Phật giáo, Hồi giáo liên kết xây dựng hòa hợp liên tôn

Cảnh bạo lực tập thể giữa những người theo đạo Phật và Hồi giáo ở Sri Lanka, Bangladesh, Myanmar và Thái Lan kéo dài dai dẳng và ngày càng gia tăng. Mặc dù đã sống trong sự hòa bình với nhau qua nhiều thế hệ, nhưng hai cộng đồng tôn giáo này hiện đang bị bủa vây bởi các cuộc bạo loạn, cướp bóc, phá hoại tài sản, gây thương tích và tử vong. Mỗi bên nghĩ xấu về bên kia khiến cho căng thẳng và bạo lực ngày càng leo thang.


Nhóm phúc lợi xã hội Hồi giáo đã tổ chức lễ cúng dường 
thực phẩm và dâng y cho các Tăng sĩ tại tu viện MaSoe Yein

Cuối cùng, đã có thể thoáng nhìn thấy một vài tia sáng ở cuối đường hầm tối tăm. Tại Myanmar và Thái Lan, đã có những nỗ lực chung của cả Phật giáo và Hồi giáo để vượt qua sự chia rẽ giữa hai tôn giáo, chống lại những nhận thức sai lầm và hiểu lầm về nhau. 

Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, đã diễn ra các cuộc xung đột nghiêm trọng giữa những người theo Phật giáo và người Hồi giáo trong tháng Bảy vừa qua. Nhìn thấy tính cần thiết phải thúc đẩy sự hòa hợp giữa các cộng đồng với nhau, ngày 3-8, nhóm Phúc lợi xã hội Hồi giáo đã tổ chức lễ cúng dường thực phẩm và dâng y cho các Tăng sĩ tại tu viện Ma Soe Yein. Sự kiện này vừa đánh dấu lễ hội Eid, một lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Ramadan của Hồi giáo, và cũng là dịp bắt đầu mùa Wa Dwin, mùa ăn chay và là mùa an cư của các tu sĩ Phật giáo Nam truyền trong vòng ba tháng.  

Sein Win, một thành viên của nhóm Phúc lợi xã hội cho biết: “Có khoảng 55 nhà sư ở Mandalay, bao gồm cả Trưởng lão War So Sayardaw 98 tuổi, ngài Tăng trưởng của Giáo hội Tăng-già Mandalay, Maha Nayaka, các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo và các cộng đồng Ấn Độ giáo đã tham gia sự kiện này”. Tại buổi lễ, ngài Trưởng lão War So Sayardaw khuyên mọi người rằng, những người theo Phật giáo và người Hồi giáo nên sống hòa bình với nhau bằng cách mỗi người tự kiểm soát hành động, lời nói và tâm trí của mình.  

Nhóm Phúc lợi xã hội Hồi giáo này hàng năm đều cúng dường phẩm vật cho chư Tăng kể từ năm 2012. Tuy nhiên, năm nay việc làm này rất có ý nghĩa, bởi vì trong các vụ đụng độ gần đây, các nhà sư trong địa phương đã kêu gọi người dân không tham gia vào mà hãy giữ bình tĩnh. Sein Win nói: “Chúng tôi đặc biệt cảm ơn các vị tu sĩ Phật giáo, những người đại diện cho tất cả mọi người, và chúng tôi muốn mang lại sự hòa hợp giữa cộng đồng Phật giáo và người Hồi giáo ở Mandalay”.  

Thein Tan đến từ Ủy ban Thiết lập Hòa bình Mandalay bày tỏ, việc cúng dường phẩm vật đến các vị Tăng sĩ sẽ đi một chặng đường dài trong việc làm giảm căng thẳng và rằng “chúng ta đang thống nhất với nhau thông qua sự kiện như thế này, nhằm đảm bảo rằng chúng ta không hiểu lầm nhau”.

Tại Thái Lan, vào ngày 25-7, một chiếc xe bị gài bom đã phát nổ ở Betong, thuộc phía Nam tỉnh Yala, khiến 3 người thiệt mạng và 42 người bị thương. Đây là vụ mới nhất trong 10 năm đấu tranh của phe nổi dậy để giành độc lập cho khu vực này, một khu vực chủ yếu là người Hồi giáo sinh sống. Có đến 62 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 370 người bị thương trong thời gian gần đây. Cuộc đàm phán hòa bình giữa phe nổi dậy, Barisan Nasional Revolusi, và chính phủ đã bị đổ vỡ vào tháng Bảy năm ngoái. Kể từ đó, 35 phụ nữ (chủ yếu là Phật tử) đã thiệt mạng và hơn 60 phụ nữ khác bị thương.  

Một diễn đàn với chủ đề “Hãy phá vỡ bức tường im lặng: Dừng ngay việc cướp đi sinh mạng của phụ nữ và trẻ em”, đã được các tổ chức của phụ nữ tổ chức vào ngày 22-7 (ảnh dưới). Những người mẹ, các chị em phụ nữ thuộc Phật giáo và Hồi giáo đã diễn tả về thực trạng họ đã chịu đau khổ trong suốt thời gian diễn ra bạo loạn, tiếng nói của những người đã bị mất người thân. Một bà mẹ trẻ người Hồi giáo kể lại cảm giác của mình khi cô tỉnh dậy trong bệnh viện và biết rằng mình không chỉ bị mất một chân mà còn mất luôn người con trai 5 tuổi trong vụ nổ tại một khu chợ. Một người phụ nữ Phật giáo đã không thể chạy trốn khỏi cuộc tấn công vì cô ấy bị khuyết tật. Sau đó, người ta đã tìm thấy trên thi thể của cô có rất nhiều vết đạn.  
 
 

Các nạn nhân và những thân nhân nói rằng, họ muốn tiếp cận dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của chính phủ. Hầu hết thân nhân của các nạn nhân đều muốn có một lời kết luận, bằng cách biết rõ sự thật về những gì đã xảy ra và ai là người chịu trách nhiệm về cuộc bạo động đó. Diễn đàn đã khép lại với việc các tổ chức phụ nữ và các thân nhân đưa ra lời kêu gọi các bên vũ trang: “Hãy dừng ngay bất kỳ hoạt động nào gây tổn hại cho dân thường”. Họ kêu gọi rằng, những nơi công cộng như trường học, chợ, và các nơi thờ tự nên là những nơi an toàn, và các nhà lãnh đạo trong cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo nên “triệu tập lại các cuộc đối thoại liên tôn để sửa chữa những quan niệm sai lầm trong việc giải thích các nguyên tắc tôn giáo”. Cần có sự phản ứng khẩn cấp tốt hơn, tiếp cận với sự hỗ trợ ngắn và dài hạn, và một cơ chế để tìm ra sự thật nhằm giúp người dân nhận được sự bồi thường và bắt đầu hành động pháp lý.
Minh Phú (theo Buddhist Door)