Tìm hiểu thử thách kiểm tra đột quỵ mà cố NS Chí Tài chia sẻ trước khi qua đời

Sáng 9.12, nghệ sĩ Chí Tài bị đột qụy và phải nhập viện Hoàn Mỹ, dù được các bác sĩ hết lòng chữa trị nhưng Chí Tài không qua khỏi. Trước đó không lâu, cố nghệ sĩ Chí Tài còn thực hiện một clip về chủ đề sức khỏe với nội dung thực hiện thử thách One Leg Challenge - Đứng một chân.


Sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài đã khiến đồng nghiệp, nghệ sĩ và người hâm mộ không khỏi bàng hoàng và tiếc thương. 

Vào chiều 9/12, thông tin cố nghệ sĩ Chí Tài qua đời được xác nhận là do chứng đột quỵ. Có lẽ tình trạng đột quỵ đã không còn là điều quá xa lạ đối với chúng ta. Bởi trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ người bị đột quỵ không phân biệt tuổi tác đang tăng lên rất nhanh. Đột quỵ được coi là căn bệnh nguy hiểm và luôn đến bất ngờ mà không báo trước, nên khó biết khi nào cần thăm khám, trừ khi ngã xuống phải đi cấp cứu.

Tuy nhiên, Ts.Bs Vũ Trí Thanh - Phó Trưởng cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng cho biết: "Người ngoài 50 tuổi có thể ghi nhớ 2 dấu hiệu và thực hiện 1 thử thách này mỗi ngày để sàng lọc sớm nguy cơ đột quỵ". Người ngoài 50 tuổi có thể thực hiện thử thách “One Leg Challenge - Đứng một chân” - đứng một chân và nhắm mắt 20 giây để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ. Đó cũng là bài tập được cố nghệ sĩ Chí Tài thực hiện cách đây vài ngày.

Nghệ sĩ Chí Tài chia sẻ sau khi thực hiện thử thách này thất bại: "Tại sao Đại Nghĩa làm dễ được mà mình làm không được… Bác sĩ nói nếu mà đứng một chân không tới 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Mình không thể bị đột quỵ, mình phải khỏe, phải hơn Đại Nghĩa…"

"Đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt" đã được chứng minh là phương pháp kiểm tra chứng đột quỵ đơn giản và có độ chính xác cao. Bản thân cố nghệ sĩ Chí Tài cũng đã thực hiện thử thách này nhưng kết quả nhận về là ông chỉ đứng được 4 giây.

Thử thách kiểm tra đột quỵ xuất phát từ đâu?

Thử thách "đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt" xuất phát từ nghiên cứu trên 1.387 người (trung bình 67 tuổi) của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản). Kết quả cho thấy, có đến 95,8% người không đứng được quá 20 giây.

Cả nghìn người thử thách thất bại được đưa đi chụp cộng hưởng từ não bộ để đánh giá mạch máu não. Không ngờ là có đến 50% người xuất hiện 1-2 ổ nhồi máu lỗ khuyết do cục máu đông (tắc động mạch nhỏ nằm sâu trong não) và 45% có 1-2 điểm vi xuất huyết (chảy máu ít trong não).

Các chuyên gia gọi đây là đột quỵ "thầm lặng". Việc không thể đứng quá 20 giây là dấu hiệu cho thấy các mạch thần kinh nằm sâu trong não đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...), nên không thể phối hợp ăn ý tay và chân đứng.

Khả năng đứng một chân và nhắm mắt giữ thăng bằng kém còn liên quan đến các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ như: mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá… Nói cách khác, khi các yếu tố nguy cơ này tăng lên, thời gian đứng sẽ giảm xuống, và dưới 20 giây là ngưỡng đáng lo.


Cơ sở khoa học của thử thách kiểm tra đột quỵ - "Đứng một chân trong trạng thái nhắm mắt"

Động tác đứng một chân tưởng như chỉ đơn giản là để giữ thăng bằng lại chính là một loại “thước đo” tình trạng sức khỏe, được sự đánh giá cao của cả chuyên gia Đông y và Tây y. 

Vào năm 1999, Hội đồng nghiên cứu y học Anh thực hiện một nghiên cứu lớn về bài kiểm tra này. Nghiên cứu thực hiện với 2.760 nam giới và phụ nữ 53 tuổi vào thời điểm đó. Các nhà nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện 3 bài kiểm tra đơn giản, gồm cả bài thử nghiệm đứng một chân này.

Khoảng 13 năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã thu thập kết quả. Đã có 177 tình nguyện viên qua đời: 88 người do ung thư, 47 người do bệnh tim và 42 người do các nguyên nhân khác.

Nhìn vào dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, cả ba thử nghiệm mà họ đã thực hiện năm 1999 đều dự đoán độc lập nguy cơ tử vong của một người, nhưng thử nghiệm đứng một chân cho kết quả chính xác nhất.

Cách thực hiện thử thách kiểm tra đột quỵ 

- Bước 1: Tháo giày dép ra.
- Bước 2: Đặt tay lên hông và đứng bằng một chân.
- Bước 3: Khi đã giữ được thăng bằng thì nhắm mắt lại.

Bài thử thách sẽ kết thúc khi bạn không thể đứng im, phải di chuyển bàn chân trụ và đặt chân kia xuống mặt đất để không bị té ngã.

Đột quỵ là căn bệnh luôn đến bất ngờ mà không hề báo trước, do đó, rất khó để bạn biết khi nào cần đi thăm khám, trừ khi ngã xuống phải đi cấp cứu. Chính vì thế, thử thách “đứng 1 chân” được Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo như một bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ tại nhà mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Bài thử thách đứng một chân không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra sức khỏe mà còn truyền đi thông điệp nhân văn, nhắc nhở tất cả mọi người hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, điều chỉnh lối sống, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi,... để có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ.

Minh Châu