Hãy hành động vì hòa bình và đừng trông chờ vào Thượng đế hay chính quyền

Sau các cuộc tấn công chết người ở Paris, lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng nói với đài DW rằng con người không nên trông chờ Thượng đế giải quyết vấn đề mà mình đã gây ra và chúng ta cần một cách tiếp cận mang tính hệ thống để thúc đẩy các giá trị nhân văn.


Đối với hàng triệu tín đồ trên thế giới, đức Đạt Lai Lạt Ma là sự hiện thân của lòng từ bi và nhân văn. Đức Đạt Lai Lạt Ma, tên thật là Tenzin Gyatso, đạt giải Nobel Hòa bình năm 1989, được biết đến bởi cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ vì quyền tự trị của Tây Tạng.
Vị lãnh tụ tinh thần tin rằng "con đường trung đạo" là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề Tây Tạng một cách hòa bình và thúc đẩy người Trung Quốc và Tây Tạng cùng chung sống hòa bình.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài DW, vị lãnh tụ tinh thần 80 tuổi nói về vai trò Đạt Lai Lạt Ma của mình, vấn đề Tây Tạng và bạo lực nổi lên khắp toàn cầu,
 
DW: Ngài nghĩ gì về các cuộc tấn công khủng bố ở Paris ?
Đạt Lai Lạt Ma: Thế kỷ XX là thế kỷ của bạo lực, hơn 200 triệu người đã chết vì chiến tranh và các cuộc xung đột. Dường như sự đẫm máu đó đang tái diễn trong thế kỷ này. Nếu tập trung hơn vào việc thúc đẩy bất bạo động và sự hòa hợp, chúng ta có thể có một khởi đầu mới. Nếu không có những nỗ lực nghiêm túc, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại những thảm họa nhân đạo của thế kỷ XX.

Con người đều muốn hướng tới cuộc sống hòa bình. Những tên khủng bố là những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp và đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc đánh bom thảm khốc.

Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này đơn giản chỉ nhờ vào cầu nguyện. Tôi là một Phật tử và tôi tin vào sức mạnh của cầu nguyện. Nhưng chính con người đã tạo ra vấn đề này, và giờ đây chúng ta lại đòi hỏi Thượng đế phải giải quyết. Điều này rất phi logic. Thượng đế sẽ nói, hãy tự giải quyết đi vì chính các con đã gây ra chuyện này.

Chúng ta cần một cách tiếp cận mang tính hệ thống để thúc đẩy các giá trị nhân văn của sự thống nhất và hòa hợp. Nếu chúng ta bắt đầu từ bây giờ, hy vọng thế kỷ này rồi sẽ khác với thế kỷ trước.

Vì thế chúng ta hãy cùng hành động để đem lại hòa bình cho gia đình và cộng đồng của mình, và đừng chỉ ngồi chờ đợi sự giúp đỡ của Thượng đế, Đức Phật hay các chính phủ.
 
DW: Thông điệp chính của Ngài luôn là hòa bình, từ bi và hòa hợp giữa các tôn giáo, tuy nhiên dường như thế giới đang đi theo hướng ngược lại. Liệu có phải mọi người không đồng cảm với thông điệp của Ngài?

Đạt Lai Lạt Ma: Tôi không cho là như vây, Tôi nghĩ chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ con người theo đuổi hành vi bạo lực. Tất cả chúng ta đều là con người, và không có lý do gì hay sự bào chữa nào cho việc giết chóc lẫn nhau. Nếu bạn coi người khác như anh em mình và tôn trọng quyền của họ thì sẽ không có chỗ cho bạo lực xuất hiện. Hơn nữa, những vấn đề ngày hôm nay đều bắt nguồn từ những sự khác biệt chỉ mang tính bề mặt giữa các niềm tin tôn giáo và các dân tộc. Tất cả chúng ta đều là một.
 
DW: Chúng ta thấy các lãnh đạo thế giới hiện nay chỉ chăm chăm tập trung vào phát triển kinh tế và không quan tâm đến vấn đề đạo đức. Ngài có lo lắng về xu thế này không?
Đạt Lai Lạt Ma: Vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp nếu chúng ta không đặt các nguyên tắc đạo đức lên trên đồng tiền. Đạo đức rất quan trọng đối với mọi người, bao gồm cả những người theo tôn giáo và các chính khách.
 
DW: Ngài nói "con đường Trung đạo" là cách tốt nhất để giải quyết vấn đ Tây Tạng. Ngài có nghĩ rằng chiến lược của Ngài rồi sẽ đi đến thành công?

Đạt Lai Lạt Ma: Tôi tin rằng đấy là cách tốt nhất. Rất nhiều bạn bè của tôi, bao gồm các lãnh đạo châu Âu, Ấn Độ và Mỹ tin rằng đấy là con đường thực tế nhất. Ở Tây Tạng, các nhà hoạt động chính trị, các trí thức Trung Quốc và sinh viên ủng hộ chính sách "Trung đạo" của chúng tôi.

Khi tôi nói chuyện với sinh viên Trung Quốc, tôi nói chúng tôi không đòi hỏi phải độc lập khỏi Trung Quốc. Các sinh viên hiểu cách tiếp cận của chúng tôi và cảm thấy gần gũi với quan điểm đấy. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Tây Tạng, chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI và các xung đột phải được giải quyết thông qua đối thoại, không phải bằng bạo lưc.
 
DW: Ai sẽ là người kế nhiệm vị trí Đạt Lai Lạt Ma của Ngài?
Đạt Lai Lạt Ma: Tôi không quan tâm đến vấn đề đấy. Năm 2011, tôi đã chính thức tuyên bố là mọi thứ sẽ tùy thuộc vào người Tây Tạng có muốn tiếp tục duy trì thể chế Đạt Lai Lạt Ma hay không. Nếu mọi người nghĩ rằng thể chế này không còn phù hợp nữa thì nó sẽ bị xóa bỏ. Tôi đã không còn liên quan đến các vấn đề chính trị. Tôi chỉ quan tâm đến hạnh phúc và lợi ích của Tây Tạng.
 
DW: Xung đột tôn giáo ở Ấn Độ đang ngày càng gia tăng. Xin Ngài cho biết suy nghĩ về vấn đề này?
Đạt Lai Lạt Ma: Đấy không phải là toàn bộ bức tranh về Ấn Độ. Chỉ có một số cá nhân gây ra vấn đề này. Cuộc bầu cử ở bang Bihar cho thấy phần lớn người Hindu vẫn tin vào sự hòa hợp và cùng chung sống hòa bình.

Bảo Trí dịch