chúng hữu tình khổ não, đó là điều không hợp lý"... Ví như hai người, mỗi người đều có thân nhân bị nước lôi cuốn; một người tính gấp nhảy ngay xuống nước để cứu vớt, nhưng vì thiếu phương tiện nên cả hai đều bị đắm chìm. Một người sáng tĩnh hơn vội chạy đến lấy thuyền bơi ra cứu vớt, nên cả hai đều không bị nạn trầm nịch.

Làm phật tử phải tín tâm
Tu thiền, tu tịnh cũng là chân tu
Không nên tạp lọan quán mù
Mai sau khổ lụy tìm đâu bến bờ


2.Tính khí thế gian

Đối với người đệ tử Phật, rất dễ hiểu người đó có bị động loạn nhiều hay không, tha nhân sẽ biết ngay. Người đó đang bị cảnh đời chi phối làm cho tâm trí lăn xăn lộn xộn, hối hả lo liệu trăm bề, có khi đi vào thế giới lãng quên, không còn tập trung tư tưởng... Bên cạnh đêm nào cũng đến chùa tụng kinh niệm Phật, tất cả đều dồn vào tâm trí bực dọc bức bách rối bời như tơ vò, không nói tu tạp niệm cũng thành tạp niệm. Tâm trí người đó gần như không định hướng, đó là hệ quả của chúng sinh. Hiện tượng này đứng về gốc độ người tu nhìn người thế tục để nói mà thôi, thế gian và người thế gian thì chắc chắn bị đắm chìm trong đời ác trược lọan, đủ thứ mê tình tính khí thế gian. Đối với hạng người này khuyến nên giảm bớt việc đời, để dành tâm trí niệm Phật, công phu công quả thiền môn lập công bồi đức cho qua cơn bỉ cực.

3.Tĩnh tu

Người đệ tử của Phật phát huy phong cách người tu, giữ giới, lánh xa thế tục, xả bỏ những lợi danh phiền toái, không trìu mến những danh vọng tiền tài vật chất, có hạn chế những cuộc sống xa hoa, nơi phố phường lộng lẫy, không va chạm cuộc đời. Nhờ đó góp phần kiến tạo một thiền môn nghiêm tĩnh, tịnh lự tâm không, thanh thản giữa dòng đời nhưng đã thoát dòng tục lụy tự bao giờ. 

Việc giải thoát không phải đợi đến thời gian tu xuất gia, mà ngay từ đầu người phật tử đã có lộ diện chủng tử tĩnh tu rồi. Trường hợp các hiện tượng tạp loạn xảy ra thì cố gắng tự giác kềm chế, nhập từ bi quán, hạn chế dần những tiếp xúc ngoại cảnh, không tiếp xúc khách trần đó gọi là tĩnh tu. Người tĩnh tu hay phát tâm làm các công đức phật sự đều được tán thán công đức.

Tĩnh tu đức tính từ xưa
Thiền hay niệm Phật cho vừa ý thân
Công phu công quả nhiều lần
Đừng để cho mất tinh thần từ bi


III. Người phật tử siêng năng giữ giới, tu niệm tinh tấn, làm các công đức lành với xã hội, công phu công quả thiền môn thì được khen ngợi tán thán công đức hiện tiền tăng trưởng phước đức, tương lai phước báo dẫy đầy người người tôn trọng, khi thác sinh thiên. Trên bước đường tu nếu lỡ lầm có làm việc gì sai trái, có người cân nhắc giúp cho hồi tâm hướng thiện, thoát khỏi nạn khổ. Chỉ có điều cân nhắc quý phật tử không nên nay tu theo pháp này mai tu theo pháp khác, nay tu hạnh Thanh Văn, mai tu hạnh Bồ Tát trong khi mình còn ở giữa chốn phàm phu, sự tỉnh thức chưa cao, sự giác ngộ còn thiếu lực nên nếu chuyển pháp thì không thuyết phục chúng mê tình, nạn tai tới tấp, mọi người chê bai thế đó gọi là tu tạp pháp.

Quý phật tử tu đúng pháp ban đầu, giai đoạn công phu, giai đoạn sau cuối dù ở giữa chốn phàm phu vẫn phát nguyện tu một pháp, hành một pháp, tinh chuyên một pháp thì dù người đó còn ở thế gian, còn là phàm phu, sự tỉnh thức tuy chưa cao, chưa có sự giác ngộ nhiều, khi chuyển pháp chúng sinh trong khắp mười phương hỗ̉ trợ cho tai qua nạn khỏi, mọi người quý phục.

Đứng về gốc độ Bồ Tát đạo thì tạp tu và tĩnh tu đều là hạnh lành cứu giúp chúng sinh, nâng đỡ người yếu đuối, cứu vớt kẻ độn căn khiến cho họ dứt mê tình, sa chân vào hố thẳm. Tu theo hạnh Thanh Văn thì thiền định, tụng niệm dù cho khổ đau bao nhiêu cũng chí vóc vượt qua những lười biếng giải đãi. Tu theo hạnh Bồ Tát thì hy sinh cứu giúp chúng sinh là trên hết, dù có tán thân mất mạng đi vào chốn địa ngục, vào những chỗ hiểm nguy cũng phát nguyện hội nhập dòng đời mà hành đạo không hề nhàm trễ hay thối chuyển để đạt mục tiêu của chư Phật mười phương.

Tạp tu đối với người phàm phu thì nên tránh, giảm bớt những hư danh, những đường công danh lợi lộc theo thế gian, chỉ có Bồ Tát mới tự tại giữa dòng đời không tạp nhiễm những xú uế của thế gian. Tĩnh tu đối với người phàm phu thì nên gần gũi học hỏi giáo lý cực tắc, nhất quán cùng với pháp môn tu, đơn phương tiếp nhận pháp môn tu hành phù hợp với sở trường, đồng thời trung thành với pháp tu không thối chuyển đổi thay tâm ý.

Người tu Phật xem tất cả pháp thế gian, xuất thế gian đều là Phật pháp. Sự tĩnh tu, tạp tu hay chuyên tu cũng là hạnh lành của Phật truyền đăng cho môn đệ. Dùng pháp tĩnh tu làm bạn, tạp tu làm thầy, chuyên tu giáo hóa. Người phật tử nên chọn môi trường tu cho đúng để tiếp nhận và thực hành một cách đĩnh đạc trong thế giới Phật, giúp cho mau thành tựu đạo quả.

Như vậy, người phật tử gặp Phật pháp, tìm Thầy truyền trao cho pháp tu nào thì tu theo pháp môn đó dù cách xa Thầy ngàn dặm vẫn không thối chuyển, không phụ lòng Thầy Tổ cho đến khi viên mãn báo thân. Không nên nay tu pháp thiền, mai chạy theo tu tịnh, bữa nọ chạy theo tu tịnh, rồi lại nhảy qua tu thiền thế gọi là tạp tu. Riêng người phật tử phát tín tâm khi thực hiện các phật sự cúng dường vật chất, tịnh tài, công quả cho chùa nên chú ý tùy theo nhu cầu mà hộ niệm. Không nên làm quá tải làm mất công sức, tài sản và trí tuệ của mình, mọi người chê nhiều hơn khen, như vậy dù cho bạn có làm công đức bao nhiêu cũng không ai biết được!

Tĩnh tu đức tính từ xưa
Thiền hay niệm Phật cho vừa ý thân
Công phu công quả nhiều lần
Đừng để cho mất tinh thần từ bi.

Bài viết: "Cân bằng công việc gia đình và chuyện phật sự tu tập?"
Hòa thượng Thích Giác Quang/ Vườn hoa Phật giáo