Thế giới thật, thế giới ảo, thái độ đối với facebook và nói không với game

Cuộc chiến này vô hình, vô tướng, không thấy bóng dáng tên giặc nào, không bom đạn, không bắt bớ giết hại... mà nguy hiểm không thua kém gì những cuộc chiến trong quá khứ. Đó chính là sự tấn công của thế giới ảo!


Sáng ngày 07/06/2016, các em học sinh đang tham dự khóa học hè tại Thiền tôn Phật Quang đã được tiếp nhận một loạt bài giáo lý vô cùng hữu ích, thiết thực đối với đời sống của các em, cũng như của giới trẻ hiện nay, đó là: “Thế giới thật – thế giới ảo, thái độ đối với facebook và nói không với game”. Đề tài nóng, cộng với phong cách giảng dạy hết sức lôi cuốn của ĐĐ.Thích Khải Thành đã kết dính sự chú ý của các em chặt chẽ với bài học, khiến cho các em không hề cảm thấy mệt mỏi dù buổi học kéo dài tới hơn 2 tiếng đồng hồ.

Để bắt đầu vào bài học, Đại đức nhắc các em hôm nay hãy sẵn sàng học bài này với hai tâm thế: Một là học để hiểu rõ bài. Hai là học để đủ sức giải thích, thuyết trình lại một cách đầy thuyết phục cho những người bạn ở trường của mình. Nghĩa là Đại đức muốn hơn 300 em học sinh ở đây thực sự trở thành hơn 300 chiến sĩ dũng cảm cùng với Đại đức tham gia trận chiến này đến hơi thở cuối cùng – trận chiến đi vào mặt trận ảo để cứu sống tâm hồn của bao nhiêu bạn trẻ đang đắm chìm trong đó. 

 Cuộc chiến này vô hình, vô tướng, không thấy bóng dáng tên giặc nào, không bom đạn, không bắt bớ giết hại... mà nguy hiểm không thua kém gì những cuộc chiến trong quá khứ.

Đó chính là sự tấn công của thế giới ảo!

Cái mà những kẻ giặc trong thế giới ảo muốn lấy đi của các con là gì? Trong chiến trường thế giới ảo này, cái mà giặc muốn lấy đi của các con là thời gian, sức khỏe, tiền bạc, đạo đức, là tình thương, là sự quan tâm với cuộc sống thật này, là tâm hồn của các con. Một khi tâm hồn bị đánh cắp, tha hóa, ta sẽ không còn thiết tha xây dựng cuộc sống thực này, không còn quyết tâm bảo vệ đất nước, không còn nhìn đồng bào mình mà thấy thương yêu nữa. Lúc đó, giặc không đánh mà đất nước mình cũng tự tiêu tan.

Nên việc sa vào thế giới ảo, không ngờ các con cũng đang từng ngày làm mất nước mà không hay biết. Tầm quan trọng của bài học này là như vậy, là thứ nhất giúp các con nhận thức được sự nguy hại của thế giới ảo, và thứ hai là giúp các con trở thành một chiến sĩ. Các con có biết vì sao sư phụ khi tổ chức khóa học hè này lại đưa ra một số tiêu chí về học lực, hạnh kiểm cho các con không? Bởi vì sư phụ và quý thầy cô luôn gửi gắm vào các con rất nhiều hy vọng. 

Các con có học lực giỏi, nghĩa là các con có tố chất thông minh để dễ dàng tiếp thu những bài giáo lý sư phụ và quý thầy cô dạy trong thời gian 3 tuần ngắn ngủi ở đây. Các con có hạnh kiểm tốt, nghĩa là các con có một nền tảng đạo đức để sau khi hoàn thành xong khóa học này, khi về lại với gia đình, trường lớp, các con có trách nhiệm như những hạt nhân nòng cốt, như những chiến sĩ để lôi kéo, thuyết phục lại những bạn chưa tốt, những bạn nghiện game, nghiện facebook... của mình về với thế giới thật này, để các bạn trở thành người có ích cho xã hội. 

Các con là những chiến sĩ không cầm súng, không mặc quân phục. Kẻ thù của những chiến sĩ này là gì? Là thế giới ảo. Những chiến sĩ này phải bảo vệ ai? Bảo vệ tâm hồn những người bạn của mình khỏi thế giới ảo. Mà các con không ngờ, làm được vậy cũng chính là đang bảo vệ đất nước mình.

Vậy, thế giới ảo là gì?

Tiếp đó, Đại đức cho các em thảo luận nhóm. Bên nữ thảo luận “thế giới thật là gì” còn bên nam thảo luận “thế giới ảo là gì”. Kết thúc thời gian thảo luận trong 2 phút, Đại đức gọi bất kỳ. Sau khi cho các em đứng lên phát biểu xong, Đại đức dạy: 

“Thế giới thật là thế giới xung quanh ta đang sống. Đó là trái đất, đất nước Việt Nam, gia đình, thầy cô, bạn bè, trời xanh, không khí, cây xanh, chim bay,….

Thế giới ảo là thế giới không thật, được tạo ra bởi sự phát triển Khoa học công nghệ. Đó là cộng đồng mạng trên game online, facebook, twitter, skype, blog, …”

Thực ra, thế giới ảo mang đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Đó là giúp con người xích lại gần nhau hơn, tri thức con người mở rộng theo cấp số nhân, giúp con người cập nhật thông tin nhanh chóng, tiết kiệm rất nhiều chi phí nếu biết tận dụng tích cực trong việc học hỏi các kiến thức xã hội, kỹ năng, giáo lý… Nhưng bản chất của thế giới ảo là không có thật. 

Thế giới ảo quá phức tạp và có thể nói nó quá giống thế giới thật. Hiện nay các nhà khoa học còn đang nghiên cứu đưa mùi vị vào thế giới ảo. 

Ví dụ: Khi xem hình hay clip một chiếc bánh pizza thì ta cũng có thể ngửi được mùi thơm của nó. Nhưng, thế giới ảo được tạo ra bởi khoa học công nghệ. Nếu không có điện, không có thiết bị thông minh kết nối mạng internet, thì thế giới ảo không tồn tại.

Hầu như những người sống trong thế giới đó khi đã nghiện rồi thì không còn sống thật với bản thân mình và mọi người nữa. Họ đều không dám đăng tải những sự khó khăn mà mình phải đối mặt, không dám đăng tải những sự thật về bản thân, mà thay vào đó là sự hoàn hảo, không có khuyết điểm. Các mối quan hệ tình cảm trong đó cũng đều không thật. 

Đó là tình trạng chung của thế giới ảo và những người như vậy, khi đã không dám đối diện với những khuyết điểm của mình thì cũng trở nên yếu đuối, bạc nhược, không dám đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, tâm hồn họ dễ tan vỡ, đau khổ cùng cực khi gặp nghịch cảnh đến với mình.

Đại đức cho các em phát biểu liên tục về các triệu chứng của những người nghiện công nghệ, hậu quả và nhân quả của việc nghiện thế giới ảo. Các em thi nhau phát biểu rất sôi nổi. Đại đức vừa động viên, khen ngợi, khuyến khích các em phát biểu, vừa phân tích cho các em hiểu sâu bài học. 

 

 Các triệu chứng của người nghiện công nghệ:

- Lúc nào cũng mang theo thiết bị điện tử bên mình: Trên giường ngủ, đến trường, đến rạp chiếu phim, ăn cơm...

- Dành nhiều thời gian cho các trò chơi trực tuyến, lên mạng xã hội, lướt web... hơn là cho gia đình, bạn bè và các hoạt động xã hội. 

- Không quan tâm, hờ hững với mọi việc đang diễn ra chung quanh.

- Thấy bứt rứt, khó chịu khi không mang theo các thiết bị di động bên mình, hoặc không được sử dụng thường xuyên.

- Đối với trẻ em:

+ Nếu không được xem ti vi/ dùng điện thoại thông minh, trẻ nhất định không chịu ăn, khóc, quấy, khiến bố mẹ khổ sở.

+ Thậm chí, nếu không được đáp ứng, trẻ sẵn sàng lao vào cướp, thậm chí đánh trả khi bố mẹ từ chối. 

+ Có thể có hiện tượng trẻ ít chịu giao tiếp với mọi người, dễ bị kích động, quăng, ném đồ đạc và gây sự với mọi người khi không được thỏa mãn.

Hậu quả của việc nghiện thế giới ảo:

- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Các rối loạn về mắt (cận thị, loạn thị), béo phì, gây khó ngủ, melatonin là một loại hormone được cơ thể bài tiết để duy trì giấc ngủ và giúp cơ thể thư giãn. Theo nhiều nghiên cứu, nếu lạm dụng điện thoại thông minh sẽ làm cho quá trình bài tiết melatonin bị chậm lại hoặc suy giảm, làm cho người ta khó ngủ, đặc biệt là tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng từ màn hình của điện thoại ban đêm, trước khi đi ngủ.

- Giảm hiệu quả công việc, học tập: Đối với những người mắc chứng nghiện, nó chiếm nhiều thời gian, gây mất tập trung, giảm hiệu suất tổng thể cả trong công việc hàng ngày lẫn học tập. Họ quá tập trung vào việc sử dụng các thiết bị điện tử nên không biết những gì đang xảy ra xung quanh, thậm chí còn quên ăn uống hay học tập.

- Giảm khả năng kiềm chế: Ở người nghiện, khả năng kiềm chế bản thân kém hơn, tiêu tốn rất nhiều thời gian cho điện thoại như gọi điện, tán gẫu, kiểm tra email, lướt mạng, nhắn tin, thậm chí là các trò giải trí mang tính cờ bạc. Khi không thỏa mãn, họ thường phát sinh những hành vi bất an, nóng nảy.

- Thiếu các kỹ năng xã hội: Do lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại di động nên con người thiếu kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi. Mọi thứ đều được thực hiện qua điện thoại di động nên khi cần giao tiếp họ lại không làm được hoặc chất lượng quá kém.

- Khiến con người xa cách nhau. Nhiều thanh thiếu niên đã xa rời thực tế, coi máy tính hay smartphone là những người bạn thân thiết còn hơn cả người thân, bạn bè của mình. 

- Đối với trẻ: Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, nhận thức: Các rối loạn về ngôn ngữ (chậm nói; nói lặp lại các từ, ngôn ngữ quảng cáo.) Ngoài ra, trẻ kém tập trung chú ý, lười tư duy dẫn đến thất bại trong học tập hay các công việc đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ.Nếu trẻ gắn nhiều với các chương trình phim hay game bạo lực thì có thể tập nhiễm các hành vi, thói quen bạo lực.

Nhân quả của việc nghiện thế giới ảo:

Khi một người luôn dành quá nhiều tiền bạc, thời gian của mình vào các thiết bị điện tử, sử dụng mạng xã hội... (Tức là chìm trong thế giới ảo) một cách vô bổ và không quan tâm đến mọi người, mọi việc chung quanh. Họ đã gây ra rất nhiều nhân xấu và quả báo đến với họ trong tương lai sẽ như thế nào?

- Nhân: Phung phí thời gian của mình. Quả báo: không có nhiều thời gian nữa (có thể chết yểu)

- Nhân: Làm người khác mất thời gian (khi lên mạng đăng những câu status vô bổ, chia sẻ những bài viết không có giá trị về đạo lý). Quả báo: Tâm hồn luôn luôn xao động, bất an, khó có được sự an tĩnh trong tâm hồn.

- Nhân: Phung phí tiền bạc; Quả báo: nghèo khổ

- Nhân: Hờ hững, vô cảm với mọi người, mọi việc; Quả báo: bị cuộc đời lãng quên

“Vậy chúng ta sử dụng công nghệ như thế nào là đúng đắn, không phung phí thời gian sức khỏe và thậm chí còn tạo ra phước?” Sau khi đặt câu hỏi này, Đại đức tiếp tục cho các em phát biểu và cuối cùng, Đại đức tóm ý lại một cách rất sâu sắc.

Cân bằng giữa thế giới ảo và thế giới thật:

- Sử dụng hợp lý, chỉ dùng tra cứu thông tin để phục vụ cho việc học tập, công việc.

- Nói không với game

- Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng mạng xã hội. Chỉ dùng để chia sẻ bài viết có giá trị về đạo lý: Kêu gọi con người yêu thương nhau, bảo vệ thiên nhiên, trân trọng sự sống của các loài vật...

- Tự đặt mình vào kiểm soát của gia đình, thầy cô, bạn bè

- Chơi một môn thể thao vận động, tốt nhất là tập võ. 

- Tham gia các câu lạc bộ đội nhóm có lý tưởng sống cao đẹp để kết bạn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, tăng kỹ năng sống. 

- Tìm về chân lý của đạo Phật. Đó là tụng kinh, lễ Phật, tọa thiền, học giáo lý, … Thái độ đối với facebook

Rất nhiều cánh tay giơ lên và rất nhiều ý kiến phát biểu của các em được nêu ra. Đại đức một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của các em – những chiến sĩ trên mặt trận mạng facebook:

+ Lên facebook là chỉ làm điều tốt cho mọi người.

+ Tự bảo vệ mình: Tránh xa những cái ác, cái xấu trên mạng xã hội (tin tức, hình ảnh, con người, tổ chức xấu).

+ Có Chánh kiến, tránh bị lợi dụng.

+ Tuyên truyền những điều hay, điều tốt đến mọi người.

Đại đức cũng khuyên các em nào còn nhỏ quá thì tốt nhất là chưa nên dùng Facebook vì các em chưa đủ kiến thức và bản lĩnh để biết rõ những điều đúng sai trên đó.

Nói không với game

Trước khi vào nội dung chính, các em được xem một đoạn clip phóng sự về hậu quả của việc nghiện game online của giới trẻ hiện nay: Có người đột tử khi đang chơi game tại tiệm internet, có người tự tử do bị ngăn cấm chơi game, có người bị mẹ tưới xăng đốt chỉ vì mê game bỏ học…

Theo các nhà khoa học, chơi game thường xuyên có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của các game thủ: Rối loạn giấc ngủ, suy giảm tế bào thần kinh, tổn thương não bộ, ảnh hưởng tới cột sống, mất khả năng vận động, vô sinh, giảm trí nhớ, mất tập trung. Nghiện game còn gây ra nhiều tổn thương về tâm lý rất khó chữa trị khác…

Mặc dù biết rất rõ tác hại của việc nghiện game nhưng nhiều người vẫn lao đầu vào những cuộc chơi ảo. Và lượng người chơi game, nghiện game hiện nay ngày càng tăng, chứ không hề suy giảm. 

Game là một loại ma túy tinh thần, là viên đạn bọc đường. Game còn nguy hiểm hơn cả ma túy, vì hai lý do: Thứ nhất, đi đâu chúng ta cũng bắt gặp, nơi nào có mạng, nơi đó có game; Thứ hai, pháp luật không ngăn cấm và hiện nay vẫn chưa có trại cai nghiện game. Chưa bao giờ giới trẻ tiếp cận với điều xấu và điều sai dễ dàng và nhanh chóng như bây giờ.

Não của chúng ta có rất nhiều tế bào não. Các tế bào này truyền tín hiệu xuống tay chân khiến chúng ta cử động theo ý muốn. Khi chúng ta chơi game, mỗi một cái click chuột đều đánh ngược trở lại bộ não của chúng ta, đến khu lưu trú của bộ não, khiến nó tạo thành một thói quen, một cảm giác nghiện và cứ như vậy lâu ngày sẽ khiến bộ não bị tổn thương. 

Sau một thời gian, nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục chơi game thì chúng ta sẽ bị suy nhược thần kinh, thậm chí có thể dẫn tới tâm thần.

Game thuộc về thế giới ảo, nhưng nỗi đau mà chính các game thủ và gia đình của họ phải chịu đựng thì lại là thật. Các game thủ cứ thế mê muội lấy thời gian thật – đổi lại thời gian ảo, lấy tiền thật – đổi lại tiền ảo, lấy sức khỏe thật – đổi lại level (cấp bậc) ảo, lấy đạo đức thật – đổi lấy danh vọng hão huyền trong game. 

Họ bỏ đi thế giới thật, thế giới mà hàng ngày hàng giờ, hàng phút giây họ thọ ơn. Thực sự, sống trong thế giới này, chúng ta đã nợ quá nhiều: Thở, ăn, mặc, học, cha me, thầy cô, người thân, bạn bè, quê hương, đất nước… Khi nghiện game, chúng ta sẵn sàng bỏ tất cả để lao đầu vào thế giới ảo đầy bạo lực, hơn thua, ích kỷ… Khi chơi game, bản tính con người chuyển sang bản tính của thú, mà khi mới chơi, không ai nghĩ sau này mình có thể trở thành kẻ giết người.

Để chứng minh cho điều này, Đại đức cho các em xem thêm 2 clip nữa về 2 trường hợp giết người dã man do chơi game. Một trường hợp là hai cậu bé còn đang ở độ tuổi vị thành niên giết người hàng xóm để cướp lấy hơn 4 triệu đồng đi chơi game. Sau khi dùng gậy đánh và dùng kéo đâm nhiều nhát vào người hàng xóm, chúng đã thản nhiên dùng số tiền trên để chơi game. 

Một trường hợp khác là một người nghiện game nặng tới mức đã bị tâm thần, do thường xuyên chơi game trên 8 giờ/ngày. Người này khi lên cơn đã dùng dao chém chết 4 người thân trong gia đình một cách dã man như những trò game bạo lực mà anh ta vẫn chơi. 

Thực sự, khi chơi game, chúng ta đã trở thành một sát thủ tiềm ẩn. Game là thuốc độc. Mỗi một cái click chuột để chơi game là mỗi một ml thuốc độc được ngấm vào tâm hồn chúng ta. Và nhân quả của việc chúng ta cứ đắm chìm vào game, chúng ta sống mà không biết trân trọng cuộc sống này thì sẽ không được sống nữa, sẽ chết sớm. 

Hơn nữa, sống với con người mà không trân trọng con người, thì không còn được làm người nữa, mà sẽ bị đọa làm thú. Chưa kể, với những tội lỗi mà chúng ta có thể gây ra khi nghiện game là giết người, cướp của thì chúng ta sẽ bị đọa địa ngục, phải chịu sự thống khổ không thể tưởng tượng được. Lúc đó chúng ta sẽ bị đói quay quắt, bị lạnh buốt xương, bị đau đớn cùng cực, không bao giờ ngóc đầu lên được. 

Nếu trả hết nghiệp ở địa ngục, chúng ta được lên làm người thì cũng bị mồ côi cha mẹ và chìm đắm trong bao nhiêu cảnh khổ của thế gian. Nên chúng ta phải hiểu, một khi đã chơi game thì tất cả đều đồng bản chất với ác thú.

Còn ở đây, dưới mái chùa Phật Quang thân yêu này, các em học sinh mỗi ngày đều được hô 3 khẩu hiệu, để các em được ghi khắc sâu trong tim mình:

1. Tu là diệt trừ bản ngã. Còn chơi game chỉ làm tăng bản ngã. Nên chỉ có tu dưỡng mới cứu được cuộc đời các em.

2. Sống là phụng sự mọi người. Nên các em cần phải có tài năng, có sức khỏe, có đạo đức, có trình độ thì mới cống hiến cho xã hội được. Còn nếu mê game thì các em chỉ biết sống ích kỷ, phục vụ cho bản thân mình mà thôi.

3. Người Việt Nam thì sao: kiên cường bất khuất. Nghĩa là các em phải có sức khỏe, có ý chí, có tinh thần mạnh mẽ mới xứng đáng là một người Việt Nam kiên cường bất khuất. Còn khi chơi game, sức khỏe các em lụi tàn, tinh thần các em bạc nhược thì sẽ không thể bảo vệ được đất nước.

Nên nếu đã chơi game rồi, đã nghiện game rồi, thì các em phải quyết tâm bỏ bằng được, theo những cách sau đây:

- Cách ly với game
- Tham gia các hoạt động lành mạnh
- Tập khí công
- Thực hành thiền định mỗi ngày
- Lễ Phật sám hối
- Phát nguyện hằng ngày
- Siêng năng phụng sự, làm phước

Và muốn trở thành những chiến sĩ cai nghiện game, các em cần phải:

- Nắm rõ những tác hại về Game
- Có sức thuyết phục cao thông qua kỹ năng giao tiếp
- Sống có đạo đức, mẫu mực thì lời nói mới có giá trị
- Làm phước nhiều. 
- Lễ Phật cầu gia hộ.

Cuối cùng, Đại đức cho các em đứng dậy, hô thật to 3 khẩu hiệu, rồi chắp tay nghiêm trang trước Phật cùng nhau phát nguyện bỏ game, và trở thành người chiến sĩ kiên cường xông pha vào mặt trận ảo cứu lấy tâm hồn của bao nhiêu người đang mê đắm trong đó.

“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Con tên là:… 

Xin nguyện từ đây và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ chơi game nữa. 

Nguyện cho những ai đã chơi game sẽ từ bỏ được game, những ai chưa chơi game cũng không bao giờ chơi game nữa. 

Nguyện cầu mười phương chư Phật từ bi gia hộ và chứng minh cho lời nguyện này của chúng con. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.” Có thể nói, đây là một buổi học đầy lửa được truyền bởi tất cả nhiệt huyết của Đại đức đến với tâm hồn của từng em học sinh. Không chỉ các em, mà bất cứ ai có mặt trong buổi học ngày hôm nay, cả các anh chị huynh trưởng hay những em học sinh hậu cần, tất cả đều được sống dậy lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng ra chiến trận chống lại sự tấn công của thế giới ảo.

 
Chánh Giới