Chùa Thích Ca Phật Đài

Thích Ca Phật Đài là khu di tích kiến trúc Phật giáo của phái Nam tông, nằm trên triền núi Lớn, thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Men theo con đường Trần Phú, đi qua Bến Đá, Bến Đình, du khách sẽ trải qua nhiều cảm xúc khác nhau với cảnh quan tuyệt đẹp của nơi đây: ba phía là biển, thuyền tàu đầy bến, ban đêm rực ánh đèn.

 

Lịch sử
Trước đây, vùng đất này cây cối rậm rạp, không có người sinh sống. Năm 1957, ông Lê Quang Vinh, một công chức thời Pháp thuộc, bất mãn với chế độ nên đã bỏ lên đây dựng chùa để tu hành, gọi là Thiền Lâm tự. Năm 1962 Giáo hội Phật giáo nhận thấy Thiền Lâm tự toạ lạc ở một vị trí có khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, là vùng đắc địa tụ kết khí thiêng, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, Phật tử thập phương hành hương nên đã lập đồ án xây dựng quy mô Thiền Lâm tự thành Thích Ca Phật Đài. Công trình được khởi công ngày 20/7/1961. Sau hơn 19 tháng xây dựng, ngày 15 tháng 02 năm Quý Mão (1963), Thích Ca phật Đài được khánh thành.

Kiến trúc – cảnh quan
Chùa tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 5ha, bao gồm hai khu vực: phía dưới là Thiền Lâm tự, phía trên là Thích Ca Phật Đài.

Ngay dưới chân núi Lớn, sát đường đi du khách sẽ thấy một cổng tam quan to lớn với 4 trụ cột vươn lên vững chắc, thanh thoát. Trên cổng có biểu tượng pháp luân, tức bánh xe luân hồi trong pháp lý nhà Phật. Tám chiếc căm xe tượng trưng Trung đạo. Vòng ngoài có bốn núm tiêu biểu cho Tứ Diệu Đế. Trên bốn cột của tam quan là bốn búp sen biểu tượng cho sự trong sạch, tinh khiết, thanh cao của Nhà Phật.

Qua cổng tam quan, men theo từng bậc đá quanh co trên sườn núi, du khách có thể vừa đi vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp hai bên. Một bên vách núi nhẵn nhụi như tường thành, một bên là lũng sâu soải dài ra phía biển. Gần đến đỉnh là một khu rừng thưa ríu rít tiếng chim trong các tán cây.

Cảnh tượng đầu tiên mà du khách nhìn thấy là toà Bảo tháp. Đây là nơi ghi nhớ và tưởng niệm người đã có công khai sơn tạo tự: nhà sư Giác Pháp tức quan phủ Lê Quang Vinh. Tiếp theo là khu Vườn tượng, ở độ cao 25m. Đây là khu vực của những công trình điêu khắc được xây dựng dựa theo những sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca, từ khi Người ra đời đến khi nhập cõi Niết Bàn.

Tượng Đức Phật Đản Sinh: diễn tả một chú bé đứng trên toà sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Truyền thuyết kể lại rằng Đức Phật là thái tử con vua ấn Độ được sinh vào năm 623 trước công nguyên. Nay sau khi chào đời thái tử bỗng vùng dậy và bước đi bảy bước, cứ mỗi bước của ngài có một bông sen nở ra đỡ láy bàn chân. Đứng trên bông sen thứ bảy, thái tử chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất với ý nghĩa "Thiên thượng thiên ha hạ duy ngã độc tôn" (giữa trời và đất, chỉ mình ta cao nhất)

Tượng Cắt Tóc Đi Tu: là hình ảnh một chàng trai dùng kiếm cắt tóc diễn tả sựu tích: Năm 16 tuổi Thái tử lập gia đình và cứ thế cuộc sống trôi đi êm ả làm thái tử nhàm chán, chàng xin phép vua cha cho đi ngao du ngoài cung điện. Qua bốn lần ra khỏi hoàng thành bằng 4 cửa khác nhau, chàng đã chứng kiến 4 cảnh tượng khác nhau. Lần thứ nhất chàng thấy cảnh một đứa bé chào đời. Lần thứ hai là cảnh một bà già lụ khụ đi ăn xin. Lần thứ ba là cảnh một người bệnh và cuối cùng là một đám ma. Từ đó ngài đã biết được bức tranh toàn cảnh về đời sống con người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi.

Trái với cuộc sống cao sang của cung điện, đời sống của đa số nhân loại ngoài hoành thành đắm chìm trong nỗi cực khổ để tìm kiếm miếng cơm manh áo và chống trả với bệnh tật, đến khi chết đi vẫn là gánh nặng cho người thân. Điều này làm thái tử không khỏi day dứt, boăn khoăn. Chàng muốn tìm một con đường để giải thoát chúng sinh ra khỏi cái vòng lẫn quẩn đầy đau khổ của cuộc đời. Vào một đêm mưa to gió lớn, sau khi nhìn lần cuối người vợ thân yêu và đứa con trai bé bỏng. Thái tử lặng lẽ trốn ra khỏi hoàng cung trên lưng con ngựa Kanthala cùng dẫn theo tên hầu Chana. Đến một khu rừng hoang dã, chàng xuống ngựa dùng kiếm cắt tóc để biểu lộ quyết tâm sắt đá của mình bắt đầu cuộc sống tu hành.

Tượng Kim Thân Phật Tổ: là hình ảnh Đức Phật khi tu luyện và đắc đạo. Đức Phật ngự trên Đài hành lễ cao 4,5m. Đài được đúc bằng ximăng hình bát giác. Phía trên là bông sen cao 2m. Phật Thích Ca ngự trên tòa sen cao 5,lm. Tượng Kim Thân được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Ngày 20/07/1962 khi đem gắn đầu vào tượng, tương truyền lúc ấy nền trời xanh ửng lên một vầng hào quang quanh mặt Phật. Được biết trong pho tượng Kim Thân có tôn trí ba viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật.

Vườn Lộc Giả: Sau khi thành Phật Thích Ca, Ngài đã truyền bá đạo Phật cho nhân loại. Ngài đến vườn Lộc Giả (lsipatanr) và giảng đạo Phật cho các vị đạo sĩ và đệ tử. Để ghi nhận quá trình này người ta đã dựng ở đây nhà Bát giác, tượng trưng cho Đức Phật chuyển Pháp luân. Bên trong có các nhóm tượng: Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen cao l,2m; năm tượng đạo sĩ ngồi vây quanh nghe thuyết pháp, mỗi tượng cao 0,6m. Chung quanh ghi lại những lời dạy của Phật, nêu ra tám con đường cứu thoát cho nhân loại, còn gọi là Bát chánh đạo. Trên đỉnh toà nhà có đúc một ngọn "Đuốc Huệ" với ý nghĩa "Phật quang phổ chiếu". Dưới "Đuốc Huệ" là 12 nấc "Thập nhi nhân duyên" nói lên 12 căn cơ con người sẽ vường mắc trong cuộc đời trần tục, dưới nữa được xây hình bốn mặt tượng trưng cho "Tứ diệu đế"

Tượng voi và khỉ dâng hoa cho đức Phật: Theo sự tích của nhà Phật thì trong số đệ tử của đức Phật có hai vị cao tăng thường hay tranh cãi lẫn nhau dần dần dẫn tới hiềm khích. Sau khi hoà giải không được. Đức Phật bèn bỏ vào rừng. Có lẽ thú vật cũng cảm ứng được giáo pháp của ngài nên hàng ngày voi và khỉ đều đến dâng quả. Sau này hai người ngộ ra được nên hoà thuận trở lại.

Tượng Phật Nằm: Quay mặt về hướng Tây trên một bệ ciment cao 4,2m (Phật thân cao 2,4m kề từ vai xuống), dài 12,2m. Phía trước có bốn tượng Tỳ kheo chấp tay cung kính. Phía sau có năm tượng Tỳ kheo ngồi chắp tay hướng về Đức Phật. Tượng diễn tả lúc đức Phật nhập Niết Bàn và các đồ đệ xung quanh. Năm ấy được các đồ đệ của Ngài gọi là năm Phật Lịch thứ nhất tức là năm 544 trước công nguyên

Tháp xá lỵ bát giác: Là một toà tháp cao 19m, bên trên có tôn trí 13 viên Xá Lợi Đức Phật, được đựng trong một hộp bằng vàng. Đây là niềm đại hạnh cho các phật tử Việt Nam nói chung và phật tử Vũng Tàu nói riêng. Lối lên Bảo tháp có đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu tượng trưng cho Đại Hùng-Đại Lực. Dưới chân tháp có một thích án để thờ, trên khắc chữ: "Nam mô Bồn sư Thích Ca Mâu Ni Phật" (Hết lòng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp đặt bốn cái đỉnh lớn bên trong chứa bốn nắm đất thiêng được thỉnh từ 4 nơi ở Ấn Độ là: Lumbini (nơi Ngài Đản sanh), Buddha Caya Uruvfla (nơi Ngài thành đạo), Isipatana (nơi Ngài truyền đạo) và Kusinara (nơi Ngài nhập Niết Bàn)

Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài được thể hiện trên triền núi như nửa vầng trăng, được chia thành ba cấp theo một hình tháp cao dần từ dưới lên. Từ vị trí của Thích Ca Phật Đài, nhìn chung quanh sườn núi lớn, biển hiện ra ở cả 3 phía.

Từ đây có thể nhìn thấy mũi Cần Giờ, đảo Long Sơn và tổ hợp dàn khoan dầu khí ngoài khơi xa. Với địa thế thiên nhiên và cảnh quan hùng vĩ, khu vực Thích Ca Phật Đài đã trở thành điểm du lịch - văn hóa nổi tiếng có sức thu hút đông đảo du khách đến tham quan Vũng Tàu.
 
 
Cổng Tam quan
 

 Tượng đức Phật Thích Ca Thành đạo

 

Voi và Khỉ dâng trái cây cúng Phật

 

Đường lên tháp xá lợi Phật

BBT website