Hệ phái Khất sĩ tổ chức lễ tưởng niệm 68 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Sáng 3-3, chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 68 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (1954-2022) tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức).



Hòa thượng Thích Giác Tường cùng chư tôn đức dâng trầm cúng dường Tổ sư
 
Buổi lễ có sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Tường, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ; Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Ngộ, Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, cùng chư Tăng Ni, Phật tử Giáo đoàn IV.


 
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Văn phòng II, Ban, Viên Trung ương dâng hương tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang (ngày 2-3) - Ảnh: Đăng Huy

Năm nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Hệ phái Khất sĩ tổ chức lễ tưởng niệm năm thứ 68 ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng nội bộ tại mỗi tịnh xá và khuyến khích hạn chế tối đa Phật tử các nơi về tham dự. Riêng giáo đoàn IV tổ chức lễ tưởng niệm tại pháp viện Minh Đăng Quang với các nghi thức đơn giản, thay thế nghi thức trì bát khất thực như mọi năm, bằng việc tọa thiền, tụng niệm tại Tổ đường.

Lễ tưởng niệm diễn ra ngắn gọn, yên tĩnh và được tinh giản các nghi thức

Thay mặt môn đồ đệ tử, Hòa thượng Thích Minh Bửu, Trưởng ban Tăng sự Hệ phái cung tuyên tiểu sử của Tổ sư Minh Đăng Quang, sơ lược quá trình hình thành, phát triển của Hệ phái Khất sĩ trải dài hơn 68 năm qua.

Hòa thượng Thích Minh Bửu cung tuyên tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang

Theo đó, Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh năm 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long).

Mùa xuân năm Giáp Thân (1944), ngài tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã” tại Mũi Nai, Hà Tiên khi tròn 22 tuổi. Đầu năm 1946, ngài được một cư sĩ cung thỉnh về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho phổ hóa nhân sinh. Tại đây, ngài phát nguyện thọ trì y bát, giới Sa-di, rồi Cụ túc - Tỳ-kheo 250 giới với pháp hiệu Minh Đăng Quang, tiếp tục “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, noi gương Phật, Tăng xưa sống đời phạm hạnh, giải thoát.

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên số lượng Phật tử tham dự rất hạn chế

Năm 1947, ngài đã nhiếp hóa cả hai chúng nam, nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng, Ni Khất sĩ. Những thời thuyết pháp của ngài còn ghi lại trong bộ Chơn Lý gồm 69 tiểu luận thể hiện được sự dung hợp giữa hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo.

Sau 10 năm tu tập và hoằng hóa, mùng 1-2-Giáp Ngọ (1954), trên đường hành đạo từ Sa Đéc qua Vĩnh Long đến Cần Thơ, ngài thọ nạn và vắng bóng cho đến ngày nay.

Hòa thượng Thích Giác Ngộ ban đạo từ

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Giác Ngộ cũng dành lời sách tấn tới toàn thể chư tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ nhân lễ tưởng niệm Tổ sư. Hòa thượng mong muốn Hệ phái tiếp tục kế thừa, phát triển những giá trị cốt lỗi của mình trong tương lai.

Chư tôn đức Hệ phái Khất sĩ tại buổi lễ

Toàn cảnh lễ tưởng niệm 68 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng

Chư Tăng giáo đoàn IV tham dự lễ tưởng niệm


Ban Tổ chức gửi lời cảm tạ đến toàn thể chư tôn giáo phẩm Tăng Ni, Phật tử đã đến tham dự lễ tưởng niệm 68 năm Tổ sư vắng bóng, khép lại buổi lễ tổ chức nội bộ của hệ phái

 
Cùng ngày, chư Tăng Ni, Phật tử Giáo đoàn I cũng vân tập về tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), quê hương của Tổ sư để làm lễ tưởng niệm 68 năm vắng bóng của ngài
 
Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ