Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

TUỆ

TUỆ; S. Prajna; P. Panna
Tuệ là trí tuệ, trí sáng suốt nhận biết được chân tướng, bộ mặt thật của sự vật. Đạo Phật gọi sự vật là các pháp (dharma). Luận sư Ấn Độ Buddhaghosa đã cung cấp một định nghĩa kinh điển về trí tuệ như sau:
 
“Đặc điểm của trí tuệ là nhận thức các pháp đúng như chúng tồn tại. Trí tuệ có chức năng xóa bỏ mọi bóng tối của vô minh, trùm lên chân tướng của các pháp. Biểu hiện của trí tuệ là không bị vô minh che lấp. Vì rằng, người nào tập trung được tư tưởng, sẽ hiểu biết, thấy rõ sự vật tồn tại đúng như trong thực tế. Do đó, tập trung tư tưởng, định tâm là nguyên nhân trực tiếp nhất của trí tuệ.”
 
Như vậy, trí tuệ không phải chỉ đọc sách, phân tích lý lẽ mà có được. Đó chỉ là kiến thức, trí thông minh bình thường. Trí tuệ chân chính phải do định tâm mới thành tựu được.