Chuyện tro cốt chùa Kỳ Quang 2: Nên nhìn thấy chấm đen trên tờ giấy trắng

Trong sách Đạo Phật ngày nay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh: Hình bóng của người Tăng Sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, một Huyền Trang, một Vạn Hạnh, đời sống thì đạm bạc, gian khổ, ý chí thì vững chắc như kim cương, đức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục, hạnh nguyện thì rộng lớn như sóng biển.


Bức tranh chấm đen trên tờ giấy trắng tại trà thất chùa Địa Tạng Phi Lai.

Tại chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), tôi cứ ấn tượng mãi với bức tranh khá lớn được treo ở trà thất của sư thầy trụ trì: cả một khoảng trắng mênh mông chỉ có một chấm mực đen. Khi bạch hỏi sư thầy về ý nghĩa bức tranh này, thầy mỉm cười hóm hỉnh:

- Đó là bức tranh duy nhất của cuộc đời thầy vẽ được. Chắc chắn rằng các danh họa nổi tiếng thế giới không thể đấu lại được với thầy, vì… thầy cũng chẳng dám đấu với ai.
Rồi bên chén trà thơm, trong hương trầm thoảng phất lan bay, giọng thầy trầm ấm:

- Chấm mực đen là lỗi sai của bạn con, là một lần thất hứa của anh chị con, là một lời mắng của bố mẹ thầy cô mà con chỉ nhớ chấm mực đen này, quên đi cả tờ giấy trắng là những nỗ lực, yêu thương, tình cảm họ dành cho con. Hãy luôn nghĩ rằng người này rất tốt, rất tuyệt vời, còn một lỗi nhỏ là chấm mực đen đó, con dễ dàng chấp nhận bỏ qua, để thấy rằng đây là một tờ giấy trắng có chấm mực đen, chứ không phải chấm mực đen trên một tờ giấy trắng. Nghĩ như thế lòng bao dung, thảnh thơi hơn rất nhiều và chẳng còn khổ đau.

Lời thầy giúp tôi biết đặt tâm nhìn vào khoảng trắng không chỉ của người thân, mà còn của bạn bè, của bất kỳ ai tôi gặp trong cuộc đời.

Khi chuyện về những hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 (TP.HCM) được báo chí đưa tin trong những ngày qua, tôi lại nhớ đến câu chuyện về bức tranh có một chấm đen trên khoảng trắng mênh mông tại chùa Địa Tạng Phi Lai. Người ta chỉ nhìn với cái thấy để thấy, chứ không phải là cái thấy để thấu và bao dung với cuộc đời.

Đời người không ai không xảy ra những tai nạn. Đôi khi có những sơ suất thật nhỏ, bản thân không lường trước được hậu quả - cũng có thể dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn, để rồi phải ngậm ngùi một nỗi nhân gian:

“Người thương người bao nhiêu cũng thiếu
Người ghét người chút xíu cũng dư”.

Người ta chỉ thấy hình ảnh những hũ tro cốt bị bong tróc thẻ gắn danh tính, để lộn xộn qua những bức hình được ai đó chia sẻ lên, mà không biết chùa Kỳ Quang 2 đang trong giai đoạn sửa chữa, trùng tu nhà thờ cốt, nhằm giúp cho nơi thờ tự được trang nghiêm và sạch đẹp hơn.

Trong quá trình sửa chữa, lau dọn, di dời hũ cốt, có những hũ cốt để đã quá lâu năm nên chất kết dính để xác định danh tính trên hũ cốt bị mất tác dụng, khi di chuyển thì thẻ danh tính bị bong tróc. Vì sự bất cẩn của bộ phận phụ trách di dời tro cốt nên đã dẫn đến sự cố nghiêm trọng này.

Bên cạnh đó, do thiếu kỹ năng của sư trụ trì trong khâu truyền đạt đến người dân, cộng với sự thổi phồng của các thành phần cơ hội dẫn đến sự hiểu lầm càng nghiêm trọng. Điều đáng nói là trong số đó có rất nhiều người không phải thân nhân của các hũ tro cốt, đã cố tình kích động làm nóng thêm dư luận, làm sự việc thêm nghiêm trọng và có những sự hiểu lầm đáng tiếc.

Người ta chỉ nhìn thấy một Hòa thượng trụ trì sẵn sàng nhận lỗi trước sự việc, rồi lấy đó làm hả hê và cho mình buông quyền phán xét, nguyền rủa – mà không thấy được hàng ngày vị Hòa thượng ấy cùng gần 40 bảo mẫu tại chùa Kỳ Quang 2 đã không quản ngại khó khăn, thiếu thốn để chăm sóc cho 215 đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ, bại não, thần kinh, não úng thủy đầu to như quả bóng mà thân xác nhỏ bằng cái que, nằm một chỗ khóc la suốt ngày…

Cũng không khó để thấy được trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành trình thiện nguyện của các sư thầy nơi đây đến các vùng sâu vùng xa, cứu trợ khó khăn khắp các tỉnh thành, cách các sư thầy tổ chức phòng mạch miễn phí để khám bệnh, phát thuốc lo cho người nghèo…

Tất cả chính là khoảng trắng mênh mông của tâm hồn, của trái tim Hòa thượng trụ trì cùng chư Tăng chùa Kỳ Quang 2. Chúng ta bị lu mờ, xóa nhòa khi chỉ một phút sơ ý rớt vào đó một chấm đen nhỏ bé.

Các bậc thánh hiền đời xưa đã truyền dạy:

“Lỗi vô ý, gọi là sai
Lỗi cố ý, gọi là tội.
Biết sửa lỗi, không còn lỗi
Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”.

Và khi trong nhà có chuyện bị coi là sai, thì đương nhiên chủ nhà luôn là người đứng ra chịu trách nhiệm – dù cho sơ suất chủ quan từ bản thân mình hay do người khác gây ra.

Ai sai người ấy chịu. Chỉ là mong những người thân có các hũ tro cốt gửi tại chùa bình tĩnh, cùng nhà chùa tìm cách xử lý. Và mong những người khác không nhân cơ hội này mà kích động, buông lời chửi mắng, chia sẻ thông tin lệch lạc tạo thành trào lưu gây bức xúc dư luận, thêm tạo nghiệp và trượt dài trong vô minh.

“Sống trên đời ai ai cũng lầm lỗi
Cũng vụng về dại dột ít hay nhiều
Hãy tha thứ bao dung và nâng đỡ
Vì vẫn còn một chút để thương yêu
 
Sống trên đời cao quý nhất tình thương
Mở lòng ra trang trải khắp muôn phương
Đừng ôm ấp khung trời riêng nhỏ bé
Để lòng ta rộng rãi không vấn vương…”
(trích bài hát “Tình thương lớn” – Khiêm Cung)

Mong mỗi người luôn trân quý thực tại ta sống, và mỗi người ta có duyên gặp gỡ trong đời, tìm thấy và trân trọng họ những khoảng trắng tinh khôi nhất, học cách nhìn cuộc đời như cách nhìn bức tranh màu trắng có một chấm đen, chứ không phải chấm đen trên tờ giấy trắng.

Trong sách “Đạo Phật ngày nay”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Hình bóng của người Tăng Sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, một Huyền Trang, một Vạn Hạnh, đời sống thì đạm bạc, gian khổ, ý chí thì vững chắc như kim cương, đức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục, hạnh nguyện thì rộng lớn như sóng biển.

Người xuất gia phải có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói loà nghị lực.

Người xuất gia phải có nụ cười bất diệt khinh thường khổ đau. Có như thế mới làm hiển lộ chân tướng sáng rỡ của đạo Phật. Mà muốn được như thế, điều thiết yếu trước tiên là nhận thức được thực trạng khổ đau, sống trong khổ đau, luyện mình thành sắt thép.

Ta chết đuối trong đau khổ nhưng ta thành Phật cũng nhờ đau khổ. Chính đau khổ, chữa lành đau khổ và khi đặt vấn đề nhận thức khổ đau làm đệ nhất đế của Tứ Diệu Đế, Đức Phật quả đã nhận thấy tầm quan trọng của sự thật ấy một cách thâm thiết”.

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đã bị đình chỉ nhiệm vụ trụ trì ở chùa Kỳ Quang 2. Nhưng cuộc sống của 215 đứa trẻ mồ côi và hành trình thiện nguyện giúp tốt đạo đẹp đời của chư Tăng nơi đây vẫn cần tiếp tục.

Nguyện cầu Hòa thượng chân cứng đá mềm, vững niềm tin trên hành trình mang tình thương độ đời ở phía trước – dẫu biết vẫn còn thật nhiều chướng ngại và gian nan.

Lương Đình Khoa