Thanh Hóa: Pháp thoại "Nỗi khổ lớn nhất của con người" - Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ

Sáng ngày 19/12/2015 tức 9/11/ năm Ất Mùi tại chùa Trào Âm xã Hoằng Lưu - Hoằng Hóa - Thanh Hóa, đáp lời mời của Sư cô trụ trì Thích Nữ Diệu Thu, Sư cô Thích nữ Hương Nhũ, Tiến sĩ Phật Học, Ủy viên Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai - Giảng sư Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPGVN - Giảng viên Học Việt Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi pháp thoại với chủ đề “Nỗi khổ lớn nhất của con người”

Từ sáng sớm, mặc dù thời tiết trời đang ở những ngày lạnh nhất của mùa đông nhưng các phật tử đã vân tập về chùa rất sớm để được nghe sư cô thuyết pháp. Với giọng nói trầm bổng, tha thiết sư cô đã giúp đại chúng hiểu rõ hơn đâu mới là nỗi khổ trong chính cuộc sống của mình

Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giựt, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh-già-bệnh-chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Con người ta cho rằng: Mất người thân, mất tiền bạc và mất sức khỏe là 3 nỗi khổ lớn nhất trong đời người.

Nói về nỗi đau mất người thân, anh em, họ hàng Sư cô kể bằng câu chuyện: 

“Một bà mẹ bế đứa con đã chết của mình đến tìm Đức Thế Tôn để nhờ ngài cứu sống. Bà khóc lóc thảm thiết. Bà mang đứa con đã chết trên tay và khóc lóc làm mọi người động lòng thương xót; vì ai cũng biết mất con là nỗi đau đớn lớn nhất trên đời. Bà mẹ van xin: “Hãy để tôi gặp Phật Cồ-đàm”, vừa nói vừa gần như ngất lịm vì đau đớn. “Hãy cho tôi gặp Ngài, Ngài sẽ có một phép lạ. Ai cũng nói Ngài có thể cứu con tôi. Hãy để tôi tới Ngài”.
Bà van cầu đức Thế Tôn và Phật cứ để như thế cho đến lúc bà im lặng. Ngài nhìn đứa trẻ và đưa tay rờ vầng trán đã lạnh. Cuối cùng Ngài nói: “Hãy nghe ta, hỡi người đàn bà tốt dạ và trung thành. Nàng hãy đi từ nhà này qua nhà khác trong đô thị này và hãy xin một hạt cải của một nhà chưa có ai chết. Hãy mang hạt cải đó về đây và để xem ta có thể làm được gì không”.Người đàn bà nghe xong mừng rỡ. Bà quỳ dưới chân Phật, cảm tạ bằng cách rờ chân của Ngài. Phật để hai tay trên đầu bà, truyền năng lượng an lạc lên người bà. Với phước lành đó, bà ôm đứa con ra đi. 

Bà đi suốt ngày trong thành phố, từ nhà này qua nhà khác, và xin hạt cải của tất cả gia đình mà trong đó chưa có người thân nào chết cả. Đi tới đâu, bà cũng kể chuyện thương tâm của mình, kể hoài, nhưng bà không tìm ra một gia đình nào mà chưa từng đối diện với cái chết. Không mệt mỏi, bà vẫn tiếp tục tìm kiếm, chỉ với hi vọng, xin được một vài hạt cải đem về cho Phật, để Ngài cứu sống con mình.

 Cuối ngày, bà vẫn không tìm ra được hạt nào cả, vì thực tế cái chết đến với tất cả mọi người. Nhiều người xót thương, đề nghị cho bà vài hạt cải, nhưng giấu chuyện trong nhà có người chết. Nhưng người đàn bà nọ không đồng ý, bà không thể lừa dối Phật. Bà chỉ cần tìm ra một gia đình mà trong đó chưa có ai chết cả.

 Mặt trời đã lặn. Trong ánh sáng cuối ngày, bà đứng đó với thi hài đứa con trên tay, và nghĩ về những câu chuyện hôm nay bà đã được nghe. Bà không có một hạt cải nào cả và bỗng nhận ra rằng, không ai thoát được cái khổ này cả, cái khổ mà trước đó bà nghĩ rằng chỉ mình phải chịu.

 “Ta không phải là một ngoại lệ, con ta cũng không phải là người duy nhất phải chết”, lần đầu tiên bà nghĩ thế. “Cái gì có sinh, ắt cái đó có diệt. Đó là điều không thể thay đổi, vì thế ta phải kiếm cái không bao giờ sinh và cũng không bao giờ diệt, phải tìm chân lý trường cửu mà các bậc hiền nhân và đức Phật đang giảng thuyết. Ngài đã đưa ta vào đúng đường”. Bà cảm tạ, nghiêng mình về hướng Phật đang lưu trú.

 Đêm dần buông khi bà về lại đền Phật ở, thi hài đứa con vẫn ở trong tay. Bà mẹ trẻ đó không tìm ra được một hạt cải nào, nhưng được một tri kiến mà bà mang trong lòng như một ngọn lửa bập bùng.

 Càng tới gần Phật, bà càng cúi đầu. Sau đó bà để đứa con dưới chân Ngài và nói: “Bạch Thế tôn từ bi, con đã hiểu những gì Ngài muốn nói. Cái vô thường thì phải chết, không thể tránh khỏi. Nhờ Ngài, con đã thấy một chút của chân như, cái chân như đó không chết, trong con và trong mọi thứ. Cái chân như đó cũng chính là cái mà đứa con của con đã thấy, ít nhất là trong một chốc ngắn ngủi, trước khi nó tìm kiếm một đời sống khác. Và cái chân như đó, con đã thấy ngay lúc con còn sống. Ánh sáng của tự tính thường hằng là cái duy nhất vĩnh cửu. Và từ nay về sau, con xin dựa vào nó thôi”.

 Đức Phật mỉm cười và gật đầu đồng ý, khi người mẹ xin Ngài tiếp dẫn cho thần thức đứa con được sinh vào cõi Phật.”


 Qua đó thấy rằng nỗi đau lớn nhất của con người không phải là cái chết, mất đi người thân , anh em bạn bè… Cái chết đến với con người là lẽ đương nhiên. Nên chúng ta không nên quá phiền lòng mà hao tổn sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống về sau.

 Tiếp theo sư cô nói đến mất mát về tiền bạc về tài chính và mất mát về sức khỏe. Nhưng những thứ đó chưa phải là nỗi khổ lớn nhất trong đời người. Tiền bạc, tài sản mất đi có thể kiếm lại được. Ốm đau bệnh tật có thể chữa lành chữa khỏi được vậy nên chúng ta cũng đừng quá buồn phiền lo lắng.

Theo Phật dạy nỗi khổ lớn nhất của con người không phải là mất người thân, mất tiền bạc, mất sức khỏe mà là không giữ được giới và không có trí tuệ. Người con Phật với tinh thần từ bi, trí tuệ mỗi ngày hãy nên quán sát và xem xét từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trong từng phút giây không lơ là, giải đãi, muốn ít biết đủ, không xan tham quá mức những nhu cầu hằng ngày.

Con người cần phải chủ động ngồi lại thương thuyết với nhau để cân bằng sinh thái của bầu vũ trụ bao la này, nếu không con người sẽ tự tiêu diệt lẫn nhau và sống trong oán giận thù hằn bởi nhân đấu tranh, giành giựt, chiếm đoạt.

Sở dĩ con người và muôn loài vật phải chịu nhiều đau khổ trong đời chính là do nhân ham muốn, luyến ái dục lạc mà chúng ta nỡ nhẫn tâm tàn sát, giết hại lẫn nhau. Loài vật vì ngu si, mê muội nên phải bị đọa lạc vào chỗ thấp hèn để trả quả xấu ác. Con người có phước hơn vì có hiểu biết và nhận thức sáng suốt, nếu biết vận dụng theo chiều hướng thượng thì đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh; ngược lại sẽ gieo đau thương, tang tóc cho muôn loài thì phải chịu quả báo khổ đau cùng cực.

Những nỗi khổ, niềm đau của muôn loài không bao giờ chấm dứt vì nhân tương tàn, tương sát lẫn nhau. Cho nên, ta nhận biết được cuộc đời là một trường đau khổ và cái khổ sẽ tác động đến tất cả mọi người từ vua chúa, quan quyền cho đến dân đen con đỏ nên phải biết khôn ngoan sáng suốt lựa chọn con đường hướng thượng để rèn luyện nhân cách đạo đức. Ta biết cách làm chủ bản thân mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời nhờ giữ gìn 5 Giới của nhà Phật: Không giết hại, trộm cướp lường gạt, tà dâm, nói dối và dùng các chất kích thích như rượu, xì ke-ma túy để làm tổn hại cho nhân loại.

Nỗi khổ khi không có trí tuệ. Khi không có trí tuệ thì không biết phân biệt được đâu là điều xấu để nên tránh đâu là điều tốt nên làm. Sư cô khuyên hàng phật tử nên thường xuyên về chùa để tụng kinh nghe pháp, tinh tấn tu tập để tăng trưởng trí tuệ để không làm sai, không mắc phải những lỗi lầm đáng tiếc tạo nghiệp xấu. Biết đâu là việc tốt nên làm để tạo phúc đức nhân quả về sau.

Trước khi kết thúc buổi pháp thoại Sư cô đã trả lời một số câu hỏi của phật tử về việc áp dụng những lời phật dạy trong cuộc sống thường ngày. Kết thúc buổi pháp thoại Sư cô đã hướng dẫn đạo tràng hát bài hát “Niềm an vui”.

“Niềm an vui vẫn luôn có thật,

Như bữa cơm thanh đạm dưa, cà.

Giãn đơn thôi người đừng đánh mất,

Khỗ tâm đi tìm hình bóng đâu xa…”

Xin chia sẻ một số hình ảnh đến quý độc gỉả:

 













Khả sơn