Cho vay nặng lãi qua góc nhìn của Luật pháp và Phật pháp

Có người quan niệm cho vay nặng lãi là một nghề, người thì cho rằng đây chính là nghề làm phúc, giúp đỡ mọi người có vốn làm ăn trong lúc cần thiết, giải quyết được công việc một cách kịp thời. Thế nhưng bản chất thì không phải như vậy.


Hiện trạng “cho vay nặng lãi” hiện nay

Tôi viết nên những dòng này trong tâm thái bức xúc đã lâu về hình thức cho vay lãi nặng.

Sự vay mượn ở tầm kinh doanh tài chính - cho vay, có lịch sử dài lâu song hành cùng đời sống và kinh doanh. Tín dụng, dịch vụ cho vay phù hợp về mức lãi suất và quản trị, phương thức cho vay và thu hồi nợ, hành lang pháp lý và thực thi tư pháp phải bảo đảm quyền lợi cho các bên trong hợp đồng vay- trả. Đây là một hình thức sinh hoạt bình thường của mọi xã hội, mọi nền kinh tế. Một khoản vay phù hợp và được cung cấp kịp thời tiện lợi với tỷ suất hợp pháp thì sẽ giúp thúc đẩy kinh doanh cũng như giúp tháo gỡ khó khăn trong đời sống sinh hoạt.

Song hành với hoạt động cung cấp tín dụng từ Ngân hàng là hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ” ở mọi nơi. Đó là các khoản vay với "đầu vào" dễ dàng song "đầu ra" với lãi rất khủng. Lãi ngày, lãi tháng tăng chóng  mặt và chẳng bao lâu, vốn lời ngang nhau. Con nợ tội nghiệp bị siết bởi sự đe dọa, mã tấu, giang hồ... Ở Việt Nam, tình hình cho vay lãi nặng khá phổ biến và có sự phát triển nhanh khủng khiếp.

Thực tế tại địa phương tôi sống, từ thị trấn tới phường, hệ thống tín dụng đen đã phủ và điều khiển hoạt động kinh doanh ở khắp cả một chợ quê. Vay nóng, vay dài ngày được cung cấp tận tay. Chợ cá, tạp hóa, hoạt động cờ bạc cá độ, đời sống âm ỉ tối tăm phủ dưới bàn tay của nghề cho vay lãi nặng. Các chủ nợ chạy xe rảo chợ và hàng cùng ngõ hẹp là cảnh gặp hằng ngày như thu nợ tá điền. Các băng nhóm giang hồ miệt vườn sống nhờ dịch vụ đòi nợ thuê, bằng hình xăm và mã tấu.

Tình hình này ở các đô thị lớn phải nhân lên nhiều lần. Tiêu biểu là vụ phóng viên điều tra nạn cho vay ở chợ  Long Biên - Hà Nội mới đây là ví dụ. Góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng nạn cho vay lãi nặng ở Việt Nam về chữ nghĩa định danh, ngang tầm tội phạm có tổ chức.

Hệ lụy từ hoạt động “cho vay nặng lãi”

Ngày 9/1 vừa qua tôi có dịp đến Ô Môn dự lễ khánh thành Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer giai đoạn 1, trên đường về  ngang Bình Thủy nên nhớ địa danh này. Nhưng tôi đã chững lại khi đọc những thông tin được báo chí đưa tin về câu chuyện đau lòng của: “Phó chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Quân khu 9 treo cổ tự sát tại trụ sở cơ quan này (Q.Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) ngày 20/1/2019. Người vợ sau đó cũng đã chọn cái chết tương tự ở nhà trọ”.

Báo chí đã dẫn những thông tin từ Bộ tư lệnh quân khu này về nguyên nhân sơ bộ cái chết của vị Phó chủ nhiệm và vợ là do bế tắc từ nợ nần với số tiền vay là hàng tỷ đồng của xã hội đen. Đáng thương hơn nữa là cái chết của vợ chồng Phó chủ nhiệm là để lại hai cháu bé còn thơ dại, cái chết ám ảnh của song thân theo hoài tâm hồn con trẻ...

Từ vụ việc này khiến chúng ta nghĩ đến hậu quả từ việc “cho vay nặng lãi” và những hệ lụy của nó gây nên. Câu chuyện của vợ chồng vị Phó chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Quân khu 9 cũng chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân khác cũng đang phải hứng chịu hậu quả từ việc vay nặng lãi. Đã có rất nhiều người vì quá bần cùng, vì bế tắc đã chọn cái chết để giải thoát khỏi những món nợ nặng lãi.

Điều đáng nói hơn cả là sự tồn tại, hoạt động của những ổ tín dụng đen hiện nay trực tiếp dẫn đến cái chết của các nạn nhân "khách hàng" có bị xem xét xử lý theo đúng luật không?
 

“Cho vay nặng lãi” dưới góc nhìn của Phật pháp và Luật pháp

Không dẫn kinh điển nhưng ở các thời pháp sinh động hay trên youtube, băng đĩa và sách, nghề cho vay nặng lãi được cho là nghề đáng bị lên án. Đạo đức Phật giáo không có chỗ cho loại nghề nghiệp bất thiện tăng trưởng trên sự thống khổ của khách hàng, phạm pháp. Phật giáo biểu dương sự thịnh đạt bằng thiện nghiệp của Phật tử, và trong nội dung "thiện nghiệp" ấy không có chỗ cho nghề cho vay lãi nặng.

Còn chiếu theo góc độ Pháp luật thì nhà nước CHXHCN Việt Nam nghiêm cấm hoạt động cho vay lãi nặng và xét hoạt động này trong nhóm tội hình sự theo khung hình phạt cụ thể. Hoạt động tài chính tín dụng, có cho vay, phải được đăng ký và cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền và theo lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau:

 ''1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Theo quy định Điều 201 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 có quy định như sau:

 ''1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.''

Bài viết: "Cho vay nặng lãi qua góc nhìn của Luật pháp và Phật pháp"
Nguyễn Thành Công/ Vườn hoa Phật giáo