Chơn Lý Cẩm Nang Khất Sĩ

Bậc cổ đức có nói: “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”


 

Thật vậy! nước có luật mới được phú cường và thạnh trị. Nhà có giữ luật mới được an vui.Trên có thuận dưới mới hòa. Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà. Ngược lại, thiếu luật hạnh lẽ tất nhiên bị đào thải vô giá trị. Chẳng những gia đình,chính trị, tôn giáo hay các nghề nghiệp chi mà thiếu kỷ luật trật tự thì nghề nghiệp cũng hư hỏng thất bại…

Học trò không tuân kỷ luật ở nhà trường học trò ấy bị đuổi, tài xế không luật có ngày tán gia bại sản…

Nói chung lại: sĩ, công, nông, thương mà không luật thì không được an vui và bền vững mà sau sẻ ra người vô dụng…

Được giàu sang quan quyền, vua chúa là công hạnh biết giữ gìn các giới luật…

Trong kiếp hiện tại hay quá khứ mà có chư Phật, Thánh, Tiên đều do giữ gìn giới luật mà đắc quả Tiên, Thánh, Phật vậy.

Chẳng những loài người hay Trời Phật, Thần Thánh có giới luật mà thôi, nhẫn đến súc vật cũng có giới luật nữa. Như chim nó bay có hàng, kiến mối bò có lối, ong cũng có hàng, có qui tắc trật tự đoàn của nó. Xét như thế thì đủ biết và chứng tỏ rằng: Giới  luật tuy mỗi trường hợp có khác nhưng ở trường hợp nào hay cương vị nào cũng không thể thiếu giới được.

Nếu một người không giới luật thì ắt người là hư Tâm mất nết, một gia đình không giới luật thì gia đình ấy lộn xộn mất hạnh phúc, và mua chuốt lấy sự khổ nguy.

Một nước không kỷ luật thì nước ấy sẽ suy đồi, hung bạo, không còn phong hóa, đạo đức kỷ cương gì nữa!!!

Thế giới không qui luật là thế giới hung tàn bạo ngược, loạn ly ghê gớm. Muốn tránh tai họa khỏi những sự nguy hiểm cho chúng ta và xã hội thì moị người nên lấy giới luật làm căn bản, hộ thân và truyền bá giới lành ấy để cùng nhau chung sống, trên con đường quang minh và chánh đại, lẽ sống tinh khiết trong sạch cao thượng: “ Giới luật là chỗ đứng, ngồi,ngủ nghĩ, an vui, của tất cả vậy”

Vì thế ai cũng nên,  phải có giới luật. Cẩm nang Khất sĩ có hiệu năng giúp cho bất cứ ai có nhiệt tâm muốn thực hiện cho mình một đời trong sạch, cao đẹp và giải thoát.

Đạo Phật được thành lập trên nền  tảng qui chế giới luật là qui điều Đạo đức mà Phật đã ấn định những phương pháp cư xử và hành động cho Tăng sĩ cùng thiện nam tín nữ lo thực hành theo, để có thể tạo nên những phương pháp đặc tính: nhân vị, tự do, cao thượng hầu sống hợp với bản tính thiên nhiên và không trái với công lý.

Tuân theo qui luật đạo đức không có nghĩa là bị bắt buộc hay mất quyền tự do và mê tín mà là khuynh hướng cao cả của con người tri giác, có bổn phận tìm tòi và vạch rõ một chiều hướng quang minh chánh đại mà mình đã ra công thực nghiệm để cùng nhau đi tới sự toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ, toàn năng, toàn trí,toàn đức,toàn hảo và toàn nhân.Trọn sáng, trọn lành… và hoàn toàn trọn vẹn.

Khi con người chưa được giải thoát vì còn bị lôi cuốn của dục vọng thì chưa được tự do thật sự  và còn kẹt trong vòng đấu tranh sanh tử luân hồi.

Do đó tuân theo qui luật của Đạo đức là một quan niệm hướng thượng có thể coi là bổn phận thiêng liêng. Mỗi người tự tạo cho mình một đời sống thanh cao và thực sự tự do giải thoát, tức là hạnh phúc cứu cánh trong tư tưởng truyền thống của đạo Phật.

Đức Thích ca Ngài để lại cho chúng ta một quan niệm chính xác về qui chế giới luật là con đường quang minh trọng đại chánh giác mà mỗi Tăng sĩ có thể thực hiện cho mình một đời sống trong sạch cao đẹp và giải thoát.

* PHẬT NGÔN: “Lời của đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni: Hãy giữ lời nói của ngươi và làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sai quấy giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của Chư Phật đó…”

Lời Phật dạy tuy chỉ có vài hàng gọn ngắn gồm 37 chữ tất cả nhưng nội dung của bài đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa …

Với sự hứa hẹn tiến dẫn cho con người có thể đạt tới mục đích, mục tiêu tối hậu: chơn- thiện-mỹ.

Nhưng tiếc thay! Nếu chúng ta để mặc cho dục vọng mù quáng lôi cuốn thì than ôi! Nó trở thành xấu xa nguy hiểm và bắt đầu mở ra con đường thoái hóa cho tương lai đen tối phũ phàng …!

Thật vậy! người tu mà không luật tất nhiên phải bị đào thải…Do đó mỗi Phật tử chơn thành tuân theo qui luật của Phật để tu hành mưu cầu cho mình con đường giải thoát và cứu độ chúng sinh đền ơn trong muôn một thì phải luôn luôn tự kiểm tư tưởng, hành động và ngôn ngữ của mình để tương quan với lời phật dạy.

Có như thế mới  thể hiện được danh từ Phật tử…và hưởng ứng lời kêu gọi thống thiết của muôn triệu sanh linh đang bị lầm than chìm đắm trong bể khổ, đặng hoàn tất sứ mạng tự độ,độ tha của chính mình vậy.


Tóm lại: qui chế giới luật là giúp con người biết cách cư xử và hành động  chơn chánh, sống hợp với bản thân,bản tánh thiên nhiên không trái công lý và đem lại hòa hiếu an vui …cho gia đình xã hội mà từ lâu đã được thừa nhận là con đường Đạo, Trung đạo chánh giác có hiệu lực đưa chúng sanh ra khỏi đường sanh tử luân hồi, hưởng quả vui làm gương giải thoát.

Qui chế giới luật là thể hiện của sự sống quang minh bất diệt là con đường  thanh cao chánh giác cứu cánh đưa chúng sanh đến cõi chơn phước cực Đại không thể nghĩ bàn.

* SỐNG CÒN VÀ HẠNH PHÚC: Sự sống còn và hạnh phúc của mỗi người ở chổ “vô tranh”. Tự thắng mình…Con đường phải đi ấy là trung đạo chánh giác và đi bằng cách duy trì bảo vệ qui điều giới luật không tham vọng … Để có thể ta quên đi những tư tưởng lỗi thời hầu tạo cho mình một uy thế: Khả dĩ có đủ hiệu năng phù hợp với cả toàn thể đó là điểm chính, lẽ tất yếu rất cần thiết để đem lại sự “sống còn và hạnh phúc”

                          

     - Giới như Trái đất

                                - Định như cây trồng trên trái đất

                                - Huệ như trái cây

                                - Giới năng sanh định

                                - Định năng phát tuệ

                                - Huệ năng minh tâm kiến tánh

                                 Minh tâm kiến tánh sẻ thành Phật

                                                    “Lời Tổ Sư Minh Đăng Quang”                    

 

NHỮNG QUY CHẾ GIỚI LUẬT

Như sau:

-Giới tại gia

A- Ngũ giới

B- Bát giới

- Giới xuất gia

A- 10 giới tập sự Sa-Di

B- 250 giới tập sự Tỳ kheo

Tỳ kheo Tăng khất sĩ

C- 348 giới Tỳ kheo Ni

D- Bồ tát giới 10 giới trọng 48 giới khinh

E- Cẩm nang Khất sĩ

H- và 114 giới Giáo Hội Tăng già khất sĩ                

LUẬT CẨM NANG

Bất cứ ai thấu hiểu được yếu lý của bài: Luật cẩm nang này và sống đúng tinh thần cao cả ấy thì quyết chắc rằng người ấy là bậc “Siêu nhân”

1- Khất sĩ triệt để tôn kính ngôi Tam bảo và tín ngưỡng về Đạo đức “Ân Tam Bảo”.

2- Khất sĩ trọng Tổ quốc và thương nòi giống “Ân Tổ quốc và Đồng bào”

3- Khất sĩ kính mến cha mẹ vâng lời thấy dạy không nghịch ý. Biện bác tất cả chúng sanh là cha mẹ và thầy dạy “ Ân cha mẹ và thầy dạy”.

4- Khất sĩ thương yêu nhân loại và tất cả các sinh vật “ Ân chúng sanh”

5- Khất sĩ kính trọng các bậc Tôn trưởng, thiện tri thức và người cộng sự về Phật Pháp. Nói chung không nên làm nặng lòng ai hết…!

6- Khất sĩ không tham- sân- si, nói chung không nói dối khoe khoan đâm thọc, uống rượu, cờ bạc, từ tư tưởng lời nói và việc làm.

7- Khất sĩ trọng danh dự: làm cho ai cũng có thể tin tưởng vào khả năng và chức vụ của mình, cũng như của đoàn thể …

8- Khất sĩ sáng suốt thi hành lý tưởng chơn chánh, nói ít nghe nhiều, học nhiều, gặp dở phải sữa chữa.

9- Khất sĩ không kiêu căng, tự tôn, tự ti, không tự cho mình là hoàn toàn và hơn ai về những lời nói chỗ ăn ngồi danh dự.

10- Khất sĩ là kẻ đang tu tìm học với tất cả lẻ phải, vui chịu mọi cảnh ngộ, hy sinh sự vui thú để thực hiện mục đích: Tự độ, độ tha và giải thoát. Hiểu rõ Bi- Trí và Dũng là tôn chỉ, là đường lối tiến thân có thứ tự để đạt được tới mục đích tối hậu là ( Chánh đẳng chánh giác).

11- Khất sĩ tự kiểm tư tưởng, ngôn ngữ và hành động. Nói ít làm nhiều lấy lễ nghĩa sống với đời. Tha thứ kẻ lỗi lầm thương yêu người nghèo khó, giúp đỡ kẻ yếu đuối cơ hàn thiếu kém.

12- Khất sĩ không để mang lấy tiếng phụ người ăn ở phải có nhân hậu, ôn hòa, thanh nhã và đề phòng sự cẩu thả.

13- Khất sĩ phải tự tin vào lý công và làm cho bá tánh có lòng tin tưởng để cho ai nấy có thể họ phát huy với những tư tưởng lành. Hồi tâm hướng về đạo đức. Nhất là những người cộng sự, có tin tưởng mới có gắng thực hiện lý tưởng chung.

14- Khất sĩ không tỵ hiềm. trả đũa có ý ác với ai, dù gặp nghịch cảnh!

15- Khất sĩ kiên nhẫn trầm tĩnh tự tại dầu gặp phải nghịch cảnh vẫn lễ độ vui tươi.

16- Khất sĩ không ố nghịch sự tín ngưỡng của các Tôn giáo.

17- Khất sĩ không óc bè phái gây chia rẻ và phong kiến ố báng lẫn nhau về danh lợi thờ chơn lý chúng sanh chung.

18- Khất sĩ không phân chia màu da, sắc tộc, tôn giáo, chủng loại gia đình coi mọi người như anh chị em quyến thuộc chung, đúng chơn lý Đại đồng của Vũ trụ.

19- Khất sĩ lấy tình thương xóa bỏ hận thù ( oán thù nên cởi mở và không nên thắt buộc thêm).

20- Không cố ý bất hòa, bất hòa là phải trục xuất.

21- Có thiện chí sống chung tu học theo lý Bát Chánh Đạo. Không nói hành tật đố, xuyên tạc trái sự thật.

22- Phải ghi nhớ ơn chư Thiên hộ Pháp và thương yêu giúp đỡ mọi người tùy theo khả năng và trong sạch…

23- Không quy y theo chiều hướng trái với chân lý và không bàn luận việc chính trị.

24- Không được nín thinh khi có ai hỏi đến, trừ khi nhập định (nên phải dùng câu niêm phật mà đáp).

25- Đã thọ trì những điều Phật dạy (luật giới) thì phải hết lòng tôn kính như phụng thờ cha mẹ, như là thương con đẻ.

26- Không lợi dụng danh nghĩa Chơn lý để ngăn đường : Phản sự tiến hóa của dân tộc và nhân loại

27- Vì lòng Từ Bi và nhân cách không nên lợi dụng lòng tốt của ai, nhất là người mới mộ Đạo.( Đừng gắn ép công quả hoặc gài Pháp Danh khi người chưa có đủ đức tin và lòng cung kính. Hãy để tự ý người ).

28- Khất sĩ thực hiện gương thanh bần tiết độ trong sạch và giải thoát.

29- Không trau chuốt lời nói và phỉnh nịnh dối gạt người là tự dối gạt mình.

30- Không làm văn thơ lảng mạn, nêu gương trong sạch cho người tín phục.

31- Không nên bới móc chê bai nói lén người để tâng công hay trã đũa. Chê bai bới móc người để tăng công trả đũa là hành động khiêu khích không nên làm đối với nhà hiền đức.

Muốn chỉ dùm chổ lỗi, phải nói trước mặt và xây dựng, là người lớn thì đừng hẹp lòng dung túng kẻ nịnh, nên thưởng kẻ có công. Thương người chậm tiến. Năng dạy theo Đạo đức, đừng kiếm chuyện gây uất ức cho người, chớ nên quá nghiêm khắc hay hách dịch thì mới được an vui và sẻ tránh khỏi các sự rối loạn truyền kiếp…

32- Ghi ơn người chỉ giùm chổ lỗi và tự nghiêm răn sửa trị cải hoán ở mình trước và sau khi phạm lỗi.

33- Thẳng thắn vô tư và tôn trọng quyền lợi “ Đệ tam nhân”

34- Triệt để đề phòng những thái độ thiếu thẳng thắn của mình trong mỗi lúc, để phục vụ về Đạo đức.

35- Phải bình tĩnh và sáng suốt không nóng nảy, giận hờn, lo âu quan trọng hóa điều gì. Dẫu đứng trước nghịch cảnh nào cũng vậy.

36- Không bi quan, than trách và tu hành theo lối máy móc quá, gây ác cảm lan rộng để sau cùng ăn năn không kịp.

37- Phải biết rằng dầu là người đại ác cũng vẫn có một phần trăm thiện. Vậy ta nên nhìn nhận một chút thiện nhỏ ấy.

38- Khất sĩ muốn có Đức tin với tất cả, phải triệt để giữ lời đã hứa và trọng danh dự, đừng phản phúc vì phản phúc là tự phản mình!

39- Không bắt buộc đòi hỏi ai phải theo ý của mình dầu là các lý tưởng cao đẹp ích lợi chung cũng vậy. Hãy để tự ý người : Được lòng người khó – Mất lòng người dễ !

40- Học hỏi chút ít điều lành của Chư Phật, hiền triết lấy đó làm sự trau Tâm sửa mình hơn là đi tìm danh lợi, giả bộ cao siêu pháp thuật, bày trò ma quỉ để gạt người. Những hành động ấy không nên làm. Nếu là người Khất sĩ chánh giác.

41- Nên biết rằng tu là diệt nghiệp cũ và không gieo thêm nhân xấu ác nữa mới mong thoát khỏi vòng sanh tử khổ. Có người tu đi tìm vui khi gặp khổ thì liền thối chuyển chán nản. Còn tu để tìm sự giải thoát thì khổ và sướng nào có luận bàn. Đó mới là người giác ngộ.Gặp vui không mừng gặp khổ không lo ngại mới phải là người tu theo chánh giác vậy.

42- Tìm sự thành công cho mình bằng cách ố báng chỉ trích kẻ khác là một khuyết điểm lớn và sẻ đưa đến thất bại hoàn toàn. Kẻ thất phu khi lòng bị xúc động còn xả thân cứu người trong cơn hoạn nạn thay. Nay ta là người Phật tử noi theo (Khất sĩ )gương lành của Phật, lại biết xem Kinh hiểu lý há chẳng biết rằng: Tánh ghen ghét tật đố là một chướng ngại lớn lao cho người tu giải thoát ư?

43- Khất sĩ tự sửa lấy mình mới mau dứt nghiệp và lẹ bước trên đường tu giải thoát. ( Bồ tát sợ nhân –Chúng sanh sợ quả)

44- Đức khoan dung và lòng quảng đại là món ăn tinh thần rất thích hợp để nuôi sống linh hồn và là gương cảnh giác tốt đẹp cho chính ta trước xã hội, một phương tiện nhiệm màu giúp ta tiến bước mau lẹ trên con đường giải thoát.

45- Tự cảnh giác nơi Tâm mình trước xã hội, để thực hiện một tình thương díu dắt đồng loại hầu đạt đến lý chơn tuyệt đối.

46- Không tranh đấu xen lẫn theo đời, vì danh lợi chỉ chăm lo trau dồi về đức hạnh làm gương quí báu cho đời.

47- Có thể sống mai danh ẩn tích, nhưng không có nghĩa là tắt mất, mà sẻ sáng bừng lên như buổi bình minh rạng rỡ…(Nhập đại định tu tịnh ).

48- Tự xét mình không nên trách người và tôn trọng quyền tự do sống bình đẳng. Nhất là về phần nội bộ. Nên săn sóc giúp đỡ an ủi nhau khi gặp những rủi ro đau yếu v.v…

49- Tiết chế điều độ sự ăn uống, giữ vệ sinh cho thân thể. Tiết kiệm của mình và của Tam Bảo. Làm việc phải cẩn thận đừng để cho tổn phí hư hao. Nơi Tịnh xá nhà thờ, am cốc, nhà khách .v.v..giữ gìn cho sạch sẽ, mỗi người siêng năng làm công việc chung để tỏ ra có thiện chí và tinh thần tự giác.

50- Khất sĩ khi tiếp xúc với bá tánh phải giữ giới hạnh trang nghiêm lễ độ ôn hòa, ai có hỏi chi nói chút ít, bằng không thì thôi, nghĩ yên không tìm vọng động. Thế tôn chẳng tự tôn. Nhất là phải biết rõ chánh tà, trình độ trí thức tu học của mỗi người, nói giảng cho có thứ lớp và hợp thời để người sanh niềm tin.

51- Nói làm có ra là vì bổn phận, ai tin thì nghe, bằng không thì thôi, chớ đừng phiền não chỉ trích và cũng đừng bao giờ nói ra rằng : việc làm của ta là giúp đời, hãy để người tự biết! Nói như thế là còn duy trì bản ngã, nguồn gốc của sự khổ. Phải làm dứt bỏ. Nói là để trau Tâm mà thôi.

52- Có thể khuyến khích bá tánh, bá gia gieo trồng thiện nghiệp. Nhưng không ngoài lý Bát chánh Đạo, không tín mê và phải giữ thể diện Tam Bảo trong khi thi hành phận sự, để tránh về dư luận không tốt. Đừng để cho danh lợi, tình lôi cuốn …!

53- Khất sĩ tiếp chuyện thường hay đăng đàn thuyết pháp cũng vậy. Trước phải bình tĩnh và sửa tập nói giọng cho quen, lời nói chậm rãi dịu dàng thành thật cử chỉ ôn hòa thanh nhã, lễ độ vui tươi …

để cho thính giả có thể ghi nhận được và sanh lòng mến trọng. Đừng quá cao giọng hoặc diễn giải tự đại, tự cao ! Đừng nói dài dòng hay lặp đi lặp lại nhiều lần vì thế làm người khó nghe khó thông cảm để sanh chán nản hoặc buồn ngủ .v.v… Nhứt là cấm nóng nảy( quạu quọ) làm xúc phạm đến danh dự quyền lợi của bất cứ ai.

54-  “Trên đường tu giải thoát, từ tự độ đến độ tha các Tu sĩ còn phải gặp rất nhiều lỗi lầm. Vậy ta phải dè dặt thường lệ và thường duyệt xét lại tư cách tác phong của mình, coi có đủ thực chất, thực lực của một nhà tu xuất sắc hay chưa”.

55- Muốn độ đời là người có tâm hồn vị tha rất đáng khen, nhưng nên nhớ muốn độ đời, trước ta phải tự độ. Nghĩa là phải có Đạo lực, đức hạnh có hơn mọi người mới được. Cũng như ta muốn làm Thầy giáo thì cần phải có bằng và đức hạnh. Nếu Thầy không có bằng và đức hạnh học trò sẻ sa thải…! Vì vấn đề Nhơn sanh người ta thường chú trọng đến sự thực tế. Đức Phật dạy: “Người còn bị trói, là không thể nào cởi trói cho kẻ khác khỏi chết đuối được”.

56- “Lấy nhân cách mà ăn ở với đời, để giữ thành tín với tất cả. Người có thành tín với tất cả, mới được kính nể trọng dụng và dễ thành công, Trái lại thiếu thành tín tức là thiếu tín nhiệm sẻ bị thất bại đau khổ”.

57- Người ta rất khó chịu và xấu hổ vì có một ông Cha, một Thầy giáo, một cấp chỉ huy, một người bạn, một thuộc hạ, một đệ tử hay một đứa con “ Hư Tâm”.

58- Không nên tự phụ, tự cao chỉ trích, phiền trách,rầy la lớn tiếng bất cứ với ai. Dù đối với học trò tập sự cũng vậy. “ Dạy chớ không trị”. Nghĩa là mỗi khi gặp việc gì cực chẳng đã thì dùng lời lẻ ôn hòa nói chút ít cho có bổn phận thế thôi. Vì công lý lẻ phải sẵn có nơi lòng người, nào đợi ai xử phạt mình?...Hơn nữa  tư cách Phật tử Khất sĩ không cho phép chúng ta nặng lời với bất cứ ai!

59- Khất sĩ tư cách và oai nghi là yếu tố cần thiết giúp ta hoàn tất sứ mạng tự độ, độ tha và mối thiện cảm sâu xa duy nhất trong quảng đại quần chúng. Bao giờ cũng chỉ dành cho những người có tư cách.

60- Làm thế nào để có thể : Trở nên bậc hiền minh và được sự lưu ý của các bậc ấy? Hãy chịu khó suy tưởng điều lành, dứt bỏ ác dục …Thì sẻ phát sanh những năng khiếu tốt đẹp và trở nên bậc hiền minh, tư cách con người là yếu tố định đoạt trong nhiều trường hợp có quan trọng và cảm thông với các bậc ấy.