Nghiệp hình thành như thế nào trong đời sống?

Nghiệp là một khái niệm căn bản trong giáo lý Phật giáo, nội dung lớn trong quan niệm Phật giáo quy định nhân sinh quan thế giới quan con nhà Phật, khác biệt với những quan niệm khác của tôn giáo khác hay các triết học.


Bản thân người viết không có duyên lành kinh qua các trường Phật học để tiếp thu căn bản giáo lý bằng con đường căn bản, song cho rằng có thể luận bàn về “sự hình thành của nghiệp trong đời sống” qua góc nhìn như của một người Phật tử.

Chính Đức Phật trong thời kỳ khổ hạnh rồi chọn đường trung đạo dung hòa, hành trình cầu Đạo, đã nhận thức sớm về nghiệp, sự tồn tại và sức chi phối lớn lao của nó và Ngài đã diễn giải nội dung căn bản ấy trong các thời pháp tùy duyên ở buổi đầu Phật giáo dưới cội cây trong rừng già bên suối hay những nơi khác, với các đối tượng khác nhau, bên cạnh các nội dung mang tính khái niệm nền tảng phật học khác như nhân quả, nhân duyên, luân hồi…

Ngày nay các đệ tử Phật khắp năm châu miệt mài tiếp nối công việc ấy của Đức Phật thông qua phương pháp khác nhau ở các trường Phật học, khóa tu, sinh hoạt đạo tràng, thời pháp trên mạng, và sách. Nghiệp vẫn đóng vai trò muôn thuở cho người học Phật, thuộc về khái niệm đầu tiên nếu không tường khó lòng ngộ ánh sáng Phật pháp.

Nói một cách dễ hiểu nghiệp là vận động có mục đích lặp đi lặp lại trong tâm thức chủ thể nhất định, trong đời sống, thành hành vi thân, khẩu hay ý, tồn tại hoại diệt theo quy luật nhân quả thiện ác.
Có nghiệp thiện và nghiệp ác và sức mạnh nghiệp lực chi phối chủ thể mang nghiệp. Thọ tạo nghiệp và trả nghiệp là một tát yếu không thể tránh, dù “tránh” bằng cái chết vì sự vay trả tiếp tục theo luật nhân quả ở cõi khác trong tương tục.

Nghiệp hình thành như thế nào trong đời sống nhân sinh?

Quá trình tạo nghiệp, thành lập nghiệp, dù thiện hay ác cũng có diễn trình trong bối cảnh không gian và thời gian cụ thể, với điều kiện cần và có như với quy luật toán học.

Do kết bạn nghiện thuốc lá, sinh hoạt lâu dài trong khói thuốc và sự mời mọc rủ rê, do tâm lý thích khẳng định (ví như “nam tính”, “phong trần”, “chịu chơi”…) chủ thể từng bước từng bước tập tành rồi kết thân nicotine như một yếu ốt không thể thiếu với não bộ mình, nửa điếu thuốc lá, một rồi hai điếu rồi một gói…nghiệp nghiện thuốc lá, nghiện nicotine hình thành dần trong não bộ chủ thể. Tương tự với mức độ cao hơn, đối với các dẫn chất ma túy heroin và các dạng nghiện khác, bao gồm rượu, game bạo lực…Nghiệp kết tạo trong não bộ con nghiệp như rễ bén rồi phát triển âm thầm trong lòng đất. Đấy là nghiệp xấu có thể dẫn đến sự trả nghiệp bi kịch, thàn tàn ma dại, phạm tội hình sự. Thậm chí bỏ thân mạng, hay ít nhất hao tổn tài chính, sức khỏe, ảnh hưởng đến gia đình, công việc… Khi rễ cây đã ăn sâu sinh sôi lâu năm, chuyện thay đổi hẳn, bỏ rể cây ấy thành ra chuyện rất lớn, với một số người là không thể. Đấy chỉ là ví dụ đơn giản và trình bày cũng đơn giản về  một loại nghiệp phổ biến trong thời hiện đại, nhất là với người trẻ trong vô số nghiệp chi phối sinh mệnh con người, trong đời sống. Sự huân tập lâu dài kết tạo nghiệp xấu khiến nó làm chủ vận mệnh hay thay đổi vận mệnh chủ thể từ khởi đầu tưởng như rất đơn giản, vu vơ: thử hút cho biết thế nào là thuốc lá, cần sa, heroin... Thử cho biết cảm giác say rượu…

Một ví dụ khác cũng khá thực tế do tính phổ biến: một anh thợ sửa xe gắn máy vốn hành nghề bình thường giúp bao nhiêu khách hàng bảo dưỡng, sửa chữa con xe thân yêu của mình, lao động chân chính suốt ngày lấm lem dầu nhớt. Anh được học về động cơ, phụ tùng, nguyên lý vận hành xe máy, công cụ sửa chữa, điện...và cả qui định pháp luật về chuyện không được phép can dự nào thay đổi hình thức hay cấu trúc kỹ thuật con xe của khách, tức độ xe. Nhưng, do sức hấp dẫn của thù lao, do cạn nghĩ về hậu quả, do thúc đẩy chúng tỏ “tài năng”, một ngày không đẹp trời anh thợ nhận độ xe cho khách, ban đầu đơn giản tưởng như vô hại, như thay màu sơn. Từng bước anh xoáy nòng xe, nắn chỉnh cáu kiện kỹ thuật của hãng chế tạo để tăng vận tốc xe, cho ra lò những con xe đua gầm gú trên phố! Nhiều năm, anh thợ thạo “nghề”, thành một lò độ xe có tiếng và trong mơ anh ấy cũng chập chờn chuyện độ xe. Nghiệp xấu đã hình thành với anh thợ không khác về qui luật chuyện hình thành nghiệp nghiện thuốc lá hay rượu hay heroin đã viết ở bên trên. Anh thợ bị xử lý hành chính, phạt tiền, cảnh cáo, song nghiệp ăn sâu thôi thúc, anh không bỏ “nghề”, độ xe kín đáo hay trốn tránh, anh ấy đối diện nguy cơ bị tội hình sự khi “hàng” anh độ thay đổi hình thức kỹ thuật nhằm thay đổi đồ gian do phạm pháp mà có, hoặc bị điều tra khi các con xe anh độ tham gia đua xe gây tai nạn nghiêm trọng…Một án tù cho lò độ xe là chuyện thực tế theo luật. Nghiệp xấu của anh thợ hình thành như thế.

Nghiệp lành, nghiệp tốt

Cơ chế hình thành nghiệp cũng từ đơn giản đến phức tạp, theo thời gian, diễn trình logic, biện chứng. Một người vốn vô tư ít quan tâm đến chuyện “xã hội”, ít chú ý đến tha nhân, trong một cơ duyên tham gia công tác từ thiện thấy hay dù chỉ tặng cho đồng bào mấy gói mì, chút gạo, quần áo cũ... Nhìn nụ cười bà con được tặng, nghe tiếng cảm ơn, trải nghiệm ấm áp trong lòng khiến người ấy tham gia lần thứu hai thứ ba việc từ thiện, rồi còn vận động bạn bè người thân tham gia, riết hoạt động từ thiện thành “nghiện” trong lịch trình cuộc sống anh ấy, thấp nếp tích cực trong hành vi suy nghĩ của anh. Nghiệp tốt đã hình thành trong chủ thể ấy từ những gói mì từ thiện đầu tiên.

Đấy chỉ là cách nói giản đơn hóa về một khái niệm lớn của Phật học, những người được học Phật bài bản và tham cứu sâu sẽ có cách diễn đạt căn cứ trên kinh điển Phật giáo, luận cứ luận chứng lập luận khúc triết hơn nhiều. Song nghiệp là như thế, hình thành như thế trong đời sống hàng ngày trong và xung quanh chúng ta, bát luận sự diễn bày phân tích về nghiệp như thế nào.

Nguyễn Thành Công