Chết đơn giản mà thôi

Thiết nghĩ, đám tang đúng nghĩa trong Phật giáo là cúng chay, đãi chay, tập trung tụng kinh niệm Phật. Bỏ rượu thịt, không trống kèn (Trừ lễ nhạc theo nghi thức Phật giáo), đàn hát, đốt vàng mã, bớt lãng phí, nhà có khả năng nên miễn điếu, nên quyên tiền viếng vòng hoa và điếu để cúng chùa và làm từ thiện bằng cách đặt thùng từ thiện.


Người chết rồi nên thêu, tránh mua quan tài đắt tiền, khỏi tốn quỹ đất và làm phiền con cháu tảo mộ về sau. Nên đem tro cốt gửi chùa sau 49 hoặc 3 năm có thể rải xuống sông, quanh chùa, hoặc trồng cây. Đừng tốn tiền xây mồ cao mã đẹp để vong linh vướng vào không siêu thoát. Muốn báo hiếu cha mẹ phải lo lúc còn sống. Chớ để chết rồi làm văn tế ruồi, bày ra ăn nhậu, ca hát, tiếc thương thật chất chỉ mượn cớ ăn mừng, lấy vải thưa che mắt thánh, khẳng định đẳng cấp, khỏi mang tiếng với xã hội, chứ không có lòng vì người chết.

Phải nhân cơ hội đám tang, giỗ chạp làm Phước hồi hướng cho vong giả mới thật sự chí hiếu, trọn nghĩa. Tuyệt đối không được thỉnh thầy trấn yếm, đó là đại ác, ắt sẽ chuốc quả báo. Làm sao để cho người mất siêu thoát thì tang quyến sẽ yên ổn. Đừng tin vào tag thuyết mê tín!

Thân này sẽ chết! Nên lúc sống phải lo tranh thủ hoàn tất mọi trách nhiệm, giao phó cho con cái từ từ rồi buông dần. Đừng ham chất chứa để sau này ân hận. Chỉ có nghiệp là còn mãi. Người biết thương mình lo tích phước, ăn chay, niệm Phật để còn có cơ hội tái sanh về cảnh giới tốt trong đời sau. Cái gì cần nên di chúc trước.

Nhất là việc đám tang nên căn dặn con cháu như trên. Ai biết đạo thức đứng ra lo liệu. Mỗi ngày đều suy nghĩ về cái chết, tập chấp nhận nó. Cứ nghĩ mình niệm Phật sẽ đi theo Phật, tận lực là được, ngang đó chưa hoàn thành cũng không luyến tiếc. Nói chung suy xét vô thường cho kỹ, đừng để tâm vướng mắc. Ắt sẽ ra đi thanh thản.

Hi vọng xá lợi cũng chỉ là chấp tướng. Xá lợi chân thật là pháp thân bất sanh bất diệt. Chỉ cần thấy pháp duyên sanh vô ngã là đủ. Chạy theo hình tướng Như Lai, tìm cầu còn không thể được huống chi xá lợi Nên để lại xá lợi hay không là do nguyện lực của bậc thầy hoặc cá nhân Phật tử khi đủ định lực. Nên kẻ sống cũng như người mất đừng bám víu vào đấy mà chấp. Giả như chết đi, thiết nghĩ, ai rồi cũng để lại tấm thân nhục nhã ( Chắc chắn tôi cũng vậy, chứ không được nhục thân).

Bệnh tật là điều tất yếu. Có thân là có bệnh. Suy tướng là biểu hiện của nhân duyên bốn đại, năm ấm tan hoại. Nên xét ra vô sở hữu. Chính trong nghịch cảnh mà tâm không bị dao động là phẩm chất tuyệt đẹp của người tu. Bằng chỉ nhìn vào nghịch cảm của chư hành giả mà xem thường, nói họ vô phước là sai lầm. Hàng hậu học nên tự cảnh tỉnh. Cái chết đến trong từng hơi thở, chứ không hẹn bao lâu.

Thấy người chết, biết chắc mình sẽ chết. Nên lo chuẩn bị tư lương cho mình. Thử hỏi chết rồi ta sẽ đi đâu về đâu? Liệu ta có vui vẻ nằm trong quan tài nhìn con cháu rượu thịt vui vẻ, mướn bê đê về hát, đánh trống thổ kèn, mà giận không nói được? Liệu có ăn được chăng khi mâm cao cỗ đầy bày cúng linh đình? Trong khi lúc sống chẳng ai đoái hoài.

Nhân nào quả nấy! Lúc ông bà cha mẹ chết ta đối đãi ra sao, thì giờ mình mất con cháu sẽ mướn người khóc thuê y chang như vậy. Than ôi! Đạo Đức suy đồi, hiếu nghĩa mai một! Thói xấu thịnh hành, lòng người dua nguỵ! Giọt nước trước chảy sao, giọt sau sẽ chảy đúng y vậy. Nay không gấp rút lo tu, thì lâm chung lấy ai là người đưa tiễn? Bình sanh không lo niệm Phật, chết mời thầy cúng đám phỏng có ích gì? Tự thầy cúng còn chưa biết hơn chết sanh về đâu sao có thể bỏ ra vào dám ba đồng là họ đủ sức đưa mình về Cực Lạc? Còn cõi Phật, đâu phải trung tâm tị nạn đâu, mà ai dù xì ke, ma tuý, cướp của giết người gì, quý thầy cũng giới thiệu về đó cho bằng được?

Thực tế là “con Phật Phật rước , con ma ma bắt”. Lúc sống phải lo bỏ ác, làm lành, chuyên tu thập thiện, lấy bố thí ba la mật làm căn bản bên cạnh việc ăn chay, niệm Phật, phóng sanh, phụng dưỡng cha mẹ, thì họa may lúc chết mới được vãnh sanh. Quá nhiều hủ tục mê tín lạc hậu trong đám tang mà chúng ta cần từ bỏ. Đó đâu phải là nơi khẳng định quyền lực mình trong gia đình, hay vòi vĩnh ăn nhậu, biểu diễn thương tiếc, lấy le với mọi người. Thật khiếm nhã, đáng hận, đáng thương thay!

Còn ai quan tâm người chết rồi sẽ đi về đâu? Đừng đợi chờ người khác vô ích. Hãy tự lo cho chính bản thân mình, ngay đây và bây giờ.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
 
Bài viết: "Chết đơn giản mà thôi"
Chí Ngu/ Vườn hoa Phật giáo