Cẩn thận với những cú sốc tâm lý

Thời gian gần đây, bão lũ, tai nạn giao thông, sập cầu, sập nhà… xảy ra liên miên khiến nhiều người chết đã gây bao nỗi kinh hoàng cho những người sống sót lẫn thân nhân của người xấu số. Người chết đã đành, còn người sống không phải ai cũng có thể vượt qua những nỗi đau mất mát.


Không nên coi thường

Không ít người bị chấn thương tâm lý nặng khi chứng kiến cảnh tượng thảm khốc, gọi là khủng hoảng tinh thần. Đây là một hội chứng tâm lý khi con người trải qua một biến cố hãi hùng gắn liền với sự đe dọa tính mạng. Người bị bệnh này có thể là người trực tiếp hoặc gián tiếp chứng kiến một cảnh hãi hùng hay liên quan đến biến cố nào đó.

Hội chứng này được biết đến vào thế chiến thứ nhất qua tênshell shock xuất phát từ những người lính ra trận. Với những cảnh tượng kinh hãi của chiến tranh: chết chóc, thân thể các chiến binh bị thương, tay chân bị cắt đứt, máu me lai láng… thì dù họ có may mắn được sống sót nhưng tâm hồn đã trở nên “lơ lửng”. Hội chứng này được khoa tâm thần hiện đại chia làm ba nhóm triệu chứng tâm lý chính là: cảm nhận trở lại (có cảm giác như biến cố đó lập lại ngay trong hiện tại), trốn tránh (cố gắng không suy nghĩ hay tránh xa những nơi có người và cảnh vật nhắc lại biến cố đó hoặc trầm cảm) và nhạy cảm quá độ (mất ngủ hay ngủ không yên giấc vì ác mộng, hay giật mình, hay giận dữ, lúc nào cũng có cảm giác đề phòng…).

Các triệu chứng này nếu nặng thì trí nhớ suy sụp, không tập trung được và mặt mày thường bơ phờ. Nhưng vì ai cũng sợ bệnh “điên” nên khi đi khám bệnh ít khi khai hết những triệu chứng tâm lý ấy. Những triệu chứng này lúc mới nảy sinh chỉ ảnh hưởng qua thái độ bệnh nhân (bực bội, buồn chán,...) nhưng khi để lâu vài năm sẽ nặng hơn và lan ra thành hành động bất thường không kiềm chế được (đập phá đồ đạc hay đánh đập vợ con). Những bệnh nhân này thường rất nhạy cảm với phản ứng phụ của thuốc vì hệ thống thần kinh họ bị căng thẳng. Một chút khó chịu trong cơ thể cũng được nhân lên gấp bội. Vì thế, họ ít khi uống thuốc đều, thậm chí còn tự ý giảm liều thuốc bác sĩ cho nhưng không dám nói bác sĩ biết. Vì thế mà hiệu quả trị liệu rất thấp nếu bác sĩ không đề cập đến triệu chứng tâm lý.


Đừng để quá muộn

Đa số bệnh tâm thần khi được phát hiện đã trở thành bệnh kinh niên cần trị liệu lâu dài. Khi nghe bệnh nhân than bị phản ứng phụ của thuốc thì nhiều gia đình khuyên ngừng thuốc Tây lại và nên trị bằng dược thảo. Nhưng hiện nay chưa có loại dược thảo nào trị được các bệnh tâm thần loại nặng một cách hữu hiệu.

Có người bị bệnh dạng nhẹ vẫn làm việc được. Tuy nhiên hệ thống thần kinh của họ nhạy cảm và dễ bị buồn phiền. Họ có thể chịu đựng một thời gian đến khi có một biến cố tiếp theo xảy ra như mất việc, người thân bệnh nặng hay bị tai nạn thì những hội chứng khủng hoảng tinh thần ấy xảy ra mãnh liệt. Bác sĩ không hiểu rõ hoàn cảnh bệnh nhân, dễ chẩn bệnh lầm hoặc cho rằng người bệnh phản ứng quá đáng hay giả bộ bệnh để được quyền lợi này nọ.

Người bị khủng hoảng tinh thần rất dễ giận dữ nên gia đình và bạn bè hay xa lánh. Nỗi căm hận, hay lo sợ chất chứa trong lòng lâu ngày càng dễ tạo căng thẳng tinh thần khó làm họ vui được. Họ có những suy nghĩ thường gắn liền với biến cố đã qua. Họ muốn loại trừ kẻ gây ra khủng hoảng cho họ trong quá khứ, nhưng lúc đó họ không làm gì được. Do đó bệnh nhân dễ bị nghiện thuốc lá và rượu vì những chất đó tạo sảng khoái tâm lý nhất thời, nhưng dùng lâu dần sẽ bị nghiện và mang đến nhiều bệnh khác.

Triệu chứng

Khi bị căng thẳng ngắn hạn, cơ thể ta tiết ra chất Norepinephrine (NE) gây hưng phấn nhiều hệ thống trong cơ thể. Ở hệ thống tuần hoàn nó làm áp suất tăng, tim đập nhanh hơn, ở hệ thống hô hấp nó làm tăng hơi thở, ở da thì làm các mạch máu nhỏ co lại tạo cảm giác lạnh tay chân hay cảm giác tê. Khi không đủ máu tới các cơ bắp thời gian lâu sẽ bị đau nhức hay có cảm giác mỏi. Ở hệ thống tiêu hóa làm cho ta biếng ăn. Hệ thống thần kinh kích thích nhiều làm mất ngủ.

Khi NE bài tiết nhiều có thể làm giảm lượng serotonin (5HT), một chất tiết ra trong não bộ làm cho cường độ những phản ứng tình cảm bớt lại. Khi thiếu 5HT thì những tình cảm như giận, lo âu sẽ diễn ra rất mạnh và rất khó kiềm chế. Khi căng thẳng, lo sợ ám ảnh lâu ngày, hệ thống kích thích tố (hormone) sẽ bị thay đổi. Lượng cortisol trong máu sẽ tăng lên. Cortisol có công dụng làm giảm viêm. Tuy nhiên nếu cortisol tiết ra nhiều quá thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Nó có thể làm tổn thương các tế bào ở não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ.

Cortisol còn ảnh hưởng đến những triệu chứng tâm thần. Những người bệnh xơ gan trị bằng cortisol hay bị trầm cảm, tình cảm bất thường và trong trường hợp nặng bị mất khả năng nhận ra thực tế, như có ảo thính hoặc ảo thị. Những hiện tượng tâm thần do cortisol mất điều hòa có nhiều trùng hợp với những triệu chứng của khủng hoảng tinh thần. Đa số những bệnh tâm thần là những bệnh của não bộ. Não bộ có những vùng ảnh hưởng đến cơ thể như vùng cơ động và vùng giác quan, cũng như có những vùng ảnh hưởng đến tính tình và hành động. Khi những vùng ảnh hưởng đến tính tình bị bất ổn thì gây ra triệu chứng tâm thần.

Điều trị thế nào

Như đã phân tích ở trên, bệnh khủng hoảng tinh thần có ảnh hưởng rất sâu rộng từ sinh lý não bộ, đến tâm lý và cuộc sống gia đình và xã hội. Muốn trị bệnh hữu hiệu phải áp dụng nhiều hơn một cách trị liệu, gồm thuốc men, tâm lý trị liệu, gia đình trị liệu, và ngay cả việc phải áp dụng tôn giáo trong cách trị liệu.

Nhóm thuốc SSRI (selective serotonin reuptake inhibitor) được cơ quan dược phẩm công nhận để trị bệnh này. Chất thuốc này dùng để tăng lượng serotonin (5HT). Khi 5HT tăng thì cường độ các triệu chứng tâm thần được giảm bớt. Tuy nhiên nếu bệnh hiện diện lâu ngày ảnh hưởng qua hệ thống cortisol thì trị liệu sẽ giảm bớt hữu hiệu. Có khi cần phải dùng nhiều loại thuốc phối hợp mới có kết quả.

Tâm lý trị liệu đang phổ biến là giúp bệnh nhân tập nhận ra những tư tưởng bi quan và tập suy nghĩ sao cho thích hợp hơn với hoàn cảnh. Gia đình trị liệu giúp những thành viên trong gia đình thông cảm lẫn nhau và đối thoại một cách hiệu quả. Ngoài ra, niềm tin trong Phật pháp cũng đóng một phần trong việc trị liệu.

Có thể nói hơn 90% những người bệnh tâm thần Á châu lần đầu tiên đi khám bệnh không khai các triệu chứng tâm thần. Những tình cảm “xấu” như giận dữ, tủi phận, tủi nhục, nghiện rượu thật khó mà khai với bác sĩ. Vì thế những bệnh nhân này đành âm thầm nuốt lấy những nỗi khổ cho qua ngày tháng. Nếu họ có khai với bác sĩ thì chỉ khai những triệu chứng thông thường như mất ngủ, hay quên, đau nhức... khiến bác sĩ khó chẩn đoán đúng bệnh.
 
TS.BS. THÁI PHONG