Nghĩ về tôn hiệu Phật hoàng

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt tự hào khi gọi Đức Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là một vị “Phật”, với đức hiệu: Phật hoàng, Điều ngự Giác hoàng.


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Tổ đường Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM)

Chúng ta đều biết rằng, trước đó ngót ngàn năm, vào thời Sĩ Nhiếp (137 - 226) - thời kỳ sơ khai của Phật giáo Việt Nam, nước ta cũng đã có một vị Phật: Phật Pháp Vân; không những thế, Phật Pháp Vân còn được xem là một vị Phật mẫu - người sinh ra các vị: Pháp Vân (Mây), Pháp Vũ (Mưa), Pháp Lôi (Sấm), Pháp Điện (Chớp).

Nếu Phật Pháp Vân mang đậm màu sắc huyền thoại dân gian thì Phật hoàng Trần Nhân Tông ngược lại, hoàn toàn mang tính lịch sử. Chân dung ngài được khắc họa rõ nét từ một vị thái tử, vị vua tinh tấn học Phật, tu Phật, từng vượt thành xuất gia, cho đến hình ảnh một vị Tăng sĩ khổ hạnh đầu-đà xiển dương Chánh pháp. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông có nhiều nét rất giống với cuộc đời và bản nguyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Do vậy, người Việt tự hào gọi ngài là Phật, một vị Phật Việt Nam. Lối tôn xưng ấy hẳn nhiên không làm mất đi sự tôn kính đối với Đức Phật, mà ở đây hàm ý nhấn mạnh đến tấm lòng ngưỡng mộ phẩm hạnh của một Con Người dám từ bỏ cung vàng điện ngọc để sống một cuộc sống giản đơn, vô sở trước, tự tại giải thoát, một đời vì nước, vì dân, vì đạo. Ngài mang đầy đủ phẩm chất chói sáng của một vị đệ tử Phật, người tiếp nối “gia phong” của chư Phật.

Tuy nhiên, tên gọi và đức hiệu ấy thực ra đã được đặt ngay khi ngài vừa mới chào đời. Theo sử liệu, khi sinh ra, da ngài có sắc vàng ròng, nên vua cha đặt tên là Kim Phật (Phật vàng). Thiền tông bản hạnh chép thêm, Trần Nhân Tông còn được cha mẹ rất mực yêu vì: “Đặt hiệu cho chàng là Điều Ngự Vương”. Điều ngự là một trong mười tôn hiệu của Phật, nên Điều ngự vương tức là Phật hoàng, vị vua làm Phật.
 

Tượng "Phật hoàng" tại tháp Huệ Quang ở chùa Hoa Yên (Yên Tử)

Theo đó, tôn xưng Phật hoàng không phải do người đời sau hay do Trần Nhân Tông tự đặt, mà được đặt bởi chính vua cha Trần Thánh Tông. Đây là điều hết sức đặc biệt, bởi bất kỳ người cha nào cũng yêu thương con, nhưng dù yêu thương thế nào đi chăng nữa, cũng không có người cha nào đặt cho con mình tôn hiệu cao hơn cả bản thân, là tôn hiệu của chính vị Thầy / vị Phật mà mình tôn kính, trừ khi người cha ấy nhận thấy ở con có những dấu hiệu của một vị Thánh / Phật. Có lẽ Trần Thánh Tông đã thấy điều ấy.

Thiết nghĩ, cần phải nói thêm, Trần Thánh Tông cũng là một vị vua am hiểu Phật pháp, là người: “Hưng sùng đạo Bụt sớm khuya ân cần”, và: “Đại Đăng quốc sư là thầy, Thánh Tông đắc đạo mừng thay thốt rằng: Tiền đăng lại điểm hậu đăng, Mộng Bồ-đề nở nhưng lòng ông cha” (Thiền tông bản hạnh). Do đó, rõ ràng không phải vua vì “cuồng yêu” con mà đặt tên hiệu cao quý như thế cho con.

Tôn hiệu “Phật hoàng” đã đi vào lòng dân tộc hơn 700 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, có bao nhiêu triết thuyết, bao nhiêu vì tinh tú ra đời trên bầu trời đất Việt, nhưng Trần Nhân Tông vẫn là một trong những ngôi sao sáng nhất, một tấm gương tròn vẹn nhất.

Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ tách rời khỏi dòng chảy của văn hóa Việt, và Phật hoàng Trần Nhân Tông - một vị vua mang phẩm chất Phật, thực thi con đường Bồ-tát hạnh cao cả, được người dân tôn xưng “Vua Phật” là một điều dễ hiểu.

Có dịp đọc kỹ những lời giảng dạy, tham vấn, thi phú mà Trần Nhân Tông để lại, chúng ta càng thấy ngài quả thực xứng đáng với tôn hiệu ấy.