Chuyện con mắt thứ ba

Phật giáo đề cập đến huệ nhãn, tiềm năng trí tuệ do công hạnh mang lại. Người giác ở những mức độ khác nhau thấu suốt ở những tầng mức khác nhau sự vật hiện tượng và cho đến khi bản lai diện mục, rốt ráo, sự thấu suốt đến đích, viên mãn.


Khoa học tâm lý mô tả quá trình nhận thức sự vật hiện tượng qua những bước từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. “Giác”  Phật giáo đề cập không thuộc “thấy” thô, nó là nhận thức rốt ráo nhìn ra lẽ thật của sự vật hiện tượng, bước cuối của quá trình nhận thức, chân lý.

Có một câu chuyện rất hình tượng, lý thú từ kho tàng dân gian Việt Nam không dẫn nguồn vì ..quên: "Nhà Vua muốn gả công chúa, kén rể theo cách riêng độc đáo. Ông mời các ứng viên đến đám đông quan sát, và đối tượng thi thố chỉ là quả bưởi đã gọn nhẹ trên đỉnh để lộ chút màu sắc tươi ngon. Đề như sau: quả bưởi ấy có bao nhiêu múi? Hết. Quan nhân, thức giả, kẻ sĩ, bậc uyên thâm nức tiếng..thay nhau trả lời ...trớt quớt như cách người Nam Bộ thường nói, họ chơi trò xác suất nói hên xui vì làm sao biết được quả bưởi tai ác kia có bao nhiêu múi?

Cuối cùng, thí sinh đỗ chính là chàng trai nông phu ở miền xa: anh cầm quả bưởi và nhìn kỹ đỉnh đã được gọt, nói một con số. Nhà vua ban lệnh bổ quả bưởi tại chỗ và người dự khán vỡ òa vì thí sinh nọ nói trúng  phóc! Điều gì đã xảy ra? Nhà Vua gật gù lắng nghe: con - chàng trai đáp - sở dĩ biết chính xác số múi vì từng trồng nhiều bưởi và biết “quy luật” ở đỉnh đầu quả bưởi có những dấu hiệu mà nếu đếm sẽ trùng với số múi bên trong, không thể sai! Thú vị".

Nhất lý minh vạn lý thông, chuyện này không chỉ có một. Triết học duy vật đề cập đến hiện tượng và bản chất, giả tượng... Hiện tượng không quyết định bản chất, có những giả tượng đánh lừa. Song nghiên cứu hiện tượng cũng chính là tiếp cận bản chất. Nhân tướng học cổ đại đã phát hiện ra những đặc điểm lý thú về cơ thể người qua hình thức. Ngày nay khoa học phê phán nhiều song ngày trước nhân tướng học là một khoa học. Tâm sinh tướng, tâm diệt tướng diệt...Gạn lọc tinh hoa cổ học không hề vô ích.

Vòng vo ý tứ chỉ muốn bàn cái nhìn thông thường và cái nhìn sâu sắc, nhìn bằng tư duy cao của não bộ thay vì phân tích tín hiệu thị giác, nhìn thô. Càng học cao người ta càng có cái nhìn gần chân lý hơn; trong phật giáo, càng tu học chuyên chú và hạnh tốt chừng nào, tinh tấn tới đâu, cái nhìn càng giác, gần lẽ thật.

Cái nhìn thô, thông thường, cái nhìn vật lý và sinh học được thực hiện bởi hai con mắt tùy thuộc ánh sáng, cự ly đối tượng, nhãn lực và thần kinh thị giác. Cái nhìn phân tích, tư duy, chân xác thông qua các thao tác bên trong “xử lý dữ liệu” chính là cái nhìn sâu, cần có. Con mắt thứ ba, huệ nhãn. Cái nhìn từ bi, trí tuệ, độ lượng và minh triết. Nếu chúng ta sống bằng cái nhìn của con mắt thứ ba và con tim nhạy cảm sẽ nhân ái hơn, người hơn sống gấp vội vàng của hai con mắt trần thế vốn gây nhiều ngộ nhận.

Tôi thường đến một công viên gần một ngôi trường trung học và thường ăn ở quán cơm bình dân trước ngôi trường ấy. Trên nền cỏ xanh mượt các em học sinh xì tin sành điệu với dế xịn cùng sạc dự phòng, giày thể thao, quà bánh trên tay... Thấy ấm áp lắm, và nhớ về một thời học trò thiếu thốn trăm bề. Nhưng rồi ở quán cơm bình dân nọ tôi thấy em học trò nữ ngượng nghịu hỏi mua 5.000 đồng cơm không, và cậu bạn gầy nhòm trong đồng phục đứng chờ bên rào. Hẻm ấy dẫn vào khu nhà trọ. Hết tiết, em mua 5000 đồng cơm, không có thức ăn, và gầy... Hình ảnh tươi không cần tưới ở công viên nhòe đi.

… Đêm về thao thức tôi vỡ ra: các em còn khổ lắm, chuyện ở công viên chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Nông thôn quê mình còn nghèo, một nghìn bạc khó kiếm, cha mẹ tảo tần nắng gió, chắt chiu gửi cho con đi học. Nhà trọ, điện nước, ăn, tập vở... Ở quê cơm trắng có thể đi kiếm thêm rau đồng, chợ búa bó tay. Có người nói chuyện bao đồng, song tôi nhòe nước mắt. Đấy, con mắt thứ ba.

Bài viết: "Chuyện con mắt thứ ba"
Nguyễn Thành Công/ Vườn hoa Phật giáo