Lí giải nguyên nhân tại sao cần thờ cúng người mất

Một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam chính là bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình, vì nó thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nhưng dường như hiện nay, nét đẹp đó đang dần phai nhòa đi khi người ta không hiểu hết giá trị của việc thờ cúng ông bà tổ tiên quan trọng như thế nào. Bài chia sẻ Tại sao cần phải thờ cúng người mất? Sẽ bàn nhiều về vấn đề này.
 

1.Thờ cúng là gì?

Trước hết chúng ta tìm hiểu nghĩa hai từ “Thờ cúng”.

Thờ là dựng lên cái gì đó về mặt hình thức, về tín ngưỡng như lư hương, hình ảnh.

Cúng là dâng lên những thực phẩm, nước, trái cây, nhang, đèn,…mà cảm nhận đượcbằng các giác quan, để ngửi, để thưởng thức. Từ thờ cúng thường dành cho người mất.

Vậy thì một số người chỉ có thờ mà không có cúng, có một số người họ cúng nhưng không thờ như chúng ta cúng mâm cơm để cầu bình an. Còn thờ cúng cụ thể như thắp nhang lên bàn thờ Phật, mỗi tháng ngày 14 thay nước trái cây, trưng hoa hay cúng ông bà tổ tiên loại trái cây mà sinh tiền họ thích ăn,..

Những cách thờ cúng người mất

Việc thờ cúng người mất bắt đầu từ lúc có đám tang, sau đám tang là tuần thất, tiếp đến là đám giỗ. Trong đó đám giỗ là kéo dài nhất, thường là 5 đời đống giỗ: kể từ người đang là thời cúng kéo theo 4 đời sau nữa gọi là “Cao tằng tổ phụ”, phụ là ông nội của người đang cúng. Sau 5 đời tống giỗ trở thành tổ yên và chúng ta chỉ cúng vào dịp tết Nguyên Đán.

2. Văn hóa thờ cúng của người Việt Nam

Đối với người Việt Nam chúng ta thờ cúng rất đa dạng và phong phú: thờ Phật, thờ thánh thần, thờ anh hùng có công, thờ ông bà tổ tiên,…nên gọi dân tộc ta là đa tín ngưỡng. Trong đó việc thờ cúng những người đã mất rất quan trọng đối với người Việt Nam, bởi trong quan niệm họ xem cái chết là điều quan trọng và linh thiêng.

 Ngày xưa khi người thân qua đời, người ta thể hiện sự đau buồn hơn bây giờ. Còn hiện nay thậm chí đám tang còn rước đồng trống về đánh, rước đồng bóng về biểu diễn trong lễ tang. Mà trong truyền thống của người Việt Nam lễ tang là lễ kỵ, lễ khó, lễ buồn cho nên đội chiếc khăn tang trắng trên đầu thì biết là chúng ta đang đau buồn một người thân ra đi, thể hiện tình cảm, đạo lý của một con người. 

Cho nên thời xưa khi có tang người ta không được quyền ăn nhậu, vợ chồng không được ngủ chung, không được cưới gã vì nỗi buồn của người thân ra đi mà đi làm lễ hỉ, những hoạt động vui chơi là nghịch lý, trái đạo lý.

Nhưng bây giờ thì điều này nhạt nhòa đi. Nó nhạt nhòa vì nhiều vấn đề: do hội nhập nền văn hóa mới, truyền thống văn hóa phương Tây không quan trọng về đạo lý, họ không có mối quan hệ mẹ con như một đạo hiếu, thâm tình như người Việt Nam, vì vậy họ đơn giản hóa và khi chúng ta tiếp nhận dễ dẫn đến sự quên đi văn hóa, quên cội quên nguồn. Đây là điều đáng tiếc.

 Ngày xưa khi gia đình có người mất, một người làm quan cũng phải cáo quan 3 năm để về nhà chịu tang. Chúng ta nhớ đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, ông ra ngoài Huế thi nhưng mà nghe mẹ mất ông quay về liền, quên đi chuyện ứng thí rồi đau buồn mà khóc đến nỗi mù đôi mắt, mà ông có viết bài thơ:
 
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ

 
Đó là ông đang chỉ trích những người quên cội quên nguồn. Nên một người có một vai trò lớn trong xã hội, gia đình có đạo phong luôn làm tròn bổn phận đạo lý.

3. Vì sao thờ cúng người mất quan trọng?

Quan niệm “Dương sao âm vậy”

Sâu trong tiềm thức của người Việt Nam là quan điểm “Dương sao âm vậy” nghĩa là đời sống của người thế gian như thế nào thì người chết cũng như thế ấy. Vậy nên mới có hủ tục đốt giấy tiền vàng mã để cho người chết được hưởng mà sử dụng ở suối vàng. Đó là cách nghĩ của những người bình dân.

Và họ còn cho rằng sẽ tồn tại một thế giới bên kia dành cho người chết, mà thế giới đó na ná giống với thế giới của người sống. Bởi trong chiêm bao, hình ảnh quen thuộc của người thân: vẫn mặc bộ quần áo đó, đội nón đó, cầm cây gậy đó…với một khung cảnh quen thuộc cho nên chúng ta nghĩ sau khi chết người ta vẫn còn dáng dấp và hình ảnh đó.

Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, chiêm bao là ký ức của quá khứ chứ không phải thực tại vì họ có thể đã tái sinh và mang hình thái khác nên đâu phải họ mang hình dáng đó về thăm lại chúng ta!

Ở góc độ dân gian, chính vì quan điểm trên mà người xưa họ chuẩn bị rất kỹ về cái chết. Khi biết sức khỏe đã yếu và sống không được bao lâu nữa, họ xây trước kim tĩnh, xây trước nhà mồ hoặc có người để quan tài ngay trong nhà để dự phòng, để họ yên tâm rằng sau khi chết mình sẽ được mồ yên mã đẹp. Đây là phong tục tập quán của người Việt Nam.

Nhưng đối với người tu học Phật, chúng ta không nhất thiết phải chuẩn bị một cái gì cho xác thân này sau khi qua đời vì theo học thuyết của Phật giáo là vô ngã, nghĩa là không dính mắc vào sở hữu, sự vật và thậm chí cả bản thân này vì nó là vô thường, bản thân này là giả tạm. Học thuyết của Phật giáo hay lắm, nhưng nếu áp dụng cho người cư sĩ thì có thể làm cho người thân của họ phải đau lòng, phong tục tập quán người Việt khó chấp nhận lắm.

Theo tập tục của người xưa, sau khi chết họ sẽ chôn chứ không thiêu vì sợ nóng vì thân xác này không rã rời mà nó còn tồn tại ở trạng thái khác, nó vẫn còn tồn tại ở thế giới bên kia.

 Quan niệm “Sự tử như sự sanh, sự dong như sự tồn”

Đây là câu nói của Khổng Tử trong sách Trung Dung chương 19. Quan điểm này nghĩa là chăm sóc người sống như thế nào thì chăm sóc, thờ cúng cho người chết như thế ấy. Điều này cho thấy đạo đức, lễ nghĩa của người Việt Nam rất quan trọng nên người xưa có câu:
 
Lễ sớm hương hôm lòng hiếu kính.
Non cao bể rộng đức sanh thành.

 
Tức là nếu chúng ta là người có đạo đức lễ nghĩa, hiếu thảo thì phải chăm sóc mồ mã tổ tiên vì đó đạo lý của người Việt. Sự thừa tự hương quả cho người Việt rất quan trọng, cho nên người sắp chết mà họ không có con cái để lo hương quả thì họ buồn lắm vì sợ hiu quạnh, cô đơn. Đó trở thành một đạo lý khắc khe cho mỗi con người.

Thể hiện đạo lý tri ơn nhớ ơn

Cúng kiến để tỏ lòng báo ân tri ấn đối với những người tiền bói, những người cha, người mẹ, ông bà đã hi sinh, đã để lại gia nghiệp và hình hài vóc dáng này cho chúng ta. Và nếu chúng ta không có đạo lý này thì chúng ta chẳng phải là con người.

Nhưng có một số người Việt Nam hơi ngông, họ nói không cần thờ cúng gì cả thì đó không phải là công dân Việt Nam. Vì Việt Nam chúng ta là đất nước đa tín ngưỡng mà tối thiểu phải có lòng tin về việc thờ cúng ông bà. Thật ra truyền thống của người Việt Nam chúng ta không có tôn giáo, tôn giáo chỉ sinh sau một nền tín ngưỡng văn hóa dân tộc.

Đất nước chúng ta hằng nghìn nằm tồn tại tín ngưỡng chứ không tồn tại tôn giáo. Và tôn giáo chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 thời Nguyễn khi Thiên Chúa giáo từ phương Tây du nhập vào thì khi ấy chúng ta mới có khái niệm về tôn giáo.

Văn hóa là niềm tự hào dân tộc. Một dân tộc không còn văn hóa thì còn gì là một dân tộc, còn gì là độc lập chủ quyền về văn hóa? Chúng ta không còn gì để khác biệt, không còn gì để gọi là hồn thiêng sông núi cả.

Hiện nay, khi một số tư tưởng tôn giáo truyền vào Việt Nam phủ nhận việc thờ cúng người mất, cho rằng đó là thờ cúng ma quỷ thì đó là sự xúc phạm rất lớn đến dân tộc Việt Nam. Nó đang ngấm ngầm làm mất đi nét đẹp của dân tộc. Nhưng có những người rất khờ khi tiếp nhận niềm tín ngưỡng, tôn giáo mới mà không biết bảo vệ truyền thống văn hóa đạo đức của chúng ta.

Cho nên không có lý do gì để tiếp nhận một nguồn tư tưởng mới mà nó chà đạp, sỉ nhục lên truyền thống văn hóa của chúng ta như thế. Điều này nếu không khéo ngăn chặn chúng ta sẽ đầu độc những thế hệ tương lai, quên cội quên nguồn và dễ trở thành kẻ phản quốc. Vì sao?

Sở dĩ người ta yêu nước là vì còn quê hương, còn ông bà, tổ tiên, là còn có nơi quay về. Nên ông bà tổ tiên đã không thì không còn tình cảm gì với quê hương, đất nước cả và chúng ta rất dễ quay lưng lại với dân tộc.Cho nên quên thờ cúng ông bà là quên đi đạo lý, quên đi tình người, quên đi văn hóa.

Có người thắc mắc rằng người chết có cúng họ ăn được không mà làm điều đó?

Đây là câu mà người ngoại đạo hay hỏi với người đạo Phật hay người ngoài muốn hỏi về truyền thống đạo lý của người Việt Nam.

Đối với người Việt Nam, cúng người mất có ăn hay không không phải là chuyện quan trọng, nhưng quan trọng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây” của người Việt. Như vậy một con người thể hiện đạo lý là một con người còn đạo đức, còn đủ phẩm chất của một con người đáng quý, đáng tôn trọng. Và trong quan điểm của Phật giáo vẫn đề cập đến việc cúng kiến cho chúng sanh nào được thọ hưởng, cơ bản là chúng sanh trong ngạ quỷ.

4. Đạo đức xuống cấp khi quan điểm thờ cúng ông bà đang dần bị xem nhẹ

Nhưng mà một bộ phận nào đó xem nhẹ đạo lý này nên đạo đức của Việt Nam có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng trong thời gian qua. Trong các mối quan hệ, anh em ruộng có thể vì sào ruộng, vì m.ột miếng lúa, của cải cha mẹ để lại có thể đánh nhau, giết nhau, kiện nhau ra tòa. Người Việt Nam chúng ta sống trong gia đình phải có mối quan hệ “Chị ngã em nâng”, anh em huyết thống phải yêu thương, đùm bọc, đây là đạo lý truyền thống.

Nhưng bây giờ chúng ta vì tiền, chúng ta vì nhu cầu của bản thân mà quên đi anh em huyết thống. Người sống đang là mà không có nghĩa, không có tình, không còn yêu thương, chăm sóc, bảo vệ nhau được, còn quay lưng, có thể đẩy nhau vào tù thì nói chi đến việc thờ cúng người mất.

Và quan điểm của người Việt chúng ta chết không phải là kết thúc. Mà một số người lại có quan niệm “Chết là hết” có từ trường phái triết học phương Tây, điển hình là duy vật nên đã cho rằng: Vật chất có trước, ý thức có sau nên họ cho rằng sau khi chết không có sự tồn tại của linh hồn, của thần thức theo quan điểm Phật giáo hay theo quan niệm dân gian.

Cái đó không phù hợp với quan điểm truyền thống của người Việt Nam. Và nếu ai sống theo quan niệm chết là hết rất nguy hiểm. Nếu một người quan niệm chết là hết thì điều gì xảy ra? Trộm cướp, sống không tu phước, làm những điều hại người vì mưu cầu bản thân tạo nên một xã hội thật đáng sợ!

Cho nên trên nguyên tắc khi tiếp nhận một nền văn hóa mới, chúng ta phải biết sàng lọc xem nó có giá trị đạo đức truyền thống dân tộc hay không, chứ không phải chúng ta tiếp nhận cái gì mới cũng đúng.

5. Cần nên giáo dục đạo lý cho giới trẻ

Hiện nay một số giới trẻ sống theo lối ngông cuồng, bất hiếu với cha mẹ, ông bà, sự bất kính với thầy cô để thể hiện cái ta cho mình là hay ho. Điều này xảy ra một phần do lỗi của người đi trước đã thiếu đi trách nhiệm để giáo dục, dìu dắt thế hệ tương lai, chúng ta không phân tích cho con vào những ngày truyền thống gia đình. Đạo lý không giữ gìn thì còn đâu đạo đức của con người nữa? Mạnh ai nấy sống, không còn biết quan tâm đến ai.

 Chúng ta nghĩ đạo đức không tạo ra tiền nên mới có câu “Đạo đức là chín, tiền bạc là mười” là như vậy đó. Tuy đạo đức không tạo ra tiền nhưng nó giúp chúng ta sử dụng đồng tiền hơp lý, còn không có đạo đức thì đồng tiền sẽ làm suy giảm thể chất và tinh thần, và nếu không có đạo đức thì không bao giờ có hạnh phúc trên đồng tiền mà mình đang có.

Vì thế bổn phận của những người đi trước phải biết uốn nắn, dạy dỗ con cháu của mình ngoài đạo đức của gia đình, xã hồi còn phải áp dụng dạy dỗ về tội phước, lễ nghĩa theo Phật giáo để gieo cho nó hạt giống Phật mới có khả năng hướng nó phát triển thành một con người chuẩn mực trong xã hội, để nó xa lánh những thói hư tật xấu. Và nếu chúng ta không có trách nhiệm trong vấn đề này thì mai này đừng hối hận với thế hệ tương lai của chúng ta.
 
Dựa vào bài giảng: Tại sao cần phải thờ cúng người mất?
Thích Phước Tiến - Vườn hoa Phật giáo