Tuổi trung niên sống vì điều gì?

Một đời người: 20 tuổi sống thanh xuân, 30 tuổi sống ý vị, 40 tuổi sống trí tuệ, 50 tuổi sống thản nhiên, 60 tuổi sống nhẹ nhàng, 70 tuổi trở thành báu vật vô giá… Cho dù có già đi nữa thì cũng phải già mà vẫn đẹp!


Vượt qua bão tố cuộc đời không phải vì khát vọng sống mãnh liệt, mà là vì có niềm tin kiên định vào cuộc sống

Viktor Emil Frankl là người may mắn sống sót sau khổ nạn trong trại tập trung của phát xít Đức, và sau đó trở thành nhà tâm lý học đẳng cấp thế giới. Ông đặc biệt chú ý đến hiện tượng là trong số những người sống sót từ trại tập trung, chỉ rất ít người có thể sống tiếp. Ông phát hiện rằng, họ sống tiếp không phải là vì có khát vọng sống mãnh liệt mà là vì có niềm tin kiên định vào cuộc sống.

Ông Frankl nói: Con người sống là để tìm ý nghĩa cuộc đời, đây cũng là sứ mệnh gian nan nhất cả đời người. Ông cho rằng bản thân ông có thể sống tiếp vì đã tìm được ý nghĩa chân chính của sinh mệnh: Làm việc có ý nghĩa, yêu thương mọi người khác, và có dũng khí khắc phục khó khăn.

Tương tự như vậy, khi các học giả Pháp thực hiện cuộc trắc nghiệm dân ý, họ nhận được kết quả là: 89% người được phỏng vấn cho rằng cần phải có động lực mới có thể sống tiếp, 61% cho rằng cuộc sống của họ có những thứ thiêng liêng thúc đẩy họ sống tốt đẹp hơn.

Hết thảy đều là vật ngoài thân, vui vẻ mới là món quà quý giá nhất

Có người nói, đời người có 3 điều phải tu dưỡng là: Nhìn cho thấu, nghĩ cho thoáng, cầm được lên, hạ được xuống, đứng cho ngay, làm cho thẳng. Cũng có nhiều người cho rằng nói thì dễ làm mới khó. Nhưng nếu chúng ta có thể làm được thì sẽ thu được càng nhiều niềm vui.

Trong cuộc sống, thứ mà tình cảm cần là “lý giải”, thứ mà chung sống cần là “hiểu ý”, thứ mà bầu bạn cần là “nhẫn nại”. Khi chúng ta không thuận ý, lời nói ra sẽ làm tổn thương người, mà người chịu tổn thương lại chính là những người thân thiết nhất xung quanh ta.

Một đời quá ngắn ngủi, chúng ta không cần quá coi trọng tiền bạc, không nên gây khó khăn cho mình, không cần phải tính toán được mất. Khi về già chúng ta sẽ phát hiện ra hết thảy đều là vật ngoài thân, vui vẻ mới là món quà quý giá nhất.

Vậy nên, dẫu sống mệt mỏi cũng phải nhớ rèn luyện thân thể, dẫu chán nản cũng phải nhớ mỉm cười đối diện, dẫu khổ cực cũng phải nhớ tự thưởng cho bản thân mình, dẫu khẩn cấp cũng phải nhớ bình tâm tĩnh khí.

Đời người có những thứ quý giá nhất là: Một trái tim thơ trẻ, một niềm tin bất diệt, một thân thể khỏe mạnh, và một bạn đời mãi mãi nắm tay nhau.

Trong cuộc sống, mọi người đều sẽ gặp phải người và việc không như ý. Tính toán nhiều lên thì niềm vui sẽ ít đi, phiền não nhiều lên thì hạnh phúc sẽ ít đi.

Tâm tình ấm áp là quan trọng nhất, ăn no mặc ấm là quan trọng nhất, thân thể mạnh khỏe là quan trọng nhất, có người thương yêu là quan trọng nhất.

Người đến tuổi trung niên đã chịu nhiều thống khổ, cũng được nhiều niềm vui, đã trải qua trắc trở, cũng chứng kiến nhiều thành công. Có nhiều thứ chúng ta muốn lưu giữ mãi nhưng vẫn không ngăn được tháng năm trôi vùn vụt. Có muôn vạn điều không như ý nhưng chúng ta vẫn phải đặt nó lên vai mà gắng sức.

Bao than thở và nuối tiếc cũng cần đổi thành thong dong yên định. Những xúc động và nhiệt tình tuổi trẻ cũng cần chuyển thành nhàn nhạt và yên tĩnh. Bao mộng mơ cũng phải biến thành cánh buồm, dù sóng to gió lớn thì vẫn cứ khởi hành…

Bài viết: "Tuổi trung niên sống vì điều gì?"
Nam Phương biên dịch/ Vườn hoa Phật giáo