Họa, phước trong nhà Phật

Vậy quan niệm của người Phật tử chúng ta đối với vấn đề hoạ phước như thế nào? Có tin là do thần thánh ban phước, giáng hoạ và có cần đi xem bói để biết chuyện hoạ phước hay không?


Người Phật tử chân chánh tin sâu nhân quả, biết rõ hoạ phước hiện tại vốn dĩ không phải tự nhiên mà có, tất cả đều do nghiệp nhân của các hành động thiện ác mà chúng ta đã tạo từ trong quá khứ gần đây hoặc rất lâu xa về trước. Bởi thế, chúng ta không nên hao phí tiền của và thời gian để cầu thần thánh ban phước hay trừ hoạ. Chính chúng ta có thể tự tạo phước báo, tiêu tai, giải nạn cho bản thân mình.

Do không hiểu luật nhân quả, nhiều người đã mua những hình nhân thế mạng bằng giấy về đốt để cầu trường thọ. Nếu như tuổi thọ con người có thể kéo dài bằng cách đơn giản như vậy thì những người giàu sẽ sống hoài không chết, còn những người nghèo không có tiền mua hình nhân thế mạng về đốt đều chết sớm cả.

Có những người mua ông thần tài về thờ để cầu đắc tài đắc lộc. Nếu quả thật họ cầu được thì họ lời to. Một bức tượng thần tài giá chỉ mấy chục nghìn, khi được thờ, ông thần sẽ độ cho họ trúng số hàng triệu, hàng tỉ đồng. Liệu có đắc tài đắc lộc dễ dàng như vậy không, hay rốt cuộc rồi tay trắng vẫn hoàn tay trắng? Biết bao nhiêu người thờ ông thần tài, thế mà người phát tài có được mấy ai đâu!

Lại nữa, giả sử có một thầy bói thực sự biết được hoạ phước của người khác thì chúng ta cũng không nên đến đó xem bói. Nếu thầy bói nói chúng ta sẽ gặp điều tốt thì mình mừng, còn nếu nói sẽ gặp điều hoạ thì mình lo. Nhiều người đang khoẻ mạnh, an vui, hạnh phúc, sung sướng, tự nhiên đi xem bói, thầy bói nói vài tháng nữa có tai hoạ, về nhà ăn không ngon, ngủ không yên. Có phải là tự nhiên chúng ta đem tiền cho thầy bói để rước lo về mình không?

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn sâu xuống đáy biển, dù tìm khắp thế gian này, không nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã tạo”. Khi chúng ta đã làm những điều ác thì chắc chắn quả báo xấu sẽ đến với chúng ta. Không thể nào lên trời hay xuống biển mà trốn tránh được. Hoạ phước chẳng qua là kết quả của nghiệp ác hay nghiệp thiện mà chúng ta đã tạo tác. Biết rõ như vậy, nếu gặp hoạ, chúng ta hãy hoan hỷ chấp nhận, không than trời trách người, không cầu cúng mê tín dị đoan như: đốt vàng mã, đốt hình nhân thế mạng... Điều chúng ta cần làm là phải nỗ lực tu tập trí tuệ và đạo đức, thực hành các hạnh lành và luôn nhún nhường, khiêm hạ với mọi người xung quanh. Cứ như thế, nghiệp xấu ác sẽ rơi rụng dần và chúng ta sẽ chuyển hoạ thành phước.

Ngược lại, khi phước đến, chúng ta không nên cống cao ngã mạn mà càng phải cố gắng làm việc thiện nhiều hơn nữa để vun bồi thêm phước cho mình. Đời người lắm nỗi éo le, chúng ta cần rất nhiều phước để làm hành trang cho bước đường đi tới tương lai. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ lời dạy của chư vị Tổ sư là: “Phước huệ song tu”. Không chỉ tu tập các hạnh lành như cúng dường, bố thí, ăn chay, phóng sanh, làm cầu, đắp đường... để được quả báo giàu sang, khoẻ mạnh và hạnh phúc; mà chúng ta còn phải tu dưỡng từ bi và trí huệ để mình có được tài đức vẹn toàn. Hãy tận dụng bất kỳ thời khắc rảnh rỗi nào trong ngày để nhiếp tâm niệm Phật, chuyên cần trì giữ năm giới đã thọ. Như chú ong siêng năng bền bỉ góp nhặt từng giọt mật hoa mang về tổ, việc hành thiện giúp đời cùng với sự tinh tấn tu hành của chúng ta dần dần sẽ kết thành hoa thơm trái ngọt: thân của chúng ta được khoẻ mạnh, an ổn, trường thọ và tâm của chúng ta ngày càng trong sáng, an nhiên, tự tại giữa dòng đời đầy biến động, đổi thay.

Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin kể cho quý Phật tử nghe câu chuyện “Tái ông thất mã” rất nổi tiếng: Ngày xưa, có một ông già nuôi một con ngựa rất đẹp, giỏi và khoẻ. Một hôm, con ngựa bỏ đi mất. Người hàng xóm hay tin đến chia buồn. Ông nói: “Biết đâu trong cái hoạ có cái phước”. Một thời gian sau, con ngựa trở về dắt theo một con ngựa cái xinh đẹp. Khi người hàng xóm qua chúc mừng, ông lại nói: “Biết đâu trong cái phước có cái hoạ”. Từ lúc có con ngựa mới thì con trai của ông thường hay tập cỡi ngựa. Một hôm, con ngựa nhảy lồng lên làm anh con trai bị ngã gãy chân. Hàng xóm được tin qua chia buồn. Ông lại nói: “Biết đâu trong cái hoạ có cái phước”. Một năm sau, giặc ngoại xâm đánh vào vùng biên giới, nhà vua tổng động viên tất cả thanh niên ra chiến trường. Trong làng, những thanh niên đồng tuổi con ông đều phải đi đánh trận và bị chết hết. Chỉ có một mình con ông vì què chân ở nhà là còn sống mà thôi.

Tóm lại, chúng ta thấy trong cái phước có cái hoạ, trong cái hoạ có cái phước. Biết được điều này, khi hoạ đến chúng ta cố gắng tu dưỡng đạo đức, trí tuệ, chuyên cần giữ giới và nỗ lực tinh tấn hành thiện thì có thể chuyển hoạ thành phước. Ngược lại, nếu chúng ta có phước mà không biết tu dưỡng đạo đức, trí tuệ, lại còn buông lung, phóng túng thì cũng có thể sẽ biến phước thành hoạ. Mong quý Phật tử luôn giữ được tâm an nhiên, tự tại trước tất cả điều hoạ phước đến với mình và không ngừng vun bồi cây phước báo để có thể gặt hái những quả lành trong đời này cũng như nhiều đời sau.

TT. Thích Chân Tính