Đạo Phật và những lợi ích tuyệt vời cho người trẻ

Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo? Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Dưới đây là những điều mà khi người trẻ đến với đạo Phật sẽ được giác ngộ.


Chân thật, từ bi

Đạo Phật là đạo như thật, người tu theo đạo Phật cần phải xa lìa những điều giả dối để trở về với sự thật. Phật cấm nói dối và dạy quán vô thường, bất tịnh, khổ... đều nhắm mục đích này.

Tuổi trẻ là ngây thơ chất phác, nghĩ sao nói vậy, nên ít biết dối trá xảo quyệt; nhưng đến lúc thành niên, để bắt chước theo thói xã giao, hoặc vì sự mưu sinh, người ta lần lần tập nhiễm những điều xảo trá và xa dần sự thật. Khi đi xa mà muốn quay về là nhọc nhằn hơn lúc ở gần; vì thế tuổi trẻ còn chất phác, nhiều thành thật, nên rất gần với đạo Phật.

Đạo Phật là đạo Từ bi, là đạo cứu khổ chúng sinh bằng mọi phương tiện và mọi hình thức. Người tu theo đạo Phật là hy sinh đời mình để mưu hạnh phúc cho chúng sinh, và mở tâm lượng bao la trùm tất cả mọi loài trong tình thương bình đẳng. 
Hơn nữa, tuổi thiếu niên là tuổi phóng tầm mắt nhìn khắp vũ trụ bao la và muốn ôm cả nhân loại vào lòng; nhưng đến khi đã cột mình trong bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ... thì chí cả ấy bị đóng khung trong gian nhà chật hẹp của gia đình, rồi dần dần nó bị tiêu ma như hạt sương tan theo dưới ánh nắng.

Người trẻ là có nhiều cảm xúc và ham muốn, cái lớn nhất có thể thấy là tham ái. Đối với họ, tình yêu là điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Họ dễ dàng yêu đời, yêu người, yêu cảnh. Họ còn trẻ, họ còn thời gian và vì thế mà họ thả lỏng mình chạy nhảy quanh những ham thích. Không biết mình muốn gì nhưng chính họ cũng không nhận ra điều đó, họ đau buồn với cái mình mất đi, họ hân hoan với cái mình có được.

Họ chấp vào cái cảm giác “được” và sợ cái cảm giác “mất”. Vì vậy, họ cố ra sức sở hữu càng nhiều cảm giác “ái” càng tốt, đối với con người và cả sự việc. Nhưng, đến một lúc, có tiếng nói nhỏ thôi từ trong sâu thẳm của họ sẽ cho thấy, họ đang không hạnh phúc. Càng “ái” thì tôi càng không hạnh phúc. Tất cả những cười nói kia chỉ là chốn đông người, nhưng khi về lại một mình, tôi vẫn cảm thấy cô đơn, trống rỗng. Lúc này đây, Phật giáo sẽ giúp họ.

Hạt giống tham ái cấu thành gồm 50% là tham, 50% là ái, chỉ cần chuyển hoá “ái” hơn 51% trở lên thì người trẻ có xu hướng và cơ hội thực tập tâm từ bi. Tỷ lệ tham càng thấp đi, tỷ lệ ái thuần khiết càng lớn lên, đó chính là cơ hội cho bi phát triển. Tâm từ bi, nói cho thật sâu thì vô cùng, nhưng nói đơn giản có nghĩa là biết yêu thương, cảm thông, có sự rung động của trái tim sâu sắc đối với mọi việc và con người. Thuyết vô thường trong đạo Phật có thể giúp người trẻ chuyển hóa được. Bởi khi thấm nhuần ý nghĩa rằng, mọi thứ trên đời đều không có gì là mãi mãi, tính tham của họ sẽ mất dần đi.

Tinh tấn

Phật quả là một quả vị vô thượng. Người muốn đạt được quả vị này phải trải lắm công phu nhọc nhằn khổ sở, với thời gian dài đằng đẵng, đâu phải tu một sớm một chiều mà chứng được, trừ những bậc Bồ-tát thị hiện.

Công trình tu tập như một khách bộ hành trèo núi cao vạn trượng; muốn đến được đỉnh, người bộ hành phải dẫm qua lắm đoạn đường chông gai, đá sỏi, vượt qua nhiều vách đá cheo leo và trải qua những đèo cao, hố thẳm, thật nỗ lực thật quyết tâm mới mong ngồi bóng mát trên đầu non chót vót và ngắm xem bức sơn thủy muôn màu ngàn sắc của trần gian. 

Phật giáo sẽ giúp người trẻ phân biệt giữa kiến thức thô mộc và kiến thức có trí tuệ qua khái niệm vô minh. Nếu tìm hiểu sâu về thuyết vô minh, người trẻ sẽ nhận ra rằng, có kiến thức giỏi không đồng nghĩ với trí tuệ sáng suốt. Có nhiều kiến thức, chấp trước vào những gì mình biết, kéo theo những hành động không mang lại lợi ích gì cho người khác, như vậy cũng đã là vô minh.

Vô minh có hai cách hiểu đơn giản, một là thiếu sáng suốt để nhìn vào bản chất của cuộc sống và hai là không nhìn thấy sự vật như nó là. Người trẻ, với kiến thức của mình, kết hợp thực tập giải thoát khỏi vô minh, thì họ sẽ có trí tuệ sáng để làm những việc có lợi cho chính bản thân, biết phân biệt đúng sai, biết đi con đường đúng đắn từ đó đóng góp hữu ích cho cộng đồng.

Như vậy việc tu học trong Phật giáo sẽ giúp các bạn trẻ học được sự tinh tấn, kiên nhẫn và cố gắng thực hiện những ước mơ hoài bão của bản thân. Từ đó họ sẽ sống một cuộc sống có ích hơn, ý nghĩa hơn. 

Dũng

Ai cũng từng là người trẻ và đều hiểu rằng đặc điểm nổi bật của người trẻ là tính hiếu thắng. Cũng vì hiếu thắng mà người trẻ bất chấp tất cả, đặt cái tôi to lớn của mình làm trung tâm trong mọi hành xử. Thời điểm đó, có thể bản thân họ cũng chưa nhận ra mình hiếu thắng. Họ chỉ biết rằng mình phải vượt lên, mình phải thành công, người khác phải công nhận mình, để rồi bất chấp những rủi ro, hiểm nguy, tổn thương xảy ra cho chính mình.

Thế nhưng, ở mặt khác, tính tích cực của những người có tính hiếu thắng là dám nghĩ, dám làm, dám bước về phía trước. Và đó cũng chính là đặc điểm của người dũng cảm. Vậy, làm thế nào để chuyển hóa từ hiếu thắng sang dũng cảm. Đó chính là bỏ cái tôi đi. Và đạo Phật với thuyết vô ngã cũng như nhiều câu chuyện, bài học, phương thức khác nhau sẽ giúp người trẻ bỏ bớt ngã mạn. Bởi một khi thấu hiểu rằng, cái tôi này chẳng thể tồn tại một mình, mà có sự liên kết của tất cả nhân duyên và nhiều con người xung quanh ta thì cái tôi mới có thể tồn tại. Như vậy, nếu vẫn cứ giữ tinh thần dám vượt lên phía trước nhưng biết gạt bỏ cái tôi, thì người trẻ sẽ có tinh thần dũng cảm.

Dĩ nhiên, học tập, chuyển hóa, thực hành trong Phật giáo để giác ngộ được các yếu tố trên không phải là việc một sớm một chiều. Có nhiều phương thức cho người trẻ chọn lựa như đọc sách, hành thiền, lắng nghe các bậc tiền bối giải thích, và quan trọng hơn hết là thực hành trong đời sống hàng ngày, từng việc nhỏ, từng phút giây. Khi biết kết hợp nhuần nhuyễn và linh động các giáo lý nhà Phật, người trẻ đang thật sự hướng đến một cuộc sống tinh tấn và an lành từ bên trong.

Bài viết: "Đạo Phật và những lợi ích tuyệt vời cho người trẻ"
Thanh Tâm (Tổng hợp)/ Vườn hoa Phật giáo