Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

OAI

OAI
Thế lực, sức mạnh. Trong đạo Phật, khi nói đến oai, thường không phải là nói sức mạnh vật chất và thế lực, mà chủ yếu nói sức mạnh có khả năng hàng phục và thuyết phục của những bậc chân tu, đạo cao đức trọng, có thể hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo quần chúng đi theo mình. Có khả năng khắc phục mọi khó khăn chướng ngại trong sự nghiệp tu đạo chứng quả. Cg, uy.
 
OAI ÂM
Danh hiệu vị Phật xuất thế đầu tiên, trước đó chưa có vị Phật nào.
 
“Kể từ hỗn độn bắt đầu, bây giờ có Phật Oai Âm xuất thế…”
 
 (Thiền Uyển Tập Anh –Bài tựa)
 
OAI DANH
Thế lực, tên tuổi đều nổi tiếng.
 
OAI ĐỨC
Có đức lực, đạo đức lớn.
 
OAI LINH, OAI THẦN
Theo đạo Phật, các vị Phật và Bồ Tát nhờ công phu tu hành lâu đời, cho nên có sức mạnh hàng phục và thuyết phục kỳ diệu, không lường, do đó mà có các hợp từ: oai thần, oai linh chỉ uy tín đặc biệt của các vị Phật, Bồ Tát và các bậc chân tu khác.
 
“Oai linh vóc thánh, dáng tiên.”
 
(Nhị Độ Mai)
 
OAI NGHI
Tác phong ứng xử đi đứng nằm ngồi của tăng sĩ đều từ tốn, thanh cao, theo đúng uy nghi nhà Phật (x. Uy nghi).
 
“Giải hai mươi bốn oai nghi,
 
Để cho hậu học biết thời kính tuân.”
 
(Thiền sư Như Thị)
 
OAI NGHI QUỐC NGỮ
Đầu đề cuốn sách bằng văn nôm, do sư Như Thị thuộc phái thiền Trúc Lâm, soạn và giải thích các uy nghi của tu sĩ.