Dưỡng tử: giải pháp trừ loạn tưởng hữu hiệu trước khi chuyển sinh

Đừng nghĩ (dưỡng tử) là khi chết rồi lo cho đám tang phải hơn người, cầu siêu phải “hoành tráng”, mộ xây phải to lớn…cách dưỡng tử như vậy là làm theo (ma sự) chứ không phải tín ngưỡng Tam-bảo của Phật giáo.


Khi con người sinh ra cất tiếng khóc chào đời làm cho mọi người mừng vui; và khi ta chút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt cuộc đời này, thì cũng là lúc mọi người lại đem lòng thương cảm khóc lóc thảm thiết để chia tay.

Thế mới hay, sống giữa hai bờ sinh tử (đối lập) người có tu, khi nhìn thấu tỏ lẽ vô thường thì coi sự sinh tử là chuyện đương nhiên, bởi khi sống họ đã ý thức đến việc (dưỡng tử), đó là bước đi kế tiếp của mình ở đời sống kiếp sau mà chẳng thấy nuối tiếc.

Còn người không tu, với cái nhìn thế gian, khi nói đến cái chết thì họ bàng hoàng, lo lắng và hoảng sợ, bởi khi còn sống họ chỉ quan tâm đến việc khai thác tận hưởng những gì ở kiếp sống này mà ít quan tâm tới việc (dưỡng tử) tức lo lắng suy tư cho việc ra đi của mình ở đời sống kế tiếp. Một thực tế dễ thấy trong đời sống hiện nay đó là, phần đông người ta thường cho rằng, con người chết là hết, là (trắng tay), số còn lại, dẫu họ tin vào nhân quả-luân hồi, nhưng lòng tin thật mơ hồ về sự tái sinh ở kiếp sau của con người, nên họ không rèn luyện thân tâm, mặc sức cho các ác nghiệp hoành hành để rồi hậu kiếp trôi lăn trong lục đạo luân hồi không có ngày ra.

Với cái tâm vị kỷ, họ chỉ yêu chính bản thân mình, mà hàng ngày họ chăm chút dưỡng sinh cho cái thân này sao cho khỏe mạnh, sao cho đủ dưỡng chất và thường xuyên luyện tập Yoga, thể dục dưỡng sinh để kéo dài tuổi thọ “bách niên giai lão” và kéo dài thêm những ham muốn vật chất ở thế gian này. Nhưng họ đâu có biết ngày từ giã cõi đời này vẫn không sao tránh khỏi?

Cái chết không phân biệt người nghèo hèn, hay giầu sang chức vị. “Cái chết không biết trước, vì ta không thể biết được khi nào ta chết và sẽ chết như thế nào, bởi thế tốt hơn cả là ta hãy dự phòng một số việc trước khi chết (dưỡng tử), khi cái chết thực sự xảy ra để ta có một nụ cười thanh thản trước khi trút bỏ sắc thân này”.

Ta thử hỏi lúc còn hiện hữu trên đời, ta có làm từ thiện không, sát sinh nhiều hay ít mà mong làm lễ cầu siêu, và rải tiền vàng trên đường đến nghĩa trang. Chưa hết lại còn sắm sửa đủ thứ vàng mã như dàn âm thanh, băng hình xuống âm phủ, kể cả nhà lầu xe hơi và hơn thế nữa một mỹ nhân, nàng hầu để tiếp tục thú vui ‘kiểu’trần gian…Mê tín một cách mù quáng như vậy hỏi có Pháp sư nào dám cao tay lập đàn cầu siêu cho họ được.

Lúc sống, chúng ta bon chen trong cuộc đấu tranh tồn sinh cướp xé, lừa đảo, hận thù, bỏ quên mất một góc tâm linh quý giá, và chỉ ấp ủ với cái lẽ tranh đấu: mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé “quần ngư tranh thực” thì làm sao có được nụ cười thanh thản…

Trong “Tạng thư sống chết” Dilgo Khentes đã giải thích: “ ...muốn chết tốt phải học cách sống tốt”. Nếu ta mong một cái chết an lành thì ta phải đào luyện sự bình an trong tâm ta và trong đời sống của ta hằng ngày.

Milarepa - bậc thánh triết cũng nói: “Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để khỏi ân hận”. Nếu chúng ta không chấp nhận cái chết trong khi đang sống thì chúng ta phải trả giá suốt cuộc đời vào lúc chết và sau khi chết. Hậu quả là ta tàn phá cả cuộc đời này và hết cả cuộc đời sắp tới; sống trống rỗng vô vị, và vô hình chung ta đã biến mình thành “cái xác vô hồn”.

Hiểu như vậy, thì cái chết không phải là một chiến bại mà là một chiến thắng trong cái giờ phút vinh quang của cuộc đời. Là Phật tử chúng ta chẳng còn ngạc nhiên gì khi trong giáo lý đức Phật dạy pháp tu “Niệm chết”. Đây là một Pháp (kỳ đặc) Ngài dạy chúng ta cách (dưỡng tử) để khi cái chết ập đến giúp ta (đối mặt) và làm chủ nó trong bước chuyển sinh đời sống kiếp sau. Nhân đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và suy ngẫm về pháp tu này trong giáo lý đạo Phật.

Dưới đây là chánh văn Đức Thế Tôn dạy pháp tu Niệm chết:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các tỳ kheo:

-Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm chết.

Phật bảo các tỳ kheo:

-Thế nào là niệm chết sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng…

Bấy giờ các tỳ kheo bạch Thế Tôn:

-Căn bản các Pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn vì tỳ kheo mà nói diệu nghĩa này. Các tỳ kheo được nghe Như Lai nói xong sẽ thọ trì. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ kheo:

-Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này:

Các tỳ kheo đáp:

-Xin vâng, Thế Tôn.

Các tỳ kheo vâng lời dạy rồi, Thế Tôn bảo rằng:

-Nếu tỳ kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết già buộc niệm trước mặt, không có tưởng khác, chuyên cần niệm chết.

Niệm chết có nghĩa là chết chỗ này, sinh chỗ khác, qua lại các đường, mạng chết chẳng dừng. Các căn tan hoại, như cây gỗ mục, mạng căn cắt đứt, tông tộc phân ly, không hình không tiếng cũng không tướng mạo. Như thế, này các tỳ kheo, gọi là niệm chết, sẽ được danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các tỳ kheo, thường nên tư duy chẳng lìa niệm chết, sẽ được công đức lành này.

(Kinh Tăng nhất A-Hàm, tập1, Phẩm Quảng Diễn – VNCPHVN - ấn hành 1997)

Qua chánh văn bản kinh trên, chúng ta thấy đức Thế Tôn dạy pháp tu niệm chết trong (thập niệm) thật đặc biệt, nếu không muốn nói là kỳ đặc. Nếu là người không tu và không tìm hiểu giáo lý đạo
Phật, đương nhiên nói về sự ‘chết’ họ sẽ cho là “bi quan, yếm thế, tiêu cực”. Thậm chí có người còn cho là “dở hơi” và không cần đọc hết nội dung pháp tu này nói gì?

Còn với người tu Phật với tư duy sâu sắc và khoa học một chút, thì coi việc tu hành một Pháp “niệm chết” cũng đủ để làm “tỉnh thức” cái thân ngũ uẩn rong rêu giả lập này.

Vậy đằng sau của pháp tu niệm chết mà đức Thế Tôn dạy chúng ta sẽ thu được lợi ích gì?

Lợi ích của Pháp tu Niệm chết theo Phật giáo.

Qua lẽ vô thường chúng ta đều biết, chết là sự tất yếu phải xảy ra, có điều sớm hay muộn mà thôi. Vậy niệm chết theo giáo lý đạo Phật không phải là “tiêu cực” mà là tích cực, bởi nó giúp ta trừ loạn tưởng.

Theo giáo lý đạo Phật, bản tánh con người là tham ái và sợ chết. Vậy trong dân gian thường nói “con người ham sống sợ chết” khi bệnh tật và cái chết ập đến thì người ta không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Và đấy là điiểm then chốt, theo các tổ thầy dạy, nếu là người thực tập và hiểu giáo lý (dưỡng tử) thì chắc chắn sau khi chết họ sẽ có một tái sinh tốt đẹp và không bị đọa lạc tam đồ khổ, tức cảnh giới xấu ác ở đời sống kiếp sau.

Luận giải về điều này, đức Phật và các tổ thầy cho rằng: Một cái chết bình an được xác định bằng cách người này ra đi với tâm thái nhẹ nhàng, không sợ hãi, hoặc là không đau khổ về tinh thần. Điều này có thể xảy ra khi họ chấp nhận cái chết, và buông xả mọi thứ. Không còn dính mắc với người nào, hoặc vật nào. Một cái chết bình an cũng được xem là người đó đã tái sinh vào cõi tốt lành. Cái chết tốt đẹp nhất là khi người ta có tâm giác ngộ đạt tới sự hiểu biết tột cùng về bản chất sự thật của mọi vật. Điều này cho phép tâm giải thoát ra khỏi sự đau khổ và chấm dứt sinh tử.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như thế (đối với người có tu).

Ngược lại, đối với các trường hợp không (dưỡng tử) tức không ý thức (chủ động) trước sự chết, thì khi cái chết sắp xảy ra, nếu tâm họ đau khổ, hoặc lo lắng về con cái, về bố mẹ, về những người thân yêu, hoặc là họ không buông xả được tài sản của họ, hoặc người này cảm thấy tội lỗi, hoặc họ đang có công việc nào đó chưa làm xong, thì họ sẽ từ chối cái chết và họ chiến đấu bằng được mọi giá với cái chết. Điều này sẽ dẫn họ đến đau khổ, lo âu, bồn chồn, nên sau khi chết họ sẽ tái sinh vào cõi đau khổ là điều khó tránh khỏi.

Với nỗi đau đớn về thể xác (nếu là người bệnh tật) có thể làm cho họ giận dữ, âu lo phiền não nên không tạo lập được sự bình an vào thời điểm (lâm chung) cận kề cái chết mà phải chấp nhận một tái sinh không tốt đẹp. Và khi không có một tái sinh tốt đẹp, họ sẽ tự làm khổ mình đồng thời làm khổ người khác.

Theo các tổ thầy dạy, Ý thức về cái chết (dưỡng tử) Quán niệm về sự chết là một pháp tu căn bản trong thập niệm (10 niệm) mà đức Phật dạy đó là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiện, niệm dừng nghỉ, niệm hơi thở, niệm thân, và Niệm chết mà chúng ta đang bàn tới ở Pháp tu này, đó là pháp tu đức Phật dạy ta trừ loạn tưởng hữu hiệu nhất giúp chúng ta buông xả những gì cần phải buông xả để nhận ra con đường tái sinh tốt đẹp không bị đọa lạc tam đồ khổ đau.

Dưỡng tử, có nghĩa là lúc sống chúng ta cần phải luôn luôn nuôi dưỡng ý tưởng thiện lành, không tạo ác nghiệp (tức ác đức); coi ác nghiệp như một điều thường trực để ngăn ngừa tội lỗi trong mọi hành động, mọi ứng xử giữa con người với thiên nhiên và vạn vật, nhằm đoạn trừ những điều xấu ác do tam độc gây nên ngay trong hiện kiếp và những kiếp sau đó.

Phải gắn dưỡng tử với dưỡng sinh ngay từ đầu mới cảm nhận được hạnh phúc chân thật bằng sự thanh thản, an toàn và vô sự trong cuộc sống. Ở tuổi mầm non qua sự giáo dục của gia đình và xã hội, cho đến tuổi thành niên vào đời thì lại càng phải tỉnh thức dũng mãnh để giữ gìn đạo đức làm người; trong cư xử làm sao không làm khổ mình, và làm khổ người.. Với lòng từ bi chúng ta chan rải tình thương yêu đến với đồng loại, nhằm loại bỏ tinh thần chiếm hữu bất nhân, bất nghĩa bởi (tham, sân, si) dẫn lối.

Điều này đức Phật vạch ra cho chúng ta con đường dẫn đến tâm thanh thản, thân an toàn, và vô sự, đó là: “thiểu dục tri túc”- chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành-ly dục ly ác pháp là nền tảng cho thần thức thảnh thơi vào giây phút ta hết duyên sống nơi trái đất này.

Đạo Phật dạy: “Trong các pháp quán, quán vô thường là hơn cả” dùng chính niệm tỉnh thức để xét soi tâm tư ý nghĩ của mình trước khi hành động thì khổ mình, khổ người không đụng đến; và các món (cờ bạc, nghiện ngập, bê tha, mãi dâm, xì ke ma túy) không thể đến với mình. Muốn thân tâm lành mạnh không hư hỏng, cộng đồng mừng vui, quốc gia hưng thịnh. Ngay từ bây giờ và lúc này đây, chúng ta hãy bớt chút thời gian trong ngày, dùng tâm suy nghĩ những hành động xuất phát từ (thân, khẩu, ý) xem đâu là lành thiện, đâu là xấu ác và theo dõi tiếng nói bên trong của lương tri… Cứ thực tập như thế, đảm bảo thân tâm thanh tịnh, tỉnh thức - tức là ta đã chuẩn bị cho một tái sinh hạnh phúc.

Tâm không rời tứ, tứ không rời tâm. Ta hướng về đâu thì sự an lành và hung dữ sẽ theo đó mà đến! Nếu không tỉnh thức chính niệm từ bây giờ thì đến phút chót khó bề an tịnh thảnh thơi; thế mới là người biết dưỡng sinh và dưỡng tử, mới chủ động và tự tin trên lộ trình giải thoát và thần thức của mình mới vào được cõi Tịnh-độ của Phật A Di Đà, hoặc tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp giúp cho sự tinh tiến, tu tập tiếp theo của giai đoạn Thân Trung Ấm.

Nếu hiện tại là “nhân”, lâm chung là quả, cần phải có “nhân” cho chắc thật thì quả mới không hư hỏng, như tiếng nói hòa nhã thì vang dậy và cây ngay thì bóng đứng vậy! (Diên Thọ)
Đại sư Ấn Quang nói: Tác dụng của thần thức và nghiệp không thể nghĩ bàn: có kẻ tạo ác tuy còn sống trên dương thế mà một phần hình thân đã thọ khổ nơi địa ngục; lại có hành giả tu Tịnh-độ tuy hiện ở cõi trược (tức cõi Ta-bà) này, mà một phần thần thức đã sinh về “liên bang” (cõi Cực lạc).

Tâm Thiện là tâm thanh thản
Thân hữu ích là thân an toàn
Như thế, Tâm thân mọi bề đều vô sự.


Theo tổ thầy dạy, chúng ta hãy quán như vậy để nội lực sung mãn, bước đi những bước an tịnh trên mọi nẻo đường, đó là cách hộ niệm tốt nhất đánh thức cái tâm bản nhiên không phải cái tâm thường ngày của 5 giác quan đem lại. Đó là nhịp cầu giải thoát từ bờ mê sang bờ giác của Trí tuệ Bát nhã.

Đừng nghĩ (dưỡng tử) là khi chết rồi lo cho đám tang phải hơn người, cầu siêu phải “hoành tráng”, mộ xây phải to lớn…cách dưỡng tử như vậy là làm theo (ma sự) chứ không phải tín ngưỡng Tam-bảo của Phật giáo.

Theo pháp giới duyên sinh của đạo Phật, khi con người chết thì cái thân xác vật lý này tan hoại trở về với đất (tức tứ đại). Còn thần thức theo giáo lý nhà Phật gọi là Trung ấm thân (dân gian gọi linh hồn) thì theo nghiệp vãng sinh đầu thai vào cảnh giới tương ưng. Có hai trường hợp đó là, người tu rốt ráo miên mật (tức làm chủ được thần thức) và người chết bất đắc kỳ tử thì khi chết họ vãng sinh ngay, không qua giai đoạn lai thất 49 ngày của Thân trung ấm.

Căn cứ giáo lý đạo Phật, con người ta gồm hai phần: phần sắc là cái thân ngũ uẩn này, phần thức- tinh thần là Trung ấm thân. Khi con người hết duyên sống nơi trái đất này thì phần sắc thân trở về cát bụi, còn phần thức theo nghiệp đi luân hồi 6 nẻo như trên đã đề cập. Nếu người có thiện nghiệp thì khi chết sinh vào các cảnh giới tốt đẹp, ngược lại với người (ác đức) thì đọa lạc tam đồ: ngã quỷ, súc sinh, địa ngục. Còn với người huân tập tu hành rốt ráo thì ra khỏi sự cuốn hút luân hồi của tam giới trở về cõi vô sinh tức Phật giới.

Như vậy, khi chúng ta hết duyên sống nơi trái đất này, đời sống kế tiếp đi về đâu phụ thuộc hoàn toàn vào nghiệp thiện- ác của chúng ta đã tạo tác ở kiếp sống này. Bởi vậy, nên giáo lý đạo Phật rất chú trọng đến việc (dưỡng tử) tức lối sống và sự huân tập tu hành của con người ở kiếp sống hiện tại này. Do vậy, trong nhà Phật có câu: “thân này khó được, Phật pháp khó gặp” nhằm sách tấn người đời và người tu Phật phải luôn luôn tranh thủ thời gian (mượn cái thân) này để tu sao cho đạt đạo kẻo uổng phí một kiếp người.

Đây là mục đích cứu cánh của Phật giáo.

Nếu ai đã đọc Tử thư sống chết, chúng ta sẽ thấy người TâyTạng rất coi trọng vấn đề vãng sinh giải thoát, đặc biệt là họ chú trọng tuyệt đối tới giây phút lâm chung (cận tử nghiệp), bởi đây là thời điểm (chuyển di tâm thức cho người chết) nó có tính quyết định cảnh giới vãng sinh tốt hay xấu của họ.

Vậy nên người Tạng coi kiếp sống thế gian tức (cõi Ta-bà) này chỉ là bước đệm để tu giải thoát, hoặc chí ít cũng hướng tới một đời sống kiếp sau an toàn để tiếp tục tinh tấn tu trì. Để minh chứng cho điều này, ta hãy nghe người Tạng quan niệm về tinh thần và vật chất như thế này:

Trong tiếng Tây Tạng, từ thay cho thể xác là “Liu”, có nghĩa là “thể xác” cái để lại phía sau; ví như hành lý vậy! Mối lần nói đến “Liu”, người Tạng cho rằng: “mình chỉ là lữ khách cư trú tạm thời ở cái thân xác này. Chính vì vậy, mà họ không xao lãng thời giờ vào việc gia tăng tìm kiếm tiện nghi cho cuộc sống ở thế gian. Và họ cho rằng “chẳng có ai tâm trí lành mạnh lại nghĩ đến việc tô điểm căn phòng khách sạn khi mà họ thuê chỉ nghỉ tạm vài ngày”.

Chúng ta làm việc hay tu trì với sự thay đổi theo tư duy sáng suốt (nhập thế) giữa đời và đạo như thế, ta vẫn có cách chấp nhận vô thường mà vẫn thưởng thức được hương vị của cuộc đời. Bởi chúng ta biết dưỡng sinh và (dưỡng tử) ngay tại cuộc đời này. Vậy khi ta hiểu chánh pháp sâu mầu của đạo Phât sẽ giúp ta khám phá được tiến trình Nhân quả-Luân hồi tạo vật. Khi hiểu biết toàn triệt, ta sẽ thấy mình thênh thang trước chuyện sinh tử và sống hân hoan cùng hiện tại.

Cư sĩ: Nguyễn Đức Sinh
Số: 18. Tổ 29c.khu 8. Phường Quang Trung
TP. Uông Bí – Quang Ninh.
ĐT: (035.809.1688)
Tài liệu tham khảo:
-Mỗi ngày trầm tư về sinh tử - Sogyal RinPoche – (Nxb-TG ấn hành 2006)
-Tử Thư Tây Tạng (Nxb – Văn hóa Thông tin 2008)
Kinh A Hàm (VNCPG.VN - ấn hành 1997)