Nỗ lực bảo tồn mộc bản Đại Tạng Càn Long

Bảo tàng Thủ đô và Ngân hàng America Merrill Lynch đã khởi động một dự án liên kết lớn ở Bắc Kinh nhằm giải cứu một bộ mộc bản kinh Phật quý hiếm.

Bảo tàng sẽ nhận được tài trợ để làm sạch bộ mộc bản Đại Tạng Càn Long thông qua Dự án Bảo tồn nghệ thuật toàn cầu của Ngân hàng.
 
Các chuyên gia đang làm sạch mộc bản Đại Tạng Càn Long - Ảnh: China Daily
 
Số tiền thực tế do Ngân hàng tài trợ đã không được tiết lộ, nhưng vẫn bảo đảm đủ để làm sạch 5.000 tấm khắc gỗ của bộ Đại Tạng Càn Long.

Bảo tàng Thủ đô đã mời một nhóm chuyên gia để lập kế hoạch chi tiết cho việc bảo tồn bộ Đại Tạng này.

Dự án làm sạch bắt đầu vào tháng Một năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian ít nhất là 200 ngày.

Đại Tạng Càn Long là một báu vật của Trung Quốc và của cộng đồng Phật giáo thế giới, có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực văn học, lịch sử và nghệ thuật.

Đại Tạng Càn Long, bao gồm 724 bộ sách với tổng cộng 7.240 quyển (mỗi bộ gồm có 10 quyển), là một bộ sưu tập đầy đủ 1.669 bộ kinh, luật, luận Phật giáo và các nội dung văn học khác.

Người ta cho rằng đây là bộ Tam Tạng khắc gỗ chính thức cuối cùng và duy nhất hiện có tại Trung Quốc.

Bộ Đại Tạng đã được khắc trên 79.036 tấm gỗ trong thời gian trị vì của Hoàng đế Ung Chính năm 1733 và hoàn thành trong thời gian trị vì của Hoàng đế Càn Long nhà Thanh năm 1738.

Tuy nhiên, vì lý do xã hội, lịch sử và sự thoái hóa tự nhiên, hơn 20% trong tổng số 69.410 tấm khắc gỗ đã xấu đi và cần thiết phải bảo tồn ngay - Hu Dongbo, giáo sư thuộc Đại học Bắc Kinh, chuyên về bảo tồn di sản văn hóa và là chuyên gia chính của dự án này cho biết.

Được biết công việc bảo tồn toàn diện bộ Đại Tạng, bao gồm việc làm sạch, sửa chữa các ký tự khắc sai và khôi phục lại các chữ bị mất trên các mộc bản có thể mất từ 8 đến 10 năm.