Chênh vênh ghép lại...

Vào một ngày cuối thu khi tất cả những trái hồng đều chín đỏ lự trên cây thì nỗi cô đơn của mẹ hình như cũng đòi rụng xuống. Mẹ nói với Thóc về chuyện hai người lớn sẽ chia tay. Đôi vai mẹ rung lên nức nở.


Thóc không nói gì, lặng lẽ ôm bọc quần áo xuống chiếc giường xếp được kê ở bếp. Người ta đang định gập nó vào cất đi cho gọn. Đám cưới mà, nhà cửa phải dọn dẹp để còn lấy chỗ mai xếp cỗ. Ai cũng bận bịu nhưng lại chẳng cho Thóc động tay vào việc gì vì sợ đi đường xa mỏi mệt.

Thóc đứng chỗ nào cũng thành vướng víu dù đã cố thu mình nép sát vào tường. Bà bận gọi điện đặt thực phẩm, nhờ người têm trầu cánh phượng, thử vội mấy chiếc áo dài. Bố toát cả mồ hôi lo phông bạt loa đài, đánh xi lại đôi giày, chắt rượu ra từng bình nhỏ. Bố hôm nay lạ lắm. Ngày mai có thể sẽ lạ hơn. Thóc đi ra vườn tìm lại hình ảnh mẹ của những ngày hạnh phúc.

Khu vườn này là do một tay mẹ vun trồng. Năm Thóc bảy tuổi thì cả nhà rời căn phòng trọ chật hẹp chuyển đến đây. Mẹ mất nhiều năm để biến một mảnh đất trơ trụi khô cằn thành vườn cây xanh tốt. Tay mẹ cầm cuốc nhiều đến mức bị chai cứng. Thóc nhiều lần áp tay mẹ vào má mình thấy ấm áp vô cùng. Mười ngón búp măng nõn nà bị gai hoa hồng đâm chi chít. Bị bọ xít bọ nẹt tấn công không thương tiếc. Nhựa cây cũng bám đầy kỳ cọ đến đỏ rát cả tay. Không vậy sao có nổi buồng chuối chín thơm, trái hồng chín đỏ, quýt cam mùa nào cũng sai, hoa thơm ngày nào cũng nở. Bố đi làm suốt nên không biết mẹ đã bao ngày thui thủi một mình. Những ngày Thóc đến trường chắc là mẹ phải tự mình trò chuyện để nhà có tiếng người.

Lớn lên Thóc mới biết cây trong vườn được mẹ trồng bằng hạt giống cô đơn. Cô đơn nảy mầm. Cô đơn trổ hoa. Cô đơn đậu quả. Những trái ngon mẹ để phần cho bố mỗi ngày cũng là nỗi cô đơn đã chín. Nhiều lần Thóc thấy mẹ nhỏ nhoi lẫn trong những tán cây. Như thể tầng xanh ấy đã hút mẹ vào một thế giới bình yên nào đó. Khi mà bố chìm đắm trong công việc và những mối bận tâm khác ngoài xã hội. Còn Thóc thì ngây ngô chỉ biết đòi những món ăn ngon, những bộ quần áo đẹp.

Vào một ngày cuối thu khi tất cả những trái hồng đều chín đỏ lự trên cây thì nỗi cô đơn của mẹ hình như cũng đòi rụng xuống. Mẹ nói với Thóc về chuyện hai người lớn sẽ chia tay. Đôi vai mẹ rung lên nức nở. Những ngón tay chai sạn ôm lấy Thóc. Ghì đầu vào lồng ngực mẹ, Thóc nghe thấy thứ âm thanh rơi rớt. Mẹ chọn cách ra đi dù ngôi nhà này đã từng vắt kiệt sức lực và tâm trí mẹ. Bà ngoại vẫn thương hoài những ngày mẹ địu Thóc trước ngực ngược xuôi đi tìm mua đất. Địu Thóc nấu ăn cho thợ xây. Địu Thóc dọn dẹp đống ngổn ngang khi nhà vừa hoàn tất. Địu Thóc lau những cánh cửa sổ ướt nhẹp được chuyển đến vào một ngày mưa tầm tã. Địu Thóc trồng những bụi hoa quanh hàng rào, trên ban-công và dọc lối đi. Từng đôi đũa, chiếc cốc trong nhà cũng đều do một tay mẹ chọn ở một hội chợ nào đó mãi tận vùng cao.

Những chiếc khăn trải bàn do tự tay mẹ mua vải về may. Bao đêm Thóc tỉnh giấc dụi mắt thấy mẹ còn ngồi tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Ấy vậy mà mẹ lại chọn cách ra đi chỉ mang theo Thóc và vài bộ đồ đã cũ. Mẹ nói với ngoại rằng sợ người sau của bố không đủ chỉn chu vun vén một mái nhà. Nên mẹ để lại mọi thứ để bố bắt đầu lại cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Để Thóc mỗi lần về thăm bố đều thấy nơi đây vẫn thân thuộc như những ngày thơ bé.

Đám cưới. Trông ai cũng hối hả vội vàng đi lại, họ va vào những đồ vật trong nhà. Người cắm hoa làm rơi chiếc bình hoa. Người dọn bếp làm rơi bát nhỏ. Người ngâm gạo xôi vặt trụi cả bụi cây lá cẩm. Người kê bàn ghế giẫm nát những hàng hoa tóc tiên mới nở rộ sau trận mưa rào.

Thóc nhìn mọi đổ vỡ và nhàu nát một cách xót xa. Như thể họ đang muốn xóa dần đi hình ảnh mẹ trong ngôi nhà này. Đâu chỉ là việc gỡ những bức tranh mẹ thêu, đổi màu đèn ngủ, thay rèm cửa mới. Những bức ảnh gia đình có mẹ và Thóc cũng đã được cất đi. Dù mẹ đã dặn trước đừng buồn mà Thóc vẫn không giấu nổi sự trống trải trong tâm hồn cô gái mười bốn tuổi. Nhưng Thóc phải cất bộ mặt rầu rĩ này đi. Vì mai là ngày vui của bố. Một người phụ nữ khác sẽ bước vào ngôi nhà này, cai quản và yêu thương đến từng ngóc ngách.

Nên hôm biết tin bố đi bước nữa mẹ đã dặn Thóc đừng tỏ ra lưu luyến những vật dụng trong nhà. Chúng có thể sẽ được bài trí lại để ấm áp theo một cách riêng. Thóc hái một vốc hoa ngọc lan, thấy trong hương hoa lấp lánh hình ảnh mẹ. Tiếng bố thử loa đài ồm ồm “một, hai, ba, bốn…”. Lần này làm chú rể chẳng biết bố có hồi hộp nữa không? Mẹ thì bảo sắc màu của hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ cũ.

Tối đó Thóc giúp bố là lại bộ vest. Hướng dẫn bố cách thắt cà-vạt dù trước đó đã từng hướng dẫn rất nhiều lần. Mai này sẽ có người thay Thóc làm những công việc đó, đều đặn và thật chỉn chu. Sẽ có người thỉnh thoảng nhắc bố cắt tóc, cạo râu. Trước giờ đi làm cũng sẽ có người nhắc bố bẻ lại cổ áo, chải lại cái đầu. Bố sẽ không phải vạ vật cơm quán, lủi thủi lúc ốm đau. Cô dâu mới nghe nói rất khéo tay. Những bữa cơm dẻo thơm đang chờ bố mỗi ngày. Thóc chỉ mong bố đừng để cơm canh nguội lạnh. Đừng để nhiều đêm dài có người thức đợi tiếng lạch cạch mở cổng và những bước chân rã rời bố lê mình qua từng bậc cầu thang.

Thóc nén tiếng thở dài bước vào phòng cưới. Đặt lên trên bàn trang điểm đĩa hoa ngọc lan mới hái hồi chiều. Thóc thấy trên cửa sổ bức ảnh chụp chung cả gia đình vẫn còn để đó. Chắc là bố quên cất nó đi. Thóc ngắm mình trong ảnh. Một cô bé ba tuổi được bố cõng trên vai, mắt cười toe toét hở hàm răng sún. Mẹ bẽn lẽn bên bố, tóc búi cao, cổ trắng ngần, mắt môi tràn hạnh phúc. Lúc ấy má mẹ chưa có nốt tàn nhang. Đuôi mắt mẹ chưa có nếp nhăn. Tóc còn dài và đen nhánh. Thóc lấy vạt áo lau lại tấm ảnh rồi mang cất trong bọc quần áo của mình. Phòng cô dâu không được để những hình ảnh cũ…

Đêm đó trong nhà chẳng ai ngủ được. Các cô dì, chú bác từ quê xuống tập trung trò chuyện ngoài phòng khách. Bà nội ngồi trước đống đồ lộn xộn kiểm kê lại từng thứ xem thừa thiếu thế nào. Bố vội vàng dụi điếu thuốc đang hút dở trên tay khi thấy Thóc đi ra.

Lúc này qua ánh điện ban-công hắt xuống, Thóc nhận thấy tóc bố đã có nhiều sợi bạc. Thóc nói “để con nhổ tóc trắng giúp bố. Màu tóc bạc dễ hớ hênh trước ánh đèn flash. Con không muốn bố già trong ngày làm chú rể”. Bố cười, miệng hôi mùi thuốc lá. Bằng một cách nào đó những câu chuyện vụn vặt cuối cùng cũng kéo bố về bên hồi ức mẹ. Bố hỏi dạo này mẹ còn hay đau khớp nữa không? Bệnh viêm họng hạt mãn tính có còn hay hành mẹ? Đã bớt cái tính đãng trí để cháy nồi trên bếp? Thóc cười “bệnh đó càng nhiều tuổi thì càng tệ chứ làm sao bớt được bố ơi”. Bố thở dài, chắc là nhớ đến mấy lần càu nhàu mẹ khi nồi cá kho khét lẹt. Khi ví tiền không nhớ để đâu. Khi áo bố còn nhăn nhúm mà đinh ninh đã ủi phẳng phiu.

Khi buổi sáng thức dậy định gọi mà quên mất tên chồng. Giờ thì Thóc cũng chỉ mong mẹ sẽ quên hôm nay là ngày cưới bố. Dù cách đây vài ngày mẹ cứ lượn mấy vòng siêu thị chỉ để chọn một bộ bát đũa Nhật thật đẹp và sang trọng làm quà cưới. Mẹ dẫn Thóc đi mua hai chiếc váy mới để xinh xắn, gọn gàng trong ngày cưới của bố. Mới sáng hôm qua thôi, lúc đưa Thóc ra ga, mẹ còn dặn đi dặn lại “về dưới đó phải thật vui, mừng bố làm chú rể”. Những chuyện cần quên sao mẹ cứ nhớ nhiều?

Cô dâu của bố cũng từng qua một lần đò. Nhưng chênh vênh ghép vào nhau có khi vừa vặn. Bố nói già rồi mà tóc cứ đen mãi có khi lại không hay. Lơ thơ vài sợi muối tiêu cũng có cái duyên của nó.
Thóc biết bố nói vậy vì cô dâu cũng không còn trẻ nữa. Có khi cũng kè kè bên mình vỉ hoạt huyết dưỡng não mỗi ngày. Có khi gấp gáp đắp mặt nạ, bôi kem dưỡng da để níu kéo tuổi xuân. Có khi không thích những nơi ồn ào mà chỉ muốn thu mình lặng lẽ. Thì cũng có sao đâu bởi hạnh phúc vốn làm gì có tuổi.

Trời đã gần sáng, tiếng gà báo canh vang lên như một tiếng thở dài của đêm. Thóc không ngủ được, đầu óc miên man nghĩ về mẹ. Giờ này có thể mẹ cũng đang thao thức. Ngày mai trong ngôi nhà này đã có lửa ấm rồi. Thóc sẽ bắt chuyến tàu chiều để tối mai kịp nằm kề bên mẹ…
 
Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang