Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

THẤT LẬP ĐỀ

Thất lập đề là bảy cách đặt tên. Đề tựa bộ Kinh, theo Tông Thiên Thai cho rằng tất cả các tên Kinh được cấu thành từ ba yếu tố tên người (nhơn), tên pháp (pháp), tên dẫn dụ (dụ) từ đó phân biệt ra bảy cách đặt tên:
 
- Đơn cách: Ba cách đầu chỉ gồm mỗi một yếu tố (ba cách yếu tố khác nhau)
 
- Phức cách: Ba cách sau gồm hai yếu tố phối hợp
 
- Cụ cách: Cách cuối cùng gồm đủ ba yếu tố tạo nên đề Kinh
 
Đơn nhân lập đề: Như Kinh “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” Phật là chủ thể nói, A Di Đà là khách thể được nói, lấy tên người (nhơn) ở hai thế giới lập tên Kinh.
 
Đơn pháp lập đề: Như Kinh “Niết Bàn”, Niết Bàn là pháp được nói ra trong Kinh.
 
Đơn thí lập đề: Như Kinh “Phạm Võng”, Phạm Võng là loại lưới báu của Phạm Thiên, dẫn dụ cho những tiết mục của giới luật đan kết nhau không cùng như lưới báu của trời Phạm Thiên.
 
Nhân và pháp lập đề: (lấy tên người tên pháp mà làm tên Kinh) như Kinh Văn Thù Vấn Bát Nhã. Văn Thù là tên người, Bát Nhã là tên pháp.
 
Pháp và dụ lập đề: (lấy tên pháp và tên dụ làm tên Kinh) như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu pháp là tên pháp, Liên Hoa là tên dẫn dụ.
 
Nhơn và thí lập đề: (lấy tên người, tên thí dụ làm tên Kinh) như Kinh Như Lai Sư Tử Hống, Như Lai là tên người, Sư Tử Hống là ẩn dụ.
 
Cụ túc lập đề: (lấy đủ ba yếu tố: người, Pháp, dụ làm tên Kinh) như Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Đại Phương Quảng là pháp, Phật là người, Hoa Nghiêm là dụ.
 
Theo PHDS của Thích Nữ Đức Trí