Người thầy vĩ đại thuốc họ Vàng - Lương y như từ mẫu

Ông Vàng Seo Dìn, 53 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Lằng Lắm, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người dân nơi đây yêu mến gọi với cái tên thân mật, gần gũi là “Thầy thuốc họ Vàng”. Bởi ông đã phá tục lệ của dòng họ đem cây thuốc quý chữa bệnh làm phúc cho người nghèo.


Biến giấc mơ thành hiện thực

Tháng 2 năm 2010, bà Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi, ở xóm 6, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang) bị tại nạn xe máy gãy nhiều đoạn xương. Vì tuổi cao, xương lại gãy ở những chỗ khó liền nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã giới thiệu bà Minh lên tuyến trên điều trị. Gia đình bà đã đi tìm hiểu và được biết: Đối với người dân không có bảo hiểm y tế để mổ, ghép xương cũng tốn hơn 100 triệu đồng. Hơn nữa, điều kiện kinh tế nhà bà Minh rất khó khăn.

Bà nằm đó, đau lắm, nhưng không dám than phiền vì thương các con, các cháu. Cái đệm bằng ruột chăn bông đã ngả màu vàng theo thời gian, con bà phải khoét lỗ để bà vệ sinh cá nhân. Bà gọi các con tới bên giường, căn dặn: “Mẹ biết các con rất thương mẹ. Nhưng người xưa nói: “Sinh có hạn, tử bất kỳ...”.

Thương mẹ, anh Nguyễn Văn Cường, con trai bà Minh, đi tìm thầy bó thuốc Nam. Tình cờ anh được một người bạn giới thiệu đến nhà ông Vàng Seo Dìn ở thôn Lằng Lắm, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) lấy thuốc. Sau 30 ngày đắp lá cây, bà Minh khỏi bệnh. Các con, các cháu bà  đến nhà thầy thuốc cám ơn và hậu tạ. Ông Dìn nói bằng tiếng phổ thông chưa được sõi : “Tao làm phúc thôi! Không lấy tiền”.

Bà Minh tâm sự với chúng tôi: “Nằm trên giường, xương đâm vào thịt đau lắm. Cứ thiếp đi là tôi lại mơ thấy mình đi lại bình thường. Tỉnh dậy, không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Ông Dìn đã lấy thuốc giỏi như tiên để biến giấc mơ của tôi thành hiện thực”… 

Chuyện “nhặt” trên đường

Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Cường con bà Minh, chúng tôi ngược dòng Sông Gâm tìm đến nhà ông Dìn.

Đến xóm Làng Áp, đầu xã Kiến Thiết, thấy chúng tôi hỏi đường; ông Lê Ngọc Tân niềm nở: “Các bác đến xin thuốc chữa gãy xương à?”. “Sao lại là xin?”- Tôi thắc mắc. “Ông “Thầy thuốc họ Vàng” không lấy tiền công chữa  bệnh gần chục năm nay rồi, nói xin là đúng đấy!”. “Sao anh biết rõ vậy” - Tôi thắc mắc. “Không những biết rõ mà ông ấy còn là ân nhân của gia đình tôi”.

Câu chuyện ông Dìn là ân nhân nhà mình được ông Tân chia sẻ: “Cuối năm 2010, hai con tôi, cháu lớn là Lê Ngọc Thuận 23 tuổi, cháu thứ 2 là Lê Ngọc Hạnh 18 tuổi đi xe máy bị ngã gãy xương. Cháu Thuận gãy đôi xương chân phải, mẻ xương khớp đầu gối, còn cháu Hạnh bị gãy tay trái. Ông thầy bó thuốc cho cả hai đứa, 20 ngày là khỏi, chúng lại cuốc đất ầm ầm!”.

 Chúng tôi dừng lại ở xóm Chợ, xã Kiến Thiết hỏi ông Lục Văn Đức bán đại lý bánh kẹo đường tới nhà ông Dìn. Anh Đức mời chúng tôi chén nước chè đặc rồi cho tôi nhìn bàn chân, anh nói: “Đây này! Ô-tô chèn qua, nát bét. Bệnh viện huyện bảo phải tháo khớp. Vợ tôi tiếc, 2 giờ đêm bà ấy đến nhà ông Dìn. Ông thầy bật đèn pin đi vào rừng lấy thuốc. 30 ngày sau tôi đi được bình thường, nay chỉ còn lại mấy vết sẹo. Mang 20 quả trứng gà cám ơn, ông ấy chỉ nhận 10 quả cho vợ chồng tôi yên tâm”.

 Ông Đức còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện như cổ tích về tài chữa bệnh bằng cây thuốc quý nhà ông Dìn. Như ông Vàng Seo Mình ở thôn Khuẩy May, xã Kiến Thiết ngã trên núi xuống bị gãy xương chậu, nằm chờ chết được ông Dìn đắp thuốc hơn một tháng, ông Mình chống gậy đi khắp làng...  

Cứu người phúc dày như núi

Xe máy về số 1, đến lưng chừng dốc chúng tôi dựng xe bên bờ suối, đi bộ. Nhà ông Dìn hiện lên rõ hơn theo bước chân. Chúng tôi bước vào nhà, ngạc nhiên quá, các con ông đang vây quanh nồi cơm nguội. Chạnh lòng tôi hỏi: “Sao các em ăn uống thế này”. “Sáng ăn rồi, trưa ăn cơm nguội thôi, chiều mới nấu, ăn nhiều nhanh hết gạo” - Vàng Seo Lềnh, con trai thứ 3 của ông Dìn nói với tôi như vậy.

Rồi em hỏi tôi bằng tiếng phổ thông cũng chưa sõi: “Anh đến xin thuốc à? Bố em lên rừng, phải chờ thôi. Anh lên nhà ngồi đi, trên đó có hai người đấy”.

 

Băm thuốc chữa bệnh cho dân làng


Lân la hỏi chuyện, tôi được biết hai người khách đó là anh Ma Xuân Tới, nhà ở thôn Khuôn Liệu, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, đến cám ơn ông chữa khỏi bệnh gãy xương cột sống cho anh trai mình. Người thứ hai là chị Lý Nhã Thương, quê ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, chị đến từ sáng sớm để lấy thuốc cho chồng. Anh ấy bị gãy xương cổ... Chị kể bệnh của chồng, ông Dìn nghe xong là đi lấy thuốc ngay. 

Ông Dìn về mồ hôi thấm qua hai dây gùi thuốc ướt ngực áo. Ông đổ thuốc ra sân bắt đầu băm chặt... “Có ai bị gãy xương à?”, ông Dìn hỏi tôi. “Cháu đến chơi thôi”. “Chờ tao nhé!”. “Thưa bác, cây này có tên là gì vậy?”. “Tao cũng không biết đâu. Người xưa bảo thì biết lấy nó chữa bệnh liền xương, gân, cơ thôi. Các cây này đều mọc trong rừng sâu, trên vách đá, nhìn tinh mới biết”. Ông khẳng định: “Thuốc gia truyền của người Mông tao đấy”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2002 ông Dìn được người cha, người chú mình truyền lại cho bài thuốc chữa gãy xương, liền gân cơ. Các đời trước bài thuốc này chỉ được chữa cho những người trong dòng tộc. Và, ông Dìn cũng phải chấp nhận thông lệ đó. Một năm sau (năm 2003), ông chứng kiến anh Đào Anh Vũ, 20 tuổi, con ông Đào Thanh Nghị nhà ở xóm Cây Đa, xã Trung Trực, Yên Sơn, Tuyên Quang trong khi đang lao động bị sập lò gạch gãy xương sống, nằm chờ chết. Thương quá, ông thắp hương xin phép những người đã khuất sau núi và phá lệ lấy thuốc chữa cho anh Vũ. Cũng từ đó, người làng có bệnh về xương khớp đều nhờ tới ông. Và, họ đã gọi ông với cái tên thân mật, gần gũi: “Thầy thuốc họ Vàng”.

“Làm việc phúc tao thấy vui lắm” – Ông Dìn chia sẻ. “Sao ông không lấy tiền để cho cuộc sống đỡ vất vả?” - Tôi hỏi. Ông Dìn nhìn tôi rồi nói: “Cái bụng tao không ưng. Người nghèo bị bệnh không có tiền đi bệnh viện, họ mới tìm đến đây, đứng trước cái sống, cái chết họ phải liều thôi. Người có tiền họ tới bệnh viện. Cây thuốc của rừng, tao chỉ mất công lấy về, băm ra. Tao cầm tiền của họ là không tốt!”. “Từ năm 2003 đến nay ông có nhớ chữa khỏi cho bao nhiêu người không?”, tôi hỏi.

Ông Dìn chỉ tay lên cây cột nhà: “Mỗi người khỏi bệnh tao chặt một nhát dao”. Tôi đếm thấy hơn 200 vết dao mà vẫn còn một đoạn dài...

Ông bảo: “Đợt tới tao đánh dấu vào cây si ngoài cửa kia thôi, cột sắp hỏng rồi”. Trầm ngâm suy nghĩ rồi ông thủng thẳng: “Bài thuốc của tao là của tổ tiên để lại, đó là phương thuốc quý. Một lần đắp bao gồm 5 cây kết hợp với nhau. Các cây đều sống trên vách núi, khẳng khiu, đói ăn như người quê tao nhưng công dụng của nó rất lớn. Chỉ tiếc là lá thuốc phải đắp tươi nên không để lâu được. Cây thuốc lại mọc rất chậm, tao sợ nhiều người đến lấy cây lớn không kịp. Chứ còn sức, còn cây thuốc tao còn giúp người làm phúc”.

Khi tôi hỏi: “Ông có thể hiến bài thuốc quý đó cho Nhà nước, để nghiên cứu và nhân giống cây, giúp mọi người dân đều được chữa bệnh không?”. Ông không đắn đo, khẳng định ngay: “Tao sẵn sàng, vì thuốc là cây của rừng, lấy cây của rừng để giúp được người thì phúc dày như núi”.

Điều ông nói giúp tôi hiểu vì sao trong cái khó, cái đói, cái rét mà “Thầy thuốc họ Vàng” người dân tộc Mông ấy vẫn lạc quan, coi thường sự giàu sang, nhiệt tình chữa bệnh làm phúc cho dân, phải chăng đó chính là tình yêu thương con người được kết tinh từ truyền thống quý báu “thương người như thể thương thân”.

Mè Quang Thắng