Lỡ mai này mồ côi

Mẹ. Ngày còn nhỏ, mẹ đối với con là tất cả, thế giới của con chính là mẹ. Con cứ rúc đầu trong người mẹ, hổng có nơi nào ấm bằng lòng mẹ, hổng mùi nào thơm bằng mùi của mẹ. Sau này lớn đi xa rồi mới thấy, hễ khi nào vấp ngã, mùi của mẹ lại vực con đứng lên. Và cứ vậy, mùi của mẹ là hương liệu để kết nên sự trưởng thành.


Ngày còn nhỏ, đi đâu con cũng kè kè ở bên mẹ. Mẹ đi xa một chút, lại khóc lại la, sợ mẹ đi xa, sợ lạc mất mẹ. Lớn lên rồi, chính con lại là đứa xa mẹ, không còn phải sợ mẹ đi xa, chỉ sợ mình đi mãi, quên mất đường về nhà.

Ngày còn nhỏ, con biết chải tóc cho mẹ, biết khóc khi mẹ bệnh, biết ôm chặt mẹ và nói con thương mẹ nhất trên đời. Lớn lên rồi, tự nhiên thấy mẹ phiền, mẹ lắm chuyện, lo những thứ không đâu, bao nhiêu con tự mình lo được.

Ngày còn nhỏ, con thích được mẹ tắm bằng nước ấm, tắm xong chạy u vô phòng quấn lấy cái mền, thích ngồi học bài còn mẹ bơm mực cây bút máy, mùi mực thơm thơm theo con suốt mấy năm tiểu học. Lớn rồi lại thấy nhớ cái hơi nóng trong phòng tắm, thèm ngửi cái mùi mực ngày xưa còn thơm ngầy trong cặp.

Ngày còn nhỏ, hễ trời đến sẫm chiều, con ra ngồi ngoài cổng chờ mẹ đi làm về, thấy xa xa đầu ngõ dáng mẹ với chiếc nón tai bèo, con chạy lại quấn quít, hỏi mẹ có mua gì về không. Lớn lên rồi con cũng như mẹ ngày xưa đi đi về về, tất bật với guồng xoay của cuộc đời, cũng đã quên rằng ở nhà góc cửa mẹ cũng chờ con. Cái cửa nhà đã chứng kiến hai thế hệ đợi chờ như thế.

Ngày còn nhỏ, tối đi ngủ con hay kể mẹ nghe chuyện trường chuyện lớp, chuyện học hành bè bạn. Rồi mẹ dạy phải ứng xử này kia, con ngoan ngoãn lặp lại lời mẹ dạy. Lớn lên rồi, nhiều khi mẹ hỏi còn không muốn kể, chẳng phải khó khăn gì, chỉ là kể ra, sợ mẹ lại thêm một chút buồn.

Ngày còn nhỏ, con hư mẹ hay đánh đòn. Đánh xong mẹ lại khóc, con sợ nhất nước mắt của mẹ, không mặn nhiều, nhưng đủ xan xát trái tim con. Lớn lên rồi, con cũng hư nhưng cuộc đời thay mẹ mà đánh, tự nhiên thấy lạ, mẹ đánh để con lớn lên, còn cuộc đời vì con lớn lên mà đánh.

Ngày còn nhỏ, con từng hỗn với mẹ, rồi cũng thôi, vì lòng mẹ đủ rộng, chứa hết lỗi lầm con. Khi xa nhà, bôn ba rồi mới thấy, mẹ là mẹ, cũng là người duy nhất chịu được cái hỗn hào của con.

Ngày còn nhỏ, con hỏi mẹ một câu đến cả trăm lần, mẹ kiên nhẫn trả lời con hết trăm lần. Đến khi lớn, một câu hỏi của mẹ con chẳng muốn trả lời.

Ngày còn nhỏ, con khát, mẹ cho uống, con đói, mẹ cho ăn, con đi, mẹ xỏ dép, con ngủ, mẹ giăng mùng, con học, mẹ soạn vở… tất cả mọi thứ mẹ làm vô điều kiện. Lớn lên rồi mới thấy, cuộc đời cũng làm vậy với con, nhưng theo sau là một trời điều kiện.

Ngày còn nhỏ, con từng giận mẹ đập cả mâm cơm, nhưng rồi, con cũng có mâm cơm khác để ăn. Còn lớn lên, lỡ đập một mâm cơm, thì bị đói thêm những lời rủa mắng.

Rồi, lớn lên, rời xa mẹ, mới biết những tháng ngày bên mẹ, là bình yên, là hạnh phúc. Con của mẹ nó nhát hèn, cứ mỗi lần cuộc đời bắt bẻ, lại cứ xách va li chạy về nhà, hổng khóc cũng hổng mét mẹ chi, chỉ là bước qua cánh cửa nhà, mọi gian nan ngoài kia đều trở thành vô nghĩa.

Cũng là cách ở bên mẹ được vài ngày, vì biết đâu, lỡ mai này mồ côi…

Lỡ mai này mồ côi, chắc con ghét mùa Vu Lan dữ lắm, vì tới Vu Lan, con không được quyền cài hoa đỏ. Bởi người ta thường nói, mẹ không sống đủ trăm năm, nhưng cho con dư dả nụ cười và tiếng hát. Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc, đó là lúc mẹ không thể nào lau nước mắt cho con. Là khi mẹ không còn, hoa hồng đỏ từ nay hóa trắng…

Lỡ mai này mồ côi, chắc con ghét những đứa con bất hiếu, bởi nó còn mẹ mà chẳng biết nâng niu, con sẽ dạy cho nó vài bài học, đại loại như là lỡ mai này mồ côi…

Lỡ mai này mồ côi, con đi luôn chẳng muốn trở lại nhà, bởi mỗi lần trở lại, trước hiên nhà chẳng còn mẹ đợi con.

Lỡ mai này mồ côi, cuộc đời la, con chả thèm bật khóc, hay có đánh con cũng im nhẫn chịu. Bởi khóc rồi, chẳng có người dỗ con, hay đánh rồi, chạy về nhà, trống hoắc.

Lỡ mai này mồ côi, cái va li to đùng cũng để đó. Bởi có muốn đi đâu, xếp đầy đồ, nhưng mất mẹ thì cũng thành rỗng tuếch. Lòng đã trống, ở nhà nào cũng là nhà trống.

Lỡ mai này mồ côi, cái cửa nhà cũng khóc. Vẫn đứng đấy sương phai cùng gió lạnh, nhưng chẳng còn mẹ mở lách cách chợ đò mỗi sớm mai.

Lỡ mai này mồ côi, lúc đói lòng vẫn thèm ăn mâm cơm của mẹ, ngàn mâm cơm ngoài kia không bằng tô canh bí, dĩa rau xào, vẫn thèm mẹ la rằng sao ăn ít, thèm bé nhỏ dẫu cho đầu có trắng hay mắt mờ, răng rụng.

Lỡ mai này mồ côi, con ghét ngao du gặp người này người nọ, bởi có là ai hay thành gì chăng nữa, cũng mang bên mình thân phận trẻ mồ côi…

Cứ thế.

Con sinh ra, mẹ khóc.
Con lớn lên, mẹ cũng khóc.
Con vấp ngã, mẹ cũng khóc.
Con đi xa, mẹ cũng khóc.
Con quay về, mẹ cũng khóc.
Con thành công, mẹ cũng khóc.
Con vui, mẹ cũng khóc.
Con buồn, mẹ cũng khóc.
Cả cuộc đời mẹ chỉ khóc.

Vì con.

Ba.

Hồi còn bé, con ghét ba nhất nhà, con ghét mùi thuốc lá, con ghét mùi rượu bia, ghét cái tiếng xe về khuya ồn ào sau ngõ.

Hồi còn bé, con thích nhất đi sở thú. Mỗi cuối tuần, ba chở con đi, ngồi trước cái xe máy, ngửa mặt lên cứ hỏi, sao ba có râu còn con không có, còn đòi tập lái xe, nói mốt lớn lên, con chở ba đi sở thú. Bữa quay lại chỗ đó, cái chỗ hàng tuần ba chở con đi, cái gốc cây ba hay đậu xe, chỗ đó. Nó đã già, cằn cỗi. Giật mình mới thấy, lớn rồi hổng còn được ngồi trước xe, con lớn rồi cũng có râu, nhưng râu ba lại điểm thêm sợi bạc.

Hồi còn bé, ba dạy con lớn lên đàn ông phải cứng rắn, phải hiên ngang trước cuộc đời. Nhưng ngày con đi học, xa nhà, ba gọi cho con. Lần đầu tiên con nghe ba khóc, vì nhớ con.

Hồi còn bé, nửa đêm dở chứng thèm kem, ba dắt xe xuống đường tìm chỗ bán kem cho con. Lớn lên rồi, kem ngon không thiếu, nhưng lại chẳng tìm được cái vị của ngày xưa. Chắc mỗi mình ba biết chỗ mua nó, có mùi của khói xe, mùi của tay ba cầm đến tận về nhà.

Hồi còn bé, tối ba hay chở con đi dạo phố, ba nói Gia Lai đẹp nhất vào ban đêm, con sau này cũng vậy, có đi đâu cũng phải về Gia Lai, vì ở đây có gia đình, có căn nhà, có cái cửa luôn đón con trở về.

Hồi còn bé, ba nói ba hối hận khi cãi lời ông nội, không chịu theo cái nghiệp bác sĩ của nhà mình. Ba dạy con lớn lên, phải thay ba làm tròn ước nguyện của ông nội, phải giữ được cái nghề tâm huyết đó.

Ba – là người nhận được ít hơn Mẹ sự quan tâm của con.

Ba – là người thiệt thòi, về lo lắng, sự yêu thương và thấu hiểu

Ba – là người đàn ông chỉ khóc, khi một mình và khói thuốc tàn canh

Ba – có nghĩa là con đường, đưa con đến vinh quang bằng lòng gan dạ

Ba – có nghĩa là chờ đợi, sau cửa nhà, sự vấp ngã và trưởng thành của con.

Không biết Vu Lan này, rồi Vu Lan 10 năm nữa, 20 năm nữa, con có được hãnh diện khoe mình cài hoa đỏ nữa hay không. Xin ba mẹ, cho phép cho con một đời này được làm đứa con bất hiếu, không ở bên ba mẹ đến trọn đời.

Cảm ơn Ba, người đàn ông thầm lặng.

Cảm ơn Mẹ, người phụ nữ tuyệt vời.

Xin lỗi Ba, có những ngày quên Ba ở nhà, chờ đứa con trai ở cái chốn xa xôi nào đó chạy về, để thêm một lần ngỗ nghịch.

Xin lỗi Mẹ, những lần làm tim mẹ tan nát, xin lỗi cả cuộc đời, mẹ đã khóc vì con.

Rồi cũng sẽ có một ngày nào đó, ba lại về với đất, mẹ đi với mây trời, con sẽ lùi một bước, cúi đầu.

Ừ thì, hóa mồ côi…
 

Bài viết: "Lỡ mai này mồ côi"
Mộc Trầm / Vườn hoa Phật giáo