Thanh xuân như một tách trà, biết tu học sớm nghĩa là thanh xuân

Càng tiếp cận sự tu tập Phật giáo sớm, con người non trẻ lúc ấy tiếp cận nhanh kiến thức, tu tập tinh tấn, hanh thông và tuổi đạo càng dầy. Vì sao cần phải tu, vì sao Thanh xuân như một tách trà, biết tu học sớm nghĩa là thanh xuân?


Có người thắc mắc vì sao nhiều người không tu học mà vẫn giàu có và sống hạnh phúc. Ngược lại, một số người tu tập mà vẫn lận đận, đau khổ trong cuộc sống. Đây là dấu chấm hỏi lớn của những người mới bước đầu tiếp cận với Phật giáo hoặc là họ chưa tiếp cận với Phật giáo. Để hiểu rõ điều này, mời bạn xem qua bài chia sẻ "Vì sao cần phải tu ?"

Nếu so sánh giữa người tu (tại gia hoặc xuất gia) và người đời ở góc nhìn của xã hội thì người tu có phần thiệt thòi hơn. Thiệt thòi ở đây cụ thể là họ dành những khoảng thời gian rảnh, thay vì đi chơi cùng gia đình, tu tập bạn bè thì họ đến chùa để đọc kinh, niệm Phật. Hay thay vì thưởng thức những món ăn ngon từ động vật, họ lại hạn chế tối đa hoặc dứt hẳn hoàn toàn để chọn cách ăn chay từ rau củ quả…

Nghĩa là những nhu cầu về hưởng thụ vật chất trong cuộc sống họ cắt giảm dần đi, đôi khi là cố gắng giảm bớt theo những lời đã học trong kinh điển để đạt được trạng thái tâm bình an và tránh đi những nghiệp xấu xảy ra.

Tuy nhiên, với những người đang có cuộc sống hạnh phúc, vật chất đầy đủ thì quan điểm về tu học là một điều gì đó khá tiêu cực với họ. Họ cho rằng, những người mặc áo tràng, tìm đến chùa chiền là những người yếu đuối, thất bại trong cuộc sống và thậm chí là mê tín, làm việc vô bổ… Tuy nhiên, khi rơi vào những hoàn cảnh đau khổ, người ta mới tìm đến đạo Phật để nương tựa và tìm phương pháp cứu giúp cuộc đời mình.

Những đối tượng tìm đến sự tu tập

Những người bị đau khổ.


Khi họ rơi vào sự cố nào đó trong cuộc sống, thấy chán ngán cuộc đời, gian trá, bất công lừa đảo mưu mô nên cần tìm chốn bình an để nương tựa và hi vọng rằng sẽ sớm có lối thoát cho tâm hồn và cải thiện được đời sống ở kiếp sau.
Những người tu tập nhằm tích phước cho con cháu

Quan niệm "Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ" vẫn ăn sau trong suy nghĩ của người Việt. Vì thế, nhiều người tu tập nhằm tạo phước để lại cho con cháu với hi vọng chúng sẽ có cơm no ấm áo, cuộc sống bình an.

Những người tu tập với mục đích đạt được sự giác ngộ giải thoát

Khi họ nhận diện được sự giả tạm của cuộc đời và muốn đạt đến sự giải thoát, tu hành chính là cách để họ thực hiện ước mơ của mình. Nhưng đây là mục đích cần phải có sự nỗ lực rất lớn và ý chí vững vàng.

Dù tu vì bất kỳ lý do gì, nhưng điểm chung nhất là tu để nhận diện cuộc sống, biết đúng sai theo chân lý để từ đó sửa mình và biết cách ứng xử trong cuộc sống. Đúng sai theo chân lý khác hoàn toàn với đúng sai theo cảm tính. Người đời luôn cho những gì mình nói ra hay hành động đều là đúng, cho nên mới xảy ra những mâu thuẫn, xung đột dẫn đến đấu đá nhau, bất hòa nhau rồi gây đau khổ cho nhau.

Những điều lưu ý cho người tu tập

Vấn đề tu tập phải mang đến giá trị thiết thực. Tuy nhiên, phần lớn những người tu tập lại không có kết quả và điều đó không chứng minh rằng ta là người có học và tu theo Phật. Đó là do những nguyên nhân:

- Mục đích tu tập còn quá mơ hồ.

Trong quá trình tu tập, đôi khi có những vấn đề trắc trở xảy ra cho bản thân hay gia đình thì chúng ta lại nghi ngờ về đạo lý. Chúng ta thắc mắc vì sao tu tập mà còn bị vấn nạn này vấn nạn kia xảy đến rồi thối chí và từ bỏ mục đích ban đầu.

- Không có động cơ tu tập

Khi bản thân hay gia đình rơi vào những khó khăn thì người ta thường tìm đến Phật pháp và nỗ lực tạo phước để mong thoát được những tai nạn. Nhưng khi «Sóng yên biển lặng» thì lại quay lại hưởng thụ cuộc sống và trễ nãi việc tu học. Chúng ta tu học một cách « chữa cháy» như thế thì sẽ không có kết qua lâu dài.

- Cầu nguyện suông

Đa phần nhiều người đến với đạo Phật để cầu nguyện suông vì tin rằng mọi việc sẽ được thay đổi theo ý chúng ta. Nhưng đó chỉ là cách tu tập về mặt tín ngưỡng, nó phản ánh cho ý nghĩa của tôn giáo hơn là giá trị thực của đạo Phật.

Cầu nguyện sẽ không giúp chúng ta đạt được ý nguyện nếu chúng ta không có hành động để chuyển đổi nó. Cũng như một người bị đau tay vì cầm vật nặng, họ đến nhờ Đức Phật làm sao để khỏi đau tay. Đức Phật bảo rằng hãy buông vật đó xuống. Nhưng người ấy không buông mà cứ khăng khăng muốn vừa hết đau tay mà vừa giữ được vật nặng ấy.

Cũng vậy, một người rơi vào đau khổ là do tâm đang nắm chặt điều gì đó mà không thể buông xả. Chỉ cần mạnh mẽ buông xả, chúng ta sẽ có được sự an lạc. Cho nên tất cả những phiền não của chúng ta không thể nào được chấm dứt bằng cái chỉ việc đọc tụng kinh điển hay cầu nguyện.

Đức Phật đã từng dạy trong kinh Pháp Cú Đức Phật rằng: Tuy tụng đọc nhiều kinh điển nhưng tâm vẫn buông lung và không thực hành thì không được lợi ích của quả sa môn, cũng như kẻ đếm bò thuê chỉ chăm đếm bò cho người.

Người Phật tử tu như thế nào?

Người Phật tử chúng ta cần phải có nhận thức để chỉnh đốn, tha thứ, bao dung, nhịn nhường tất cả mọi thứ không phải chỉ để bằng lời nói mà bằng sự nỗ lực chuyển hóa của nội tâm nơi mọi con người.

Chúng ta đã bị tất cả những phiền não, tham sân ích kỷ, che đậy sự giác ngộ của chúng ta, che đậy những tính thiện của chúng ta, nhưng mà ở đây chúng ta không biết rột rửa nó bằng tất cả những hành động, bằng phương pháp tu tập, mà chúng ta chỉ biết bằng niềm tin và tưởng tượng để đặt cái vấn đề để cầu nguyện suông như vậy thì không thể thay đổi, chuyển hóa được?

Mong rằng bài chia sẻ “Tại sao cần phải tu?” sẽ giúp chúng ta nhận diện được giá trị của việc tu tập trong đời sống, biết được phương pháp tu đúng cách để không phí công cho sự nỗ lực cần tu, để những hy sinh trong suốt lộ trình tu tập của chúng ta không vô nghĩa. Và đặc biệt hơn là nhận được hiệu quả thiết thực ngay chính hiện tại.

Càng tu sớm càng tốt

Con người chớp mắt đã tới giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Thế nên, khi tiếp cận Phật giáo từ sớm, biết giác ngộ con đường giải thoát, thoát tham sân si, thoát khổ, thì những sự tinh tấn sẽ tới rất nhanh.

Quý hóa thay những vị tu tập từ hồi còn nhỏ, khi trái tim còn trong sáng và chưa vướng bụi trần, sự tinh tấn sẽ càng nhanh càng thấm. 

Vậy nên, thanh xuân như 1 tách trà, biết tu tập sớm, sẽ là thanh xuân! 

Hãy hướng tới sự bất tử miên viễn của đạo Phật. 

Bài viết: "Thanh xuân như một tách trà, biết tu học sớm nghĩa là thanh xuân"
Thích Phước Tiến/ Vườn hoa Phật giáo