Nghệ An: 10.000 người tham dự lễ cầu quốc thái dân an tại chùa Viên Quang

Sáng ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (27/02/2018), tại chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã diễn ra lễ cầu quốc thái dân an mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của gần 10.000 tín đồ phật tử xa gần, cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh.


Sáng ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất (27/02/2018), tại chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã diễn ra lễ cầu quốc thái dân an mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự tham dự của gần 10.000 tín đồ phật tử xa gần, cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh.

Được biết, đầu năm là thời điểm mà ai ai cũng đều ấp ủ những lời nguyện cầu may mắn, bình an cho tương lai. Vì vậy, cứ sau Tết Nguyên đán thì các chùa lớn trên cả nước thường tổ chức những nghi lễ cầu an đầu năm. Riêng chùa Viên Quang, lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an đã trở thành một buổi lễ truyền thống, với rất đông người tham dự.
 
Theo nghi thức, đến với buổi lễ, mỗi người đều gác lại những ước muốn riêng tư cho cá nhân, cho gia đình để cùng hướng về tình yêu chung cho tổ quốc, cùng cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Đây là nét đẹp đặc biệt của buổi lễ cầu nguyện quốc thái dân an. Điều này không chỉ thể hiện ước nguyện tốt đẹp của mỗi người, mà còn nói lên sự đồng hành của đạo pháp cùng dân tộc, lấy cái uy linh của đạo pháp để cầu nguyện cho đất nước. Có thể nói, đầu năm làm lễ cầu quốc thái dân an có ý nghĩa hơn các loại hình mê tín khác. 

“Chùa soi bóng quê hương đất nước
Chuông chiều buông trên nẻo đường xa
Càng yêu đạo pháp thiết tha
Càng yêu đất nước đậm đà thiêng liêng…”


Tham dự buổi lễ có: TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; ĐĐ.Thích Châu Phong, UV Thường trực, Trưởng ban Pháp chế, kiêm Phó CVP BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ông Lưu Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng Ban Tôn giáo; cùng gần 10 nghìn người dân, phật tử và hơn 300 thanh niên, sinh viên các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Bình về công quả phục vụ buổi lễ.

 
Đúng 9h00 buổi lễ chính thức bắt đầu, khi hồi trống bát nhã vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả hội chúng đồng niệm Phật cầu gia bị. Tiếp theo, TT.Thích Chân Quang đã khai Pháp bằng bài Pháp thoại nói về “Ý nghĩa thiêng liêng của đại lễ cầu nguyện quốc thái dân an”.
 

 
Thượng tọa cho biết, vừa rồi nhà nước có ban hành văn bản yêu cầu loại bỏ hủ tục đốt vàng mã. Đây là sự cải cách, một bước tiến lớn trong nghi thức hoạt động về văn hóa, cho thấy Việt Nam vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa theo kịp với văn minh của thế giới. 

Nói về lễ cầu quốc thái dân an, theo Thượng tọa, chúng ta thường tin rằng hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đầu năm sẽ ảnh hưởng đến suốt năm của mình. Nhiều người đã cúng sao giải hạn cầu mong may mắn. Tuy nhiên niềm tin này là không hợp lý nếu chiếu theo luật nhân quả. Dần dần trong đạo Phật xuất hiện những nghi lễ cầu an để thay thế cho việc cúng sao, mà nhìn chung người đến tụng niệm vẫn mang tâm thế là cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình mình, tức là vẫn luẩn quẩn trong vòng vị kỉ, chưa nuôi lớn lòng vị tha, chưa làm tâm hồn rộng mở hơn được. 

Cho nên những nghi lễ Phật giáo nếu không khéo thì vẫn làm cho con người trở nên ích kỷ hơn. Chính vì vậy trong đạo Phật đã xuất hiện thêm một nghi lễ là cầu quốc thái dân an. Thay vì chỉ cầu xin cho bản thân, cho gia đình thì người ta mở lòng ra để cùng nguyện cầu cho đất nước. Khi đó cả ‘đạo đức’ và ‘phước đức’ đều tăng lên một bậc. Vì vậy, với những ai tham dự lễ cầu nguyện quốc thái dân an bằng cái tâm chí thành, thường họ sẽ được những may mắn, thành công trong năm. Khi ta quên đi cá nhân nhỏ bé của mình để nghĩ cho đất nước, cho cộng đồng thì luật nhân quả tự khắc sẽ đền bù cho ta một năm may mắn.

Lễ cầu quốc thái dân an là tiếng gọi của lương tâm, của đạo đức chiến thắng vị kỉ. Tại đây không có bóng dáng vị kỷ, chỉ có tình yêu quê hương đất nước – là nơi mà ta đang có mặt, đang hưởng trời đất này, từng cành cây ngọn cỏ đều thấm đẫm bao máu của các anh hùng đã đổ xuống, bao tâm huyết của các lãnh tụ phi thường. 

Thật sự, đất nước vẫn chưa bao giờ yên bình, ngày đêm vẫn còn đang gồng mình chống chọi lại với bao âm mưu phá hoại của kẻ thù, mà để bảo vệ đất nước thì trước hết phải bắt đầu từ tấm lòng yêu nước của mỗi người. Cho nên chúng ta có lễ cầu quốc thái dân an để vừa cầu nguyện cho quê hương, cũng vừa hi vọng sẽ thắp lên ngọn lửa yêu nước trong tim cho mọi người.

Tuy nhiên, trái tim con người thì mong manh chóng thay đổi; hôm nay vừa yêu nước, ngày mai đã có thể phản quốc; hôm nay vừa nguyện sống chết vì đất nước, ngày mai ta đã có thể lung lay vì những lời rỉ tai của kẻ xấu. Chúng ta không đủ chính kiến, không đủ kiên định giữ gìn ngọn lửa yêu nước trong trái tim mình. 

Cho nên trong bài giảng này, Thượng tọa đề cập đến những lập trường, những quan điểm mà chúng ta phải giữ gìn trong suốt cuộc đời mình. 

- Thứ nhất là lòng yêu nước. Yêu nước thì gồm rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố yêu quý những vị lãnh đạo của dân tộc. Đừng nói rằng: “Tôi yêu nước theo cách riêng, tôi yêu nước nhưng ghét chế độ, thù lãnh đạo”. Đã yêu nước thì phải yêu quý lãnh đạo, những người ngày đêm lo lắng cho vận mệnh đất nước. Hãy bảo vệ tâm hồn mình trước những lời rỉ tai, xuyên tạc đầy trên các trang mạng, thậm chí trong những câu chuyện phiếm thường ngày.

- Thứ hai là tình yêu với nhân loại. 

- Thứ ba là tình yêu đạo pháp. So với các tôn giáo khác, Phật giáo có một điểm rất đặc biệt là khi đến quốc gia nào thì lập tức trở thành tài sản của quốc gia đó, chứ không thu phục tín đồ về riêng cho tôn giáo mình. Với Việt Nam ta cũng vậy, mấy nghìn năm qua đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, đạo pháp và dân tộc là máu thịt không thể tách rời. 

- Thứ tư là quan điểm sống vị tha. Để gìn giữ quan điểm này, chúng ta phải chiến đấu với hai điều, một là bản năng vị kỷ tiềm tàng của chính mình; hai là những tác động từ bên ngoài, lôi kéo ta trở lại với đời sống hưởng thụ, vị kỷ như trước kia.

- Thứ năm là niềm tin nhân quả. Nhân quả là chân lý tuyệt đối của vũ trụ, mà là chân lý nền thì ta không thể chứng minh bằng đạo lý, nguyên lý nào khác được. Nó có thể chứng minh cho những điều khác, nhưng những điều khác không thể chứng minh cho nó. Giống như trong toán học có định đề Euclid cũng không chứng minh được, nhưng là tiên đề của mọi nguyên lý toán học khác vậy.

Hãy kiên định niềm tin với luật nhân quả. Có người bảo rằng Thượng đế cao hơn nhân quả, là đấng đã tạo ra luật nhân quả. Chúng ta hỏi một câu rằng Thượng đế có ban thưởng cho người thiện và trừng phạt kẻ ác không? Nếu có thì Thượng đế hành xử đúng luật nhân quả, không thể làm trái với nhân quả được. Và chỉ những người may mắn trong cuộc đời này mới tin được luật nhân quả, đó là người đã bước vào chân lý của vũ trụ này. 

- Thứ sáu là quan điểm về lòng trung thành, trung thành với thủ trưởng, với lãnh đạo, với quê hương mình, hoặc như trong đạo thì trung thành với thầy tổ, với đạo pháp. 

Phải biết rằng trung thành là một công đức lớn. Ví dụ, trong một đất nước nếu người lính trung thành với lãnh đạo thì đất nước sẽ ổn định vững chắc, còn nếu sự phản bội tồn tại quá nhiều thì đất nước sẽ vô cùng bất ổn. Cho nên sự trung thành của mỗi người đều góp phần dựng xây, bảo vệ đất nước và phước là ở đây, công đức là ở đây. Nếu trung thành mang lại công đức bao nhiêu thì sự phản trắc, bội phản cũng đem đến cái tội bấy nhiêu, do đã làm cho đất nước, cho đạo pháp bất ổn, suy yếu.

Tuy nhiên sự trung thành rất hiếm hoi, xa xỉ trên cuộc đời này, từ xưa đến nay, tiền vẫn có thể mua mất lòng trung thành của con người. Hiếm ai có thể giữ lòng mình thanh thản bất động trước sự mời gọi quá lớn của vật chất. Vì vậy, chúng ta hãy thường nguyện lòng rằng dù bao nhiêu tiền bạc cũng không bao giờ làm lung lay lòng trung thành của mình với lãnh đạo, với đạo pháp, với tổ quốc, với thầy tổ mình. 

- Thứ bảy là tinh tấn tọa thiền. Nếu không có thiền định thì con người không bảo vệ được thế giới này. Vì sao vậy, vì thật sự thế giới đang bị đe dọa bởi robot, bởi trí tuệ nhân tạo - sự thông minh của chúng đã vượt trội hơn con người. Đến lúc nào đó khi robot chi phối mọi hoạt động đời sống của con người, con người trở nên thừa thãi thì nền văn minh của trái đất bắt đầu bước vào giai đoạn hủy diệt. 

Chỉ có những con người tinh tấn, tu tập thiền định, tâm linh mới thoát khỏi sự khống chế của robot, vì tâm thức họ cao hơn robot. Robot có thể tính toán nhanh, đưa ra phương án tốt, làm việc hiệu suất cao… nhưng không bao giờ có tâm linh, có trực giác cao siêu. Do đó ngoài việc bảo vệ thế giới bằng chính trị, bằng tài năng thì chúng ta còn phải giữ gìn thế giới này bằng cách tu tập thiền định. 

- Thứ tám là quan điểm dấn thân, hy sinh, phụng sự. Sự vị tha trên tinh thần phải biến thành hành vi cụ thể, thành những hành động thực tế thay vì chỉ nói suông.

Tóm lại, trong giây phút thiêng liêng cầu cho quốc thái dân an, Thượng tọa đã nói về những chính kiến mà chúng ta phải giữ gìn suốt cuộc đời mình. Và trước hào quang của mười phương chư Phật, trước hồn thiêng tổ quốc, Thượng tọa kêu gọi mọi người cùng dâng lên lời ước nguyện, tức mượn sức mạnh của Thần thánh để cầu mong cho đất nước ta vượt qua tất cả mọi khó khăn, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần tất cả mọi người thành tâm thì sẽ cảm ứng đươc Thần thánh và đất trời.

Ngoài ra, lễ cầu an này còn là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với đất nước mình. Như vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh, nó còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thông qua đây, mỗi phật tử lại là một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

Sau đó là phần nghi lễ tâm linh. Trong không khí ấm áp của buổi lễ, toàn thể Chư tôn đức tăng ni, cùng đông đảo phật tử, các vị lãnh đạo và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an thật ý nghĩa do TT.Thích Chân Quang biên soạn.

 
Đặc biệt, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, các vị lãnh đạo cấp cao đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị chủ lễ. 

 
Hy vọng với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh, được bình an.
 

Buổi lễ khép lại bằng sự hân hoan vui mừng của những tấm lòng rộng mở, đã hòa mình vào tình yêu Tổ quốc, tình yêu đạo Pháp thiêng liêng.