Sự thật thứ nhất (tiếp theo)

Buồn giận, ganh tức, lo lắng, sợ hãi và thất vọng đều là khổ. Đây là những nỗi khổ thuộc về các tâm hành bất thiện. Tâm hành là vùng năng lượng phát xuất từ hạt giống trong tâm thức như cây bắp biểu hiện ra từ hạt bắp.

 


 
Buồn ơi chào em!

Buồn giận, ganh tức, lo lắng, sợ hãi và thất vọng đều là khổ. Đây là những nỗi khổ thuộc về các tâm hành bất thiện. Tâm hành là vùng năng lượng phát xuất từ hạt giống trong tâm thức như cây bắp biểu hiện ra từ hạt bắp.

Nỗi buồn làm cho ta không vui, mất hết năng lượng để sống. Mỗi khi buồn chán, ta chẳng muốn làm gì cả, không muốn học, không muốn tu, không muốn làm việc, không còn có khả năng chăm lo cho đời sống. Ta cảm thấy chán nản, bi quan, tuyệt vọng nên thường sống một cách liều lĩnh.

Cũng như thế, tham dục là ngọn lửa đốt cháy thân tâm. Mỗi khi tham dục trổi dậy, tâm ta không còn sáng suốt nữa, có một cơn bảo tố đang xảy ra trong tâm hồn. Cách suy nghĩ, nói năng và hành xử của ta thật là đen tối và bậy bạ. Nó thúc ta đi tìm xem những sách báo, phim ảnh thiếu lành mạnh mà xã hội bây giờ cung cấp rất nhiều những thứ ấy. Có khi cơn tham dục quá mạnh, nó khiến ta làm những chuyện thật khờ dại và ngu xuẩn, tạo ra thật biết bao niềm đau nỗi khổ cho những người chung quanh.

Ganh tỵ là nỗi khổ khác. Nó làm cho ta trở nên nhỏ nhen, dễ hờn dỗi. Do thế, ta thường ưa lên án và trách móc người thương. Hai vợ chồng anh Nam sống với nhau thật đầm ấm. Vợ anh là cô Liên, một người dễ thương, thật thà và hiền hậu. Ở Việt Nam chỉ có chồng đi làm nên cô Liên ở nhà chăm lo thật chu đáo cho nhà cửa và đứa con gái mới tròn một tuổi. Mỗi lần đi làm về, anh Nam thường biểu lộ tình cảm với vợ một cách nồng nàn và thắm thiết, rồi mới nâng niu bé Hà tức là con gái của anh để nựng. Ngày nào cũng như thế! Không khí gia đình anh thật sung sướng và hạnh phúc!

Vậy mà một hôm, anh bắt gặp vợ đứng nói chuyện với anh Tín ở nơi hàng rào thì tâm tư anh liền phát sinh một cảm giác ganh tức. Anh cảm thấy đau nhói ở con tim! Thấy chồng về, cô Liên hớn hở tới chào đón thì anh trở nên lạnh lùng như một tảng băng. Cô Liên không hiểu tại sao chồng mình thay đổi mau như vậy? Bởi tính hiền hậu nên cô làm thinh chìu chuộng. Vì tự ái nên anh Nam nhất định không chịu tâm sự về niềm đau thầm lặng ấy mà cứ nghi rằng: "vợ mình có liên hệ bất chánh với người hàng xóm." Càng ngày anh càng trở nên lạnh lùng hơn, tội nghiệp cho chị Liên phải sống trong cô đơn và buồn tủi! Đó là một bài học.

Chỉ một sự nghi ngờ hoặc ghen tuông khởi lên cũng đủ làm liên hệ vợ chồng trở nên khốn đốn. Bởi vậy, có ghen tuông thì vợ hãy nói cho chồng nghe, có nghi ngờ thì chồng nên nói cho vợ biết. Vợ chồng hãy tìm cách giải thích rõ ràng những gì đôi bên nghĩ về nhau để có thể hóa giải hiểu lầm.

Tóm lại, những tâm hành bất thiện này là vùng năng lượng tiêu cực, có công năng đưa tới khổ đau, tuyệt vọng và hiểu lầm. Cho nên, ta phải biết nhận diện những tâm hành bất thiện này để đừng trở thành nạn nhân của chúng.

Mẹ đang ở đâu? – Ái biệt ly khổ

Chia cách người thương là một nỗi khổ khác của con người như trong trường hợp hai người thương nhau mà phải xa lìa.

Ba năm đầu tu tập, Châu Linh nếm được thật nhiều pháp lạc. Sư chú thực tập siêng năng, học hành chăm chỉ, Bồ Đề Tâm vững mạnh, nhưng đến những năm sau, sư chú không còn nếm được niềm hạnh phúc và sự an ổn một cách trọn vẹn bởi vì chất liệu vướng mắc trong tình cảm thường hay nổi dậy. Châu Linh muốn chinh phục tình cảm vướng mắc này, vậy mà càng ngày nó càng mạnh thêm. Thật là bực mình! Sao mà khó khăn quá! Đến năm 1993, sư chú thương đậm đà một cô gái Việt Nam về Làng Mai tu tập trong khóa tu mùa hè.

Cùng với Châu Linh, cô chăm lo chương trình sinh hoạt giành cho thiếu nhi nên cả hai có cơ hội chơi chung với trẻ em các trò chơi u mọi, giựt cờ, bắt cá... Từ đó, tâm tư của sư chú nẩy sinh tình cảm vương vấn lạ lùng! Tự nhiên, sư chú thích ngồi gần bên cô, thường hay nói chuyện với cô và ưa lắng nghe cô tâm sự. Cũng như vậy, cô muốn gần gũi để tâm sự và thường hay nhìn vào đôi mắt của sư chú. Hai người thường để ý tới nhau, bởi thế ngày nào không thấy cô thì sư chú nhớ lắm. Đi thiền hành hoặc ngồi thiền, sư chú thường nghĩ tới cô, nhớ tới khuôn mặt xinh đẹp, trong sáng của cô. Nỗi nhớ này làm cho sư chú cảm thấy bất an thật nhiều.

Cuối cùng cảm thấy chịu không nổi nữa, Châu Linh bày tỏ tình cảm này với bổn sư. Người dạy: "Sao con không mời mẹ đi thiền hành chung? Sao không mời Thầy, tăng thân ngồi thiền với con? Con đi tu đâu phải riêng cho một cá nhân. Con hãy nhớ thực tập cho Thầy, tăng thân, gia đình, dòng họ, tổ tiên nữa nhé." Lời dạy của bổn sư giúp cho Châu Linh bừng tỉnh. Thì ra bấy lây nay, sư chú chỉ tu cho riêng mình. Vì vậy, sư chú thường cảm thấy thiếu thốn tình cảm và luôn có nhu yếu muốn bám víu vào một đối tượng nào đó để bớt đi nỗi cô đơn trong lòng. Đây là nguyên nhân tạo ra nỗi nhớ nhung vẫn vơ làm bận lòng sư chú. Từ đó, Châu Linh biết mời mẹ, ba, anh chị em và các cháu cùng đi thiền hành. Sư chú lại mời bổn sư, các sư anh, sư chị và sư em cùng ngồi thiền chung. Thì ra, vô ngã là như thế! Châu Linh có thể thực tập được giáo lý này. Nhờ vậy, chỉ vài ngày sau, sự vương vấn nơi cô gái kia vơi đi thật nhiều. Sư chú không còn nhớ nhung vẩn vơ như trước nữa mà tìm lại được sự thảnh thơi trong tâm hồn.

Hồi mới xuất gia, Châu Linh cũng thường hay nhớ về mẹ. Mỗi lần nhìn cảnh hoàng hôn xuống, sư chú nhớ mẹ nhiều lắm đến nổi nước mắt cứ trào ra. Ở trên đồi Xóm Thượng, sư chú thường đứng lặng yên nhìn về hướng Tây, bởi mẹ đang sống ở chân trời bên kia bờ đại dương, có lẽ giờ này mẹ chỉ vừa mới thức dậy. Lúc còn ở nhà, mẹ chăm lo cho sư chú đủ điều, đi học về là có mâm cơm ngon, đi chơi về là được ôm mẹ vào lòng. Mẹ giặt giũ, nấu nướng, chăm lo tất cả và yêu thương sư chú nhất nhà. Vậy mà bây giờ, mẹ đang ở một mình, các anh chị không có mặt bên mẹ, em gái cũng đi học xa. Sư chú nở nào bỏ mẹ ở lại một mình để đi tu. Ngày xuống tóc, mẹ không hề hay biết, đến khi xem băng hình về lễ xuất gia thì mẹ và hai chị đều khóc. Nhớ tới đây, sư chú cảm thấy có lỗi với mẹ, những giọt nước mắt nóng hổi ứa ra lúc nào ướt hết đôi má của sư chú. Khóc được, Châu Linh cảm thấy khỏe nhẹ trong lòng! Thương mẹ mà phải xa lìa nên sư chú thường hay nhớ nhung thật nhiều! Tuy nhiên, Châu Linh không cảm thấy buồn tủi dai dẳn đâu, bởi vì Thầy, các sư anh, sư chị và sư em đang đang có mặt để thương yêu, chăm sóc và nâng đỡ tận tình cho sư chú. Xin mẹ hãy an tâm!

Biển đánh bờ - Tắng hội ngộ khổ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có làm bài hát rất sâu sắc về liên hệ tình cảm giữa con người với nhau tên là "Biển Nghìn Thu Ở Lại".

"Biển đánh bờ

Xôn xao bờ đánh biển

Đừng đánh nhau, ơi biển sẽ tàn phai

Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát

Biển là em ngọt đắng trùng khơi

Biển nghìn thu ở lại

Nghìn thu ngậm ngùi."


Sóng biển đánh vào bờ, và cố nhiên bờ đẩy ngược các đợt sóng ra biển trở lại, do đó nó tạo thành cái lực phản ngược làm cho các đợt sóng lớn hơn, mạnh lên và bền bỉ thêm. Nếu biển không có sóng thì không có tình trạng biển đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển, do đó biển sẽ không bị động mà lại được bình an, lặng lẽ. Con người cũng thế! Người này nói nặng lời thì người kia bị tổn thương, ôm một khối buồn khổ, do đó người bị thương mới tìm cách nói nặng lời trở lại, làm như thế, cường độ buồn giận càng tăng lên tạo ra mâu thuẫn và xích mích giữa hai người. Vậy, ta hãy cẩn thận trong lời nói, dùng ngôn từ dễ thương, âm điệu hòa nhã để tránh tạo ra buồn giận nơi người thương. Mỗi khi lắng nghe ta hãy thở để đừng phản ứng hay trách móc người ấy.

Trách móc nghĩa là complain, tức là cằn nhằn như đang đánh nhau bằng lời nói. "Đừng đánh nhau ơi biển sẽ tàn phai, đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát." Người thương là biển, và ta là bờ. Biển với bờ luôn cần có nhau. Người thương với ta cũng luôn luôn cần có nhau, anh cần em, em cần chị, mẹ đau thì con khổ, vợ buồn tủi thì chồng mất vui, chồng nóng giận thì vợ lo âu và sợ hãi. Cho nên, anh hãy thở cho em được bình an, mẹ mỉm cười cho con tươi mát, anh ôm ấp niềm đau cho chị bớt nhọc nhằn, chồng nhớ chở che cho vợ, vợ biết nói ngọt ngào với chồng...

Người thương là một phần sự sống của ta, làm khổ người thương là làm khổ chính ta, bởi vì "biển là em ngọt đắng trùng khơi." Khổ đau là khổ đau chung. Hạnh phúc là hạnh phúc chung. "Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát" nghĩa là xin đừng bỏ em, đừng ra tòa ly dị. Người thương sẽ ở trong tâm ta mãi cho đến ngàn sau. Vì vậy ly dị không thể giải quyết hết mọi vấn đề mâu thuẫn và khổ đau giữa hai người mà là sự chuyển hóa, hòa giải, tha thứ và bao dung. Ly dị rồi, ở với người mới thì nỗi khổ củ vẫn trở lại như những lần trước. Giận hờn vẫn lại cứ giận hờn, trách móc vẫn lại cứ trách móc... Tại sao? Bởi vì, "biển nghìn thu ở lại, nghìn thu ngậm ngùi." Đó là một sự thật mà ta phải nhớ.

Ta học bài học của biển và bờ để đừng tạo ra phong ba, bảo tố giữa hai anh em, chị em, vợ chồng hay trong gia đình. Ở chung với người hờn ghét là đau khổ, vì chính tâm trạng chán ghét cũng đủ làm cho ta điêu đứng lắm rồi. Bỗng nhiên, tâm hồn trở nên nặng nề, gương mặt căng thẳng, lời nói khó nghe, chua chác, hung dữ. Lúc ấy, ta thật sự không cảm thấy hạnh phúc chút nào. Tóm lại, thực tập ôm ấp năng lượng giận hờn để có thể chuyển hóa thành tình thương, vì "giận thì giận mà thương thì thương."

"Cái giận làm tôi xấu

Biết vậy tôi mỉm cười

Quay về thủ hộ ý

Từ quán không buông lơi."


Hai vợ chồng có quá nhiều giận hờn, buồn tủi trong tâm mà phải sống với nhau suốt đời thì làm sao có thể vui vẻ cho bằng được!

Sông ái dài muôn dặm - Thủ ngũ uẩn khổ

Nguồn gốc chính của khổ đau là vướng mắc và tham đắm vào năm uẩn, gọi là 'thủ ngủ uẩn thị khổ'. Thủ là vướng mắc, tham đắm. Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Thế nào là vướng mắc vào sắc uẩn? Sắc là thân thể, tức là toàn thể bộ phận trong cơ thể, gồm có khuôn mặt, đôi mắt, hai tai, lổ mũi, cái miệng, hai tay, hay chân, hai vai... Ôi! Ta thương yêu khuôn mặt này quá. Sao mà nó xinh đẹp, tươi sáng và lôi cuốn ghê! Ta để nhiều giờ trang điểm cho nó, trau chuốt mái tóc, tô son bôi phấn, ngắm ngía mãi trong tấm gương một cách say mê và đắm đuối. Ta làm dáng làm điệu, kẻ mặt chuốt mày, sức dầu uốn tóc và ăn mặc các loại áo quần lụa là, kiểu mẫu... Thái độ trên biểu lộ sự vướng mắc vào sắc thân.

Còn nữa, đây là đôi mắt của tôi. Ôi, tôi thương quí đôi mắt này quá! Đôi mắt này sao mà quyến rũ đến thế! Hễ có chuyện gì xảy ra cho đôi mắt như đau nhức, mù lòa... thì ta lo âu, tiếc thương và sầu khổ. Người có trí tuệ sẽ quán chiếu để thấy tính mong manh của đôi mắt, do đó người ấy sẽ không lâm vào tình trạng bi đát như trên. Khuôn mặt xinh đẹp và cơ thể hấp dẫn của cô gái kia thật quyến rũ, do vậy ta nhìn trân trân với nhiều năng lượng ham muốn dục vọng. Lúc đó, ta đang bị vướng mắc vào sắc dục, và nó sẽ đem lại cho ta nhiều cơn sốt của đam mê và sầu muộn.

Thế nào là vướng mắc vào cảm thọ? Có một lúc nào đó, cơn đau răng thật kinh khủng cho nên ta mất hết sự bình tỉnh, không có khả năng làm hòa bình với nó. Do đó, ta kêu than thống thiết, la lối om sòm và trở nên bực bội, khó chịu, tạo thêm khổ đau trong tâm hồn và cho những người chung quanh. Đó là vướng mắc vào cảm thọ. Ta lại còn đam mê vào các loại cảm thọ khác như tìm niềm vui trong sự ăn uống, tiêu thu, lên mạn xem những chương trình phim ảnh thiếu lành mạnh hoặc say mê phim chưởng giờ này qua giờ nọ, bỏ hết việc học hành, làm ăn, tu tập... Đó là vướng mắc vào các loại cảm thọ khoái lạc.

Tưởng, hành, thức là ba uẩn khác. Nếu có gì xảy ra trong ba uẩn mà bị đánh mất trong sự khổ đau, bất ổn thì ta vướng mắc vào chấp và thủ. Ta có thành kiến đối với người em họ, từ đó nó tạo ra sự khinh khi, chán ghét đối với người ấy thì ta đã bị kẹt vào tri giác và tâm hành rồi.

Năm uẩn không phải chỉ nằm trong thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức mà rộng lớn lắm. Mẹ dính líu tới ta. Mẹ của ta nên mẹ thuộc về ngũ uẩn, vì thế mỗi khi mẹ mất hay đau ốm thì ta lo âu và buồn tủi. Những người đàn bà khác mất hay đau ốm thì ta không cảm thấy khổ sở mà lắm lúc còn hờ hững, dửng dưng. Đó có phải chấp vào mẹ như cái gì thuộc về ta hay không? Ta còn vướng mắc vào nhiều thứ khác như cái nhà, con cái, xe cộ, thân thể, danh dự, ý kiến...

Trong một buổi họp hay pháp đàm, ta bám riết vào ý kiến của ta, xem nó là hay ho, siêu đẳng, cho nên ta có khuynh hướng muốn thuyết phục mọi người phải công nhận ý kiến ấy. Đồng thời, ta phán xét, tranh chấp và chống đối lại ý kiến của người khác. Điều này biểu lộ rành rành thái độ cố chấp vào tư kiến, và nó thường gây ra sự mâu thuẫn giữa ta với những người chung quanh.

Càng cố chấp vào năm uẩn bao nhiêu thì ta càng dễ đau khổ bấy nhiêu. Đam mê vào một người đẹp cũng là vướng mắc nên hãy nhận diện để chuyển hóa, một suy tư không lành tạo ra khổ đau thì hãy nên buông bỏ, một cảm thọ đau nhức cũng nên bình tỉnh, một cảm giác an lạc cũng đừng mong cầu, một nhận thức sâu sắc cũng nên nhìn lại mà đừng tự cao tự phụ. Làm được như thế, ta sẽ không bị vướng mắc vào bất cứ hiện tượng, nhờ vậy nên sự sống của ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thảnh thơi.