Phật giáo ủng hộ những vấn đề lợi lạc cho số đông

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trước ngày 14-6, Quốc hội chưa thông qua được 3 nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng Phật giáo trong nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã được dư luận quan tâm.


Bài phỏng vấn dưới đây của tuần báo Giác Ngộ ra vào ngày 14-6, trong sáng này, dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.

Theo đó, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu, bia được thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết, tỉ lệ tán thành là 84,30%. Giác Ngộ online giới thiệu để chia sẻ quan điểm Phật giáo về các nội dung xoay quanh chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, với vai trò đại diện cho cử tri có tín ngưỡng Phật giáo tham gia Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ, NS.Thích nữ Tín Liên, Ủy viên HĐTS, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV cho biết:

- Như chúng ta biết, uống rượu và dùng các chất kích thích làm mất trí tuệ, là một trong năm giới cấm của người Phật tử. Giới cấm uống rượu này được Đức Phật xác định rõ ràng trong giới luật, không chỉ cho Tăng Ni tu sĩ mà còn là giới của người cư sĩ Phật tử. Giáo lý đạo Phật xác định rõ ràng rằng, việc uống rượu cũng là nguyên nhân đưa đến tội lỗi sai phạm của những giới khác như sát sinh, trộm cướp, tà dâm và nói những lời không chân thật. Đây là những giới cấm căn bản của người Phật tử.

Nói như vậy để chúng ta xác định rất rõ là từ trong giáo lý căn bản, việc cấm uống rượu đã được quy định rất rõ. Vì thế bản thân chúng tôi cũng như Phật giáo ủng hộ việc cấm uống rượu, nhất là khi điều khiển phương tiện giao thông. Mà ngay trong trao đổi với các ĐBQH đoàn TP.HCM và các đoàn tỉnh thành khác, rất nhiều vị đồng tình với quan điểm của chúng tôi đưa ra dưới góc độ Phật giáo.

Thưa Ni sư, khi đưa vấn đề cấm rượu bia vào dự thảo luật này, Ni sư và chư tôn đức khác, cùng ĐBQH tôn giáo bạn có được tham vấn ý kiến ở góc độ tôn giáo trước không?

- Bản thân chúng tôi có trao đổi nội bộ trong phạm vi đoàn TP.HCM. Chư tôn đức ở các đoàn khác cũng thảo luận trong tổ của đoàn mình. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến thảo luận ở các đoàn để chỉnh sửa văn bản luật lại, gởi cho đại biểu xem lại trước khi đưa ra thảo luận chung ở hội trường. Nếu trong thảo luận chung còn những điểm nào chưa có sự thống nhất cao giữa các đại biểu, chủ tọa sẽ xin ý kiến lại bằng văn bản hoặc bấm nút điện tử như đối với vấn đề rượu bia hôm rồi.

Chúng tôi là ĐBQH, đồng thời là tu sĩ Phật giáo nên rất có trách nhiệm trong việc góp ý và “bấm nút” để biểu quyết lấy ý kiến dự thảo luật. Đây là dự thảo luật có tính thiết thực cao, liên quan trực tiếp đến đời sống cộng đồng xã hội, khi mà tình hình tai nạn giao thông ngày một nghiêm trọng, số lượng người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu ngày một tăng. Luật này được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần trước khi đưa ra biểu quyết lấy ý kiến tại hội trường của Quốc hội.

Chúng tôi trong khi đi giảng dạy cho Phật tử ở các đạo tràng đều nhấn mạnh rõ tác hại của rượu bia và các chất ma túy làm mất hạt giống trí tuệ. Những chất đó sẽ làm cho tâm trí bị si mê, sẽ không biết đâu là thiện đâu là ác. Và những lúc như vậy người ta thường hành động sai quấy, gây đau khổ cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Trong thời gian qua, chúng ta thấy tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia rất cao và đáng báo động. Tất cả các ĐBQH đều thấy sự tác hại đó, nhưng còn một chút đắn đo do sai khác quan điểm về vấn đề này.

Vậy diễn tiến việc lấy ý kiến để đưa vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia lại chưa được thông qua cả 2 phương án, thưa Ni sư?

- Như đã nói, dự thảo luật này trình lần đầu vào kỳ họp thứ 6. Trước đó đã gởi về mỗi địa phương để xin ý kiến nhân dân thông qua vị đại diện các đoàn thể, ban ngành, và trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. UB Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp thảo luận, nghiên cứu, thẩm tra để chỉnh sửa. Kỳ họp thứ 7 này cũng vậy, sau khi tổng hợp các ý kiến thảo luận, dự thảo luật được đưa ra xin biểu quyết các vấn đề còn những khác biệt về quan điểm.

Tại phiên biểu quyết dự thảo “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” chiều 3-6 vừa qua, các đại biểu cũng đã biểu quyết 2 phương án: Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu và khí thở, và Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu, khí thở có nồng độ cồn vượt quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Cả 2 lần biểu quyết 2 phương án, số lượng ĐBQH đồng ý cấm hẳn uống rượu khi tham gia giao thông (phương án 1) và không đồng ý cấm hẳn uống rượu (phương án 2) đều không vượt quá bán, nên nội dung này chưa thể thông qua đưa vào dự thảo luật.


Ni sư Tín Liên phát biểu tại diễn đàn Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Ni sư đã chọn tán đồng phương án nào khi biểu quyết lấy ý kiến nội dung đó đưa vào dự thảo luật?

- Quan điểm của chúng tôi ngay từ đầu là không ủng hộ rượu bia, vì những tác hại như đã nói. Chúng tôi chọn phương án cấm. Và chúng tôi thấy các đại biểu xung quanh mình cũng chọn phương án ấy.

Là người tham dự trực tiếp tại Quốc hội, Ni sư có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Với vấn đề này, có số người hiểu sai, cho rằng sẽ không thể phạt người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu. Điều này không đúng. Ngay hôm sau buổi biểu quyết ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói rõ trong hội trường rằng, đây chỉ là lấy ý kiến, nghiên cứu để hoàn chỉnh đưa vào dự thảo luật này, chứ không phải là biểu quyết thông qua luật.

Tuy nội dung góp ý liên quan đến rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông chưa được thông qua, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có hiệu lực liên quan đến xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn vẫn bị chế tài như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hình sự,… Tất cả các luật này đều có những điều khoản quy định và chế tài liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông mà sử dụng rượu bia.

Chúng ta phải hiểu rằng đợt biểu quyết vừa qua cấm hay không cấm uống rượu bia khi tham gia phương tiện giao thông chỉ là lấy ý kiến để đưa nội dung đó vào dự thảo luật, chứ không phải là biểu quyết thông qua luật này. Qua phương tiện truyền thông, báo chí, nhiều người hiểu lầm việc ấy. Vì nội dung này còn nhiều ý kiến trái chiều nên các bộ ngành như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an… sẽ tiếp tục ngồi lại thảo luận để đưa ra một nội dung mà hai bên là “cấm hoàn toàn” và “cho sử dụng dưới nồng độ quy định” có thể chấp nhận được.

Một nội dung biểu quyết nữa không được thông qua là quy định bán rượu bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ khi số lượng đại biểu biểu quyết không quá bán. Tuy nhiên, điều luật về khung giờ quảng cáo liên quan đến rượu bia trên phương tiện báo chí: “không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em” lại được thông qua. Quy định này rất tốt trong tình hình hiện nay. Điều này để hạn chế trẻ em, thanh thiếu niên tiếp nhận thông tin liên quan đến bia rượu mỗi ngày trong “khung giờ vàng”, cũng là để trẻ em và thanh thiếu niên tránh tiếp cận sớm với rượu bia.

Thực tế cho thấy nhiều tệ nạn xã hội, tai nạn thảm khốc để lại nhiều đau thương, tổn thất cho người dân có nguyên nhân từ việc sử dụng, lạm dụng các chất làm mất khả năng kiểm soát hành vi, trong đó có bia rượu. Ý kiến của các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội về vấn đề này như thế nào, thưa Ni sư?

- Nhìn chung dự thảo luật đã được thảo luận kỹ từ kỳ họp trước, chỉ còn vài điểm chưa thống nhất. Tuy nhiên dù là thảo luận, góp ý dưới góc độ nào, chúng tôi đều hướng tới sự hạn chế tối đa hoặc cấm sử dụng rượu bia, vì một đời sống hữu ích mà Phật giáo khuyến khích từ bỏ rượu. Chúng tôi nghĩ các đại biểu tôn giáo khác cũng đồng quan điểm chia sẻ này.

Như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, sẽ họp Ủy ban Thường vụ với các cơ quan hữu quan để xem xét, nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp, trình ĐBQH trước khi biểu quyết thông qua Luật.

Theo tôi, trường hợp không cấm hoàn toàn thì sẽ quy định rõ hạn mức nồng độ cồn, phải thấp hơn hạn mức hiện hành. Chúng tôi thiết nghĩ ai cũng muốn có một xã hội lành mạnh và an toàn, tuy nhiên ở góc độ cuộc sống thì mỗi người sẽ có một cách nhìn và các ĐBQH cũng thể hiện các cách nhìn đó.

Trong kỳ họp này có một vấn đề được ĐBQH đưa ra là các công trình du lịch tâm linh và thu phí đầu tư. Vấn đề này thế nào, thưa Ni sư?

- Đây là vấn đề được ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đưa ra trong 2 câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Bộ trưởng Bộ Công an chiều ngày 5-6. Ông Bộ có đặt vấn đề có một số công trình tôn giáo được xây dựng mà ông “tạm gọi là chùa BOT”, ở đó có việc một số quan chức “đóng cổ phần vào việc xây dựng chùa BOT để kiếm lời sau khi công trình đi vào hoạt động” và vấn đề “xử lý hoạt động lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam đã lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh, vi phạm pháp luật”.

Về hai vấn đề này, phía đại biểu Phật giáo có HT.Thích Bảo Nghiêm, ĐBQH đoàn Hà Nội đã phát biểu, giải thích; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định “không có khái niệm chùa BOT”. “Chúng ta đừng có lấy những công trình tín ngưỡng, tôn giáo để nói như thế; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo là không được”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Hai vấn đề này được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời tại hội trường. Các Bộ trưởng đã xác định rõ hiện nay chưa xác định có một công trình tín ngưỡng, tâm linh nào mà do quan chức đầu tư tiền của xây dựng để kiếm lời. Vấn đề các công dân Việt Nam lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gây ra ảnh hưởng xấu đã được xử lý đúng pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của GHPGVN.

Vậy vấn đề các bộ ngành giải thích thế nào khi các ĐBQH đưa khái niệm về “du lịch tâm linh”, trong đó có các công trình tín ngưỡng, tôn giáo?

- Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thì ngành du lịch hiện nay có 4 loại hình: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị; “không có khái niệm ‘du lịch tâm linh’ nhưng có thể hiểu là một sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh”. Như vậy, những nơi vui chơi giải trí có yếu tố văn hóa thuộc về du lịch văn hóa. Có thể những nơi ấy người ta sẽ xây một số công trình tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ nhu cầu tâm linh của một bộ phận người đi tham quan, du lịch; nhưng đó không phải là mục đích chính, công trình chính của toàn bộ dự án.

Nói chung, không có khái niệm “du lịch tâm linh”, cũng không có những khu đất lớn cấp riêng cho chùa để hình thành “khu du lịch tâm linh”; nhưng đó là khu du lịch của nhà nước xây dựng, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan giải trí cho mọi người, nơi đó có một ngôi chùa là di tích lịch sử - văn hóa hay không là di tích lịch sử - văn hóa, nay được trùng tu lại, hoặc xây dựng mới khang trang.

Về ý kiến cho rằng có sự “thu lời” từ sự đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã có văn bản trả lời rất rõ. Nguồn thu tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh dựa trên 3 hoạt động thu phí: Phí tham quan, tiền từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ và tiền công đức. Tiền công đức phải công khai, minh bạch theo quy định Luật Tôn giáo, tín ngưỡng và Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Bộ Nội vụ. Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý tiền công đức.

Bài viết: "Phật giáo ủng hộ những vấn đề lợi lạc cho số đông"
Pháp Đăng thực hiện
Nguồn: Giacngo.vn

“Tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do GHPGVN và Giáo hội Phật giáo tại các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý. Không chùa nào nằm ngoài hệ thống này. Đặc biệt khẳng định không có bất kỳ một chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới cụm từ rất mới, rất lạ là 'BOT'.


HT.Thích Bảo Nghiêm

Mặc dù rất ít nhưng 'con sâu làm rầu nồi canh', đó là những hiện tượng sai lệch giáo luật, một số nhà tu hành tại một số chùa có ứng xử chưa phù hợp với các Phật tử đến lễ chùa đều đã được GHPGVN Trung ương và các địa phương nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc theo các quy định của Hiến chương và các nội quy của Giáo hội. GHPGVN không dung túng, bao che cho bất kỳ một người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”.

HT.Thích Bảo Nghiêm,
Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, ĐBQH khóa XIV
(Trích phát biểu tại kỳ họp Quốc hội chiều 5-6)

-----------

“Về vấn đề nhiều đại biểu đã nói, tôi muốn nói thêm là về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, chúng ta đồng tình là chúng ta phản đối, lên án đấu tranh chống mê tín, dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi và các vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và các tổ chức tôn giáo cũng cần xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta phải hình dung vấn đề này không chỉ pháp luật mà còn liên quan tới tuyên truyền, phổ biến, vận động, đặc biệt là vai trò của chính các tổ chức tôn giáo.

Trong quá trình đó cần lưu ý chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tốt đời, đẹp đạo, sống phúc âm trong lòng dân tộc.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Chúng ta lưu ý rằng xét trên giác độ văn hóa, khi một tôn giáo vào Việt Nam cũng có sự ảnh hưởng qua lại với những nét truyền thống của cộng đồng dân cư, của dân tộc đó, cụ thể là dân tộc Việt Nam. Ví dụ, Phật giáo khi vào Việt Nam thì Phật giáo bây giờ chúng ta hay nói là tam giáo đồng nguyên và có rất nhiều tín ngưỡng của Việt Nam dần dần có sự dung hòa. Chúng ta có truyền thống tổ tiên, có tín ngưỡng đạo Mẫu và giờ dung hòa vào vì vậy khi nói về vấn đề giáo pháp, thực hành tín ngưỡng nên đặc biệt lưu ý vấn đề này. Bởi đây là niềm tin và thực hành thường nhật của một bộ phận lớn của người dân Việt Nam, chúng ta cần phải tôn trọng.

Trong quá trình đó, những gì truyền thống, tín ngưỡng không phù hợp thì chúng ta chỉ ra, vận động để loại bỏ dần. Thực tế có nhiều điều tốt, đại biểu Anh Trí có kiến nghị một ý tôi rất tâm đắc, trước đây truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ khi người chết thì địa táng, bây giờ chúng ta vận động hỏa táng. Đó cũng là nét truyền thống đã được thay đổi. Chúng ta kết hợp cùng Phật giáo, tôn giáo để vận động.

Mê tín dị đoan suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết, chúng ta cần chú ý hơn tới giáo dục văn hóa, nâng cao dân trí để mọi người dân hiểu rằng hành vi này đúng với tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hành vi kia không đúng, hành vi này trước đây đúng nhưng giờ không phù hợp với thế giới văn minh. Những điều này cần có sự phân tích có tình, có lý của nhà nghiên cứu về tôn giáo, người thực hành tôn giáo và những người nghiên cứu về văn hóa. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương tổ chức tăng cường công tác nêu gương việc tốt, việc phù hợp, việc chưa tốt, chưa phù hợp nhưng phải phân tích cặn kẽ trên góc độ văn hóa để mọi người nêu cái tốt, giảm cái xấu. Tôi mong rằng đại biểu Quốc hội và toàn thể nhân dân hãy gìn giữ và phát huy những thứ tốt đẹp của dân tộc, tôn giáo mình đang theo, đồng thời cầu thị trên tinh thần khoa học để có ứng xử phù hợp với thời đại mới”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Trích phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 6-6