Hà Nội: Công nhận chùa Linh Thông là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật

Ngày 01/04/2018, Chư tăng, nhân dân phật tử cùng các cấp chính quyền thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh tham dự lễ đón nhận Bằng Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật chùa Trung Oai (Linh Thông tự).

Chùa Trung Oai (Linh Thông tự) tọa lạc tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội được xây dựng vào thờ Hậu Lê thế kỷ 18 do các thiền sư thuộc dòng Tào Động Việt Nam xây dựng.


Lễ rước Bằng  Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật chùa Trung Oai
 
Năm 1897, Chùa được HT.Thích Chính Bỉnh đời thứ 11 chùa Hòe Nhai cùng nhân dân phật tử địa phương và thập phương công đức trùng tu. Xưa, chùa tọa lạc tại bãi Chùa cũ phía Bắc của xóm giữa thôn Trung Oai. Cách đây hơn 100 năm, nhân dân địa phương chuyển về địa điểm như hiện nay.

Ngoài chức năng thờ Phật, chùa Trung Oai còn là cơ sở cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và trụ sở của Ban Phật giáo Cứu quốc huyện Đông Anh. Năm 1970, chùa được chọn làm nơi đón tiếp các thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra điều dưỡng.


 Lễ trao Bằng  Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật chùa Trung Oai
 
Xưa kia chùa chỉ còn lại ngôi Tam bảo ba gian, cấp bốn bằng gỗ xoan và nhà thờ Tổ bảy gian đã xuống cấp. Năm 2000, HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội, trụ trì chùa Liên Phái (Hà Nội) được nhân dân phật tử địa phương thỉnh về kiêm nhiệm trụ trì chùa. Tháng 3/2005, chùa được khởi công trùng tu với quy mô lớn. Ngày 04/03/2009, chùa Linh Thông mới được khánh thành gồm những hạng mục: chính điện thờ Tam Bảo, ngôi Tổ đường, Nhà thờ Mẫu và Tam quan của chùa, được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo truyền thống như hiện nay.

Các công trình của chùa được làm toàn bộ bằng kết cấu gỗ tứ thiết. Tam bảo chùa có mặt bằng chữ công, kết cấu các bộ vì làm lối thượng giá chiêng, hạ chồng rường, với 4 hàng chân cột. Các mảng chạm trang trí đậm đặc nhưng thanh thoát đã làm giảm nhẹ sự nặng nề của bộ khung, tăng giá trị thẩm mỹ của kiến trúc. Sự phong phú của các đề tài, sự chặt chẽ trong bố cục và sự sinh động trong nội dung được thể hiện trên từng chi tiết đề tài và rất hợp lý trên các bộ phận kiến trúc khác nhau. Nó được biểu hiện ở các đường nét chạm lộng, bong kênh và các đề tài trang trí các hình rồng mây, rồng lá. Các bức cốn rường và đầu gian giữa tòa tiền đường được chạm trổ công phu, thể hiện bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.
 

Nghi thức dâng hương tại Tam bảo chùa Trung Oai
 
Giá trị nghệ thuật điêu khắc của di tích chùa Trung Oai còn được thể hiện qua hệ thống di vật gỗ. Điểm xuyết trên các bộ phận kiến trúc là một hệ thống hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng. Với nội dung ca ngợi về chùa Trung Oai và cảnh đẹp của địa phương nơi đây. Các bức y môn, cửa võng được chạm khắc với các đề tài “Tứ linh”, "Tứ quý" và hệ thống tượng tròn. Bằng kỹ thuật chạm nổi kết hợp với chạm lộng tinh tế, người nghệ nhân đã thể hiện các đề tài hết sức chau chuốt, khiến cho các hình tượng trang trí nổi lên một cách sống động. Bộ sưu tập tượng thờ ở chùa Trung Oai còn lại không nhiều, nổi trội như một số ngôi chùa khác, nhưng các pho tượng đều có những giá trị nhất định trong một khuôn thức chung.

Với những giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, ngày 21/02/2018, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Ngô Văn Quý ký Quyết định số 840/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật chùa Trung Oai (Linh Thông tự), xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.