Mất mát miền Trung & tình người trong bão lũ

Bão lũ như một lời hẹn đau thương mà người dân miền Trung phải trải qua mỗi năm. Nhưng năm nay, sau dịch bệnh Covid-19, bão về và lũ ập xuống dồn dập, phá vỡ một số kỷ lục thiên tai những năm trước đó, càng làm cho miền Trung đã khó lại thêm khổ.

Cũng may, trong thiên tai, mất mát, dù chưa hết khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh trước đó nhưng cả nước vẫn mở lòng hướng về khúc ruột đau thương này…


Quý sư chùa Huyền Không Sơn Thượng dọn lại chùa sau lũ bùn làm hư hại cảnh quang - Ảnh: HKST

Thắt lòng từng tin dữ

Sáng 18-10, trên trang chính của các báo đồng loạt đăng tin: 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 gặp nạn. Tất cả những quân nhân này đã bị vùi lấp do sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. “Tâm bão” của ngày cuối tuần dồn về vùng đất nghèo khó đó của miền Trung để theo dõi tình hình cùng các hoạt động cứu nạn, tìm kiếm thi thể người bị nạn.

Trước đó, ngày 13-10, trong khi đang làm nhiệm vụ tiếp cận nhằm cứu hộ những người gặp nạn tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, TT-Huế), 13 cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo của Quân khu 4 và H.Phong Điền cũng bị vùi lấp trong một vụ lở đất tương tự. Cả nước chưa nguôi nỗi xót xa thương tiếc, cầu siêu cho anh linh những người nằm xuống vì dân ở Huế thì tin dữ từ Quảng Bình lại tiếp tục gây chấn động. Đó là chưa kể, trong số 17 người bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3, đến nay chỉ mới tìm thấy thi thể của duy nhất một người.

Cái chết của một thai phụ trên đường đi sinh nở trong đợt lụt này ở Phong Điền hôm 12-10 cũng là nỗi ám ảnh khác với cộng đồng. Hình ảnh người chồng - anh Nguyễn Văn Minh quỳ lạy giữa biển nước mênh mông, xin trả lại vợ con cho mình đã khiến nhiều người thân, kể cả người xa lạ cũng không thể cầm được nước mắt.

Và còn bao nhiêu cái chết khác nữa bởi làn nước vô tri, trong khi cơn lũ dữ vẫn còn đe dọa dải đất nghèo suốt từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Khi bài viết này đang được thực hiện thì tại Quảng Bình, nước lũ lại vượt lên mức lịch sử và kèm theo đó hai cơn bão mới đang hình thành trên vùng biển ngoài khơi Philippines, trong đó một cơn bão dự báo hướng vào miền Trung.

Mở những trang báo, vào mạng xã hội, suốt hơn 10 ngày qua dòng thông tin chủ đạo chính là lũ lụt miền Trung. Những hình ảnh thắt lòng của những cụ ông, cụ bà phải rời nhà tránh bão trong bệnh tật, liệt chân hay đau yếu. Những đứa trẻ ngủ tạm bợ trên bè chuối, các sư cô phải leo lên mái chùa chờ cứu hộ, tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm hay tam quan nhiều tự viện sừng sững giữa nước lũ mênh mông… đã gây xúc động lòng người.

Bão lũ đã không loại trừ bất kỳ ai, nước dâng, người chết, mất tích, tài sản bị nhấn chìm. Nhiều lời thương thốt lên giữa bầu trời vẫn chưa nguôi màu u ám!

Ngay lúc này, bão số 9 cũng đang đổ bộ vào các tỉnh miền Trung - từ Đà Nẵng đến Phú Yên với cấp "siêu bão", cả nước lại hướng về, cầu an cho người dân.

Cùng hướng về miền Trung

Trong mưa bão, không thể để đồng bào miền Trung chờ lâu hơn nữa khi cái đói và nguy cơ dịch bệnh bủa vây, các đoàn từ thiện từ nhiều nơi đã lên đường. Theo đó, tối 17-10, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP đã khởi hành ra miền Trung, mang theo 120 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm khác như dầu ăn, nước tương, nước uống... Đây là số hàng cứu trợ của Tăng Ni, Phật tử TP yểm trợ người dân trong rốn lũ miền Trung.

TT.Thích Thanh Phong, UVTT HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban TTXH Phật giáo TP trong chia sẻ với Giác Ngộ, tha thiết bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận sự ủng hộ của chư Tăng Ni, Phật tử, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… để tiếp tục tổ chức các đợt cứu trợ sắp tới.


TT.Thích Thanh Phong chia sẻ với người dân

Trong khi đó, UBMTTQVN TP.HCM cũng đã sơ kết công tác kêu gọi cứu trợ đồng bào miền Trung, đợt 1 có hơn 7 tỷ đồng đóng góp từ nhiều thành viên trong hệ thống và người dân, đồng bào ở nước ngoài. Đợt 2 khởi động vào ngày 17-10, với niềm tin sẽ còn nhiều bàn tay góp sức để người dân miền Trung bước qua đại nạn.

Không khó để ghi nhận nhiều tấm lòng khác của các tổ chức và cá nhân đã nhanh chóng có mặt sẻ chia với người miền Trung trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” này. Trong đó, lời kêu gọi những nghệ sĩ, người nổi tiếng đã thu hút được đông đảo cộng đồng chung sức, thông qua những tài khoản cứu trợ khẩn cấp.

Lắng nghe thông điệp từ bão lũ

Ngoài sự đau xót, mở lòng chia sẻ với đồng bào miền Trung thì những lời dặn dò người dân đừng vì tiếc của mà gây nguy hiểm cho tính mạng, các tình nguyện viên đi cứu trợ cẩn thận vì bão lũ phức tạp… cũng được truyền tay nhau. “Người còn thì của còn”, lời nhắn gửi về miền Trung này liên tục được gửi đi trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhiều người bày tỏ mong muốn ngoài nhu yếu phẩm thì thuốc men, phao cứu sinh cũng là những thứ nên được mang đến với người dân vùng lũ.

Rồi nhiều người khác lại gửi đi lời động viên đừng quá bi quan vì những mất mát mà tất cả chúng ta đều đang trải qua, rồi sẽ có thêm những bàn tay chia sẻ. Sâu xa hơn nữa, có thể nói, sự giúp đỡ, tương thân tương ái với người miền Trung đang khổ lúc này cũng là giúp cho chính mình, trong mối liên hệ mật thiết giữa “bí-bầu” trên cùng một hình hài dân tộc. Chúng ta không thể an lành nếu một bộ phận cơ thể bị thương tật, đó là điều chắc chắn.

Cũng cần phải nói thêm, lũ lụt và việc những vạt đồi, dải núi liên tục sạt lở có nguyên nhân từ vấn nạn phá rừng, sự can thiệp quá nhiều vào thiên nhiên nhằm phục vụ cho việc xây dựng nên những công trình thủy điện… Câu hỏi cần và rất cần được đặt ra lúc này đó là liệu chúng ta có cần đánh đổi sự cân bằng tự nhiên vì lợi ích kinh tế để rồi phải gánh chịu những tổn thất không thể đong đếm được mà đối tượng chịu tổn hại lớn nhất chính là người dân? Ai cũng hiểu, rừng là lá phổi bảo vệ con người, đồng thời là lá chắn ngăn bão lũ… nhưng rồi vì lợi ích trước mắt, rừng vẫn đang bị tàn phá nhiều hơn là gìn giữ.

Trong một thông điệp xuất phát từ cái nhìn của Thiền sư về thiên tai, HT.Giới Đức, trụ trì Huyền Không Sơn Thượng viết:

Thiên tai và dịch họa,
Là thảm nạn muôn đời!
Phải khởi tâm bi mẫn,
Chút cơm cháo giúp người!

Do vậy mà:

Chùa mình dù hư hại,
Nhưng thôn xóm khổ hơn!
Thì ưu tiên cứu trợ,

Chẳng nghĩ chuyện nghĩa ơn!

Với tâm niệm ấy của Hòa thượng trụ trì, dù chùa Huyền Không Sơn Thượng bị hư hại do lũ đất đá tràn xuống, nhưng các sư vẫn giữ tâm bình an để dọn dẹp lại, đồng thời cùng chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng trong vùng.


Dù chùa bị hư hại nhưng quý sư vẫn chia sẻ với người dân vì biết họ còn khó khăn hơn - Ảnh: HKST

Cũng mang tấm lòng sẻ chia ấy, ngày 12-10, ĐĐ.Thích Nguyên Hiếu, trụ trì chùa Quy Thiện (thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã cùng với Trưởng Công an xã Hải Quy và đại diện các cơ quan chức năng địa phương đến từng hộ gia đình thăm, vận động một số hộ có người già, trẻ nhỏ về chùa tránh lụt vì tình hình được dự báo còn diễn biến phức tạp và kéo dài trong vài ngày tới. Một số bà con đã đưa gia súc, trâu bò - tài sản quý với nhà nông lên chùa nhờ tá túc, trong khi sân chùa cũng ngập nước.

Sức định của người học Phật nằm ở việc mỗi biểu hiện đều không động, không sầu, có thương nhưng cũng nhìn sâu, để tự thân đóng góp, trở về an dưỡng tâm mình, kiến tạo bình an. Để rồi sau đó, ngoài chăm sóc miếng ăn, thuốc uống cho những người đang khổ thì sự chăm sóc tinh thần, tâm linh cũng quan trọng không kém, bởi từ sự vững chãi bên trong, mọi khó khăn, đau khổ bên ngoài sẽ nhanh chóng vượt qua. Nhìn sâu cũng nhằm để thấy nhân-duyên của mọi sự, mọi việc để rồi khuyến hóa người đừng tạo thêm nhân-duyên xấu, để từ đó sự an lành được phát sinh và gìn giữ.

Lưu Đình Long/Báo Giác Ngộ