Nhiều người dân tìm được tro cốt thân nhân thất lạc tại chùa Kỳ Quang 2

Hôm nay, ngày 9/9, Đại diện Ban Trị sự Phật giáo quận Gò Vấp, Chùa Kỳ Quang 2 và chính quyền quận Gò Vấp, Phường 17 đã mở niêm phong khu vực lưu giữ tro cốt để các gia đình vào nhận dạng hình ảnh, tro cốt bị xáo trộn.


Bên trong kho lưu giữ tro cốt của chùa Kỳ Quang 2. Những hũ tro cốt đã được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
 
Đây là ngày đầu tiên chùa Kỳ Quang 2 cho người thân xuống hầm nhận diện hũ cốt bị thất lạc. Từ 7 giờ 30 ngày nhà chùa bắt đầu cho những người thân vào bên trong hầm để cốt để nhận diện hũ tro cốt người thân.

Mỗi lượt sẽ có một nhóm 10 người xuống hầm nhận diện trong vòng 45 phút và họ sẽ có 10 người phía chùa đi theo để hỗ trợ. Ngoài ra sẽ có đại diện Ban Trị sự Phật giáo và cơ quan chức năng cùng xuống hầm để giám sát.

Người dân sẽ đến bàn nhận dạng hình ảnh (có người hỗ trợ) sau đó nhận dạng hũ cốt tại các tòa đài sen đã được đánh số thứ tự. Sau khi nhận dạng, điền nguyện vọng vào phiếu thông tin, ký tên và gửi lại cho chùa một bản, gia đình giữ một bản.


Hầm tìm tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2 có sự bảo vệ của lực lượng chức năng, sáng 9/9. Ảnh: Hà An.

Sau khi tất cả các thân nhân đã nhận dạng xong, chùa sẽ mời đến tham dự phiên họp để lấy ý kiến thống nhất chung về nguyện vọng. Dự kiến trong hôm nay sẽ có 100 gia đình đến nhận diện hũ cốt.

Có mặt trong buổi nhận diện hũ cốt bị thất lạc tại chùa Kỳ Quang 2, ông Bùi Minh Dùng (phường 15, quận Gò Vấp) vui mừng chia sẻ: "Tôi là 1 trong 50 người đầu tiên trong danh sách được vào khu lưu trữ tro cốt để nhận dạng tro cốt của người thân trong buổi sáng 9/9. Sau khi được xuống dưới, mất khoảng 15 phút là tôi tìm được tro cốt của người thân. Trước mắt, tôi sẽ gửi tiếp lại chùa để tiện thăm viếng".

“Chuyện đã lỡ rồi thì mình tìm cách nào đó để giải quyết ổn thỏa chứ giờ nóng giận cũng không giải quyết được việc gì. Các thầy cũng tu hành cũng là người trần mắt thịt thôi cũng chưa phải là thần thánh nên cũng không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm”, ông chia sẻ thêm.


Ông Dùng rạng rỡ kể lại quá trình xuống nhận hũ cốt. Ảnh: Lê Hồng Hạnh.

Ông Giang Văn Hùng (quê Kiên Giang) chia sẻ: “Tôi cũng như bao nhiêu người khác mong mỏi, thổn thức làm sao sớm tìm ra được hũ cốt của người thân mình. Sáng nay, khi được vào khu lưu trữ để nhận dạng hũ cốt bị xáo trộn, cảm xúc của tôi như vỡ òa.”

Cũng theo ông Hùng, gia đình anh gửi tro cốt của người thân vào chùa Kỳ Quang 2 từ năm 2008. Sau khi xảy ra sự việc vài ngày, gia đình đã đến chùa để tìm kiếm và đăng ký phiếu thông tin đặc điểm hũ cốt, chờ nhà chùa thông báo đến nhận dạng. 

“Rất may, trước đó tôi có vào thắp nhang và có chụp lại hũ cốt, phía ngoài hũ cốt có dấu vết ám khói nên sáng nay, khi vào nhận dạng tôi đã tìm thấy rất nhanh. Tôi cũng mong cho nhiều người khác gặp được may mắn như tôi”, ông Hùng chia sẻ.

Cụ Trần Thị Sâm (82 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) rạng rỡ chia sẻ sau khi ra ngoài: “Bà tìm được hũ cốt của người thân rồi, phấn khởi lắm cháu ơi, đây là niềm vui nhất”.
“Giờ bà vui lắm, phấn khởi lắm, tìm được là vui quá rồi. Nhưng cũng có một nỗi buồn là còn bao nhiêu người nữa chưa biết có trọn vẹn như bà không. Mong là ai cũng tìm thấy như gia đình bà”, cụ Sâm bộc bạch.

Trong những ngày tới, chùa Kỳ Quang 2 vẫn tiếp tục hướng dẫn người đăng ký nhận dạng, điền thông tin nguyện vọng và thời gian cho các gia đình đến nhận dạng các hũ tro cốt thân nhân gửi tại đây.

Thanh Tâm