Ghi nhận từ Hội nghị Sakyadhita lần thứ 13

Như tin chúng tôi đã đưa Hội nghị Sakyadhita - nữ giới Phật giáo quốc tế lần thứ 13 với chủ đề “Phật giáo giữa đời thường” được tổ chức tại chùa Kiều Đàm Di, Vaishali- Bihar, Ấn Độ từ ngày 5 đến ngày 12-1 với khoảng 50 tham luận của các diễn giả đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Các đại biểu đến từ các truyền thống Phật giáo khác nhau


Các chủ đề thảo luận xoay quanh các vấn đề: Tiếng nói và hoạt động xã hội của nữ giới Phật giáo quốc tế, theo giáo pháp của Phật, nữ giới đã chuyển hóa tự thân và chuyển hóa cái nhìn của người khác về mình, Nữ giới Phật giáo các quốc gia Á Đông trong lịch sử và đương đại, Những cải cách, đổi mới và những hạn chế trong vấn đề xuất gia, thọ giới của các Tỳ Kheo Ni thuộc các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy….

Một điểm đáng ghi nhận trong hai ngày qua là đa phần các bài tham luận mang tính thời sự và có liên quan đến sự tồn vong của Phật pháp đều đến từ các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc …hoặc các nước phương Tây và được trình bày bởi các nữ cư sỹ Phật tử.

Ngay khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã xác quyết rằng Phật pháp sở dĩ được lưu bố trong nhân gian một cách sâu rộng không chỉ bởi hàng xuất gia mà còn bởi hàng tại gia cư sĩ. Nhìn lại lịch sử chúng ta có thể nhận thấy rằng nếu Ấn Độ không có một hoàng đế Asoka vĩ đại, Phật pháp sẽ không thể nào được phát triển vượt khỏi biên giới Ấn Độ. Cũng như trong Tăng đoàn nhờ có sự yểm trợ về tài chính của nữ thí chủ nhiệt tâm Visshakka mà rất nhiều hoạt động Phật sự được thành tựu.
 


Nữ giới Phật giáo đến để thấy cách tư duy, cách nghĩ, cách nhìn,ách sống, cách cống hiến cho tiền đồ Phật pháp tương lai



Thảo luận nhóm

 

Theo dõi quá trình hội thảo nhóm nhỏ và các bài tham luận tại hội trường, chúng ta có thể học hỏi được các nước bạn về thái độ sống, cách tư duy tích cực, cách làm chủ công nghệ thông tin…nhưng chúng ta không thể thay đổi chính chúng ta nếu bản thân chúng ta không nhận ra những sở trường, sở đoản của mình.

Nói như trong tham luận của một nữ cư sĩ đến từ Hàn Quốc thì chúng ta không nên than phiền vì bất cứ điều gì đối xử không tốt với chúng ta, vì sao? Vì chúng ta đã tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc vào việc cắt, khâu, bơm, hút thẩm mỹ để thu hút người khác phái trong khi chúng ta có thể sử dụng số tiền, thời gian đó để trau dồi kiến thức thế tục và Phật pháp hòng mở ra con đường dẫn đến sự hiểu biết tự do.


Như vậy rõ ràng, chúng ta thấy nhiều trở ngại đến với phía nữ giới không phải chỉ do tập tục, truyền thống cổ hủ mà đến bởi chính từ sự tư duy vụn vặt, nhỏ nhặt cùng sự lựa chọn không khôn ngoan của chính chúng ta.

Trong khi các nữ cư sỹ đến từ các nước phương Tây trở nên tự tin làm chủ diễn đàn với những tham luận mang tính ứng dụng Phật pháp trong xã hội cao, trong khi rất nhiều Ni sư, Ni trưởng dù tuổi cao sức yếu đã vượt qua cả một chặng đường dài, chịu đựng thời tiết lạnh giá khắc nghiệt kiên trì ngồi theo dõi Hội nghị một cách chú tâm thì có những nữ giới Phật giáo.

Chúng ta lại thờ ơ với chính vận mệnh của mình khi cho rằng Hội nghị không phải là việc của mình, hoặc không liên can gì đến mình do đó chưa thể chung sức, đồng lòng quy tụ về nơi quê cha, đất tổ; nơi Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề được Đức Phật chính thức chấp thuận gia nhập vào hàng ngũ xuất gia để làm nên một Hội nghị mang tính quốc tế cao.

Bỏ qua những trở ngại khó khăn về mặt địa lý, những thiếu thốn vật chất của cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện thì được tham gia Hội nghị là một điều mà bất cứ ai cũng cảm thấy tự hào và cần phải đến để thấy, thấy cách tư duy, cách nghĩ, cách nhìn, cách sống, cách cống hiến cho tiền đồ Phật pháp tương lai.



Chụp ảnh lưu niệm


Thực hành thiền

Nói như Ni sư Thích Đàm Thuấn, Phó Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, Trưởng Phân ban Đặc trách Ni giới tỉnh; đại diện duy nhất của chư Ni các tỉnh thành Phật giáo phía Bắc thì Hội nghị thật sự là nơi để chúng ta không những giao lưu học hỏi, mà còn là nơi để chúng ta nhận ra những mặt yếu kém trong đường hướng tu tập, tổ chức giáo hội, quản lý nhân sự … Với tư cách là Trưởng ban đặc trách Ni giới tỉnh thì việc xây dựng một đội ngũ chư Ni trẻ có tài, có tâm để kế thừa các bậc tiền bối và hòa hợp với cộng đồng Phật giáo quốc tế là điều mà Ni sư tâm đắc và đang xúc tiến triển khai trong thời gian tới.

Hàng cư sĩ tại gia dám xả bỏ của cải hữu lậu thế gian để cúng dường Phật pháp với mong muốn đổi lấy pháp xuất thế gian vô lậu; thì lẽ nào hàng nữ lưu họ Thích chúng ta lại không thấy được trách nhiệm hoằng truyền Phật pháp, những thách thức, thời cơ mới của chính mình.

C.T.V (Gởi về từ Ấn Độ)