Khánh Hòa: Huý Nhựt Tổ Sư và Khánh thành chùa Tân Long

Sáng ngày 29/7 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 29/8 năm 2019) toàn thể Tăng chúng và đạo tràng phật tử tổ đình Linh Sơn-Tân Long đã long trọng tổ chức lễ Húy Nhật Tổ Sư và Khánh Thành Chùa Tân Long (xã Diên Phú – Huyện Diên Khánh – Tỉnh Khánh Hòa).

 
Buổi lễ có sự chứng minh của HT. Thích Như Ý – UVTT. HĐCM TW, Chứng minh GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ Tổ đình Linh Sơn Pháp Bảo (Tp. Nha Trang), chứng minh trai đàn; HT. Thích Quảng Thiện – TV. HĐCM TW, Chứng minh BTS GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa, Viện chủ Tổ đình Hội Phước (TP. Nha Trang); HT. Thích Ngộ Tánh – UV. HĐTS TW, Trưởng BTS GHPGVN Tỉnh Khánh Hòa đồng chứng minh cùng đông đảo chư Tôn Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại Đức Tăng Ni, Phật tử tỉnh Khánh Hòa về tham dự.


 
TT. Thích Minh Thiện đãi lao cho HT. Thích Trừng Thi –Viện chủ Chùa Linh Sơn - Tân Long cùng Tăng chúng và môn phong Bổn tự cung tuyên tiểu sử Tổ sư Khai sơn Tổ đình Linh Sơn – Tân Long.


 
Tổ Đại Thông - Chánh Niệm sinh năm Canh Thân (1710), là môn đồ của Ngài Tế Điền (Tổ thứ 3 của chùa Hội Phước), húy Đại Thông, hiệu Chánh Niệm, nối dòng Lâm Tế đời thứ 37, của Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán.


 
Theo dòng sử xứ trầm hương của Quách tấn lưu lại ghi rằng: Chùa Hội Phước là Tổ đình của hầu hết các chùa ở Vĩnh Xương cất từ thời sơ Nguyễn.


 
Tổ khai sơn là ngài Phật Ấn - Quảng Hiển Lão ông, thuộc phái Lâm tế. Sau khi tổ sư Phật Ấn đã thuận dòng viên tịch, Ngài thiết lập hỏa đàn trà tỳ, môn nhơn đệ tử thâu xá lợi xây dựng Liên Hoa Bảo tháp tại núi Hoa Sơn phụng thờ. Sau đó, tổ Đại Thông hiệu Chánh Niệm kế tục truyền thừa, nối dòng Trú trì đời thứ 2 của chùa Hội Phước-TP. Nha Trang. Tại đây, Ngài phát huy giáo pháp Như Lai, sùng hưng Tam Bảo. Ngài thấy duyên lành đã đến, Tổ Đại Thông quyết định dời chùa xuống đất bằng, cách núi Hoa Sơn chừng 500m, (nơi địa điểm hiện tại bây giờ).


 
Theo Lịch sử Phật Giáo đàng trong của GS Nguyễn Hiền Đức ghi lại rằng: Thời gian trú trì và độ tăng tín đồ tại đây, và có lẽ do cảnh trí ồn ào náo nhiệt của xóm làng xung quanh, nên Tổ đã trở về lại cảnh thanh tịnh của Chùa Linh Sơn tại làng Diên Phú và giao trú trì Chùa Hội Phước lại cho đệ tử là Đạo An-Phổ Nhuận.


 
Ngài thấy cần phải du phương hoá độ, đất Khánh Hoà lưu dấu bước chân xưa, mây Diên Khánh che hình bóng Người giáo hoá. Thật vậy, trong thời gian thập niên 40-50 của Thế kỷ 18, Ngài đã vân du giáo hóa khắp phủ thành Diên Khánh. Và tại đất Diên Khánh này, Ngài cũng đã dừng chân xây dựng Chùa Thiên Lộc. Cũng theo GS Nguyễn Hiền Đức ghi lại: Sau khi rời Chùa Hội Phước, Ngài vân du lên phủ Diên Khánh và ở tại Chùa Thiên Lộc, trong khoảng thời gian này Ngài cũng độ tăng tín đồ rất đông, trong số đệ tử xuất gia có ngài Đạo Nguyên-Viên Dung. Về sau Tổ giao công việc trú trì lại cho ngài Đạo Nguyên và trở lại Chùa Linh Sơn ( Diên Phú ).


 
Có lẽ, đối với Ngài, làng Phú Ân này là nơi “đối cảnh sinh duyên”, nhân dân hiền hòa nên Ngài đã dừng chân nơi Xóm Cửi (xã Diên Phú bây giờ) lập am tranh lấy hiệu “Linh Sơn Tự” để tu hành, giáo hóa và độ trì nhân dân. Thời gian lưu trú và giáo hoá tại đây, nhân dân vùng xóm Cửi đã được thấm nhuần công đức giáo hoá của Tổ sư. Ngài thấy cơ duyên hoá độ đã viên mãn, Tổ sư đã quyết định lìa nhục thân qui hồi Phật quốc, trụ thế 100 tuổi. Sau khi Ngài viên tịch, để tỏ lòng tôn kính và tiếc thương, môn đồ đệ tử và nhân dân vùng xóm Cửi, cùng đồng bào phật tử xa gần, đồng tâm xây dựng Bảo Tháp tại địa danh Thổ Mộ, Gò Tháp, cách chùa Tân Long 200m về phía bắc để lưu giữ xá lợi nhục thân của Ngài.


 
Thời gian đã phá huỷ tất cả dấu vết của con người lưu giữ, ngôi bảo tháp của Tổ sư cũng không ngoài định luật vô thường biến đổi đó, dòng chữ khắc ghi tên Người cũng phai mờ theo năm tháng. Nhưng tại bia tháp của Ngài còn ghi lại: Từ Lâm Tế Chánh Tông Khai Sơn Linh Sơn Tự trú trì huý thượng Đại hạ Thông hiệu Chánh Niệm đại lão tổ sư chi bảo tháp. Hai dòng khánh sanh và viên tịch đã bào mòn bởi thời gian. Vào năm 1980 HT Thích Hải Tuệ và HT Thích Như Ý cùng Hội Phật Giáo Diên Khánh đã họp và thống nhất quyết định lấy ngày 30/07 Âm lịch hàng năm, làm ngày huý nhựt tưởng niệm công đức của Tổ sư.


 
Về phần chùa Chùa Linh Sơn-Tân Long, chùa tọa lạc tại xã Diên Phú, đã trải qua bao thế hệ truyền thừa, chịu muôn vàn vinh nhục nắng mưa, nối tiếp bước người xưa giữ gìn chánh pháp. Năm Giáp Tý (1924 ) sau cơn bão lớn đã làm ngôi tam bảo này hoàn toàn sụp đổ và không thể nào xây dựng lại trên nền đất cũ, nên nhân dân và đồng bào phật tử, các bô lão trong làng đã họp bàn và quyết định di dời từ xóm Cửi về vị trí như ngày hôm nay.


 
Chùa đã trải qua bao lần trùng kiến của các thế hệ tổ sư kế thế trú trì. Đến năm 1985 HT Thích Trừng Thi được tín đồ phật tử và các bô lão trong làng, cung thỉnh về kế thế để trùng hưng tam bảo. Lần trùng hưng gần đây nhất, vào năm 1990 HT Thích Trừng Thi về kế thế trú trì và cũng đã xây dựng lại. Trải qua năm tháng mưa gió của thời gian, năm 2017 sau cơn bão số 12 đã làm sụp đổ tiền đường và bong tróc mái ngói nơi chánh điện. Nhìn cảnh mưa trước nắng sau, chánh điện bị nước dột không làm sao tụng niệm. Tháng giêng năm 2018, HT trú trì đã quyết định đại trùng tu ngôi tổ đình Linh Sơn - Tân Long để được trang nghiêm và có nơi tăng chúng tu hoc và phật tử sinh hoạt.


 
Trải qua 18 tháng trùng tu xây dựng, hôm nay đã được hoàn thành viên mãn, cũng là ngày huý nhựt lần thứ 207 của tổ sư Khai sơn, toàn thể Tăng chúng chùa Tân Long và nhân dân Phật tử vùng Diên Phú, thành tâm cung kính thiết lễ báo đáp thù ân, trai tăng cúng dường và chẩn tế âm linh cô hồn, nguyện cầu âm siêu dương thái, để hồi huớng công đức cầu nguyện giác linh Tổ sư cao đăng Phật quốc, đồng cầu nguyện Tam Bảo xương minh, chánh pháp lưu truyền vạn thế, nhân dân tứ phương an hoà, quốc độ thái bình thịnh vượng.


 
Đúng 15h chiều cùng ngày, TT. Thích Tâm Thọ - Trú trì Bửu Liên Hoa Viện đăng đàn chẩn tế và gia trì hiển mật, phổ thí chư âm linh cô hồn, nguyện cầu âm siêu dương thái.


 
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thấm đượm tình đạo vị.


















Bài viết: "Khánh Hòa: Huý Nhựt Tổ Sư và Khánh thành chùa Tân Long"
Thích Tâm Như/ BAN TT-TT PG TỈNH KHÁNH HÒA