Sát sinh và quả báo hiện tiền

Tôi sinh ra và lớn lên tại Nha Trang, nơi có bãi biển nổi tiếng dài và đẹp. Nhà tôi không cách xa biển là bao nên thuở bé tôi thường hay xuống biển bơi lội vẫy vùng mỗi ngày, vì thế nên tôi bơi lội rất giỏi.


Cũng nhờ bơi giỏi nên tôi thường lặn ngụp dưới làn nước sâu để đâm cá hay cua ghẹ thường xuyên.

Từ thói quen giết vật như thế đã huân tập cho tôi tập khí sát sanh từ thời niên thiếu mà chính tôi chẳng hay vì xung quanh tôi bạn bè hay người lớn ai cũng đều như thế. Mỗi lần theo gia đình về quê tôi thấy các trẻ chăn trâu câu cá vui quá nên rất ham thích và cũng vào nhập hội câu chung. Ở nhà mỗi khi thấy bầy kiến lửa ở góc sân là tôi đốt đèn cầy, kế đó nhễu xuống khiến đàn kiến chết quăn chân cẳng. Nếu không đốt đèn cầy thì cũng lấy thau hứng nước cho đầy, rồi đổ cho ngập tổ kiến. Nhìn thấy đàn kiến lửa bị ngập nước mà vẫn bò qua lại dưới nước được tôi lại càng thấy thích thú. Có lẽ đó là cái nhân khiến giờ đây tôi phải trả quả báo về tim mạch, hơi thở của tôi hệt như người chết đuối hụt hơi, đang lặn ngụp vùng vẫy dưới nước.

Có một thời gian khoảng hơn năm tôi ở Phi Luật Tân, nhà ở gần mép biển nên tôi hay theo đám bạn cùng lứa xuống biển bắt hải sản về cải thiện bữa ăn. Lần sát sanh nhiều nhất là đi săn chình. Loài cá chình con chưa lớn nên không sống ở vùng nước sâu mà chỉ hay đào lỗ sống ở vùng nước cạn và đương nhiên đã trở thành món mồi ngon cho đám "sát thủ" tụi tôi lúc bấy giờ. Buổi trưa là lúc thủy triều hạ nên cả đám xách xô đi săn chình. Chúng tôi mỗi đứa xách 1 cái xô, cầm theo 1 cây xiên, trên đầu gắn cây sắt đã được mài nhọn dùng để đâm chình. Vì nước cạn chỉ cao đến đầu gối nên rất dễ thấy các lỗ cát nơi chình con ở. Thế là chúng tôi chỉ việc đâm xiên xuống lỗ là hầu như trúng con mồi. Chỉ một buổi trưa là xô đầy ắp chình, đem về nấu cháo chình ăn mấy ngày mới hết. Lúc ấy tôi đơn giản nghĩ đó chỉ là một bữa ăn ngon, chẳng ngờ sau này tôi phải bị quả báo.

Rời Phi Luật Tân tôi đến Mỹ định cư tại tiểu bang Washington khi tôi khoảng 14 - 15 tuổi không người thân và gia đình. Vì còn nhỏ ở lứa tuổi vị thành niên nên tôi được ở chung nhà với gia đình bảo trợ. Nhà ông bảo trợ có một chiếc tàu lớn gồm 3 phòng ngủ. Mùa hè ông hay kéo tàu ra hồ lớn để câu cá và mọi người cũng theo ông đi câu. Thế là nghiệp sát cá từ bên nhà, sang Mỹ tôi lại tiếp tục sát cá. Có một hôm đi câu cá trê, loài cá này có sở thích là ban đêm mới bơi ra đi tìm thức ăn, ban ngày thì đi đâu mất. Đêm ấy đang chờ câu tự dưng tôi buồn ngủ quá nên ngủ quên trên tàu. Buổi sáng hôm sau lúc tôi thức dậy nhìn quanh sàn tàu thấy la liệt thùng nhựa đựng cá cỡ lớn, bên trong chứa rất nhiều cá trê. Nghe mọi người kể lại đêm hôm trước trúng lớn vì cá đi ăn đêm rất nhiều. Ai cũng được cá cắn câu nên giựt cần liên hồi. Nghe vậy tôi cứ chậc lưỡi hít hà vì tiếc rẽ không chịu ráng thức để câu. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình vô cùng may mắn, nhờ bị ngủ quên chứ nếu không nghiệp sát của tôi cứ thế lại chồng chất nhiều thêm.

Vào trung học, những lúc rảnh rỗi chúng bạn rủ tôi đi mua súng hơi bắn chim. Vậy là tôi cũng đi mua cây súng mạnh nhất hồi ấy để vào rừng bắn chim. Vì súng mạnh nên chim đậu cao và xa cách mấy cũng bị tôi bắn trúng. Vài tháng sau đứa bạn thiếu tiền lén cầm cây súng đi bán khiến tôi cứ hậm hực vì tiếc cây súng tốt. Sau này tôi mới thấy đó lại là một điều may mắn, nếu không tôi đã tiếp tục sát sanh không biết đến bao giờ mới dừng lại.

Khi học hết phổ thông, muốn học tiếp lên đại học nhưng tôi không có tiền nên khi ấy nghe nói đi đánh bắt hải sản ở tiểu bang Alaska kiếm rất nhiều tiền, ước mong muốn kiếm tiền nhanh để được học đại học đã thôi thúc tôi lên đường. Tôi được đưa lên một chiếc thuyền để làm và đóng gói cua nước mặn. Chiếc thuyền tôi làm rất lớn, họ chuyên đi vòng vòng trên biển Bearing Sea (giữa Liên Xô và tiểu bang Alaska của Mỹ) để mua lại cua từ những thuyền nhỏ hơn chuyên đánh bắt cua ngay trên biển. Loài cua sống ở vùng nước mặn và lạnh này rất to, thịt rất ngon nên bán rất nhiều tiền. Mỗi con cua trung bình ước lượng khoảng 1,5 kg trở lên. Con nào nhỏ không đủ cỡ là phải quăng lại xuống biển, và chỉ được bắt cua đực, không được bắt cua cái để còn sinh đẻ. Nếu làm trái luật sẽ bị phạt nặng.

Người Nhật rất thích ăn loại cua này nên họ cử người từ bên Nhật sang để trông coi và mua ngay sau khi những nhân viên làm việc trên tàu như tôi đã thịt cua và sắp xếp ngăn nắp vào thùng. Mọi công việc từ mua cua, giết cua, sắp xếp vào thùng cho đến lúc bán đều xảy ra ngay trên biển. Sau 1 năm làm việc tôi cầm hơn 20 nghìn đô trở về, mua 1 chiếc xe và đi học lại. Năm đó tôi tròn 20 tuổi. Khi ấy tôi nào có biết đến Phật pháp là gì, Phật A Di Đà là ai, chùa chiền cũng không biết ở đâu để tìm đến nên cứ vô tư mà tạo nghiệp. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy vô cùng hổ thẹn và tội lỗi ngập tràn. Đó là lần sát sanh nhiều nhất trong đời tôi và cũng là điều tôi ân hận nhất trong cuộc đời. Nếu ước tính có lẽ đã có cả nghìn chú cua không may bị tôi làm thịt để xuất khẩu sang Nhật.

Sau 1 năm làm việc tại tiểu bang Alaska, tôi về lại tiểu bang cũ Washington. Ban ngày đi học, buổi tối tôi đi làm thêm bán thời gian tại một nhà hàng ăn uống hải sản để trang trải chi phí ăn học và thuê nhà. Nơi tôi làm việc là một nhà hàng sang trọng nằm bán phần trên biển. Phần lớn thực khách là giới thượng lưu. Tàu thuyền chạy trên biển có thể ghé sát nhà hàng rồi neo lại để vào ăn uống bên trong. Nhìn bãi đậu xe của nhà hàng là người ta có thể đoán ra những người ngồi bên trong nhà hàng thuộc tầng lớp nào. Nhân viên bên trong nhà hàng là những người được tuyển chọn kỹ càng, có học vấn và kỹ năng giao tiếp khá, vô cùng lịch sự. Phần lớn họ là giáo viên đi làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập vì tiền tip (boa) mỗi đêm khá nhiều.

Tôi làm ở khâu hậu cần, tức nấu bếp nên có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục... sát sinh. Thực đơn nhà hàng đa số là hải sản trong đó có tôm hùm và cua vua Alaska (king crab). Ai muốn ăn thịt bò cũng có vì đã được nhà hàng nhập từ nơi khác về. Loại hảo hạng được cắt, cân từng miếng rất đẹp và hấp dẫn. Là dân nấu bếp nên một trong các quyền lợi là được ăn miễn phí. Thích món nào là tôi lôi ra “chén". Có khi muốn ăn những thứ không có trên menu thì cả đám thợ nấu chúng tôi tự chế, rồi lôi soong chảo ra tự biên tự diễn. Một trong các món ăn của thực khách ở đây đòi hỏi sự tươi sống là món hào. Món này chỉ khi có khách gọi mới lấy hào ra làm chứ không được làm trước. Mỗi đĩa gồm có 7 con hào lớn, tôi phải dùng dao chuyên dụng nạy nửa vỏ hào ra bỏ đi, nửa còn lại dính vào con hào. Sau đó dùng dao mỏng cắt đi phần nối liền giữa thịt hào và vỏ hào để không bị dính. Giai đoạn cuối là vắt chanh vào phần thịt hào và khách cứ thế mà húp hào sống. Mỗi lần vắt chanh vào là tôi thấy con hào co rúm lại vì đau rát sau khi bị cắt lìa. Giờ đây nghĩ lại và tưởng tượng chính tôi là những chú hào đáng thương kia mà tôi cảm thấy xót xa tận cõi lòng. Tội nghiệp này không biết tôi phải chịu đầu thai làm thân súc sanh để bị bắt, bị giết không biết đến bao kiếp mới trả hết được món nợ sinh mạng?

Trong đời tôi tất cả loài vật sống ở trên trời, dưới nước, hay trên cạn tôi đều đã giết cả. Giả như lúc trước đưa số mạng của tôi cho nhà tướng số học, chắc chắn tôi sẽ được biết tôi là người yểu mệnh, mạng chẳng thể trường thọ. May nhờ chút phước thừa từ tiền kiếp sót lại nên bây giờ tôi biết được Phật pháp, biết pháp môn Tịnh độ để tu. Cũng nhờ biết Phật pháp mà tôi mới biết thương các loài vật, không ăn thịt và giữ giới sát. Có lẽ nhờ đó nên mạng sống của tôi mới kéo dài đến bây giờ, bằng không tôi đã phải ra đi từ lâu. Từ nhỏ đến lớn tôi sát sanh quá nhiều, từ muỗi mòng, kiến, chuồn chuồn, thằn lằn, chim, cua, cá... tôi đều không từ nên bây giờ trong người đủ thứ bệnh. Tôi ra vào bệnh viện để mổ hết 2 lần vì căn bệnh hernia. Hernia là chứng bệnh tạm gọi là bị rách cơ thịt. Các nơi trên cơ thể có cơ mỏng như vùng bụng, rốn, háng có nguy cơ bị bệnh này nhiều hơn các nơi khác. Khi bị rách cơ thịt, ruột trong cơ thể bị đẩy ra ngoài, chạm vào da rất đau. Ngày nay nhờ ngành y khoa tiến bộ nên có thể điều trị căn bệnh đó một cách dễ dàng. Khi vào bệnh viện, bác sĩ sẽ mổ nơi bị hernia ra, sau đó bỏ một miếng vá đặc biệt bên dưới da và khâu lại tựa như chiếc áo rách phải dùng một miếng vải khác vá chồng lên để áo không bị rách thêm vậy.

Có 1 chứng bệnh này rất lạ, tôi bị từ năm lên 15 tuổi cho đến khi ngoài 40 mà bác sĩ mãi không tìm ra. Mỗi lần vào nhà vệ sinh đại tiện là máu tươi đỏ ối cứ tuôn ra ngoài rất nhiều, mỗi tuần ít nhất một lần. Ở lứa tuổi thiếu niên nên khi bị như thế tôi hoang mang vô cùng. Đi bác sĩ cho uống thuốc hay thoa thuốc gì cũng không hết. Cứ thế từ ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác bệnh lạ cứ kéo dài. Tôi thăm hết bác sĩ Ta đến bác sĩ Tây, dùng thuốc Tây sang thuốc Bắc mà không thấy "xi nhê" gì cả. Có bác sĩ bảo là mạch máu bị vỡ, có bác sĩ bảo do rách màng da, đọc báo thì nói rằng đó là triệu chứng đầu tiên của ung thư ruột... Thời gian đầu tôi lo lắng nhiều lắm, nhưng sau nhiều năm như thế tôi cũng quen dần và tập "sống chung với lũ". Cho đến thời gian gần đây tôi mới chợt nhận ra các triệu chứng ấy bỗng dưng không chữa lại lành một cách thần kỳ. Tôi nghĩ có lẽ một phần là nhờ công đức giữ giới sát, ăn chay, sám hối, niệm Phật, hồi hướng công đức cho hết thảy chúng sinh. Phần khác có thể liên quan đến chuyện mẫu thân của tôi bị bệnh nặng mà căn bệnh trầm kha của tôi tự nhiên khỏi hẳn.

Đầu năm 2009 được tin thân mẫu bên nhà bệnh nặng có thể không qua khỏi tôi vội vàng quay về để thăm hỏi bệnh tình. Mẫu thân tôi bị ung thư bướu cổ, bác sĩ phát hiện ra từ năm 1997 và phải mổ hết đôi lần. Nhưng không may là mổ xong bướu này thì bướu khác mọc lên. Uống thuốc mỗi ngày chỉ làm cho bớt đau và khối u mọc chậm lại chứ không bao giờ hết.

Từ Mỹ về đến nhà, nhìn mẫu thân mà tôi xém chút nhìn không ra đó chính là mẹ ruột của mình. Ngày trước cụ có da có thịt lắm, nhưng lần cuối nhìn lại mẫu thân thì như chỉ còn da bọc xương giống người lâu ngày bị bỏ đói. Trước khi bay về Việt Nam một ngày, tôi đã tìm địa chỉ các Ban Hộ niệm (BHN) tại địa phương và liên lạc trước để nhờ họ đến hộ niệm cho mẫu thân. May mắn thay tôi tìm được BHN Thanh Liên tại Nha Trang và chị trưởng ban cũng nhiệt tình nhận lời đến hộ niệm.

Từ ngày biết đến Phật pháp và pháp môn Tịnh độ tôi thường hay gọi điện thoại và gửi thư về cho mẫu thân, nhắc nhở cụ niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng tiếc rằng thiện căn, phước đức của cụ còn ít quá nên cụ niệm Phật có lẽ không được là bao. Tôi nhớ ngày còn nhỏ tôi thường hay quấn quít bên mẫu thân và thấy cụ cắt cổ gà, làm thịt tại nhà đôi lần. Có lần cụ cắt tiết con gà xong, bỏ vào nồi đậy lại. Vậy mà một tiếng sau, khi đổ nước sôi vào để làm lông thì bỗng dưng nắp nồi bật tung lên, kế đó con gà vùng dậy, đầu ngật ngưỡng tung chạy ra ngoài làm mọi người phải rượt theo bắt và giết lần nữa. Có thể vì mang những nghiệp như thế nên giờ cụ đã bị ung thư bướu cổ. Cục bướu của cụ rất to, cỡ bằng trái bưởi nhìn rất kinh sợ. Máu rỉ ra từ nơi bướu đóng cứng thành cục. Những tháng cuối cùng của đời cụ máu cứ rỉ ra từng giọt từ bướu khiến người trong nhà phải may một cái bao vải đặc biệt để thấm máu, đeo vào cổ mẫu thân. Vài tiếng là phải thay bao vải một lần. Cảnh vật ấy khiến tôi liên tưởng đến con gà năm xưa bị mẫu thân cắt tiết, máu chảy ra từng giọt rớt xuống chiếc tô hứng bên dưới.

Tôi có người em trai đã có gia đình và 3 đứa con trai. Nhà tôi có truyền thống thờ Phật từ hồi thân phụ tôi còn sống. Ông cụ tạo dựng một bàn thờ Quan Thế Âm Bồ-tát rất lớn và trang nghiêm nhất nhì trong thành phố thời bấy giờ. Thân phụ tôi bỏ công đi sưu tầm các lư đồng chạm trổ rất đẹp và công phu từ các bàn tay nghệ nhân khéo léo về để trang nghiêm nơi thờ phượng. Thỉnh thoảng tôi thấy ông cụ tụng kinh vào những ngày rằm lớn. Còn mẫu thân của tôi cũng là một Phật tử thuần thành và rất thích đi chùa làm công quả.
Bàn thờ trong nhà tôi rất lớn và nghiêm trang đến độ sau này khi anh rể tôi trong lần về thăm nhà, anh em ngồi nói chuyện vui với nhau thì được nghe anh kể lại, hồi ấy anh "kết" chị tôi nhưng khi đến nhà không dám vào. Anh nói hồi đó vừa mới bước vào cửa là thấy ngay bàn thờ Phật lớn quá làm anh "khiếp" nên không dám bước tiếp. Dưới nơi thờ phượng có một tủ gỗ đựng nhiều kinh sách Phật. Thời ấy trong nhà tôi sách thiếu nhi không có nên không có gì để đọc, thế là tôi cứ lôi mấy cuốn sách mỏng nói về nhân quả, đời là bể khổ ra xem. Không ngờ những điều đã đọc ngày xưa ấy lại gieo vào tâm tôi những hạt giống tốt cho dù tôi đi đến tận phương trời nào.

Tuy gia đình tôi thờ phượng sớm hôm nhang đèn như thế, nhưng em trai của tôi lại không tin Tam bảo. Chỉ được một điều là mỗi năm vào dịp Tết em trai tôi cũng chịu khó đem hết đồ đồng, lư hương trên bàn thờ xuống đánh bóng lại cho mới để đón Xuân. Ngoài ra hễ nói chuyện Phật pháp hay bảo tu hành thì tuyệt nhiên không chịu. Mỗi lần gọi điện thoại về tôi gắng khuyên mẫu thân niệm Phật để sau này được về với Phật, em trai tôi có vẻ không bằng lòng. Em trai tôi bảo gọi điện về nói chuyện gì quan trọng hay hữu ích thì nói, chứ nói làm gì ba thứ chuyện Phật pháp. Còn em dâu của tôi vốn sanh ra trong một gia đình ngoại đạo. Ấy vậy mà sau này không hiểu sao về làm dâu nhà tôi cô ấy chuyển tâm quay sang quy y Phật. Hài hước thay khi trong gia đình tôi có sự đổi ngôi như thế. Ngày trước lúc mẫu thân tôi còn khỏe, cụ lén lên chùa nhờ các thầy đặt pháp danh và quy y Tam Bảo vắng mặt cho cậu em trai của tôi. Mãi đến sau này em trai tôi lục lọi trong tủ, tìm thấy tấm giấy quy y có ghi tên của nó trên ấy, thế là em trai tôi có vẻ không hài lòng và gặng hỏi mọi người ai đã làm điều ấy.

Trong trong những lần tôi về thăm nhà trước kia, những câu chuyện tán gẫu giữa hai anh em với nhau giúp cho tôi thấy dường như tâm ý của em trai tôi chỉ thích hai thứ đó là: xe mô-tô và tiền bạc. Biết được điều này nên khi hay tin bệnh tình mẫu thân đã đến lúc nguy kịch phải thở ôxy, tôi xin phép sở làm nghỉ 3 tuần để về Việt Nam và đem theo khá nhiều tiền làm lộ phí. Biết tính em trai nên từ Mỹ về đến nhà, sau khi thăm hỏi bệnh tình thân mẫu xong tôi biết nếu cho mời BHN đến nhà để niệm Phật cho mẫu thân thế nào cũng bị làm khó dễ, tôi đã tương kế tựu kế bằng cách bỏ ra ít tiền "hối lộ" cho em trai để mua một chiếc TV đời mới và đưa thêm một số tiền nữa cho cô em dâu để mua hàng hóa buôn bán, vì lúc ấy cô em dâu mới mở shop bán quần áo và đồ dùng trẻ con. Sau đó chị trưởng BHN đến nhà, khai thị hộ niệm cho mẫu thân. Em trai tôi có vẻ không vui vì ngày nào cũng phải canh dắt xe cộ của các chị trong BHN đến nhà trợ niệm cho mẫu thân, nhưng nhờ có "thủ tục đầu tiên" nên chỉ nghe em trai tôi càm ràm đôi câu chứ không phản đối. Nhìn bệnh tình của mẫu thân tôi biết do nghiệp sát trong quá khứ nay quả đã đến lúc chín mùi. Tôi đề nghị với chị trưởng BHN mua vật phóng sanh, hồi hướng công đức ấy cho tất cả oán thân trái chủ của mẫu thân để giảm bớt sát nghiệp.

Có một điều tôi nhận thấy lạ là tuy mẫu thân rất ốm chỉ còn da bọc xương, nhưng sức ăn của cụ gấp ba lần người bình thường. Cứ hai tiếng đồng hồ lại ăn một lần. Nếu không ăn thì người nhà phải pha sữa uống. Mỗi ngày mẫu thân phải uống thuốc giảm đau và các cơn đau dường như kéo đến vào ban đêm làm cụ đau đớn rên la, có khi vừa ôm cổ vừa đi vừa rên la lúc giữa đêm. Sau mấy hôm nằm cạnh mẫu thân và chứng kiến các hiện tượng như thế tôi biết mẫu thân đang bị oan gia trái chủ hành hạ. Sức ăn của mẫu thân không phải của một người già đã 76 tuổi ăn, mà chỉ có thể là oan gia ăn để có sức đêm đến hành hạ mẫu thân như thế.

Một đêm thấy mẫu thân đang nằm rên la vì đau, tôi đến sát bên giường cụ, một tay chạm nhẹ vào khối u nơi cổ mẫu thân, tay kia chắp lại, mắt nhắm nghiền và không hiểu sao trong đầu tôi bắt đầu "nói chuyện" với khối u, nói bằng tâm thức chứ không phải bằng lời. Tôi nói rằng: "Thưa quý vị oan gia trái chủ trên thân mẹ tôi, xin quý vị hãy khoan dung tha thứ cho lỗi lầm của mẹ tôi. Vì vô minh nên trước kia mẹ tôi đã làm tổn hại đến quý vị. Nay tôi xin thành tâm sám hối thay thế cho mẹ tôi. Tất cả công đức lành tôi xin hồi hướng đến cho quý vị để quý vị vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Giờ đây tôi xin niệm chú Vãng sanh để tất cả quý vị có thể về với Phật". Và lúc ấy tôi đã nhiếp tâm vào từng câu thần chú phát ra từ trong tâm tưởng, cùng lúc quán tưởng từng con vi trùng từ nơi cổ mẫu thân đang ngự trên hoa sen bay về phía Phật A Di Đà. Sau này nghĩ lại tôi thấy hơi lạ, vì bình thường tôi chỉ niệm Phật trong các thời công phu, không niệm thêm bất cứ chú gì cả. Ấy vậy mà không hiểu vì sao lúc ấy tôi không niệm Phật, mà lại niệm chú. Tôi đã niệm một lúc lâu như thế, rồi tôi thấy mẫu thân nằm im, không rên la nữa nên tôi bèn mở mắt ra và hỏi mẫu thân có còn thấy đau nữa không? Mẫu thân trả lời rằng: Không!

Sau đó tôi dùng hết số tiền còn lại vào việc phóng sanh và được chia làm 2 đợt. Buổi sáng hôm ấy tôi cùng các chị trong BHN ra chợ mua các loài thủy tộc để phóng sanh. Nào cá to, cá nhỏ, ốc lớn, ốc bé, cua... mua rất nhiều. Chị trưởng BHN đã quen thuộc với việc làm này nên các thân chủ bán cá đều quen mặt biết tên. Sau khi mua vật phóng sanh xong, cả nhóm đem hết các túi, thùng đựng cá ra để tràn lan phía ngoài chợ. Không biết từ đâu có 2 chiếc xe jeep của ban trật tự đô thị lù lù xuất hiện và dừng lại ngay trước cả nhóm. Tôi nghĩ thầm chắc là rắc rối to rồi, vì chúng tôi để đồ nhiều quá, chiếm ra gần hết ngoài đường vào chợ, xe cộ không đi được và sẽ bị ban đô thị "hốt" hết. Nhìn vẻ mặt hầm hầm của anh trật tự viên tôi cũng hơi ngán. Anh ta hỏi lớn rằng: "Tất cả đồ để dưới đất này của ai, tại sao lại để ra hết ngoài đường?"

Sau khi nghe nhóm giải thích là mua vật về phóng sanh và đang chờ xe đến để chở đi thì anh ta tỏ ra dễ dãi rồi bỏ đi mà không nói thêm một lời nào. Tôi mừng hết chỗ nói vì đã không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Trong khi chúng tôi còn đang loay hoay