Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

BÁT ĐIÊN ĐẢO

Bát điên đảo còn gọi là bát đảo, tức tám mối điên đảo mà phàm phu và hàng Nhị thừa mê chấp, phàm phu chấp pháp hữu vi là thường, là lạc, là ngã, là tịnh. Nhị thừa chấp pháp vô vi Niết Bàn là vô thường vô lạc, vô ngã, vô tịnh gọi chung là tám điều điên đảo của hàng phàm phu, Nhị thừa, tám pháp điên đảo đó là:
 
Thường điên đảo: Đối với pháp vô thường của thế gian mà khởi thường kiến
 
Lạc điên đảo: Cái vui năm dục của thế gian, đều là nhân chiêu cảm quả khổ, phàm phu không rõ lý này vọng chấp là vui
 
Ngã điên đảo: Thân này đều do bốn đại giả hợp mà thành, vốn không có ngã, phàm phu không rõ lý này ở trong tự thân, gượng sanh chủ tể, vọng chấp là ngã
 
Tịnh điên đảo: Thân mình, thân người có đủ năm bất tịnh, phàm phu không rõ lý này vọng sanh tham đắm, chấp cho là tịnh
 
Vô thường điên đảo: Đối với Pháp thân thường trụ của Như Lai vọng chấp có tướng sanh diệt
 
Vô lạc điên đảo: Đối với cái vui Niết Bàn thanh tịnh, mà vọng chấp không vui
 
Vô ngã điên đảo: Trong Phật tánh chơn ngã mà vọng chấp vô ngã
 
Vô tịnh điên đảo: Thân Như Lai thường trụ chẳng phải thân tạp thức, chẳng phải thân huyết nhục, chẳng phải thân da xương bao bọc, Nhị thừa không rõ lý này nên chấp là bất tịnh.
 
Theo PHDS của Thích Nữ Đức Trí