Khánh Hòa: HT Thích Minh Thông (Huệ Nghiêm) giảng về Giới luật và vấn đề an cư

Chiều ngày 16/05 năm Canh Tý (06/07/2020) tại chùa Sắc Tứ Long Sơn (số 20, đường 23/10, Tp.Nha Trang), HT.Thích Minh Thông - Phó Ban Tăng sự TW, Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN Tp.Hồ Chí Minh, Viện chủ Chùa Huệ Nghiêm (TP.HCM) đã có buổi thuyết giảng, chia sẻ về Giới luật Phật giáo và vấn đề an cư đến toàn thể chư Tăng, Ni hành giả nhân mùa An cư Kiết hạ PL.2564 tại tỉnh Khánh Hòa.


 
Tham dự buổi thuyết giảng có HT.Thích Ngộ Tánh – UV. HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Chủ pháp sự An cư; HT. Thích Minh Thông – UV. HĐTS, Phó Thường trực BTS GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa; HT. Thích Nguyên Quang - UV. HĐTS, Phó BTS GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa; Chư tôn đức TT BTS cùng toàn thể chư Tăng, Ni là hành giả đang an cư tại các trú xứ trên địa bàn toàn tỉnh và TNS trường TCPH Khánh Hòa.



 
Trong bài thuyết giảng, Hòa thượng đã nhấn mạnh: Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn. Thời đức Phật, hình ảnh Tăng đoàn rất quan trọng và uy nghiêm; cho đến thời hiện đại, Giới luật cần phải được tuân thủ, tôn kính và giữ gìn một cách cẩn thận. Giới là tác thành một vị Tỳ kheo như pháp, nó chính là nền tảng, là của báu giúp hành giả trở thành một vị tăng sĩ phạm hạnh, đầy đủ uy đức nhiếp chúng, là hạt giống của chư Phật trong tương lai. Nếu sai phạm thì chắc chắn hành giả đó không bao giờ được an lạc và luôn lo sợ. Đôi khi chúng ta thọ giới mà không học giới thì không có cách nào hành trì giới cho đúng theo lời Phật dạy.


 
Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng đã giải trình tất cả các ý nghĩa về an cư, nêu lên vị trí quan trọng của Tăng già đối với sự xương minh của Phật pháp, mong rằng chư Tăng Ni hội chúng cố gắng sinh hoạt và tu học xứng đáng là những người thay Phật để đồng hành và nắm giữ ngôi nhà Giáo hội, dẫn dắt hậu lai tiếp tục con đường hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh.


 
Việc an cư theo giới luật được tiến hành thế nào cho là đúng? Câu hỏi cũng được Hòa thượng giải đáp tường tận cho chư tăng thông suốt. An cư được chư Tổ định nghĩa là “An kỳ thân tâm, Cư kỳ hạn định” – thân tâm an tịnh, đến thời kỳ phải ở yên một nơi trong một thời gian nhất định. Như vậy, an cư là đến thời kỳ quy định, chư tăng ni phải quy tụ về ở yên tại một trú xứ, tu tập để cho thân tâm được an tịnh, tiến tu chứng đạo quả. Như vậy, nghĩa trước tiên của an cư có hai ý: Một là vì lòng từ bi, tránh giẫm đạp côn trùng, cỏ non vào mùa mưa. Hai là dành một khoảng thời gian thích hợp để tịnh tu, tiến bộ trên con đường tâm linh giải thoát.


 
Ngoài ra, sự an cư còn một ý nghĩa lớn lao hơn nữa, chính là biểu hiện cho tinh thần sống chung hòa hợp của tập thể tăng già trong một trú xứ – thân hòa đồng trú. Thời gian này chư tăng sống với nhau bằng sự giáo giới, chỉ dạy phương pháp tu tập cho nhau, khích lệ tinh thần cho nhau… trên lộ trình giải thoát.


 
Như vậy, duyên khởi cho việc an cư là đức Phật tùy thuận theo các đệ tử tại gia, và sự cơ hiềm của ngoại đạo; nhưng ý nghĩa sâu xa hơn chính là sinh mạng tồn tại của Chánh pháp qua biểu hiện duy trì đời sống thanh tịnh và hòa hợp của cộng đồng tăng già. Khi nào tăng già còn nhiệt tâm trong trách nhiệm an cư thì Chánh pháp vẫn còn tồn tại trên thế gian này.


Sau bài giảng và những chia sẻ của chư tôn đức hành giả an cư, HT.Thích Nguyên Quang đã thay mặt Ban Trị Sự Tỉnh, Ban Tổ Chức An Cư PL.2564 và chư hành giả an cư, có lời phát biểu cảm niệm và tri ân đến Hòa thượng. Kính chúc Hòa thượng luôn an lạc và làm bóng bồ đề cho chư Tăng nương tựa.

Thích Tâm Như/ Ban TTTT PG tỉnh Khánh Hoà