Lời giới thiệu thuyết phục nhất: Tôi là Phật tử!

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XIII - 2016 diễn ra tại Thái Lan, với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức, sự kiện văn hóa - tôn giáo này đã thành tựu viên mãn. Đại diện Phật giáo đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với nước chủ nhà Thái Lan đã tham gia nhiều hoạt động: hội thảo, hội nghị, trao đổi về giáo dục Phật giáo, cầu nguyện… trong tinh thần hòa hợp của người con Phật, dù đang thực hành theo Nam truyền, Bắc truyền hay Kim cương thừa.

Hơn 1.000 đại biểu chính thức tham dự ngày làm việc tại UNCC trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2016

Tất cả cùng một tiếng nói chung, xác nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Thầy tối thượng, giáo pháp mà Ngài đã giảng thuyết là con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc tự nội, thiết thực hiện tại, là giải pháp cho những khủng hoảng về hòa bình, đạo đức, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới, v.v… đang đe dọa sự sống trên trái đất của chúng ta.

Điều thú vị là trong thông điệp gởi đến cộng đồng Phật giáo nhân Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã nhắc mô hình Phật giáo dấn thân theo lý tưởng Bồ-tát hạnh qua mẫu hình Thắng Man phu nhân, một nhân vật quen thuộc với Phật tử.

“Trong một đoạn kinh kể về câu chuyện Thắng Man phu nhân (Srimala), người phụ nữ phát nguyện giúp đỡ tất cả những ai đang khổ đau do bất công, bệnh tật, nghèo khó hoặc thiên tai. Tinh thần kiên cố này có thể đánh thức các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, thực thi cam kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cổ xúy cho quyền con người với những giá trị phổ quát của thế giới”, thông điệp của Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh.

Với ngụ ý đó, thế giới đang cần một tinh thần Phật giáo nhập thế, thực sự dấn thân vô úy và vô ngại của một vị Bồ-tát, bao dung và đầy tình thương như một người mẹ đối với con của mình. Đó là điều mà thế giới đang trông chờ vào Phật giáo, đang trông chờ vào những người con của Đức Phật.

Thế giới đã có quá nhiều sự hoài nghi do những bất đồng và tham vọng dấy lên, đã quá nhiều tổn thương do mộng tưởng và ích kỷ tạo ra; để chuyển hóa những hoài nghi và chữa lành những vết thương đó, không cần thêm một lý thuyết nào khác, mà chính lúc này, cần hành động cụ thể.

Với trí tuệ duyên sinh, người Phật tử luôn có cái nhìn mọi hiện tượng trong mối tương quan mật thiết. Chúng ta không thể có hạnh phúc nếu môi trường sống bất ổn. Ngôi nhà chúng ta sẽ không an toàn, là mái ấm thực sự khi ngoài kia cái xấu, cái ác cứ rình rập. Chất lượng sống của chính chúng ta và những người thân của mình sẽ không đảm bảo nếu hàng ngày phải sử dụng nguồn thực phẩm bẩn, phải thở không khí bị ô nhiễm…

Tinh thần Thắng Man phu nhân, hay Bồ-tát hạnh cần thiết cho cuộc đời là vậy. Như người mẹ luôn chăm sóc cẩn thận đứa con trong bụng mình, chúng ta cũng cần nuôi dưỡng, chăm sóc môi trường sống như thế. Chỉ khi có sự thấu hiểu như thế, chúng ta mới tích cực dấn thân vào cuộc đời, làm tốt đẹp cuộc đời. Bồ-tát đạo là con đường cho tất cả. Bồ-tát không chỉ là đối tượng của sự cầu nguyện, ngưỡng mộ, mà hơn bao giờ hết, cần hiện thân trong cuộc đời, không phải ở đâu xa xôi, mà ngay trên đất nước mình, nơi mà chúng ta sống. Đó là tiếng nói, là lời giới thiệu thuyết phục nhất, rằng “Tôi là Phật tử!”. 

Thích Tâm Hải