Bài học từ 3 vị vua lưu danh sử sách

Dù bạn là ai, làm nghề gì, việc cần làm trước tiên trong đời này là cho con tim mình, cho chính mình trước. Mình hạnh phúc đã, thì mới có thể làm cho người khác hạnh phúc.


Nếu để con mắt tâm của mình bị bụi bặm cuộc đời bám vào nhiều quá làm mờ đi mà mình không chùi rửa, thì mình chỉ càng đau khổ, đánh mất chính bản ngã của mình.

"Nếu bạn sinh ra tật nguyền, đó là điều bạn không mong muốn. Nhưng nếu sinh ra mà để trái tim tật nguyền, thì đó là tội lỗi của bạn". Bạn sinh ra với cơ thể tật nguyền là điều bạn không thay đổi được, nhưng điều bạn có thể thay đổi được trái tim, tâm hồn mình.

Dù bạn là ai, làm việc gì đi nữa thì việc bạn cần làm trước tiên trong cuộc đời này là làm việc cho con tim mình, cho chính mình trước.

Giữa khôn ngoan và trí tuệ có giống nhau?

Trí tuệ là sống đúng với lẽ tự nhiên, thuận theo tự nhiên, còn khôn ngoan có chứa yếu tố lọc lừa, dối trá trong đó, nên không thể có được hạnh phúc thật sự được. Nhưng cái hạnh phúc thật sự ấy, thứ hạnh phúc khi không có gì trong tay, khôn vay mượn ai thì mấy ai có được!

Ngay cả những vị vua hay danh tướng danh tiếng tài trí lẫy lừng, đạt được địa vị, quyền lực và sự nghiệp tột đỉnh, có gần như mọi thứ trong tay, được lưu danh sử sách cũng không có được thứ hạnh phúc bình dị, đơn giản này.

Vị vua Trung Quốc vĩ đại Tần Thủy Hoàng, người có thể thống nhất cả nước Trung Quốc rộng lớn hay cả Thành Cát Tư Hãn khiến cả châu Âu khiếp sợ, tưởng như đã có cả thiên hạ, nhưng lại không có... chính mình.

Để rồi cuối đời, họ sai quan quân đi tìm thuốc trường sinh bất tử vì nhận ra rằng mình chưa bao giờ sống.Trước đó, họ chỉ sống trong gươm đao, máu lửa, la hét, những ngày kinh hoàng mà khi chiến thắng, họ vẫn nhìn thấy sự chết chốc tiếng kêu gào, máu đổ khi đi ngủ.

Và rồi họ cảm thấy tiếc nuối cho năm tháng cuộc đời, họ hy vọng tìm được thuốc kéo dài sự sống để có thể tìm thấy cuộc sống bình an, hạnh phúc thật sự. Họ đã sống khôn ngoan cả đời nhưng chỉ đến lúc sắp lìa xa cõi đời mới ngộ ra trí tuệ. Nhưng giờ đây, tất cả có lẽ đã quá muộn rồi.

"Nhất tướng công thành, vạn cốt khô", sự thành công ấy đã phải đánh đổi bằng cái giá quá đắt, là một sự thành công đau khổ. Chúng ta, những người bình thường liệu có cần tìm một liều thuốc bất tử?

Một câu chuyện khác cũng về một vị danh tướng, rồi trở thành một vị vua khiến cả châu Âu kính sợ, đó là Alexander Đại đế. Trước khi chết ông căn dặn cận thần:

"Khi ta chết hãy để tất cả các ngự y giỏi nhất khiêng quan tài của ta và cho binh sĩ rải hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà trên đường từ hoàng cung về huyệt mộ. Trên nắp quan tài, hãy khoét 2 lỗ nhỏ để bàn tay có thể thò ra ngoài để mọi người có thể thấy được".

Ông muốn nhắn nhủ rằng: Dù bác sĩ tài giỏi đến mức nào cũng không thể cứu được cái chết, của cải vật chất nhiều thế nào cũng không thể mua được mạng sống và khi chết đi chúng đều vô nghĩa, chỉ là công cụ lót đường.

Và cuối cùng, bao nhiêu nỗ lực phấn đấu cả cuộc đời, cuối cùng cũng trắng tay, mà ra đi trắng tay cũng là một điều hạnh phúc. Có nhiều người đến với cuộc đời bằng hai bàn tay trắng nhưng ra đi với đôi bàn tay nhem nhuốc, bẩn thỉu, đen thùi lùi, quá nhiều tội lỗi.

Vì thế, hãy sống một cách an nhiên tự tại, đừng theo đuổi những thứ vật chất phù phiếm, tạm bợ bên ngoài mà bỏ quên chính những điều tốt đẹp bên trong, chính bản thân mình. Khi đó chúng ta mới có được thứ hạnh phúc không phải vay mượn, là hạnh phúc của chính ta.

Bài viết: "Bài học từ 3 vị vua lưu danh sử sách"
Thanh Tâm/ Vườn hoa Phật giáo