Phục hồi bức tượng Phật lớn nhất thế giới gây tranh cãi ở Afghanistan

Việc phá hủy bức tượng Phật Bamiyan ở Afghanistan vào năm 2001 đã khiến chế độ Taliban bị cả thế giới chỉ trích.

Nhưng quyết định của Unesco phục dựng các bức tượng này vẫn chưa chấm dứt được cuộc tranh cãi về công trình đúc trong đá có thời là một trong những di sản văn hóa quý giá nhất của nhân loại.

Vào lúc Taliban ở đỉnh cao quyền lực tại Afghanistan, nhà lãnh đạo Mullah Omar đã phát động một cuộc chiến tranh chống dị giáo. Những nạn nhân lớn nhất của Omar, kể cả về kích thước thực tế lẫn tính biểu tượng, là hai bức tượng Phật bằng đá. Từng là những bức tượng Phật cao nhất thế giới với chiều cao 55 mét, được khắc thẳng vào sườn núi, quay mặt ra thung lũng Bamiyan ở miền Trung Afghanistan suốt từ thế kỷ thứ 6.
Tượng Phật Bamiyan trước khi bị phá hủy
 
Khi Taliban bị lật đổ năm 2003, Unesco tuyên bố thung lũng này là một di sản thế giới và các nhà khảo cổ học đổ xô về đây. Nhưng những gì họ tìm được chỉ là hai hang động trống rỗng với một đống rác và một bãi mìn chưa nổ. Kể từ đó, Unesco tiến hành khảo sát đống đổ nát ở các công trình cũ để cân nhắc việc xây lại các tượng phật.

Thung lũng Bamiyan đánh dấu điểm cực Tây của sự lan tỏa Phật giáo và là một đô thị buôn bán sầm uất trong hầu hết thiên niên kỷ vừa qua. Đó là nơi Đông - Tây hội ngộ khi các nhà khảo cổ phát hiện ra những di chỉ mang ảnh hưởng của gần như mọi nền văn minh cổ đại, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Trung Quốc và Ấn Độ. Thung lũng này, do đó, trở thành một địa điểm độc nhất vô nhị trên toàn cầu.

Nhưng năm ngoái, Unesco bất ngờ tuyên bố họ không còn cân nhắc việc phục dựng do bức tượng lớn hơn thì không còn đủ đá trong vách núi. Bức nhỏ hơn có thể được làm lại, nhưng Unesco nói rất khó xảy ra. Thay vì vậy, Unesco hợp tác với các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Ý để bảo tồn những gì còn lại của di chỉ. Cho tới khi một nhóm khảo cổ học và bảo tồn từ Đức, Hội đồng quốc tế các di chỉ và tượng đài (Icomos) lật lại việc phục dựng.

Bert Praxenthaler đã làm việc với Icomos và từ năm 2004, ông cố gắng thu thập mọi mảnh vỡ còn sót lại ở khu di chỉ, với một số tảng đá nặng tới 40 tấn, để bảo tồn. Praxenthaler nói phương pháp của ông là sắp xếp lại các mảnh vỡ và sử dụng tối thiểu các vật liệu mới. "Đó là một trò chơi ghép hình với những mảnh còn thiếu nhưng chúng tôi có thể xác định vị trí của những mảnh vỡ bằng các phương pháp địa chất", Praxenthaler giải thích.
 
Vị trí của tượng Phật Bamiyan hiện nay, sau khi bị phá hủy

Phương pháp này từng được sử dụng trong việc phục dựng các đền thờ Parthenon và Acropolis ở Athens, Hy Lạp, nhưng là lần đầu được sử dụng với một kiến trúc bị con người cố tình phá hủy. Tiền bạc cũng là một vấn đề tranh cãi khi phục dựng chỉ bức tượng nhỏ thôi cũng tiêu tốn nhiều triệu USD ở một đất nước còn thiếu những hạ tầng cơ bản như đường sá và điện. Việc phục dựng sẽ đòi hỏi chế tạo hoặc nhập khẩu lượng lớn kim loại và hành trình đưa các vật liệu đó tới thung lũng Bamiyan là hết sức nguy hiểm do tình hình bất ổn ở những vùng xa cách Thủ đô Kabul.


"Tất nhiên dự án này gây nhiều tranh cãi vì số tiền quá lớn", tiến sĩ Llewelyn Morgan, tác giả cuốn sách viết riêng về những bức tượng, The Buddhas of Bamiyan (Các tượng Phật ở Bamiyan), nói. Morgan cho rằng còn nhiều vấn đề bức thiết hơn mà các nhà khảo cổ nên chú ý tại Afghanistan. "Bamiyan là một địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều nhà khảo cổ", Morgan nói. "Nhưng ở Afghanistan là cả một kho báu khảo cổ học".

Tình trạng trộm cắp cổ vật cũng rất trầm trọng ở quốc gia này, với những di vật sau đó được tuồn lậu sang bán ở Pakistan. Morgan tin rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu chi tiền cho cơ sở hạ tầng và bảo vệ các di chỉ tại đây, thay vì phục dựng tượng Phật. Ông cũng dẫn ra trường hợp Chehel Burj, một pháo đài thời Trung cổ ở Tây Bamiyan đang xuống cấp trầm trọng. "Thời gian, tình trạng trộm cắp, những trận động đất và sự cư xử vô ý thức sẽ tàn phá nó dữ dội", ông nói.

Unesco cũng bày tỏ những quan ngại tương tự và đang huy động tiền để xây dựng một bảo tàng hòa bình Bamiyan để giúp nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Afghanistan. Một vấn đề khác là quan điểm tôn giáo. Kiến trúc sư người Ý Andrea Bruno, đang lên kế hoạch xây một ngôi chùa nhỏ dưới chân của tượng Phật đã bị phá hủy, bình luận: "Những người Hồi giáo ở đây rất khắt khe trong việc xây dựng những hình ảnh đại diện cho các tôn giáo khác. Xây lại tượng phật bị coi là sự xúc phạm với nhiều người".

Nhưng Praxenthaler nghĩ khác. Ông cho rằng việc xây lại tượng Phật là phù hợp với lợi ích của những người Hồi giáo Sia ở vùng Hazara, những người đã bị Taliban đối xử tàn bạo trước kia. "Đây không chỉ là vấn đề tôn giáo, phá hủy những thần tượng của tôn giáo khác, mà còn là việc phá hủy văn hóa và nền tảng đáng tự hào của một dân tộc", ông nói. "Người dân Ha,zara, đánh giá cao việc phục dựng tượng Phật". Ông cũng tin rằng xây lại các bức tượng sẽ là một cú hích quan trọng cho kinh tế địa phương, với 50 việc làm được tạo ra và luồng du khách sẽ đổ về đây.

Llewelyn Morgan cũng đồng ý. "Tôi đã gặp những người dân địa phương thậm chí muốn xây lại các tượng Phật bằng bê tông, tất nhiên Unesco không bao giờ chấp nhận điều đó", ông nói, nhưng cũng cảnh báo rằng phản ứng của phần còn lại tại Afghanistan là rất khó đoán. "Đất nước này có sự đa dạng văn hóa, nhưng rất sùng đạo Hồi. Dù nhiều thủ lĩnh tôn giáo có thể không đồng ý với việc phá hủy các bức tượng Phật, việc kêu gọi họ ủng hộ xây lại là chuyện hoàn toàn khác".
 
Những tượng Phật ở Bamiyan

Cách Kabul 230km về phía Tây Bắc được xây dựng từ thế kỷ 6, khi Bamiyan còn là một vùng Phật giáo thịnh vượng.

Năm 629, nhà du hành người Trung Quốc, Trần Huyền Trang, đã mô tả Bamiyan trong nhật ký hành trình của mình là một trung tâm Phật giáo nhộn nhịp với hàng chục nghìn nhà sư.

Hai tượng Phật lớn nhất cao 55 mét và 37 mét, được khắc thẳng vào vách núi đá.

Các tượng Phật bị chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban phá bỏ tháng 3/2001.

Hải Minh (Thể Thao và Văn Hóa)