Thiểu dục tri túc: Một cách sống hạnh phúc

Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực hiện bằng được hai nguyên tắc thiểu dục và tri túc. Chỉ có thiểu dục và tri túc chúng ta mới ngăn chặn được vô vàn tham muốn, dục vọng với đủ mọi hình thức và không điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát.


Trong cuộc sống, chúng ta thường có nhiều cảm nhận về hạnh phúc. Ví như khi công thành danh toại, được người khác khen ngợi hoặc khi đời sống bình yên ổn định, thấy con cái trưởng thành, ngoan ngoãn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, rất mĩ mãn. Chúng ta có rất nhiều cảm nhận về hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, trong môi trường làm việc ngoài xã hội, trong sự nghiệp làm ăn, buôn bán, học hành. Tất cả những điều đó đều là những cảm giác  về hạnh phúc mà chúng ta không thể phủ nhận được, nhưng nếu nghĩ kĩ thêm sẽ dễ dàng nhận thấy rằng đời sống con người là sự giao thoa thành chuỗi của các cảm giác hạnh phúc, khổ đau, trong đó thường là vui ít khổ nhiều.

Phần lớn thời gian của niềm vui mà chúng ta cảm nhận được thực ra chỉ là kết quả của việc nhẫn nhịn đau khổ, còn bản thân niềm vui cuối cùng cũng sẽ trở thành nguyên nhân của đau khổ. Vì thế, theo quan điểm Phật pháp, “vui” là điểm khởi đầu của “khổ” và thông thường vui cũng chính là kết quả của khổ. Trong một thời gian dài, chúng ta vất vả, gian khổ làm ăn, kiếm tiền; sau khi có tiền trong tay, chúng ta lại nghĩ cách tiêu tiền: thực ra là dùng tiền để phục vụ cho các cảm giác vui sướng của năm giác quan mắt, tai, mũi,  miệng, thân. Tuy nhiên, thời gian cảm nhận niềm vui từ các giác quan qua đi rất nhanh chóng.

Hơn nữa, nếu hưởng thụ quá độ sẽ mang lại kết quả không tốt giống như mình hết tiền nên đi vay người khác để tiêu, một khi đã vay ắt phải trả, đó chính là sự đau khổ. Điều này cũng như việc phạm pháp hoặc làm chuyện có lỗi với người khác, ban đầu có vẻ tốt đẹp nhưng cuối cùng phải vướng lưới pháp luật, đến khi đó thì khỏi phải nói về đau khổ nữa.

Phật giáo cho rằng cuộc đời này vốn đã đầy rẫy khổ đau, khổ và vui là một; niềm vui trong đời chỉ thoáng chốc ngắn ngủi, chóng lụi tàn còn khổ thì đeo đẳng như hình với bóng. Vì thế, khi chúng ta cảm nhận được chút hạnh phúc trong đời thì đừng bao giờ cho rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Phật giáo tiếp tục nhận định thế gian này vốn đã đau khổ thì tại sao chúng ta không thể nhận khổ, dũng cảm đối diện và chấp nhận khổ, chỉ như thế khổ mới vơi đi; nếu cứ một mực muốn hưởng lạc, hưởng phúc thì một khi hết phúc sẽ chịu khổ nhiều hơn. Vì thế, trong Phật giáo có một phương pháp tu tập nữa đó là “hoan thọ thị khổ” (cảm thụ hoan lạc là khổ).

Trong đời sống thường nhật, nếu muốn được tự do tự tại tất phải thực  hiện bằng  được hai nguyên tắc “thiểu dục” (ít ham muốn) và “tri túc” (biết đủ). Chỉ có thiểu dục và tri túc chúng ta mới ngăn chặn được vô vàn tham muốn, dục vọng với đủ mọi hình thức và không điên cuồng tìm kiếm chúng như người đói khát.

Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của thiểu dục tri túc không có nghĩa khuyên chúng ta buông bỏ đời sống hiện thực. Muốn thực hiện thiểu dục tri túc, chúng ta cần phải trả một cái giá nhất định, đó là dâng hiến hết trí tuệ và sức lực của mình cho con người. Chúng ta dốc hết tâm lực, trí lực cho con người mới mong mình trưởng thành, mới tăng trưởng trí tuệ, phúc đức và tâm từ bi. Người giàu lòng nhân từ một lòng muốn giúp đỡ người khác sẽ không quá coi trọng đến sự thỏa mãn dục vọng cá nhân, mới mong thực hiện được thiểu dục tri túc để mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Bài viết: "Thiểu dục tri túc: Một cách sống hạnh phúc"
Minh Chính (TH)/ Vườn hoa Phật giáo