Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

BẤT ĐỘNG ĐỊA

Địa vị chẳng xúc động, chẳng chấn động, chẳng chuyển động, Bất động địa là địa vị thứ tám trong Thập địa Đại Thừa.
 
Trong Niết Bàn Kinh có chép: Những ai trì Giới luật Đại Thừa cho thật nghiêm tịnh, thì lướt tới Bất động địa. Bồ Tát trụ ở cảnh Bất động địa thì được bốn cái đức: bất động: chẳng chuyển động, bất đọa: chẳng rớt, bất thối: chẳng lui, bất tán: chẳng tán lạc.
 
Bất động tức là chẳng bị năm cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc làm cho mình động, bất đọa tức là chẳng đọa xuống ba chốn: Địa Ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, bất thối tức là chẳng lui xuống hai địa vị Tiểu Thừa: Thinh văn, Duyên giác, bất tán tức là chẳng bị tán lạc bởi các dị kiến, tà phong mà làm tà mạng.
 
Bất động lại là chẳng bị ba mối tham dục, sân nhuế, ngu si làm cho mình chuyển động, bất đọa lại là chẳng sa đọa vì phạm Tứ trọng Cấm, bất thối lại là chẳng thối lui đối với Giới luật mà trở về nhà, bất tán lại là chẳng trái nghịch với Kinh điển Đại Thừa mà bị tán hoại. Lại nữa, Bồ Tát trong khi tu Giới Định Huệ, chẳng khuynh động bởi phiền não ma, chẳng sa đọa vì âm ma, chẳng bị Thiên ma làm cho thối bước đối với quả Chánh giác, chẳng bị tử ma làm cho tán lạc.
 
Đó là các nghĩa làm cho bốn đức bất động, bất đọa, bất tán trong Bất động địa của Bồ Tát.
 
Theo từ điển Phật học Hán Việt của Đoàn Trung Còn