Phật giáo khơi dậy tinh thần dân tộc vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tại diễn đàn “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế bên lề Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019, Tiến sĩ Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định Phật giáo khơi dậy tinh thần dân tộc vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Tiến sĩ Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Sáng nay, tại tầng 1 điện Tam Thế (chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam) đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc tế. Hội thảo có 5 Diễn đàn thu hút 359 bài tham luận của lãnh đạo Phật giáo thế giới, quan chức cấp cao, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Diễn đàn 01 với chủ đề: “Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững” có 62 bài tham luận.

Diễn đàn 02 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững” có 140 bài tham luận.

Diễn đàn 03 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu” có 77 bài tham luận.

Diễn đàn 04 với chủ đề: “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” có 16 bài tham luận.

Diễn đàn 05 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững” có 64 bài tham luận.

Chia sẻ tại diễn đàn “Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0 trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế bên lề Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019, Tiến sĩ Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, những thay đổi trong xã hội thực mà thế giới ảo tạo ra đang tác động không nhỏ đến sức mạnh văn hoá tinh thần, trong khi văn hoá và tinh thần dần tộc đang được xem là “sức mạnh mềm”, và được kỳ vọng sẽ là đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Tư tưởng, triết học, thế giới quan, nhân sinh quan, các triết lý nhân văn, hướng thiện… của Phật giáo đều có thể phát huy rất tích cực giá trị của mình trong việc khắc chế những tác động tiêu cực nêu trên.

Thứ trưởng đánh giá, với vai trò là một tôn giáo lớn của đất nước, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo còn góp phần xây dựng niềm tin và sự tự tin của con người, dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước hùng cường. Niềm tin và sự tự tin sẽ khơi dậy tinh thần của dân tộc, góp phần tạo ra sức mạng vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặt khác khi đất nước thịnh vượng thì tôn giáo cũng sẽ có điều kiện phát triển. Những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hỗ trợ Phật giáo trong hoạt động tổ chức, quản lý và hoằng pháp, góp phần đưa Phật giáo tới gần hơn nữa sinh hoạt, đời sống người dân.

Một nhà sư đã nói: “Muốn đi xa phải về gần”. Chúng ta muốn phát triển vươn tới những tầm cao mới thì phải giữ cái gốc là đạo đức xã hội, triết lý nhân văn, hướng thiện, nền tảng văn hoá và tinh thần dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa chúng ta đi rất xa, nhưng hành trình này chỉ có ý nghĩa khi đích đến là một xã hội ổn định, một thế giới hoà bình, người dân hạnh phúc. Vì vậy, các giá trị của Phật giáo bảo vệ và phát triển sẽ tiếp tục rất hữu ích để chúng ta vững vàng tiến bước trên hành trình này, Thứ trưởng bày tỏ.

 
Bài viết: "Phật giáo khơi dậy tinh thần dân tộc vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"
Nguồn: Phật Sự Online