Từ câu chuyện kinh doanh của một người Phật tử trẻ

Tôi có ý định viết bài này trong một lần cầm chai nước trái cây lên uống, bỗng khựng lại, nhìn kỹ chai nước, tự hỏi bao nhiêu phần trăm trong đây là trái cây thật, rồi bỏ xuống. Rất nhiều lần trước đó tôi đã ngần ngại khi uống những hộp sữa hay nước trái cây, và càng nhìn những hình ảnh minh họa đẹp đẽ bên ngoài tôi càng ngần ngại. Nhưng trong lần khựng lại đó, một câu hỏi xuất hiện trong đầu “Đây có phải điều mà người ta hay gọi là khủng hoảng niềm tin giữa con người trong xã hội ngày nay?”


Ta biết rằng trong Phật giáo, mình và người tuy hai nhưng chỉ là một. Cho nên, nếu là một việc lợi đúng đắn thì nó đồng thời lợi mình và lợi người. Mới đây Living Juice đạt được giải nhì của cuộc thi Forbes Start Up do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức, một cuộc thi dành cho các ý tưởng sáng tạo về khởi nghiệp ở Việt Nam.Thành công này như một minh chứng cho định nghĩa về việc lợi ở trên của Phật giáo không phải là một định nghĩa có tính cầu toàn, lý thuyết mà là một sự thực. Sự thực đó là trong cuộc sống, đặc biệt kinh doanh, người ta không cần phải chỉ nghĩ đến mình trước hết, đặt lợi ích của mình lên trên hết thì mới có thể “trụ” được, thành công được. Sự thực đó là “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim” (Howard Schultz) dù đoạn đường nó phải băng qua là “thương trường như chiến trường”.

Tôi có ý định viết bài này trong một lần cầm chai nước trái cây lên uống, bỗng khựng lại, nhìn kỹ chai nước, tự hỏi bao nhiêu phần trăm trong đây là trái cây thật, rồi bỏ xuống. Rất nhiều lần trước đó tôi đã ngần ngại khi uống những hộp sữa hay nước trái cây, và càng nhìn những hình ảnh minh họa đẹp đẽ bên ngoài tôi càng ngần ngại. Nhưng trong lần khựng lại đó, một câu hỏi xuất hiện trong đầu “Đây có phải điều mà người ta hay gọi là khủng hoảng niềm tin giữa con người trong xã hội ngày nay?”

Chắc hẳn ai cũng đủ thông tin để biết về tình trạng thực phẩm bây giờ với những vấn đề về hóa chất, mất vệ sinh, nguyên liệu kém chất lượng, đốt giai đoạn trong quá trình nuôi trồng, biến đổi gen… Và hẳn không chỉ riêng tôi mới từng có cảm giác ngần ngại (nhiều khi là sợ hãi nữa) khi sắp đưa thức ăn vào cơ thể mình. Tôi không có ý đi vào vấn đề ăn uống và sức khỏe mà chỉ muốn nói đến cái cảm giác ngần ngại cũng như những điều đằng sau nó. Cảm giác ngần ngại của tôi là gì nếu không phải là sự nghi ngờ, tệ hơn, sự mất tin tưởng vào lòng trung thực, tính lương thiện của người khác thông qua chai nước này?

Rõ ràng chuyện thực phẩm bây giờ không chỉ đơn thuần là miếng ăn ngụm nước mà đó đã trở thành vấn đề niềm tin giữa con người trong xã hội. Hãy thử nghĩ xem: một ngày ít nhất ba lần chúng ta đối diện với chuyện ăn uống, đó là chưa kể lúc đi mua hàng, và với những gì ta biết về chuyện thực phẩm hiện nay, thì có phải ngày này qua ngày khác niềm tin của ta đang bị xói mòn nhanh chóng hay không? Làm sao niềm tin có thể đứng vững khi người ta cứ nghi ngờ về những gì người khác làm ra? Làm sao niềm tin còn nữa khi cái cảm giác ngần ngại, bất an, lo sợ cứ thường trực trong từng miếng ăn?

Câu chuyện mà tôi sắp kể cũng liên quan đến miếng ăn, ngụm nước, nhưng là câu chuyện của niềm tin, của những niềm tin.

Đó là câu chuyện về cô Phật tử trẻ tuổi mà tôi biết khá rõ, hiện đang làm chủ một công ty nhỏ cung cấp nước ép trái cây tên Living Juice ở Thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của sản phẩm nước ép trái cây ở đây là độ sạch và nguyên chất của nó từ nguyên liệu cho đến quá trình chế biến được đảm bảo một cách đáng tin tưởng. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì cũng không có gì nhiều để nói, vì nó hay nhưng không thật sự quá mới, ít ra là trong suy nghĩ của mọi người. Nhưng như đã thưa trước, do tôi biết người Phật tử này khá rõ, nên biết con người cô, nên tôi hiểu và muốn bàn về những giá trị tinh thần đằng sau một chai nước ép trái cây của cô, cũng chính là những giá trị tinh thần cần có của một người Phật tử làm kinh doanh trong xã hội hôm nay.

Trước khi thành lập Living Juice, cô làm bên ngành quảng cáo. Với bản tính mẫn cảm, người nữ Phật tử này sớm nhận thấy công việc đang làm không phù hợp với mình. Không những không phù hợp, nó còn hút kiệt sức cô trong những suy nghĩ, đắn đo, giằng xé giữa đúng-sai, tốt-xấu, lợi-hại, được-mất. Nếu có thể làm ngơ trước tiếng nói trong tâm, nếu có thể giả lả cười chào khách hàng để bán được những gì mà chính mình không muốn mua, nếu có thể sống theo triết lý “người không vì mình, trời tru đất diệt” một cách thô thiển thực dụng như người ta vẫn nghĩ thì cô sẽ rất thành công trong nghề của mình.Nhưng bởi không thể làm ngơ, không thể giả điếc nên cô đau khổ, dằn vặt. Sau một thời gian dài như vậy, cuối cùng người con gái trẻ quyết định bỏ công việc trong ngành quảng cáo, ngành mình được học để làm, dù rằng quyết định đó rất khó khăn vì nó sẽ đưa bản thân đối mặt với những vấn đề về công việc, tài chính, gia đình.Tiếp tục trải qua một giai đoạn khó khăn, thời gian sau, cô thành lập Living Juice.

Thiết nghĩ cũng nên nói đến một chai nước ép Living Juice để hiểu về người chủ của nó. Chai nước ép này được chăm chút rất kỹ: trái cây vừa chín tới được chọn mua buổi sáng và không dùng trái cây đã trữ qua đêm (hiện nay công ty đang tìm đến tận vườn để đảm bảo trái cây sạch nhất có thể), nước ép không bỏ đường, chất bảo quản, sản phẩm được giao tận nơi để đảm bảo người tiêu dùng duy trì được thói quen uống nước trái cây tinh sạch,và đáng trân trọng là trên mỗi chai nước ép có kèm theo một mảnh thiệp nho nhỏ với những lời nhắn nhủ, động viên, yêu thương…

Có thể nói rằng mặc cho tất cả những gì được thể hiện ở trên chai nước ép kia tuy rất hay, rất đẹp nhưng không thể kết luận về giá trị tinh thần mà tôi muốn nói đến. Vì một người làm kinh doanh khéo léo, có đầu óc, hiểu tâm lý khách hàng hoàn toàn có thể làm những điều này mà thực chất trong lòng họ không hiện hữu sự quan tâm người khác, sự hướng đến lợi ích của người khác mà chỉ là những cách thức để đạt được lợi ích cho mình. Vậy tôi dựa vào gì để kết luận về giá trị tinh thần trong chai nước này? Tôi dựa vào sự hiểu biết của tôi về chủ nhân của nó. Điều này đủ để cho tôi một niềm tin rằng sản phẩm của cô chính là con người cô, con người mà tôi biết, và nó chứa đựng những giá trị trong tâm hồn cô. Giá trị đó là gì? Đó là tinh thần vì người khác, một giá trị ngày một hao mòn trong xã hội nói chung và trong ngành kinh doanh nói riêng, và trong ngành chế biến thực phẩm nói riêng nữa.

Không khó khăn để đưa ra bằng chứng cho những gì tôi nói ở trên. Hãy lướt qua các trang báo thì biết. Hãy ăn thử trong một quán bún thì biết. Hãy đến một vườn rau, một chuồng gia súc thì biết. Nếu như tinh thần vì người khác không hao mòn chúng ta đã không quá khó khăn khi tìm một trái chuối chín tự nhiên, một tô bún từ nước hầm xương thay vì bột nêm, một hộp sữa không pha nước pha đường…Vì người khác, một, được hiểu là chướng ngại vật trên con đường sống, con đường thành công của mình; hai, được hiểu như là một phương pháp để đạt được lợi ích cho mình. Với cách hiểu thứ nhất, vì người trở nên đối lập với vì mình; với cách thứ hai, vì người là công cụ của vì mình. Cả hai cách hiểu đều sai, đều nguy hại, và cả hai cách hiểu đều có chung kết quả là hại mình lẫn hại người không trước thì sau.

Ta biết rằng trong Phật giáo, mình và người tuy hai nhưng chỉ là một. Cho nên, nếu là một việc lợi đúng đắn thì nó đồng thời lợi mình và lợi người.Mới đây Living Juice đạt được giải nhì của cuộc thi Forbes Start Up do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức, một cuộc thi dành cho các ý tưởng sáng tạo về khởi nghiệp ở Việt Nam.Thành công này như một minh chứng cho định nghĩa về việc lợi ở trên của Phật giáo không phải là một định nghĩa có tính cầu toàn, lý thuyết mà là một sự thực. Sự thực đó là trong cuộc sống, đặc biệt kinh doanh, người ta không cần phải chỉ nghĩ đến mình trước hết, đặt lợi ích của mình lên trên hết thì mới có thể “trụ” được, thành công được. Sự thực đó là “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim” (Howard Schultz) dù đoạn đường nó phải băng qua là “thương trường như chiến trường”.

Một điều đáng nói hơn nữa: “Sau khi đạt giải nhì, có vài nhà đầu tư quan tâm, nhưng họ muốn con làm sao cho nước giữ được lâu hơn để bán trong siêu thị mới nhiều tiền. Con từ chối vì nước trái cây qua một ngày là hết vitamin rồi. Con quan tâm chuyện khách hàng có được vitamin nhiều nhất.” Tôi rất khâm phục khi nghe cô kể điều này. Tôi không phải là người kinh doanh, người hiểu biết về kinh doanh, nhưng nghĩ rằng thật khó để từ chối những cơ hội làm cho sản phẩm mình, công ty mình, đứa con mình được lớn lên, phát triển, và nhất là đem lại lợi nhuận, cũng như thật khó để giữ được tâm nguyện, mục đích, hướng đi ban đầu không rẽ, không lạc trong dòng sống.

Câu chuyện của người nữ Phật tử này cũng làm tôi nghĩ đến sự thành công. Tôi nghĩ rằng cô đã thành công không chỉ ở cái giải thưởng kia mà thật sự thành công khi từ chối những lời mời mọc sau này. Với sự từ chối ấy, người từng bị dày vò khi làm công việc khiến mình đấu tranh giữa tốt-xấu, lợi-hại, đúng-sai, ta-người đã thoát khỏi việc đi vào con đường mệt mỏi đó lần nữa. Bằng việc tránh đi vào mê lộ đề bảng hiệu “thành công, phát triển”, cô gái trẻ giữ được sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn mình. Mà nói cho cùng, sự thanh thản bình yên đó (một tên khác là hạnh phúc) chính thực cái đích đến của mọi con người, ngay cả những người theo đuổi thành công. Vì nếukhông được hạnh phúc bảo chứng, thành công chỉ là một ngân phiếu vô giá trị.

Ta sẽ có cảm tưởng rằng những gì Living Juice đạt được hiện nay dường như là kết quả của thiên thời địa lợi và lòng người đang quá khiếp sợ với loại nước trái cây đậm màu hóa chất hoặc thoảng mùi hư héo nếu không biết nhiều khó khăn mà công ty trẻ-nhỏ này phải đối mặt những ngày đầu. Nếu nghĩ thành quả đó là may mắn và dễ dàng thì người ta sẽ cho rằng con đường kinh doanh đặt nền tảng trên nguyên lý “lợi mình lợi người” chỉ tồn tại và phát triển được dựa vào may mắn, có tính chất nhất thời và không khả thi trong môi trường kinh doanh thực. Cho nên xin nói sơ về những khó khăn Living Juice đã trải qua.

Những chai nước đầu tiên, nghĩ rằng chúng được đón nhận nồng nhiệt thì ta lầm to. Khá dễ dàng để khiến người ta uống thử lần đầu một chai nước trái cây làm theo cách mới. Để khách chọn uống lần thứ hai, thì lần đầu phải để lại trong họ một ấn tượng tốt đẹp. Nhưng để người ta chọn uống lần thứ ba thì không những để lại một ấn tượng tốt đẹp về cái mới mà đồng thời phải xóa bỏ được cả thói quen cũ đã bám rễ.Lưu lại ấn tượng tốt ngay lần đầu ư? Khó lắm, khi nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cùng quy trình chế biến kỹ càng, sạch sẽ đã nâng giá thành lên gấp đôi so với chai nước họ thường mua ngoài đường. Thay đổi thói quen tiêu thụ cũ ư? Càng gian nan hơn nữa khi đa số người tiêu dùng sẽ chọn chai nước “rẻ” và “nhiều” chứ không mấy quan tâm đến độ sạch, độ nguyên chất, độ tươi trong đó. Chai nước của cô: gấp đôi giá thành, thể tích ít hơn (vì nguyên chất, không đá), thì cho dù cái giá trị về sức khỏe có gấp bao nhiêu lần chai nước bình thường cũng khó trở thành một chọn lựa mới cho thói quen ăn uống của khách hàng.Tâm lý chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài về sau, rằng nước nào cũng là nước nên mua chai mươi, mười lăm ngàn to to kia rõ ràng “lời” gấp đôi chai hai lăm, ba chục ngàn nho nhỏ này, là con dốc cao lầy lội mà cô phải trầy trượt vượt qua để mang sản phẩm của mình đến cho người tiêu dùng.Thêm vào đó là baokhó khăn khác mà người khởi nghiệp nào cũng phải đối diện. Nên nhiều lần cô định bỏ cuộc…

Nhưng như tôi nói từ đầu, thực phẩm bây giờ không chỉ chuyện miếng ăn ngụm nước mà nó còn là chuyện của niềm tin. Nếu trước đây người ta ngần ngại khi nghĩ cô đang cố phỉnh họ mua chai nước thể tích ít hơn mà giá gấp đôi thì sau khi hiểu rõ những gì đằng sau, những gì làm nên ngụm nước mình đang uống, sau khi hiểu rõ cái giá trị dinh dưỡng và tinh thần của nó, nhất là sau khi thấy sức khỏe được cải thiện qua thời gian sử dụng, họ trở nên tin tưởng, ủng hộ và giới thiệu cho bạn bè. Cô bắt đầu bán được hàng.

Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng câu chuyện của người Phật tử trẻ này, tuy nhỏ, nhưng là cái nhỏ của khe hở trên vách tường một căn phòng, nếu chúng ta nheo mắt, chú tâm nhìn vào đó sẽ thấy được cảnh quan rất rộng bên ngoài.

Đó là quan cảnh của cuộc chiến hiện nay trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất chế biến thực phẩm nói chung. Bên này là những con người, xí nghiệp, công ty, tập đoàn vì tiền bạc mà không chừa bất cứ phương thức, thủ đoạn, chiêu trò nào để đạt được lợi nhuận lớn nhất bất chấp cái hậu quả khủng khiếp để lại lên cơ thể con người, môi trường sống và trái đất. Bên kia là những con người làm ăn chân chính, lợi mình lợi người, “tốt ở đầu, tốt ở sau và tốt ở giữa” [i], cũng như những con người đã nhìn thấy viễn cảnh u ám nếu như nền kinh tế cứ đi theo con đường của lòng tham vô độ và họ đã đứng dậy, đã nói lên, đã đi theo hướng khác.

Đó là quan cảnh của những người Phật tử trẻ hiện nay cần xác định lý tưởng sống của mình, một lý tưởng hài hòa giữa ta và người, sống theo lý tưởng đó để rồi ích mình lợi người qua cuộc sống bản thân. “Vô ngã, vị tha” luôn là kim chỉ nam cho người con Phật trên la bàn định hướng hạnh phúc. Đồng thời, câu chuyện cũng là dịp để những người trẻ định nghĩa lại về sự thành công, về mục đích cuộc sống, về những gì tạo nên giá trị cho bản thân mình.

Sau cùng, tôi có một ước mơ nho nhỏ là ngày nào đó, bữa cơm của chúng ta sẽ hạnh phúc giản dị như bữa cơm ngon lành ngày trước mẹ vẫn dọn trên chiếc chiếu ngoài hiên nhà dưới ánh trăng trong mát.
          
[i] Khái niệm “sơ thiện, trung thiện, hậu thiện” trong kinh Phật