Chùa Xuân Lan

Chùa Xuân Lan thuộc thôn Trung, xã Hải Xuân, huyện Hải Ninh, cách biên giới Việt Trung khoảng 3 km, cách thị xã Móng Cái 2 km.


Chùa Xuân Lan được xây dựng từ bao giờ không ai rõ. Điều đặc biệt lưu ý là, đến nay chùa còn lưu giữ được một số tượng Phật rất lớn (trong đó có 5 pho tượng thời Lê). Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc gỗ với những đường nét tinh vi sắc sảo mang phong cách thời Lê. Qua đây, có thể khẳng định rằng, ngôi chùa được xây dựng từ cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, cách ngày nay khoảng trên ba thế kỷ.

Xuất phát từ ý niệm của người dân nông nghiệp trong vùng, ngôi chùa là trung tâm văn hoá của làng, hầu hết mọi sinh hoạt có tính chất xã hội của cộng đồng đều được diễn ra ở chùa. Mặt khác, do nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân trong vùng ngày càng cao nên nhân dân đã đóng góp công của để xây dựng lên ngôi chùa này và nó đã được lưu giữ như hiện nay.
 
 

Chùa Xuân Lan tọa lạc trên một mô đất cao, phía trước chùa là một hồ nước hình bán nguyệt và con sông Ca Long uốn lượn trước cửa chùa rồi chạy thẳng ra Mũi Ngọc. Theo các cụ già trong làng thì chùa được xây dựng trên trán con rồng và mắt rồng là ao trước cửa chùa. Đây là mảnh đất cao ráo, thoáng đãng. Dòng sông Ca Long bắt nguồn từ Trung Quốc chảy thẳng vào cửa chùa rồi ngưng lại uốn khúc ở đó để tụ lại nguồn khí thiêng nơi địa đầu của Tổ quốc. Bởi thế mà từ rất lâu đời, ngôi chùa đã đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây một điều gì đó rất linh thiêng và gắn bó. Đến nay, chùa vẫn còn gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Chùa Xuân Lan quay hướng nam, hướng bắc giáp trường học, phía tây giáp đài tưởng niệm, phía đông giáp đường Quốc lộ.

Lối đi vào chùa là các bậc thềm, trước kia được ghép bằng các khối đá xanh, trải qua thời gian và chiến tranh, nên đã bị huỷ hoại phần nào. Hiện tại các bậc thềm này được làm xen kẽ với gạch nung. Tiếp theo là sân chùa được lát bằng một lớp vữa xi măng, xung quanh bó gạch tạo nên một không gian thoáng mát trước cửa chùa.
 

Chùa bố cục mặt bằng hình chữ đinh, toà tiền đường gồm 5 gian bịt đốc, nối liền với hậu cung 3 gian 2 chái tạo thành. Phía trước hai bên chùa là nhà Tổ và nhà Mẫu. Ngoài ra, chùa còn có nhiều kiến trúc phụ khác như: nhà sắp lễ, bếp, giếng... Hầu hết các công trình được xây dựng bằng một loại gạch xanh hết sức đặc biệt: gạch xanh được đóng bằng đất bãi ven sông, sau đó xếp vào lò và chất củi đốt xung quanh, đến khi gạch chín, người làm gạch lại chất vào hầm hun khói tới khi gạch chuyển màu xanh là được. Viên gạch có kích cỡ dài 30cm, rộng 18cm và dày 6cm.

Diện tích của ngôi chùa như sau:

- Tiền đường: diện tích 145,8m2 (rộng 13,5m, dài 10,8m)
- Hậu cung: diện tích 68,06m2 (rộng 8,3m, dài 8,2m)
- Nhà Tổ: diện tích 48,72m2 (rộng 5,8m, dài 8,4m)
- Nhà Mẫu: diện tích 21m2 (rộng 7m, dài 3m)
- Sân chùa: diện tích 189,50m2 (rộng 8,3 + 13,5m, dài 17,2m)

Tổng diện tích của ngôi chùa là 473,08m2.

Tổng diện tích đất chùa là 18.205m2, bao gồm cả khu trường học và đài tưởng niệm.

Chùa Xuân Lan chủ yếu được xây dựng bằng các cấu kiện đá xanh. Các bậc lên chùa bằng đá xanh, các cột, xà ngang bằng đá. Và đặc biệt chùa vẫn còn lưu giữ một pho tượng đá. Chất liệu đá làm nên những cấu kiện này là những phiến đá có kích cỡ lớn, được đem từ núi Tổ Chim về (núi Tổ Chim là một đảo đá lớn nằm ở phía ngoài phường Trà Cổ, giáp biên giới Việt Trung).

Những nét chạm khắc ở các cấu kiện này hết sức tinh xảo, các mộng đá, gỗ được ghép vào nhau rất khít, tạo thế vững chãi, bền chắc cho ngôi chùa.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc đá, chùa Xuân Lan còn lưu giữ được những mảng chạm khắc gỗ có giá trị. Đặc biệt là các mảng chạm khắc ở vì kèo, đầu dư, đầu bảy, bức cốn... được các nghệ nhân thời trước chạm trổ kênh bong với những hình long, ly, quy, phượng và các hoa văn khác với những đường nét tinh vi, sắc sảo và mềm mại, mang vẻ đẹp thâm nghiêm cả về tạo hình và tâm linh.

+ Giá trị lịch sử

Chùa Xuân Lan được xây dựng từ rất lâu đời, trải qua ba cuộc chiến tranh, ngôi chùa vẫn là nơi hội tụ tín đồ thập phương và là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Xuân Lan là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và cũng là nơi trú quân của một tiểu đoàn Đệ tứ chiến khu Đông Triều.

Năm 1946, dưới sự đàn áp khắc khe của thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, ngôi chùa vẫn là nơi hoạt động của các phật tử yêu nước. Cũng trong năm 1946, là cờ Tổ quốc được kéo lên ngay trên nóc chùa do người địa phương treo. Cũng năm này, phật tử của chùa cũng tổ chức lễ tế cờ để diệt quân Pháp và bè lũ tay sai. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà chùa là nơi tiễn đưa hàng ngàn con em địa phương lên đường đánh Mỹ, bảo vệ Tổ quốc.

+ Giá trị văn hoá

Chùa Xuân Lan là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân trong vùng và khách thập phương. Trải qua 3 thế kỷ, thời nào chùa cũng được nhân dân sùng kính và tu đạo. Hiện tại chùa có khoảng trên 100 phật tử.

Các ngày lễ chính: Ngày hội chùa được tổ chức vào mùa xuân, bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu vào ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) và kết thúc bằng lễ hạ nêu vào ngày 28 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm. Vào những ngày này, các phật tử thường xuyên tới chùa, nhân dân trong vùng và khách thập phương cũng đến lễ rất đông.
Ngày mồng 8 tháng 4 (âm lịch) là ngày sinh Đức Phật Thích Ca.
Ngày mồng 3 tháng 3 là ngày giỗ Mẫu.
Ngoài ra, ngày mồng 1 và tuần rắm hằng tháng cũng là ngày lễ chùa.

+ Giá trị nghệ thuật

Chùa Xuân Lan là một di tích kiến trúc cổ, được xây dựng từ lâu đời, căn cứ vào thượng lương và các mảng chạm khắc gỗ ở các bức cốn, vì kèo, đầu dư, đầu bảy... cho thấy chùa mang đậm phong cách thời Lê, Nguyễn, do các hiệp thợ xứ Nghệ và xứ Thanh thể hiện.

Chùa Xuân Lan còn lưu giữ được 5 pho tượng thời Lê, 15 pho tượng thời Tây Sơn, một chân nến đồng cổ đúc hình con hươu và một số hiện vật khác có giá trị về mặt điêu khắc.

Đặc biệt hơn cả là ngôi chùa được kiến trúc chủ yếu bằng chất liệu đá xanh. Trong chùa có 30 cột đá lớn nhỏ và một số xà ngang. Các cột đá này được làm từ những tảng đá xanh có kích thước lớn, được lấy từ núi Tổ Chim, nơi địa đầu của Tổ quốc Việt Nam.

Tóm lại, chùa Xuân Lan nằm sát biên giới Việt Trung, nơi có nền Phật giáo lâu đời nhưng ngôi chùa vẫn mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Cùng với đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, khu di chỉ Vạn Ninh, Giếng Guốc, nhà thờ và bãi tắm Trà Cổ, chùa Xuân Lan tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hoá có giá trị, là "cột mốc văn hoá đường biên" nơi địa đầu của Tổ quốc.